Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Nguyễn Bỉnh Khiêm là con của ông Nguyễn Văn Định và bà họ Nhữ (con gái của Thượng thư Nhữ Văn Lan) - một người phụ nữ có học vấn, tinh thông việc tướng số. Từ nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ dạy dỗ rất cẩn thận nên sớm tỏ ra trưởng thành. Khi lớn lên, nghe tin ở Thanh Hoá có Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là người hay chữ nên ông đã tìm vào để thỉnh giáo. Sau khi học ở nhà thầy Lương Đắc Bằng, ông đi thi và đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1535. Ông được nhà Mạc bổ làm Tả Thị Lang bộ Lại. Năm 1542, ông dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần nhưng không được chấp nhận nên cáo quan về ở ẩn. Sau đó, nhà Mạc lại mời ông ra làm Thượng thư bộ Lại rồi làm Thái phó tước Trình Quốc công. Vì vậy nhân dân thường gọi ông là Trạng Trình. Năm 70 tuổi ông xin về hưu rồi ở quê cho đến lúc mất.
Trong những năm cáo quan ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, tự xưng là Bạch Vân cư sỹ rồi mở trường dạy học. Học trò của ông có rất nhiều người nổi tiếng cả về văn lẫn võ. Về văn thì có: Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan... về võ có Nguyễn Quyện. Học trò của ông sau khi học thành tài thì tìm ra nhiều con đường để tiến thân. Có người theo nhà Mạc, người theo Lê, người phụng sự cho chúa Trịnh nhưng tất cả đều rất tôn trọng ông. Không chỉ học trò mà tất cả những người thời đó đều coi ông như một bậc thầy đáng kính. Các Triều đình nhà Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn... đều rất kính trọng ông và thường sai người đến xin chỉ dạy. Nguyễn Bỉnh Khiêm không câu nệ đường lối chính trị nên đều tận tình chỉ bảo cho tất cả. Và tất cả các thế lực chính trị lúc bấy giờ đều công nhận những chỉ dẫn của ông là đúng. Vì vậy người ta coi ông là bậc đại hiền, bậc tiên tri. Nói về tài tiên tri của ông, hiện trong dân gian còn lưu truyền lại rất nhiều giai thoại. Người đời sau cho rằng ông được mẹ truyền dạy cho thuật tướng số lại được thầy Lương Đắc Bằng truyền cho cuốn Thái ất thần binh nên ông có năng lực tiên tri rất phi thường. Dân gian nói rằng những bài thơ, những câu ca dao mà Trạng Trình làm ra là điềm báo trước cho những sự kiện đời sau. Những bài thơ tiên tri đó được tập hợp trong cuốn "Trình Quốc công sấm ký"... Trong lòng của các học trò, ông là thầy giáo tài ba, là Tuyết Giang phu tử lừng lẫy. Trong cảm quan văn hoá dân gian ông được coi là một ông trạng, một vị tiên.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà văn hoá, một tác giả lớn. Tác phẩm của ông được sưu tầm trong "Bạch Vân am thi tập" và "Bạch Văn quốc ngữ thi". Trong phần tác phẩm chữ Hán, người ta thấy toát lên nội dung Triết học theo nguyên lý kinh dịch và lý học với nhiều luận điểm về sự tuần hoàn, về nguyên lý âm dương. Trong các tác phẩm quốc âm, người ta lại thấy sự phê phán thói xấu ở đời và tấm lòng yêu mến cái đẹp... Nói chung, thơ văn của ông bộc lộ lòng yêu thương nhân dân, yêu nước; thể hiện đức tính thanh cao và phong thái siêu phàm thoát tục. Và ông cũng tự nhận rằng ông là một vị tiểu thần tiên đứng trong cuộc đời đầy rẫy sự thị phi.
