Trong cuộc Tổng tiến công và nổỉ dậy Tết Mâu Thân 1968, bộ đội đặc công nước dùng một loại thủy lôi mới đánh đắm tàu địch. Đó là trận đánh tàu địch ở cửa Việt bằng vũ khí thủy lôi HTA2. Với Quân đội Liên Xô thì loại vũ khí này dùng tàu và máy bay thả, còn với bộ đội đặc công ta thì dùng sức người mang vác, thả ở cửa biển để đánh tàu chiến của địch.
Ngày ấy ở Cửa Việt, do bị quân ta đánh mạnh nên địch bố phòng rất chặt chẽ. Ở Quảng Trị, Mỹ thiết lập hàng rào điện tử Mắc Namara, dùng “cây nhiệt đới”, mìn vướng nổ và các phương tiện thông tin hiện đại gắn vào “hàng rào”, hòng phát hiện và ngăn chặn hướng tiến công của bộ đội ta. Khi ấy các chiến sĩ đặc công đi trinh sát, hiếm đêm không gặp địch, không ít đồng chí bị thương vong. Cá biệt có phân đội khi đi 21 người, khi quay ra chỉ còn một, đó là trường hợp một đồng chí bị thương, giả vờ chết. Địch cho trực thăng đến định đưa đi, nhưng khi chúng đá vào người không thấy anh cựa quậy thì bỏ đi. Tối đến, anh mới bò ra và thoát chết.
Khi đội trưởng Nguyễn Văn Tình đang trên đường hành quân ra miền Bắc báo cáo thành tích để trên xét phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đến Quảng Bình thì được lệnh quay lại, trực tiếp chỉ huy đánh tàu chiến trên Cửa Việt bằng vũ khí HTA2. Sau nhiều lần nghiên cứu tính toán, vũ khí HTA2 được cải tiến thuận lợi cho bộ đội đặc công vận chuyển đánh tàu ở Cửa Việt.
Sau nhiều đêm đi trinh sát, nghiên cứu địa hình, các anh quyết định dùng phao bơi loại lớn để chở vũ khí HTA2. Cái khó khi vào đánh tàu ở cửa Việt là, ban ngày thì máy bay địch quần lượn trên đầu, đêm đến thì chúng dùng đèn pha từ trên máy bay quét xuồng mặt biển, chỉ sơ suất động tĩnh nhỏ, lập tức địch phát hiện và nổ súng ngay.
Trong khi đó, các anh phải đưa quả thủy lôi nặng gần 1 tấn vào Cửa Việt, công việc này cũng rất khó khăn, vất vả. Bí mật đưa thủy lôi trên biển, đến đêm thứ ba, cả đội phải dừng lại, đẩy thủy lôi vào gần bờ để thay phao. Thay xong, cả đội lại đẩy ra xa bờ, nhằm hướng cửa Việt. Đang bơi thì quả thủy lôi đi đầu mắc phải lưới đánh cá của dân, lưới quấn vào “chốt an toàn”, anh em phải cắt dây cước lưới, tiếp tục đưa quả thủy lôi vào Cửa Việt. Khi gần đến nơi, quả cuối cùng lại bị đứt dây bảo hiểm, trôi lạc hướng. Trong khi gió to, sóng cả, đội trưởng Nguyễn Văn Tình phải lặn xuống biển sâu để tìm. Cuối cùng thì tìm mãi mới thấy.
Vào đến Cửa Việt, các anh đo độ sâu 12m và thả thủy lôi xong, các anh định bơi vào bờ thì phát hiện quả thứ ba do sóng đánh mạnh nên vỡ phao rồi, trong khi đó, quả thủy lôi mới ở độ sâu 5m. Tình hình gấp rút, đội trưởng tiếp tục phải lặn sâu để lăn quả thủy lôi này ra, thêm được độ sâu nào hay độ sâu đó. Nguyễn Văn Tình lặn được khoảng 5m thì người quá mệt, sức khỏe giảm, anh đành phải để thủy lôi ở độ sâu 7m, rút chốt an toàn. Khi đó đã hơn 4 giờ sáng, trong khi ngoài Biển Đông trời đang hửng sáng. Tình thế này buộc đội trưởng Tình phải dùng hai mũi bàn chân bấm xuống mặt cát, lao nhanh vào bờ ẩn nấp không bị địch phát hiện.
Các anh vừa chạy đến Thôn 5 thì trời cũng vừa sáng rõ. Đội trưởng quyết định cho anh em “chôn” người xuống cát, đồng thời đặt đài quan sát theo dõi trận đánh.
Đến 8 giờ sáng, một chiếc tàu LST loại 5.800 tấn dẫn đầu đoàn tàu vào Cửa Việt, lập tức đụng quả thủy lôi, một tiếng nổ cực lớn vang lên, chiếc tàu này dần chìm. Toàn bộ tàu địch đi phía sau chững lại, không dám tiến thêm một bước.
Đến ngày thứ ba, địch lại cho tàu tiếp tục vào cửa Việt, nhưng thận trọng hơn lần trước. Thế nhưng điều chúng không ngờ đã xảy ra: để tránh xác chiếc tàu LST chìm hôm trước, một chiếc tàu LCU vấp phải quả thủy lôi khác và lập tức nổ tung. Trận đánh này toàn đội đặc công nước không có ai bị thương.
Chiến dịch Mậu Thân 1968 mãi mãi là một trang sử oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng ta không thể nào quên trận đánh của bộ đội đặc công nước dùng một loại thủy lôi mới đánh đắm tàu địch trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Các anh luôn sáng ngời trong những trang sử vàng của dân tộc Việt nam.
Yên Yên