Bỏ qua nội dung chính

Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử > Bài đăng > Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tác động đến việc hoạch định các chiến lược toàn cầu mới của Mỹ
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tác động đến việc hoạch định các chiến lược toàn cầu mới của Mỹ

Đã 50 năm trôi qua nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn còn in đậm dấu ấn trong mỗi chúng ta. Cuộc tổng tiến công tạo ra bước ngoặt quyết định, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, hạn chế rồi đi đến chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, rút dần quân về nước, chịu thất bại hoàn toàn trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Sau Mậu Thân, một phong trào phản đối chiến tranh diễn ra mạnh mẽ trong lòng nhân dân nước Mỹ; tạo ra bước ngoặt chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Cùng với thời gian, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 ngày càng được khẳng định rõ hơn về thắng lợi và bài học, để qua đó, phát huy những thắng lợi đạt được, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Đêm 30 rạng ngày 31 – 3 – 1968, quân và dân ta đồng loạt nổ súng tiến công quân Mỹ và tay sai trên toàn chiến trường miền Nam: 4 trong 6 thành phố, 37 trên 42 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ trên khắp miền Nam; hầu hết các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của cả Mỹ lẫn chính quyền Sài Gòn, từ Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài gòn, cơ quan Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn… đều bị đánh phá. Những cuộc tiến công ấy đã gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ, tác động sâu sắc đến việc làm phá sản các chiến lược toàn cầu của Mỹ: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm suy yếu chiến lược Westmoreland”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân buộc chính quyền Mỹ phải xem xét có nên tăng cường lực lượng ở Việt Nam hay không. Bởi vì trước đó, tướng Oetsmolen đã đề nghị Giônxơn điều động thêm 206.000 quân mới có đủ khả năng để bảo vệ các thành phố, đẩy Việt cộng ra khỏi các tỉnh phía Bắc và bình định địa bàn nông thôn. Đề nghị tăng quân đã gây nhiều tranh cãi trong Chính phủ Mỹ, buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clifford quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm xem xét lại chiến lược Việt Nam của Mỹ, về hiệu quả của cuộc chiến tranh mà Mỹ đã phải tốn không ít tiền của và khả năng ứng phó của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Kết quả của ủy ban đặc biệt và cuộc họp của nhóm cố vấn cấp cao Chính phủ ngày 25 – 3 – 1968 đều thống nhất là “Mỹ nên chấm dứt leo thang, rút khỏi cuộc chiến và chuyển giao trách nhiệm nhiều hơn cho Việt Nam Cộng hòa” và “Mỹ đã sa vào một vũng lầy tồi tệ mà Mỹ nên sớm rút chân ra được nhanh chừng nào hay chừng ấy”.

Ngày 31 – 3 – 1968, trước những sức ép căng thẳng về chính trị, quân sự, trong nước và quốc tế đã buộc Tổng thống Mỹ Giônxơn đọc diễn văn trên truyền hình Mỹ công bố trước công chúng Mỹ những quyết định quan trọng, là chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; bác bỏ đề nghị tăng thêm quân; chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris; không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Điều đó chứng tỏ “Hồ Chí Minh đã phân tích rất xác đáng phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ đối với tổng tiến công Tết, mà tác động thêm vào đó như một giọng điệu bi thảm là quyết định không tái cử tổng thống của Giônxơn: đó là ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ đã suy yếu, cũng giống như quyết tâm của người Pháp sau thất bại ở Điện Biên Phủ”.

Cuộc Tổng tiến công vả nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của các loại hình chiến tranh trong chiến lược toàn cầu Phản ứng linh hoạt của Mỹ đã áp dụng, buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược sang phi Mỹ hóa chiến tranh. Thất bại nặng nề trong Tổng tiến công Mậu Thân buộc Mỹ phải đánh giá lại sức mạnh của mình. Tướng Oetsmolen, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam – Việt Nam, bị cách chức; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara phải từ chức, Mỹ bắt đầu xuống thang chiến tranh, từ chủ động tìm diệt Việt cộng chuyển sang chiến lược phòng thủ quét và giữ, từng bước thực hiện phi Mỹ hóa chiến tranh, rồi Việt Nam hóa chiến tranh, rút dần quân về nước. Tất cả những điều đó khẳng định chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ bị phá sản hoàn toàn.

