Về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh, chúng ta đã có nhiều tài liệu tham khảo. Tác phẩm Hồ Chí Minh đã có những bộ toàn tập, tuyển tập, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Ta đều biết ông quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là con ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Lúc nhỏ có đi học các trường tiểu học Đông Ba, trường trung học (Quốc học) Huế trong thời gian ngắn, rồi thoát ly đi hoạt động cách mạng ở nước ngoài (Pháp, Trung Quốc, Anh, Đức, Mỹ và nhiều nơi khác), ông là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương (và cũng là sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp), là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ 1945 đến 1969. Sinh trưởng ở Nghệ An, ông đã có thời gian dạy học ở Phan Thiết, ra đi cứu nước ở Sài Gòn, về chỉ huy cách mạng ở Cao Bằng và tuyên bố thành lập nước Cộng Hoà ở Hà Nội. Cả Việt Nam đều hội tụ trong ông. Cả Việt Nam đều tự nguyện sống, học tập và làm việc theo gương ông, và trung thành đi theo con đường mà ông đã chọn. Xét về mặt ấy, ông là người thầy của cả nước trong thế kỷ XX và vẫn là người thầy ở các thế kỷ kế tiếp.
*
Nhìn một cách tổng quát về Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, với tư cách là một thầy giáo, có lẽ ta có thể có một số ghi nhận đại lược sau đây, nổi bật qua một quá trình gần bảy thập kỷ:
1. Người thầy dạy kiến thức:
Khởi đầu công việc làm thầy của mình, Nguyễn Tất Thành là một giáo viên tiểu học. Ông đã dạy học trong thời gian ngắn ở trường Dục Thanh - Phan Thiết, đồng sự với những người bạn cùng lứa như Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội, những người bạn vong niên như Nguyễn Hiệt Chi, Hồ Tá Bang. Nhiều học sinh được học với thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành, ở trường Dục Thanh đều ghi được những ấn tượng tốt đẹp. Đây là một sự thực, chứ không phải vì cảm tình mà những người thuộc thế hệ sau cố ý tôn vinh ông. (Người viết những dòng này có quen với bác sĩ Nguyễn Kinh Chi - học trò của thầy Thành - và đã được nghe bác sĩ cho biết một vài kỷ niệm).
Việc giảng dạy kiến thức (trong hay ngoài giáo khoa) của Nguyễn Tất Thành không kéo dài lắm. Sau khi rời trường Dục Thanh, ông không trực tiếp làm giáo viên ở một trường học nào cả trong và ngoài nước). Nhưng thói quen nhà giáo vẫn thường gắn bó với ông, khi có cơ hội, ông vẫn tranh thủ truyền thụ kiến thức cho các bạn bè, đồng chí hoặc người phục vụ mình. Ông đã đóng những cuốn vở nhỏ, viết bài học để dạy các cháu bé ở chung với mình trong rừng Pắc Bó. Ông đã “giảng văn” cho những bạn đồng hành trên bước đường công tác hoặc hành quân. Có những trang hồi ký của các chiến sĩ cho biết ông đã dạy Chinh phụ ngâm cho họ; ông đã phân tích bình luận cách làm thơ với bạn thơ vùng núi Cao Bằng, ông cũng thuật lại cho người chung quanh mình về những kiến văn địa lý, những nơi ông có dịp đi qua. Ông tỏ ra luôn luôn muốn trang bị vốn kiến thức cho mọi người. Và bản thân ông, ông vẫn chuyên tâm tìm thầy để học tập theo lối hàm thụ. Ông đã tự viết ra là ông nhận Lênin làm thầy, và tự cho mình là người học trò nhỏ của Tônxtôi.
2. Người thầy dạy chính trị:
Về điểm này, Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu sự nghiệp, người thầy của mình với một tên tuổi mới: Nguyễn Ái Quốc. Cái tên đã đi vào lịch sử với vị trí danh dự là một nhà hoạt động chính trị vừa quốc gia, vừa quốc tế. Với cái tên này, ông đã là một huấn luyện viên, một nhà hướng dẫn chính trị cho nhiều thế hệ chiến sĩ Việt Nam ở Trung Quốc, ở Pháp. Trường chính trị đầu tiên do ông sáng lập và trực tiếp phụ trách là ở Quảng Châu có Lê Duy Điếm làm trợ lý - đã nâng cao trình độ cho nhiều đồng chí, đảng viên, sau này sẽ nhận nhiều trọng trách trong Đảng và Nhà nước. Sách giáo khoa đầu tiên mà ông viết ra là cuốn Đường Kách mệnh, trình bày theo một hình thức phổ thông, thiết thực với trình độ tiếp thu chung, để có thể dần dần nâng lên cả về kiến thức và kinh nghiệm.
