50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về về một thời “hoa lửa”, một thời hào hùng vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người đặc biệt là những “con người của lịch sử” đã từng tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Có thể nói đây là cái Tết đáng nhớ và vui nhất trong đời chiến đấu của họ.
Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành sự kiện gây chấn động lớn trên thế giới về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có ý nghĩa rất lớn lao về mặt ngoại giao, là một thắng lợi rất lớn trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất đất nước của quân và dân ta, là tiền đề để từng bước thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ trước khi chiến dịch diễn ra là “Đánh cho Mỹ cút - Đánh cho ngụy nhào”.
Nhắc lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Phó chính ủy mặt trận thị xã Biên Hòa lúc ấy không khỏi bồi hồi. Đồng chí nhớ lại: Ngày 29 và 30-1-1968 (28 và 29 Tết Mậu Thân 1968), Ban Chỉ huy chiến dịch tiến công và nổi dậy ở Biên Hòa đã kiểm tra lần cuối kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đơn vị bên ngoài và bên trong thị xã. Bộ Chỉ huy miền đã tập trung cho mặt trận Biên Hòa 15 ngàn quân, gồm: Sư đoàn 5 miền cùng các lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng phối thuộc. Theo đó, lực lượng huyện Vĩnh Cửu và một Trung đội của Sư đoàn 5 đánh vào quận lỵ Công Thanh. Lực lượng huyện Trảng Bom và một bộ phận chủ lực Sư đoàn 5 đánh vào yếu khu Trảng Bom. Đội biệt động thị xã Biên Hòa đánh vào Ty Cảnh sát và Tòa Hành chánh Biên Hòa. Khu vực nội ô thị xã Biên Hòa, biệt động, đội vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng, treo cờ, diệt ác ôn ở khu vực Bình Đa, Tân Thành, Gò Me, xã Hiệp Hòa… Trung đoàn pháo tên lửa 724 DKB đặt trận địa pháo ở Hiếu Liêm (Bắc sông Đồng Nai) bắn vào sân bay Biên Hòa khi chiến dịch mở màn...
Ở cao su Bình Sơn (Long Thành) chi bộ Đảng lãnh đạo đại đội du kích phối hợp bộ đội cao su, công nhân bao vây địch ở nhà máy, làm chủ suốt 3 ngày liền.
Đoàn 10 Rừng Sác tiến công diệt đồn Phú Hữu (Nhơn Trạch), đồn bảo an Lý Nhơn, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ ở 6 ấp chiến lược.
Sáng 31 – 1 – 1968, đặc công sư đoàn và tiểu đoàn 2 của trung đoàn 5 tiến đánh sở chỉ huy Bộ tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ ở Long Bình. Địch phản kích gây tổn thất nặng cho lực lượng của ta tại đây. Tiểu đoàn 2 đặc công U1 bí mật đột nhập vào khu kho bom đạn ở đồi 53, đánh phá hủy 127 dãy kho bom đạn địch, làm chấn động cả Biên Hòa và Sài Gòn.
Tại mặt trận Long Khánh: tiểu đoàn 440 tổ chức hai mũi tiến công vào các mục tiêu trụ sở tình báo CIA, tiểu khu Long Khánh, khu chợ, khu thông tin, tập kích dinh tỉnh trưởng, chiếm một số tua, chốt của địch. Cụm pháo của địch ở sân bay thị xã Long Khánh bị phá hủy ngay từ đầu bởi pháo của tiểu đoàn 440.
Đối với ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Thành ủy viên thành phố Huế, ký ức Tết Mậu Thân trong ông được kể lại với niềm tự hào: “Tình hình diễn biến mau lẹ, chẳng mấy chốc ta chiếm được thành phố Huế. Sau những giờ phút ngỡ ngàng ban đầu, khi nhìn thấy sự xuất hiện ngày càng đông của các chiến sĩ giải phóng quân đi lại, đứng gác dọc đường phố với tư thế nghiêm trang, tự nhiên, cầm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu của người chiến thắng, quần chúng nhân dân đã đứng về phía cách mạng. Ông không thể nào quên hình ảnh nhân dân mở cửa đón bộ đội như những người thân đi xa lâu ngày trở về. Trong mỗi căn nhà các mẹ, chị chọn vải may cờ giải phóng. Học sinh, sinh viên viết các khẩu hiệu hoan nghênh quân giải phóng, đả kích đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tuyên truyền bọn nguỵ quân, nguỵ quyền ra đầu hàng, tham gia giữ gìn trật tự, trị an địa phương.
