Bỏ qua nội dung chính

Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử > Bài đăng > Kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân ta trên toàn miền Nam
Kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân ta trên toàn miền Nam

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc đã khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968.

Ở miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, quân và dân ta đã gấp rút chuẩn bị và bí mật vận chuyển, cất giấu một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược tại các vùng giáp ranh và ngay trong các thành phố, thị xã. Một bộ phận lực lượng vũ trang được sự giúp đỡ của các cơ sở nội thành đã thâm nhập các thành phố trước ngày nổ súng.

Trong thời gian chuẩn bị, quân và dân ta đã đánh một số trận mở màn ở Lộc Ninh, Đắc Tô, Tuy Phước, Hậu Nghĩa, Khe Sanh làm cho địch không phán đoán được hướng tiến công chính của ta.

Đêm ngày 30 rạng ngày 31/1/1968, mệnh lệnh tiến công được bắt đầu, quân và dân ta ở miền Nam đã nổi dậy và tiến công đồng loạt vào hầu hết các sào huyệt, cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, các hệ thống giao thông thủy bộ, các kho tàng của địch, hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng nông thôn còn bị địch kiểm soát.

Mặc dù không dám thừa nhận sự thật, Oétmôlen, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ - ngụy và chư hầu ở miền Nam lúc này, đã phải báo cáo với Tổng thống Mỹ Giônxơn rằng: “Ngoài cuộc tiến công thẳng vào Sài Gòn, họ (Quân giải phóng) đã đánh vào 36 trong số 44 tỉnh, 5 trong số 6 đô thị, 64 trong số 242 quận lỵ và nhiều ấp chiến lược”.

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, quân dân hai thành phố lớn ở miền Nam là Sài Gòn và Huế đã lập được chiến công oanh liệt.

Tại thành phố Huế, hồi 02 giờ 33 phút ngày 31/1/1968, tiếng súng tiến công bắt đầu vang lên khắp thành phố. Sau 4 ngày tiến công liên tục, quân và dân ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu và làm chủ thành phố Huế. Dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài phát thanh, khách sạn Thuận Hóa và Hương Giang (2 hang ổ của bọn Mỹ), sân bay và nhiều mục tiêu khác đã bị quân ta chiếm giữ. Địch chỉ còn cố thủ được một vài nơi như đồn Mang Cá, căn cứ Tam Thai, Nam Giao ...

Được các đòn tiến công quân sự hỗ trợ, quần chúng trong thành phố đã nổi dậy dẫn đường cho bộ đội đào hầm, xây chiến lũy, tiếp tế vũ khí, cứu chữa thương binh.

Gia Hội là nơi quần chúng nổi dậy mạnh mẽ nhất. Nhiều tổ chức quần chúng như Mặt trận Thanh niên Huế, Hội Binh sĩ yêu nước ly khai ra đời, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều khu vực trong thành phố, hàng nghìn thanh niên đã tình nguyện tham gia các đội du kích tự vệ, các đội công tác.

Quân và dân thành phố Huế đã nổi dậy tiến công từ ngày 31/1 đến ngày 24/2/1968, sau 26 ngày đêm chiến đấu và làm chủ thành phố Huế, quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng và làm tan rã 25.700 tên địch, bắt sống 1.723 tên, bắn rơi và phá hỏng hơn 255 máy bay, bắn cháy 41 tàu chiến, phá hủy 533 xe quân sự, giải phóng 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn, thành lập chính quyền ở 200 thôn, được Bác Hồ khen tặng 8 chữ vàng: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Trên chiến trường Khu 5, bộ đội ta đồng loạt tiến công các thị xã: Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Hội An và 40 quận ly, thị trấn. Riêng ở thành phố Đà Nẵng, tuy đã có sự chuẩn bị sớm nhưng do lực lượng phòng thủ của địch ở đây mạnh, ta nắm tình hình không chắc nên đêm 29 rạng ngày 30-1, ta không chiếm được mục tiêu theo kế hoạch.

Tại chiến trường Khe Sanh, trải qua 170 ngày đêm vây lấn Khe Sanh, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố đã đánh thiệt hại nặng Quân đoàn III TQLC và Sư đoàn Không Kỵ số 1 Mỹ, diệt 11.900 quân Mĩ và VNCH (trong đó có hơn 10 ngàn lính Mỹ), phá hủy 197 máy bay, 78 xe tăng - xe thiết giáp, 46 khẩu pháo, 50 kho đạn, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự thép ngăn chặn ở địa đầu Nam Việt Nam.

Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên cũng đã nổ phát súng khởi đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Mục tiêu chính được xác định là 3 thị xã: Buôn Ma Thuột, Plei-cu, Kon Tum. Buôn Ma Thuột nổ súng lúc 0 giờ 45 phút. Ngay những phút đầu, ta đã đánh chiếm được đài phát thanh, gần hết sư đoàn bộ sư đoàn 23, tòa hành chính, ty cảnh sát và bắn pháo dồn dập vào trung đoàn 45, sân bay Buôn Ma Thuột. Sau đó, phát triển đánh chiếm khu cư xá Mỹ, khu cơ giới và pháo binh. Ngay đêm đầu, ta đã diệt được một bộ phận cơ quan đầu não và đơn vị trực thuộc sư đoàn 23, bắn cháy 9 xe tăng và xe bọc thép, chiếm hậu cứ tiểu đoàn 4, trung đoàn 45 ngụy.

Tại Sài Gòn, Quân giải phóng đã tiến công tất cả các cơ quan đầu não, các vị trí quan trọng của địch như Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh “Độc Lập”, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn v.v... Nhiều cơ quan như Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sở chỉ huy các sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25 và 101 bị áp đảo bằng bộ binh và bằng pháo lớn. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tiến công mạnh phải ngừng hoạt động. Các trận địa pháo, các căn cứ thiết giáp ở trại Phù Đổng và Cổ Loa bị tiêu diệt. Hệ thống kho tàng dày đặc ở dọc sông Sài Gòn bị đốt cháy.

Đi đôi với tiến công quân sự, hàng chục nghìn quần chúng đã nổi dậy đấu tranh phối hợp với các lực lượng vũ trang ở phần lớn các quận 4, 5, 6, 7 của thành phố Sài Gòn.

Ở nhiều thành phố, thị xã khác như Biên Hòa, Bến Tre, Mỹ Tho và các vùng nông thôn, quân và dân ta đã tiến công mãnh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Trong khi bộ đội tiến công các mục tiêu trong thành phố, thị xã, thị trấn thì quần chúng khắp nơi nổi dậy, chi viện tác chiến, phá chính quyền ngụy, diệt ác, trừ gian, giải tán dân vệ, giành quyền làm chủ. Có nơi, quần chúng tự vũ trang cùng bộ đội đánh địch phản kích. Những buổi lễ trao súng cho bộ đội, tiễn đưa thanh niên tòng quân diễn ra sôi nổi ở các phường, khu phố. Quần chúng dẫn đường bộ đội, sơ cứu, cất giấu thương binh...

Như vậy là trong cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền, hầu hết các mục tiêu quan trọng của địch đều bị quân và dân ta tiến công: 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 12/12 bộ tư lệnh sư đoàn, bộ tư lệnh biệt khu, bộ tư lệnh dã chiến Mỹ, hầu hết các ban chỉ huy tiểu khu, trung đoàn bộ quân nguy, nhiều bộ tư lệnh sư đoàn, lữ đoàn Mỹ; 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của địch bị đánh. Nhiều nơi đánh đi đánh lại nhiều lần, trong đó có những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Đà Nẵng, Chu Lai và nhiều tổng kho lớn như Long Bình, Nhà Bè, Liên Chiểu, Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài, Plei-cu, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Sóc Trăng... Ta đã đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã lớn ở miền Nam, làm chủ nhiều nơi trong nhiều ngày, nhiều giờ.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 rất to lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 30/1 đến ngày 20/3/1968 ta đã tiêu diệt 147.000 tên địch (có 43.000 tên Mỹ), làm đào ngũ và rã ngũ 20.000 quân ngụy, bắn rơi và phá hủy 2.370 máy bay, phá hủy 1.700 xe tăng và xe bọc thép, 350 pháo, 230 tàu, xuồng và 1.368.000 tấn vật tư chiến tranh, bằng 34% tổng số vật tư dự trữ của địch ở miền Nam, ngoài ra chúng ta đã bức rút, bức hàng trên 700 đồn bót, giải phóng thêm 1.000 thôn, ấp và 1.2000.000 dân.

Lần đầu tiên trong chiến tranh cách mạng ở miền Nam, tổng số quân ngụy bị sụt xuống một cách đột ngột. Ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương bị rối loạn, tê liệt, tan vỡ với nhiều mức độ khác nhau. Thắng lợi to lớn và quan trọng nhất là chúng ta đã làm thay đổi thế trận và so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra cục diện mới, thế chiến lược mới và những khả năng mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.