47 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục vào ngày 16/10/1968. Bức thư được đăng trên báo Nhân dân số 5299 ra ngày 16/10/1968 và được in trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, do Nxb. Chính trị Quốc gia xuất bản lần thứ nhất năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990) với 10 tập và được tái bản nhiều lần những năm sau này.
Bức thư Bác viết trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng gay go, ác liệt, khi cả nước đang dốc toàn tâm, toàn lực cùng chia lửa với đồng bào miền Nam đánh đuổi đế quốc và bè lũ tay sai. Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc, dù sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với sự nghiệp trồng người, động viên, cổ vũ các thế hệ thầy, cô giáo, sinh viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt. Đồng thời cũng đặt trọng trách nặng nề là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho đời sau lên vai những người làm công tác giáo dục.
Bức thư của Bác Hồ gửi ngành Giáo dục Việt Nam được trích trong Bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”
Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Xin trích đăng toàn văn bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành Giáo dục để bạn đọc tham khảo.
Nội dung bức thư như sau:
Các cô các chú và các cháu thân mến,
Nhân dịp đầu nǎm học thứ tư chống Mỹ, cứu nước, Bác thân ái gửi lời thǎm hỏi tất cả các cô, các chú và các cháu.
Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết.
Bác vui lòng biết rằng mặc dù hoàn cảnh khó khǎn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp I, nhiều xã đã có trường cấp II, các huyện đều có ít nhất một trường cấp III. Số người đi học đã hơn sáu triệu, trong đó có hơn một triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc vǎn hoá. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tǎng gần gấp ba lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức.
Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ.
Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ.
Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng và cũng do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhân dịp này, Bác khen ngợi những cố gắng và thành tích mà các cô, các chú và các cháu đã đạt được.
Nhưng đế quốc Mỹ vẫn còn ngoan cố. Cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khǎn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, Đảng và nhân dân giao cho các cô, các chú, các cháu nhiệm vụ lớn hơn trước. Vì vậy, Bác nhắc các cô, các chú và các cháu mấy điều sau đây:
- Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
- Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
- Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.
Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang.
Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.
Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.
Bác mong chờ những thành tích mới của các cô, các chú và các cháu.
Qua bức thư trên của Bác, ta nhận thấy một điều rằng, dù bận rộn trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ vẫn luôn quan tâm sâu sắc đến ngành giáo dục, Bác tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ tình hình của ngành từ việc nhỏ đến việc lớn, Bác quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh cũng như chất lượng giáo dục có được đảm bảo không, địa phương nào khó khăn, nơi nào yếu kém… để có những động viên, nhắc nhở kịp thời. Bác luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Bác đánh giá cao trách nhiệm của ngành giáo dục, Bác luôn động viên, quan tâm đến ngành, đến các nhà giáo và nhân dân, dù đất nước đang phải đối mặt với những khó khăn gian khổ, nhưng bác luôn khen ngợi, động viên ngành giáo dục phải quyết tâm thực hiện sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, Bác luôn nhắc nhở những nhà giáo phải làm tròn nhiệm vụ của mình…
Hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng, cả nước nói chung luôn thực hiện theo những lời Bác dạy, ra sức học tập, rèn luyện bản thân, góp sức xây dựng ngành ngày càng vững mạnh, tập trung đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Tư tưởng của Người về giáo dục mãi sáng ngời và là kim chỉ nam cho ngành Giáo dục và Đào tạo noi theo.
Trần Thủy