Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân ta với quyết tâm sắt đá, bằng trí thông minh sáng tạo, lòng quả cảm, bản lĩnh kiên cường, đêm 30 rạng sáng 31-1-1968, quân và dân ta đã mở cuộc tiến công và nổi dậy vào hầu hết các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự... trên toàn miền Nam, đặc biệt là trung tâm Sài Gòn - trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Từ ngày 30-1 đến 25-2-1968, Quân giải phóng đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ... Cùng với quân dân toàn miền Nam, trong cuộc tiến công và nổi dậy xuân 1968, quân và dân Đồng Nai đã tiến công đồng loạt vào các thị xã, thị trấn làm chủ được địa bàn. Cuộc tiến công đồng loạt cho thấy tinh thần dũng cảm của quân giải phóng, nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội được nhân dân khâm phục. Tấm lòng của nhân dân Đồng Nai thể hiện rõ trong việc tiếp tế lương thực, che giấu chiến sĩ, chỉ đường cho bộ đội về căn cứ… Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân ta ở Biên Hòa đã cùng với toàn miền Nam giáng một đòn nặng nề vào kẻ thù, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.
Chuẩn bị cho cuộc tiến công, chiến trường Đồng Nai có sự điều chỉnh lại gồm các đơn vị chiến trường như sau: Tỉnh U1 gồm thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh cửu, huyện Trảng Bom. Hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch và sở cao su Bình Sơn thuộc về phân khu 4. Huyện Long Khánh, Định Quán thuộc tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.
Tại Xuyên Mộc, chuẩn bị cho Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy ra quyết định giải thể ban cán sự huyện, lập lại Huyện ủy đóng ở Bàu Tràm (Bưng Riềng). Xã Xuyên Mộc đưọc Huyện ủy xác định là xã trọng điểm vì ở đây có chi khu quân sự của địch. Tại Phước Bửu, Huyện ủy chỉ đạo củng cố lại chi bộ xã, xây dựng được 1 tiểu đội du kích, căn cứ xã đóng ở Bưng Thi.
Kế hoạch triển khai đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa của huyện được thực hiện khẩn trương. Nhiệm vụ của Đảng bộ, quân dân Xuyên Mộc là bao vây chiếm lĩnh chi khu, nếu không chiếm được phải trụ lại trong thôn để kìm chân địch. Xã Phước Bửu chịu trách nhiệm đưa du kích ra pha lộ 23 ngăn chặn tiếp tế giữa tiểu khu Phước Tuy và chi khu Xuyên Mộc, huy động lực lượng đánh bót Cầu Dài, Cầu Trọng vận động quần chúng thu mua lúa gạo. Các xã còn lại trong huyện, đưa lực lượng đánh vào đồn bót xã, vận động nhân dân nổi dậy, diệt ác ôn, gây xáo động tinh thần địch.
Tại Phước Bửu, du kích bao vây đồn Cầu Dài, Cầu Trọng, bắn tỉa kìm chân địch, cơ sở quần chúng tranh thủ thu mua lúa gạo chở vào căn cứ. Đợt tiến công không thành công như ý đồ song quân và dân Xuyên Mộc đã kìm chân dịch, cô lập không cho địch chi viện cho nhau, tạo điều kiện cho quân và dân Long Đất tiêu diệt địch giành thắng lợi.
Tại chi khu Long Thành, đêm giao thừa (31-1 rạng sáng 1-2-1968) tiếng pháo nổ ran, báo hiệu giây phút chuyển từ năm cũ sang năm mới đón mừng Xuân Mậu Thân. Cùng lúc đó, tiếng súng của quân dân huyện Long Thành bắt đầu nổ đồng loạt cùng với đồng bào miền Nam tấn công quân địch trên khắp các chiến trường. Các chiến sĩ ta đặt pháo ở ấp Bình Lâm, bắn vào sở chỉ huy, vào dinh quận lỵ, vào bãi pháo phá hủy phần lớn lô cốt, kho tàng của giặc. Các chiến sĩ thuộc đại đội 2 tấn công phá chốt quân sự tại nhà mủ, diệt tại trận 13 tên và tiến sang khu Phước Long, khiến bọn dân vệ bỏ chạy. Các chiến sĩ phát triển hướng tấn công sang khu Liên Kim Sơn diệt bọn dân vệ. Trong lúc đó, đại đội 3 từ phía Lộc An tiến đánh chốt cầu Đen, diệt 9 tên bảo an rồi tiến vào khu Phước Hải vây đánh cục cảnh sát.
