Trong những ngày tháng hướng tới kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân lịch sử, tất cả người dân Việt Nam đặc biệt là những người đã từng tham gia vào chiến trường xưa không khỏi bồi hồi xúc động tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, hi sinh thân mình vì quê hương đất nước nhưng cũng vui mừng vì chính sự kiện mùa Xuân ấy, dân tộc ta bước sang một bước ngoặt lịch sử: bắt buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán dẫn đến cuộc đàm phán ở hội nghị Paris kéo dài nhiều năm, để cuối cùng hiệp định hòa bình được ký kết
Ôn lại mùa Xuân ấy, chúng ta không khỏi khâm phục những tấm gương anh dũng, kiên cường bất khuất, xông pha vào chiến trường, giằng co với địch để giành lấy từng tấc đất, làm chủ từng con đường, canh giữ từng ngôi nhà, chiếm từng góc phố, đánh bật quân Mỹ và ngụy quyền khỏi nơi chiếm đóng. Những người chiến sĩ cách mạng can trường ấy chính là những người lính trực tiếp chiến đấu, những người làm công tác tình báo, gián điệp, những người làm báo, công tác giao liên,….trong đó chiến công oanh liệt nhất là những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, mỗi người một nhiệm vụ, họ đều không quản khó khăn, nguy hiểm tính mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện trọn vẹn lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
“Bảy Rau Muống” là bí danh và cũng là cách gọi thân mật của các đồng đội - những chiến sĩ biệt động Sài Gòn dành cho Anh hùng LLVT nhân dân Lê Tấn Quốc. Trong trận tiến công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968, ông đã chiến đấu hết sức quả cảm và anh dũng hy sinh. Hơn 20 năm sau, hài cốt của ông mới được đồng đội tìm thấy trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và cảm động...
Sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, các chiến sĩ Đội 5 biệt động tập hợp tại căn nhà số 436/58 đường Hoàng Đạo (nay là đường Trần Văn Đang, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để chuẩn bị cho trận đánh vào Dinh Độc Lập.
Sau những giờ phút giằng co với địch rồi bị bao vây, các chiến sĩ trong đội nhanh chóng vọt lên sân thượng, chạy qua ngôi nhà kế bên “mở đường máu” rút ra ngoài. Khi rút đến nhà số 108 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1), do tất cả đều hết đạn, không còn khả năng chiến đấu nên 7 đồng chí trong đội ở hướng này đã bị địch bắt. Lần lượt những năm sau đó, các chiến sĩ tham gia trận đánh Dinh Độc Lập bị địch đưa ra xét xử, bị tuyên án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo... Riêng nữ biệt động Chính Nghĩa bị bắt và bị tra tấn dã man trong các nhà tù của Tổng nha cảnh sát, Thủ Đức, Chí Hòa và cuối cùng là Côn Đảo.
Mãi đến cuối năm 1986, gần 20 năm sau trận đánh ấy, trong lúc đập phá dãy nhà tại địa chỉ 86 Nguyễn Du (quận 1) để xây dựng lại, người dân phát hiện một bộ hài cốt ở trên mái hiên lầu 3. Bộ hài cốt vẫn còn ở tư thế ôm chặt khẩu AK đã hết đạn. Qua các dấu hiệu, đồng đội bàng hoàng, xúc động nhận ra, đó chính là anh Bảy Rau Muống. Vậy là trong trận đánh ấy, sau khi dũng cảm lao xuống đánh chặn địch, nghi binh cho đồng đội rút lui, anh đã bị thương. Khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, anh đã leo lên ngôi nhà này và anh dũng hy sinh do vết thương quá nặng. Anh đã thực hiện trọn vẹn lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ là một trong những chiến sĩ cách mạng hoạt động tình báo trong sào huyệt địch. Nhiệm vụ được giao là phải có mặt trong dinh, đúng cái đêm ta nổ súng tiến công Dinh Độc Lập để nắm tình hình địch và báo cáo với tổ chức diễn biến trận đánh. Trước Tết khoảng một tháng, ông nhận được chỉ thị của Trung tâm về cuộc Tổng tiến công của quân dân ta tiêu diệt kẻ thù trong dịp Tết. Nhiệm vụ giao cho ông rất nặng nề: Vẽ sơ đồ bố phòng của địch ở Dinh Độc Lập, Tổng nhà cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, sân baỵ Tân Sơn Nhất và một số việc rất cụ thể khác. Là tình báo chiến luợc mà làm những công việc đó thì rất dễ sơ hở và mạo hiểm. Nhưng bằng niềm tin chiến thắng, cuối cùng ông và anh em trong mạng lưới đã hoàn tất công việc khó khăn ấy một cách tốt đẹp.
