Tết Mậu Thân đã tác động sâu sắc và toàn diện vào nội tình nước Mỹ: lúng túng về chiến lược tiến hành chiến tranh, khó khăn về việc đưa thêm quân và gọi quân trù bị, dư luận rộng rãi lên án, nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, chính giới phân hoá, phái chủ hoà trong Quốc hội và chính quyền thêm mạnh lên; sức ép quốc tế cũng tăng. Chính quyền Johnson ở trong thế bị bao vây và khủng hoảng bốn bề.
Nhanh nhạy và mạnh mẽ nhất là các cơ quan thông tấn báo chí, vô tuyến truyền hình. Thời này ở Mỹ và phương Tây, truyền hình đã rất phát triển. Suốt hai tháng liền, tình hình Việt Nam, tình hình chiến sự ở miền Nam Việt Nam luôn chiếm trang đầu và nhiều trang, nhiều cột trên các báo, nhiều thời lượng trong các buổi truyền hình. Người ta quan tâm nhiều vì tin tức hấp dẫn, bình luận mạnh mẽ, sắc bén. Tin chiến sự, đặc biệt các tin nghiêm trọng như quân Việt cộng đánh vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, vào Bộ Tổng tham mưu, chiếm giữ Huế dài ngày... được đưa đi đưa lại dồn dập. Tiêu biểu và tác động mạnh mẽ là các bình luận với những ý mới mẻ.
Năm 1968, sự chia rẽ trong nước Mỹ tăng lên. Tình trạng rối loạn trong các trường đại học “nóng” tới mức, trong sáu tháng đầu năm đã nổ ra 200 cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại Đại học Côlumbia, New York Tại đây 1.000 cảnh sát dùng dùi cui để giải tán một cuộc biểu tình ngồi quy mô lớn. Vụ ám sát Mactin Luthơ King (con) vào tháng 4 đã bộc lộ sự rối loạn bấy lâu nay vẫn âm ỉ, do đó đã làm bùng lên bạo loạn, cướp bóc và nhiều vụ đốt phá trên toàn quốc, Người ta phải điều nhiều đơn vị lục quân Mỹ vào thủ đô để giữ trật tự. Vụ ám sát ứng cử viên tổng thống Jôn Kennơđy hồi tháng 6 năm 1968 dường như cho thấy bạo lực đã đạt tới mức cao.
Chính giới Mỹ bắt đầu phản ứng mạnh mẽ đối với Tết Mậu Thân. Chính quyền Mỹ, Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đứng trước những vấn đề lớn: Tăng quân hay không tăng, tăng bao nhiêu? Mở rộng chiến tranh hay tìm giải pháp thương lượng. Bộ Tư lệnh Mỹ ở miền Nam Việt Nam lại đề nghị tăng 200.000 quân. Bộ Tư lệnh Mỹ ỏ Thái Bình Dương đề nghị tăng quân, đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, mở rộng bắn phá miền Bắc. Dịp này sức ép quốc tế đòi Mỹ xuống thang cũng tăng mạnh. Lãnh đạo nhiều nước, trong đó có đồng minh của Mỹ như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Nauy, Thuỵ Điển, nhiều nhân vật quốc tế đều đồng loạt đòi Mỹ chấm dứt ném bom, đi vào thương lượng với Việt Nam Dân chủ cộng hoà! Chính quyền Johnson bị rối loạn đến mức không đối phó được với các vấn đề quốc tế: tàu do thám Púeblo bị Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên bắt giữ; nước Pêru nhỏ bé tuyên bố mở rộng hải phận mà Mỹ không còn ngăn cản được như trước nữa.
Tại Mỹ, sự bất ngờ và cơn giận dữ trong những ngày đầu sau cuộc tấn công Tết Mậu Thận 1968 đã nhường bước cho sự thất vọng và tiếp đó trở thành cảm giác chán chường. Trước cuộc chiến đấu ác liệt và đẫm máu mà thắng lợi lớn của quân đồng minh chẳng thấy đâu, nhiều người Mỹ bắt đầu bác bỏ toàn bộ sự việc, quay lưng đi và từ bỏ chiến tranh. Lòng tin cậy mỏng manh vào thắng lợi của Mỹ đã bị đợt tấn công đầu tiên đánh tan tành, ngay cả hy vọng hình như cũng ngày càng mờ nhạt. Trước đây, họ đã tuyên truyền thắng lợi và cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã cho thấy đó là sai lầm. Những lời khẳng định của tổng thống Mỹ, các cố vấn cao cấp và các tướng lĩnh Mỹ đang bị người dân nghi ngờ hơn bao giờ hết. Người dân Mỹ khó mà chịu chấp nhận ý kiến ấy một lần nữa. Các bản thông cáo và lời tuyên bố trở nên kém giá trị. Các lời lẽ mất tính thuyết phục. Hơn bao giờ hết, hàng ngày họ thấy hàng ngàn câu tuyên truyền, không biết bao nhiêu là hình ảnh được chiếu lên màn máy thu hình của các gia đình người Mỹ. Màn máy thu hình trở thành nỗi khủng khiếp của một cuộc chiến tranh nóng đối với Mỹ: đó là những hình ảnh tác chiến ở nông thôn Việt Nam từ đầu và giữa tháng 1 năm 1968; cuộc chiến đấu giành giật từng căn nhà ở Huế kéo dài gần hết tháng 2; căn cứ lính thủy đánh bộ ở Khe Sanh đang bị bao vây có nguy cơ bị diệt; các thành phố bốc cháy và đổ nát, … Các cuộc điều tra dư luận ở Mỹ lúc bấy giờ cho thấy thái độ đối với chiến tranh của quần chúng đã thay đổi nhiều.
Việc Mỹ hạn chế ném bom không gây bất ngờ. Ngoại giao cùng các ngành đã dự kiến các khả năng Mỹ ngừng ném bom hoặc hạn chế ném bom. Chúng ta cũng đã tính toán các khả năng mở đàm phán tuỳ theo khả năng giành thắng lợi: song phương hoặc giữa các bên tham chiến. Ngày 3-4-1968 chúng ta ra tuyên bố phê phán Mỹ chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tuy nhiên Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ. Điều tế nhị trong tuyên bố này là ta chỉ mớí nhận tiếp xúc, tiếp xúc để xác định việc Mỹ hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc.
Bây giờ, người Mỹ tiết lộ rằng họ đã không hiểu chiến lược và khả năng của Quân giải phóng cũng như không hiểu cả chính mình. Tết Mậu Thân 1968 đã đưa Oasinhtơn đến thực tế rằng Mỹ không nắm được một cách cơ bản tính chất cuộc chiến tranh mà họ đã cam kết nửa triệu quân nhân.
Ngày nay nhìn lại quá trình kết hợp đàm phán với chiến trường, ngoại giao góp sức kéo dần Mỹ xuống thang, rút dần quân, dư luận quốc tế và bạn bè luôn đứng về phía ta, ta thấy chủ trương nắm thời cơ mở thế trận vừa đánh vừa đàm, phát huy kết quả đòn Mậu Thân là một chủ trương chính xác, đúng tầm cỡ.
Yên