Chính trị là môn học vận dụng vào tất cả các ngành khoa học. Người thầy Nguyễn Ái Quốc và sau này là Hồ Chí Minh, đã luôn luôn vận dụng chính trị vào các ngành học chuyên môn, cần thiết cho từng tổ chức, từng lĩnh vực. Ông đã làm nhiệm vụ huấn luyện cho các cán bộ Đảng; ngoài những tri thức cần thiết cho cuộc đấu tranh sinh tử giành độc lập cho nước nhà, ông đã đặc biệt quan tâm đến lịch sử. Ông sọan các bài diễn ca về “lịch sử nước ta” để nhắc nhở “Hồng Bàng là tổ nước ta”. Ông dành thời gian dịch sách về lịch sử: "bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng”. Ông dạy cho cán bộ quân đội các chiến thuật du kích, những binh pháp của các nhà lý luận quân sự trước đây. Khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thường có nhiều lời huấn thị cho tất cả các ngành, các cấp. Phương pháp giáo dục của ông ở tất cả những phạm vi này, là ông rất hay khai thác những chân lý cổ truyền vốn là tinh hoa của bản sắc dân tộc để cho mọi người - tất cả các loại trình độ - có thể dễ dàng tiếp cận, rồi từ đó nâng lên, đưa cái mới vào, mà vẫn đưa theo cách bình dân hoá, dân gian hoá. Đã có một nhận định khá đúng đắn rằng: ông có một tâm thức folklore sâu sắc, sinh động, và luôn được chỉ đạo bằng mẫn cảm chính trị tài tình. Do đó mà ông được tất cả các tầng lớp nhân dân hoan nghênh hưởng ứng. Ông nhắc lại lời của Phật, của Chúa, ông vận dụng được cả những sách Tam tự kinh theo nho giáo, ông lấy lại cả những kinh nghiệm của xã hội nông nghiệp Việt Nam xưa (như việc lập quỹ nghĩa thương), mà không hề tách rời với cuộc sống đương thời, lại có khả năng đưa mọi người đi theo định hướng xã hội của ông. Ông quả thực là một người thầy chính trị đầy bản lĩnh.
3. Người thầy cách mạng:
Thật ra, tất cả những nhà lãnh tụ yêu nước, lãnh tụ khởi nghĩa trong lịch sử nước ta, người nào cũng phải tự cáng đáng vai trò của người thầy, hướng dẫn cho quần chúng, cho dân tộc đường đi nước bước, lèo lái con thuyền chiến đấu cập bến thành công. Trước đây, ta chưa dùng thuật ngữ cách mạng, nhưng phải nói là các vị như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… đều đã là những người thầy, đã dìu dắt quốc dân lên con đường độc lập tự chủ. Họ cũng đã có tinh thần cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội tương ứng. Vào cuối thế kỷ XIX sang nửa đầu thế kỷ XX, đã có rất nhiều nhà lãnh đạo đảm nhận vai trò này nhưng họ đã không có điều kiện thành công, để dành cho Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh cái vị trí, cái công lao vĩ đại là giải phóng được đất nước, và đưa đất nước xây dựng xã hội mới, chế độ mới. Hồ Chí Minh đã là người thầy của cách mạng Việt Nam, đã soi đường chỉ lối, dạy bảo cho quốc dân cả những mục tiêu cách mạng và phương pháp cách mạng. Bài dạy của ông cũng rất biến hoá. Có những bài dạy thuộc chương trình tổng quát, lâu dài: bài dạy về con đường xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có bài dạy cho từng giai đoạn: thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến, đoàn kết dân tộc. Có bài dạy thiết thực cho từng chiến dịch, từng phong trào. Suốt một thời gian dài hơn nửa thế kỷ, ngành nào, tổ chức nào cũng nhận được bài dạy của người thầy Hồ Chí Minh, và không phải là những bài giảng chung chung mà là những lời khuyên cụ thể, thích hợp với từng giới, từng lứa tuổi, từng ngành chuyên môn. Xét riêng từng mặt, thì thầy giáo này đã dành sự quan tâm cho lớp trẻ nhiều hơn cả. Ông có lời khuyên thiết thực với nhi đồng, với học sinh, với thanh niên (cả miền xuôi và miền núi). Lời di chúc của ông cũng là một lời tâm sự: để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thanh thiếu niên.