Đi sâu vào cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách là một thầy giáo, người ta thấy rằng ông là một người thầy theo đúng nghĩa. Ông thực sự mở trường lớp, thu nhận học trò và đặc biệt là có đường lối và phương pháp giáo dục riêng. Nếu Nguyễn Trãi là người cô đúc luân lý đạo đức truyền thống cứu nước Việt Nam thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là người phát biểu những quan điểm triết học truyền thống đó.
Thơ Nôm của ông diễn đạt những triết lý xuất phát từ cuộc sống của nhân dân lao động và đã hình thành được một tư tưởng duy vật thực tiễn. Có thể nói, ông là người Việt Nam đầu tiên nêu ra những phạm trù triết học như: đầy vơi, hoạ phúc, thua được, dữ lành... Bằng cách bám sát cuộc sống lao động, ông đã khám phá được những mâu thuẫn và sự tương quan giữa các sự vật. Từ những sự khám phá đó, ông đã vạch ra đường hướng cho nhân dân. Bởi vậy mà các tập đoàn phong kiến đều tìm đến ông để xin những lời chỉ dẫn sáng suốt. Trong con mắt của chế độ phong kiến cũng như của nhân dân lao động ông là bậc tôn sư, là người thầy tài cao đức trọng.
Bản thân cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một bài học đẹp đẽ. Người đời đục thì ông trong, người ta tốì thì ông tránh tối tìm sáng. Ông sống cuộc sống nhàn tản nhưng không tách khỏi thế sự. Ông tuy lánh đời nhưng vẫn luôn quan tâm đến việc đời. Ông lên tiếng phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, ông chỉ trích sự bành trướng của đồng tiền và luôn sống như những gì mình nói. Tuy nhiên ông không cố chấp, không khư khư sống theo chủ trương mù quáng. Rõ ràng ông làm tôi cho nhà Lê nhưng vẫn giúp nhà Mạc, hướng dẫn cho chúa Trịnh, chúa Quyền. Thế mà những lời giảng giải của ông đều được chấp nhận mà không hề có sự nghi kỵ, mỉa mai. Đó chính là chỗ mang ý nghĩa giáo dục trong lịch sử.
Trường học nổi tiếng của ông có tên là Bạch Vân, học trò của ông đều là những người nổi tiếng trong cuộc sống chính trị cũng như văn học. Sở dĩ người ta tin theo ông, tin theo những lời tiên tri của ông cũng bởi vì ông có một lối truyền thụ rất đặc biệt. Dù là giảng giải vấn đề gì ông cũng chỉ nói bóng gió sâu xa chứ không muốn để lộ thiên cơ.
Lối dạy đó giúp cho học trò phát triển tư duy, sự liên tưởng. Đó là biện pháp gợi mở trí khôn, đòi hỏi sự động não rất lớn. Dạy như vậy người thầy sẽ tránh được sự độc đoán còn học trò sẽ thoát khỏi sự thụ động thông thường. Thực tế cho thấy rằng những người đến lĩnh giáo ông đều được ông cho những lời răn dạy hết sức mơ hồ: Họ phải quay về thực tế để suy luận, để tìm ra lời giải bài toán cuộc đời. Chẳng hạn, khi chúa Trịnh muốn lật đổ nhà Lê nên sai người đến hỏi ông, ông chỉ nói bóng gió rằng: "Thờ Phật thì được ăn oản". Chúa Trịnh hiểu ra nên vẫn giữ nguyên nhà Lê đồng thời cũng bành trướng được thế lực họ Trịnh. Hoặc giả, khi Nguyễn Hoàng muốn xây dựng cơ nghiệp có đến hỏi ông: Ông chỉ vào đàn kiến ở hòn non bộ rồi nói: "Hoành Sơn nhất đáo, vạn đại chung thân". Nguyễn Hoàng suy nghĩ và hiểu ra ẩn ý của ông nên xin vào miền Nam lập nghiệp rồi xây dựng nên chế độ chúa Nguyễn ở đó... Những ví dụ cụ thể đó ít nhiều cũng chứng minh được những điều mà chúng ta đã nói về ông - người thầy - nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sưu tầm