Lê Đình Dư (Hồ Thừa) là phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Xuân Mậu Thân, để tác nghiệp, ông cùng đồng đội vác ba lô con cóc tiến về hướng bom rền. Lê Đình Dư được phân công đi về phía đông do anh Đàm Quang Trung làm Tư lệnh và Chính ủy Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách. Hướng Đông Cửa Việt có Sư đoàn 320, 324 và Trung đoàn 270. Hướng này sẽ đụng đầu với Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ. Máy bay B-52 giội bom suốt ngày đêm cả hai cánh Đông, Tây. Cả hai phía đánh nhau rất dữ dội, nhà báo Lê Đình Dư chiến đấu rất dũng cảm, anh hùng, tiểu đội cùng đi với anh thương vong nhiều, anh lấy súng của thương binh đánh nhau với quân Mỹ đến viên đạn cuối cùng. Lê Đình Dư đã anh dũng hy sinh Tết Mậu Thân và sau này đồng đội đã đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông.
Qua hồi ức của Đại tá Nguyễn Thanh Hồng trong trận đánh phản kích địch ở ngoại vi tổng kho Long Bình của C92 pháo mặt đất tại Biên Hòa. Trận đánh đã diễn ra không "cân sức” giữa quân ta với một tiểu đoàn thuộc lữ 199 Mỹ hết sức khốc liệt. Quân ta đã đẩy lùi 5 đợt phản kích, diệt nhiều tên địch nhưng cuối cùng C92 chỉ còn 2 chiến sĩ và 1 trung đội trưởng mang trên mình 23 vết thương, tự băng bó, giữ vững vị trí chiến đấu để đến đêm đưa anh em bị thương nặng rút ra an toàn. Trận đánh này đã nêu tấm gương sáng về lòng trung kiên - ý chí bất khuất, tình đồng đội cao đẹp mà tiêu biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - trung đội trưởng Võ Văn Tăng. Đây là những chiến công oanh liệt của những cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 1 trung đoàn 4, đại đội 6 tiểu đoàn 2 trung đoàn 5, đại đội 92 tiểu đoàn pháo, C đặc công và những chiến sĩ biệt động của Biên Hòa cùng tất cả những người đã trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất Biên Hòa vì Mậu Thân.
“Đặc khu rừng Sác”, cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công oanh liệt của Đoàn 10 đặc công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người được mệnh danh là “pho sử sống”, từng là “linh hồn” của đặc công rừng Sác chính là Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước), nguyên Trung đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 10 đã chỉ huy đánh cho địch một trận tan tành trong trận tiến công đồn Giồng Ông Đông. Mặc dù đánh không đúng sở trường, nhưng Đoàn 10 đặc công rừng Sác vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiêu diệt và làm mất sức chiến đấu của gần 1 đại đội bảo an. Cũng trong thời điểm ấy, các đơn vị của Đoàn 10 đồng loạt triển khai tiến công ở nhiều nơi trên địa bàn giáp ranh Sài Gòn. Cả Đặc khu Rừng Sác hừng hực khí thế tổng tiến công vào những mục tiêu trọng yếu làm lung lay tinh thần quân địch, mở đường cho thắng lợi cuối cùng.
Bên cạnh những chiến công vang dội của những đấng nam nhi anh hùng trong đó còn phải kể đến những chiến công oanh liệt của đội quân tóc dài. Tiêu biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Bời – một nữ giao thông viên tình báo đã vượt qua bom đạn cùng nhiều lớp “hàng rào” ngặt nghèo của địch, thực hiện chuyến liên lạc đầu tiên nối trung tâm chỉ huy ở ngoài căn cứ với cán bộ, cơ sở ở nội thành Sài Sòn vào dịp Tết Mậu Thân trong khi địch đang dồn sức kiểm soát, phong tỏa mọi cửa ngõ ra vào Sài Gòn. Trong những ngày sôi nổi Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, đã có hơn hai triệu lượt phụ nữ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, nông thôn, thành thị bằng ba mũi giáp công kết hợp khí thế đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng đã bao vây bức hàng, bức rút hơn 500 đồn bốt địch, làm rã ngũ hàng vạn binh sĩ ngụy thay thế nam giới ra tiền tuyến giết giặc, tham gia chiến đấu bảo vệ xóm làng, góp phần to lớn vào thắng lợi Tổng tiến công.
Và còn đó những tấm gương anh hùng trong trận Mậu Thân tuy vẫn chưa tìm được tung tích nơi các anh đã hi sinh nhưng vẫn còn vang vọng mãi bài ca chiến thắng, tấm lòng kiên trung bất khuất được nhân dân ta đời đời nhớ ơn và đất nước mãi tôn vinh. Sau nửa thập kỷ được sống trong cảnh thái bình kể từ mùa Xuân ấy, mới thấy rằng sự hi sinh của những chiến sĩ cách mạng ấy đã không uổng phí, đem đến cho toàn dân ta ánh sáng soi đường, cùng tâm hợp lực để làm nên bài ca chiến thắng: Khúc khải hoàn 30 tháng 4 mùa Xuân 1975.
Như Quỳnh