Bùi Dương Lịch là tác giả của nhiều tác phẩm thơ ca, sách nghiên cứu. Ông có tập “Ốc lậu thoại thi văn” (Tập thơ trong ngôi nhà dột) gồm nhiều bài thơ, bài phú viết về phong cảnh núi sông, nhân vật lịch sử của đất nước và những nơi ông đi qua. Ông cũng đã tổng hợp các tư liệu lịch sử để viết nên cuốn: “Lê quý dật sử”. Trong số các lĩnh vực mà ông nghiên cứu thì địa chí là vấn đề thành công nhất. Ông có hai tác phẩm nổi tiếng là “Yên Hội thôn chí” và “Nghệ An ký”. Cuốn Nghệ An ký của ông dày đến 500 trang sách với ba phần lớn: Thiên chí: nói về thiên văn, khí hậu ở Nghệ An. Địa chí: bàn về cương vực, địa lý, núi non, sông suối... Nhân chí: nói về khí chất của con người xứ Nghệ. Trong phần này ông nêu gương 143 văn nhân và 32 võ tướng nổi danh xứ Nghệ... Người ta đánh giá rằng cuốn Nghệ An ký là cuốn hay nhất thời bấy giờ viết về vùng Nghệ An.
Với tư cách là một nhà giáo, Bùi Dương Lịch đã có những cống hiến lớn lao cho ngành giáo dục.
Có thể khẳng định rằng hầu hết cuộc đời ông đều gắn bó với nghề dạy học. Không kể những năm tháng còn đi học và một vài năm làm văn thư cho Lê Chiêu Thống, còn lại thời gian làm việc cho Tây Sơn, và cho nhà Nguyễn ông chỉ đảm nhận những việc làm quan đến giáo dục như: Dịch sách kinh điển, làm đốc học, trông coi Quốc Tử Giám... Sau khi cáo quan ông cũng chỉ chuyên tâm dạy học.
Theo các tư liệu để lại thì Bùi Dương Lịch có dạy hàng ngàn người và có rất nhiều người đỗ đạt. Đánh giá về ông, Nguyễn Văn Siêu trong bài văn bia dựng ở nhà thờ ông đã viết rằng: “Ở Hoan Châu, nhân tài nổi tiếng xuất hiện, cùng sánh vai với các vùng trong nước. Triều đại hưng thịnh như ngày nay, nếu không có công lao đóng góp của ông thì lấy ai làm người tác thành cho lớp hậu sinh để nhà nước sẵn có mà dùng. Kẻ sỹ nối tiếp nhau thành đạt ở đất Châu Hoan này không chỉ có tình nghĩa thân thiết mà phần lớn đã trở thành những bậc danh thần, tiếp bước rạng rỡ trên các trường thi...”. Những lời đánh giá đó ít nhiều cũng đã nói lên được công lao to lớn của Bùi Dương Lịch đối với quê hương Nghệ Tĩnh. Học trò của ông đã tìm cách sưu tầm sắp xếp các bài giảng của thầy để lưu truyền cho hậu thế.
Trong các sách dạy học của ông, người ta chú ý đến một cuốn sách có tên là “Bùi Gia huấn hài”.
Cuốn sách này dày hơn 800 trang với hơn 2000 câu văn vần bốn chữ, tính chất của nó giống như những cuốn sách dạy vỡ lòng cho trẻ em ở Trung Quốc. Trong lời tựa cuốn sách này, Bùi Dương Lịch đã viết: “Tôi từng ở làng, thấy mọi nhà khi dạy trẻ thì cho chúng học thuộc lòng quyển Thiên tự của Chu Hung Tự, cuối cùng chẳng được ích lợi gì hoặc lấy sách Hiếu kinh tiểu học để thay vào những câu lại dài ngắn không đều gây ra khó khăn cho con trẻ. Tôi cho rằng trẻ em có tính nhớ nhưng hiểu biết còn kém, nếu không đặt theo cách luật thì đọc không thuận miệng mà dễ sinh nản lòng, không hiểu rõ ý nghĩa thì nhận định sẽ không đúng. Vì vậy, tôi tóm tắt những điều cốt yếu, thì việc sinh ra trời đất, con người, tiếp đến là thứ tự các đế vương để kể lại truyền thống nước Việt, rồi đến truyền thống về đạo học, sau cùng đến các phương pháp học của trẻ con. Tôi chọn lọc những lời nói của các bậc tiên nho rồi đặt ra những câu đối nhau có vần, mỗi câu bốn chữ, gồm 2000 câu để dạy cho lũ trẻ sơ học trong gia đình, gọi sách này là Bùi Gia huấn hài. Đó là muốn thuận theo tính của trẻ mà dạy dỗ chứ không phải là lối dạy vắn tắt”...
Quan điểm khá rõ ràng của Bùi Dương Lịch qua lời tựa đã cho ta thấy được sự sáng tạo của ông trong vấn đề giáo dục. Ông quan tâm đến việc giáo dục từ thuở ấu thơ, ông hướng dẫn học sinh lớn làm văn, làm thơ. Ông nghiên cứu nhiều vấn đề như sử, địa, văn học, dịch thuật... và ở lĩnh vực nào ông cũng thể hiện được sự xuất sắc. Ông quả xứng đáng được tôn xưng là vị thầy của thời đại.
Nguyễn Xuân