Tác động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã phá hỏng các chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ. Với Phản ứng linh hoạt, Mỹ chủ trương dựa vào tiềm lực kinh tế mạnh và quân đội đông gấp nhiều lần quân đội Ý, Anh, Pháp, đóng quân tại hàng trăm căn cứ quân sự khắp thế giới để có thể đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh thế giới, hoặc cùng một lúc tiến hành chiến tranh trên hai hướng. Mặc dù miền Nam Việt Nam không phải là mục tiêu chính của Mỹ nhưng Mỹ đã phải huy động 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân vào chiến trường này. Do đó, lực lượng quân sự của Mỹ bị căng mỏng, đe dọa đến kinh tế Mỹ và các mục tiêu trong nước và quốc tế khác:

“Sau Tết, cuối cùng chính quyền Mỹ thừa nhận rằng, mọi sự tăng quân đến Việt Nam đe dọa không chỉ nền kinh tế của nước Mỹ mà còn những ưu tiên trong nước và trên quốc tế nữa. Với việc nước Mỹ bị căng mỏng trên toàn cầu và một cuộc khủng hoảng còn phôi thai ở Triều Tiên, Bộ Tham mưu liên quân nhanh chóng làm sống lại yêu cầu trước đây về việc gọi quân trù bị, một biện pháp không được lòng quần chúng”.

Ngày 20 – 1 – 1969, khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Níchxơn nhận thấy phải kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam vì: “cuộc chiến tranh đã trở thành một khúc xương mắc trong họng nước Mỹ, một lực lượng chia cắt đã xé tan đất nước và cản trở mọi giải pháp xây dựng nhằm giải tỏa những vấn đề khó khăn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ”.

Rõ ràng là thắng lợi của Việt Nam trong Mậu Thân đã không chỉ làm cho Tổng thống Giônxơn phải thay đổi chiến lược mà còn tác động trực tiếp đến việc hoạch định chiến lược mới của Níchxơn. Học thuyết Níchxơn ra đời với chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh – một giải pháp mới về đối nội cũng như đối ngoại của Níchxơn nhằm đối phó với những khó khăn của nước Mỹ, lẫn trên chiến trường Việt Nam do cuộc Tổng tiến công Mậu Thân gây ra.

Từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ bị thất bại hoàn toàn, đất nước Việt Nam thống nhất, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh ấy vẫn còn vô cùng nặng nề trong mỗi người dân Mỹ:

“Ở Mỹ, tác động của cuộc chiến tranh nặng về mặt tinh thần hơn là thực tế. Sài gòn thất thủ đã gây tác động sâu sắc. Một số người Mỹ bày tỏ hy vọng nước này có thể gạt bỏ một thời kỳ đau khổ ra khỏi quá khứ và tiếp tục công việc của tương lai. Trong những người từng quen với việc đón chào hòa bình với những cuộc diễu hành tung băng giấy, thì cuộc chiến tranh vẫn để lại tàn dư sâu sắc của sự thất vọng, giận dữ và hết ảo tưởng. Người Mỹ nhìn chung nhất trí rằng, chiến tranh là một tấn thảm kịch vô nghĩa và một “thời kỳ đen tối” trong lịch sử dân tộc họ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tác động sâu sắc đến nhân dân và chính giới Mỹ, lật ngược quan điểm của những nhà chính trị, quân sự tài ba của Mỹ, góp phần quyết định buộc Tổng thống Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở đường cho việc rút quân về nước.

Những thắng lợi to lớn của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 đã chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ thắng lợi quyết định, buộc Mỹ rút quân, tạo ra những điều kiện thuận lợi để quân dân ta giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt tết Mậu Thân, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới. Cuộc đối đầu của dân tộc ta với đế quốc Mỹ vẫn quyết liệt, còn phải tiếp tục chiến đấu, còn phải trải qua nhiều gian khổ, ác liệt, hy sinh. Mỹ không thể đảo ngược nổi tình thế, làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam. Chúng ta tiếp tục chiến đấu “đánh cho Mỹ cút”. Mỹ phải bắt đầu quá trình từng bước rút quân khỏi miền Nam, cho đến giờ phút phải hạ cờ, cuốn gói về nước. Loại bỏ được đối tượng tác chiến chủ yếu là quân viễn chinh Mỹ, quân và dân ta có điều kiện và thời cơ mới để thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước, giành được độc lập tự do trọn vẹn vào mùa Xuân lịch sử 1975.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.