Ở xã Long Phước, du kích cùng đồng bào nổi dậy, đốt đuốc sáng cả một đoạn đường, đắp mô cản xe, phát loa kêu gọi bọn dân vệ đầu hàng. Khí thế nổi dậy của quần chúng đã áp đảo bọn lính địch. Tại bót Đất Mới, 17 lính dân vệ mang súng ra hàng. Đồng bào cùng du kích xã từ An Lợi đến khu vực Bến Gở nổi dậy bao vây tấn công đồn. Bọn địch chỉ dám cố thủ bên trong không dám bung ra. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 4 phục kích trên đoạn đường ngã ba Thái Lan, dùng cối 82 li bắn vào khu căn cứ Nước Trong, phá hủy 2 trực thăng, 1 dãy nhà kho 6 gian, và 2 chòi gác bị sập làm chết một số tên lính.
Với 3 đợt tiến công và nổi dậy, quân và dân Long Thành đã liên tục đánh địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Mặc dù có nhiều tổn thất trong các đợt tiến công, nhưng quân dân Long Thành đã góp phần xứng đáng cùng toàn Miền, đẩy Mỹ ngụy lao nhanh đến sụp đổ và làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy bị phá sản hoàn toàn.
Trong thời gian này, quân dân huyện Châu Đức, thị xã Bà Rịa bước vào những đợt tiến công và nổi dậy liên tiếp, giành được thắng lợi lớn, góp phần vào cơn bão lửa cách mạng toàn miền Nam. Tại xã Long Phước, Hòa Long ta làm chủ tình hình về đêm. Các xã Phú Mỹ, Phước Hòa, Phước Thái, các ấp Hương Giang, Hương Điền, Hương Sơn (xã Long Hương), trên trục lộ 15 bọn địch hoang mang, rệu rã, thế làm chủ của cách mạng được nâng lên. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện phấn khởi chuẩn bị tư thế sẵn sàng đánh địch phản kích quyết liệt, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới đầy hy sinh gian khổ.
Các cuộc tiến công diễn ra đồng loạt trên toàn chiến trường Đồng Nai nhưng thắng lợi và ác liệt nhất là ở thành phố Biên Hòa. Thị xã Biên Hòa, một trọng điểm của chiến trường miền Đông, các mục tiêu tiến công quan trọng bị tiêu diệt là: sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, Bộ tư lệnh 2 dã chiến Mỹ (trong khu vực Long Bình), quân đoàn 3 ngụy, Nha cảnh sát miền Đông... Tham gia tại mặt trận thị xã Biên Hòa gồm sư đoàn 5 chủ lực Miền; lực lượng phối thuộc trung đoàn 4, trung đoàn DKB và tiểu đoàn 1 và 2 đặc công U1, đội biệt động thị xã; bộ đội địa phương và du kích các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Lần đầu tiên lực lượng quân giải phóng đã xuất hiện và tiến công địch tại thị xã Biên Hòa và các thị trấn, huyện lỵ trong tỉnh.
Chiến dịch Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử to lớn, sau nửa thế kỷ, chúng ta có thêm những cứ liệu lịch sử để nhìn nhận toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự kiện Mậu Thân 1968, càng thêm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, đồng thời biết trân trọng một biểu tượng sáng ngời - tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Đó là nền tảng, là vốn quý báu để phát huy nội lực xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện mới hiện nay.
Như Quỳnh