Chính với hành trang yêu nước, thương nòi ấy, năm 1912, Tôn Đức Thắng đã tham gia tổ chức cuộc bãi công của học sinh trường Bá Nghệ và công nhân nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son. Năm 1913, Tôn Đức Thắng sang Pháp làm công nhân ở Toulon (Pháp).
Năm 1914, Tôn Đức Thắng bị trưng dụng làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết tại Hắc Hải. Ngày 20-4-1919, Tôn Đức Thắng treo cờ đỏ trên chiến hạm tại đây để ủng hộ Cách mạng Nga.
Sau sự kiện kéo cờ trên Hắc Hải nổi tiếng, năm 1920, Tôn Đức Thắng trở về Sài Gòn cùng những người bạn thân thiết lập ra tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam - Công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn, nhằm đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản.
Cuối năm 1926, khi nhận được chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tán thành con đường cứu nước giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ đây, trong con người Tôn Đức Thắng, yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với Tổ quốc, với dân tộc cũng đồng thời là trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã nâng lòng yêu nước chân chính của Tôn Đức Thắng lên một tầm cao mới, thêm sức mạnh và hăng hái lao vào hoạt động cách mạng.
Năm 1927, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ thành lập, Tôn Đức Thắng được cử là một thành viên trong ban lãnh đạo Kỳ bộ và trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên cương vị này, Tôn Đức Thắng đã tích cực tuyên truyền giác ngộ và cùng các đồng chí của mình tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng mác-xít chân chính ở Việt Nam.
Năm 1929, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì Tôn Đức Thắng bị mật thám Pháp bắt, đưa về Khám lớn Sài Gòn và dùng mọi cực hình tàn bạo hòng khai thác những tin tức về cách mạng. Nhưng chúng đã thất bại trước khí phách kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Chúng kết án Tôn Đức Thắng 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ở nơi "địa ngục trần gian", Tôn Đức Thắng vẫn vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cùng các đồng chí ở Banh 1 thành lập Chi bộ đặc biệt và trở thành một trong những người lãnh đạo của chi bộ cùng anh em trong tù tiếp tục đấu tranh.
Cách mạng Tháng Tám thành công, vừa được đón về đất liền, người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng đã hăng hái cùng quân dân miền nam chiến đấu chống thực dân Pháp; sau đó được điều ra bắc, lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Phó Hội trưởng Hội Liên Việt, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch vẫn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị của người lao động, thích đi bộ, thích lao động chân tay và tự mình làm mọi việc cho bản thân mà không muốn phiền ai giúp đỡ. Chủ tịch ăn mặc rất giản dị. Có lần, các đồng chí miền Nam đến thăm thấy Chủ tịch mặc chiếc áo ấm cũ có nối thêm một đoạn cho khỏi ngắn, đã cảm động hỏi: Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo nối thế này? Chủ tịch vui vẻ trả lời: Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn.
Thật hồn hậu, giản dị biết bao! Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường xuyên dành tình cảm ân cần chăm lo cho đồng chí, đồng bào, đặc biệt là với các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Được tặng Giải thưởng Lê-nin "Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc" và kèm theo mười vạn rúp, Chủ tịch đã ủng hộ số tiền này cho Phong trào bảo vệ thiếu nhi thủ đô. Số tiền một vạn rúp các bạn Liên Xô tặng, Chủ tịch cũng chỉ dùng một phần nhỏ để mua một chiếc cối xay hạt tiêu tặng người vợ thân yêu, còn lại đem gửi trả bạn.
Tháng 10-1975, về thăm quê ở Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, Thành phố Long Xuyên, An Giang, Chủ tịch Tôn Đức Thắng chỉ nhận mình là một người được Đảng và Nhà nước cho phép về thăm quê nhà, gặp lại anh em họ mạc, thăm hỏi bà con xóm ấp. Đến cây xoài trước cổng nhà, cây cầu gỗ thuở nhỏ đi học qua, Chủ tịch vẫn nhớ mãi trong ký ức.
Sống gần trọn 92 mùa xuân (20-8-1888 – 30-3-1980), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cống hiến 70 năm đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc bảo vệ hoà bình trên thế giới. Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng luôn luôn nêu cao phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương nhân cách lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với những lời vô cùng trân trọng: "Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại ... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Hiện nay, cùng với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hết sức có ý nghĩa cho mỗi người, mỗi cán bộ, công chức, viên chức chúng ta. Hóc tập đạo đức của Bác Tôn sẽ góp phần cộng hưởng mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của mỗi người trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Qua tấm gương đạo đức của Bác Tôn Đức Thắng, chúng ta càng nhận rõ nét tôn quí và cao đẹp của nhân cách con người. Chỉ có nhân cách cao đẹp mới có thể làm lay động, cảm hóa được lòng người, giúp con người thăng hoa, để mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta tìm được niềm vui từ sự hữu ích của mình với mọi người xung quanh.
Ngọc Cơ
Nguồn http://www.ubmttq.hochiminhcity.gov.vn