4. Người thầy minh triết và đạo đức:
Nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam, có thể thấy Hồ Chí Minh có một đóng góp lớn lao, có ý nghĩa triết học hẳn hoi, mà lâu nay giới nghiên cứu chưa có điều kiện thảo luận.
Xét về góc độ giáo dục, thì rõ ràng Hồ Chí Minh có một minh triết (sagesse) hẳn hoi để giáo dục cho người đời về các mặt thế gian quan và nhân sinh quan. Ông không lập nên một lý thuyết gì, mà tự thân những quan niệm và những ứng xử của ông đủ tạo thành lý thuyết, ở trường hợp này, Hồ Chí Minh rất giông với Khổng Tử, nhà giáo dục vĩ đại của muôn đời.
Khổng Tử không lập thuyết (tự ông nói ra điều này), nhưng khổng giáo đã là một học thuyết rõ ràng. Khổng Tử chuyên về việc răn dạy đạo đức, là một nhà luân lý hoàn toàn (luân lý cũng là một phạm trù của triết học). Hồ Chí Minh đã đi con đường Khổng Tử đã đi, ông đặc biệt quan tâm về phương diện đạo đức. Đạo đức ông nêu lên là đạo đức cách mạng. Ông có nhiều trang bàn giải về nền đạo đức này, bên cạnh những bài học về sửa đổi lối làm việc, về cần, kiệm, liêm, chính, về chí công vô tư. Vẫn dựa vào đạo đức truyền thống của dân tộc, ông rút ra những gì tinh tuý nhất, đưa thêm cái mới vào để nâng lên thành lý luận, mà lại rất hợp với trình độ phổ thông của đại chúng. Ông vận dụng quan niệm và thao tác này một cách thường trực, bền bỉ, ứng đáp được nhu cầu trước mắt và nhiệm vụ kháng chiến (cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ) và nhiệm vụ kiến quốc (xây dựng chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa). Ông là người thầy dạy đạo đức không biết mỏi mệt cho các thế hệ Việt Nam.
Nhưng còn một điều vĩ đại hơn nữa, nếu so sánh Hồ Chí Minh với các nhà đạo đức, các nhà tư tưởng, các lãnh tụ khác từ xưa đến nay, là khác với nhiều người thường có sự cách biệt giữa lời nói và việc làm, ở Hồ Chí Minh luôn luôn có sự tri hành hợp nhất. Bản thân cuộc đời của ông là một bài học đạo đức hẳn hoi. Ông có tinh thần khắc kỷ rất cao. Những nguyên lý đạo đức mà ông vạch ra, ông đều thực hiện được, thực hiện một cách tự nhiên, không có sự gò ép khắc khổ; thực hiện một cách bình dị mà mọi người - nếu thực sự cầu tiến - thì đều có thể noi theo, ở ngôi cao, ông không hề bị tha hoá, gặp hoàn cảnh khó, ông không hề bị lay chuyển. Ông hoà hợp được với tất cả mọi người, chân thành và gắn bó. Ông ứng xử một cách ung dung, sống rất chan hoà độ lượng. Bản thân cuộc đời của ông đã là một bài học đạo đức có khả năng dạy dỗ và thuyết phục, chứ không phải đợi nhắc lại những học thuyết hay lý luận gì. Cái kỳ diệu trong người thầy Hồ Chí Minh là ở đó.
Vũ Ngọc Khánh
Ở đây, không có điều kiện để trình bày dù là sơ lược về vấn đề này. Xin tìm đọc sách: Minh triết Hồ Chí Minh (1998) do Nhà xuất bản Văn Hoá ấn hành, NXB Thanh niên tái bản 2007, là một luận đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh ở góc độ triết học của V.N.K.