Cách đây tròn 50 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang nhân dân đã cùng với lực lượng quần chúng cách mạng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đồng loạt đánh vào hầu hết các đô thị, căn cứ quân sự, cơ quan chính quyền Mỹ - ngụy trên khắp miền Nam. Đây là đòn tiến công chiến lược bất ngờ nhất, quy mô lớn, rộng khắp gây chấn động trên toàn nước Mỹ.
Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với ý đồ “bẻ gãy xương sống Việt Cộng”, bình định miền Nam. Số quân Mỹ đưa vào miền Nam lên tới 545.000 người và 72.000 quân các nước phụ thuộc, chiến đấu trực tiếp trong 7 năm (1965-1972); huy động số lượng lớn vũ khí, trang bị hiện đại nhất, kể cả máy bay chiến lược B.52 và 2 sư đoàn không vận trực thăng mới xây dựng. Chiến tranh cục bộ trở thành đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ, dùng không quân và hải quân leo thang phá hoại miền Bắc. Nhưng thực tế đã không mang lại hiệu quả như Mỹ mong muốn.Tháng 12 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị (BCT) thông qua quyết tâm chiến lược về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968. Để thực hiện chiến lược này, (BCT) chỉ rõ: trên mặt trận ngoại giao cần có những phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp và “phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”. Mặc dù quân Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, “nhưng nó là kẻ mạnh nên ta phải biết thắng nó” Tổng bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng – Lê Duẩn nói. Để hiểu rõ hơn phương châm chiến lược mà Đảng ta xác định cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chúng ta cần nhìn lại một cách khái quát tình hình quân sự, chính trị, ngoại giao của chúng ta từ năm 1965 đến 1968.
Về quân sự: trong khói lửa chiến tranh ác liệt, quân và dân ta trên cả hai miền Nam-Bắc vẫn bền gan chiến đấu, giữ vững chiến lược tiến công, làm thất bại một bước quan trọng các mục tiêu chiến lược trong cuộc “chiến tranh cục bộ” và “chiến tranh phá hoại” của Mỹ, khiến cho Mỹ không thể dễ dàng đạt được mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu là “giành thắng lợi trong thời gian ngắn”
Về chính trị ngoại giao: nếu như phía chính quyền Mỹ chịu sức ép của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng tăng ở trong nước và trên thế giới, thì phía chúng ta cũng đang ở vào giai đoạn phức tạp là phải tính toán sao cho vừa gữ được độc lập chủ quyền, vừa tranh thủ được sự ủng hộ tối đa của bạn bè quốc tế. Do vậy, từ cuối năm 1967, BCT đã chủ trương tạo điều kiện mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm và cần hết sức tránh không để kẻ thù lợi dụng sự bất đồng về sách lược giữa nước ta và các nước anh em trong khối XHCN nghĩ rằng ta “thương lượng non”. Trước thiện chí hòa bình của Việt Nam, phía Mỹ không những không đáp lại mà còn đòi ta “phải có đi, có lại”, đưa ra điều kiện buộc ta phải công khai cam kết không được lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom để chi viện cho miền Nam. Đó là sự mặc cả trớ trêu, bất công, lộn sòng giữa người bị xâm lược và kẻ đi xâm lược, thể hiện rõ việc Mỹ vẫn ôm mộng xâm lược miền Nam.
Tết Mậu Thân 1968 và tác động rộng lớn của nó đã hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này của cơ quan chỉ đạo chiến lược ta vè các mặt sau:
- Phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân sự, chính trị; sự bất lực của một đạo quân đông tới gần một triệu rưỡi, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại (bậc nhất lúc bấy giờ) trước sức tiến công mãnh liệt và cách đánh hiểm đầy sáng tạo của quân và dân ta.
- Làm lộ rõ những sai lầm về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo Wasington và của giới tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường.
- Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 còn là sự biểu dương ý trí, nghị lực, sức mạnh và nghệ thuật điều hành chiến tranh của Bộ thống soái Việt Nam; qua đó làm bộc lộ những giới hạn trong sức mạnh quân sự, kinh tế của Mỹ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược toàn cầu mà Mỹ đã theo đuổi từ lâu.
Vì những lẽ nêu trên, cho dù Mỹ là một nước lớn, một nước chưa hề bại trận trong lịch sử 200 năm lập nước, những sự kiện Tết Mậu Thân 1968 đã gây chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ - kể cả các quan chức cao cấp, các nghị sĩ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực phải thay đôi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách xâm lược của chính quyền Mỹ lúc bấy giờ. Vào đêm 31/3/1968, Mỹ công khai tuyên bố đơn phương chấp dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với chính phủ Việt Nam và quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Tướng Max Namara đã công khai thừa nhận: từ sau Tết Mậu Thân không một ai trong giới cầm quyền và giới quân sự Mỹ nói tới giành chiến thắng quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mà chỉ nói tới “hòa bình trong danh dự”, “rút quân trong danh dự”.
Chiến tranh ở miền Nam nói chung và cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân nói riêng, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình chính trị, quân sự mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, tài chính của Mỹ. Thâm hụt tài chính và lạm phát tăng lên, giá trị đồng đô la sụt giảm nghiêm trọng. Rõ ràng, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã làm rung chuyển toàn diện cả về quân sự, chính trị-xã hội, kinh tế của Mỹ.Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tuy chưa mang lại thắng lợi trọn vẹn, thậm chí, sau đó, ta còn gặp phải những khó khăn, tổn thất, thiếu sót nhất định khi địch tổ chức phản kích, nhưng cần thấy đây là một thắng lợi quan trọng mang tầm vóc lịch sử một bước phát triển tất yếu trong chiến lược tiến công của toàn bộ cách mạng miền Nam, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược: đạp tan ý chí xâm lược của Mỹ, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Đồng thời, phản ánh nguyện vọng, ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Hồng Hạnh