Ký ức Xuân Mậu Thân 1968 trong tâm trí ông Hoàng Lanh, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chính ủy Mặt trận cánh Nam Huế đó là, vào khoảng 9 giờ ngày mồng 3 Tết, cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của cách mạng được tổ chức trọng thể tại Thành Nội. Khác với sự cẩn trọng ban đầu, người dân thành phố Huế đã xuống đường, nhiều người nắm áo chúng tôi rưng rưng: “Các anh về đây rồi thiệt à? Cánh mạng đã về rồi thiệt à?”. Cuộc mít tinh thu hút khoảng vài trăm người… Những người dân Huế đã từng sống trong ách cai trị của chế độ Mỹ - nguỵ khi nghe nói “Thưa đồng bào, bây chừ cách mạng đã về” thì vỗ tay ào ào và hết sức xúc động. Ông Lanh nhớ mãi hôm ấy, chỉ những lời nói giản dị dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vậy thôi mà đã làm cho mọi người mừng rơi nước mắt. Ông cũng lặng người đi vì tự hào và sung sướng.
Thiếu tá Lê Việt Bình (bí danh Trần Văn Cường, Hai Đường) - trinh sát vũ trang Ban An ninh T4 kể: Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, lực lượng trinh sát vũ trang được phân công đánh Tòa Đại sứ Philippines. 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, một tổ trinh sát gồm 6 người, do ông Nguyễn Văn Hưng (Tư Hưng) chỉ huy tập kết mục tiêu. Thời điểm đã đến, ông Tư Hưng ôm bộc phá, giật nụ xòe cho bộc phá nổ tung cổng chính Tòa Đại sứ. Một đồng chí khác là ông Võ Văn Ngăn (Hai Ngăn) cũng ôm bộc phá lao thẳng vào tòa nhà, tiếng nổ rung chuyển cả một khu vực. Trận đánh để lại tiếng vang lớn về sự quả cảm của lực lượng An ninh T4. Sau đợt Tổng tiến công Mậu Thân, kẻ địch gượng lại, phản công quyết liệt. Khu ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ thị: Không để ngưng tiếng súng tấn công địch trong thành phố, diệt bọn cảnh sát ác ôn, đập lại luận điệu khoác lác của bọn cầm đầu Ngụy quyền. Ông Bình cho biết, cuối năm 1968, lực lượng trinh sát vũ trang được giao nhiệm vụ diệt tên tướng tình báo Linh Quang Viên. Ông và 3 đồng đội là Nguyễn Văn Cạn (Út Cạn), Võ Anh Đồng, Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh) được giao nhiệm vụ này. Ban chỉ huy B5 chọn thời điểm thực hiện vụ mưu sát là ngày 1/2/1969. Thời gian, địa điểm cụ thể không quy định trước, ta bố trí bám theo xe Viên và khi nào thuận lợi sẽ ra tay, vũ khí chủ yếu là những trái mìn tự tạo với trọng lượng khoảng 1,5 kg thuốc nổ C4. 8 giờ sáng 1/2/1969, khi xe chở Viên dừng đèn đỏ ở ngã tư Bà Huyện Thanh Quan – Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), Võ Anh Đồng chở Út Cạn vọt lên để Út Cạn ném quả mìn vào đầu chiếc xe màu đen rồi “vọt thẳng”. Tên tướng trong xe và bọn lính sợ hãi, mở cửa xe nhảy ra ngoài. Lúc này, Sáu Sinh chở Hai Đường (Thiếu tá Lê Việt Bình) phóng lên từ phía sau, ném quả mìn vào ngay sau tên tướng và ném tiếp quả lực đạn, rồi rút lui. Tiếng nổ làm náo động cả khu vực. Vài giờ sau, Đài Tiếng nói Sài Gòn phát tin, tên tướng bị ám sát là Nguyễn Văn Kiểm, người thay thế Linh Quang Viên làm Tham mưu trưởng An ninh biệt động Phủ Tổng thống. Vụ ám sát tên tướng tình báo Ngụy mới lên đã gây tiếng vang rất lớn ở Sài Gòn lúc bấy giờ và cả ở Mỹ.
Thấm thoát đã 50 năm trôi qua, có thể nói chiến công và những trận đánh vang dội trong Cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968 vẫn được lưu truyền và đọng mãi trong ký ức của những người lính cụ Hồ năm ấy, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nhất là thanh thiếu niên hiện nay.
Nguyễn Sen