Bỏ qua nội dung chính

Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử > Bài đăng > Nhìn lại quá trình lịch sử oanh liệt ''Tết Mậu Thân'' 1968 của nhân dân Việt Nam
Nhìn lại quá trình lịch sử oanh liệt ''Tết Mậu Thân'' 1968 của nhân dân Việt Nam

Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, khoảng lùi thời gian tuy chưa dài, song cũng không phải là ngắn để kiểm nghiệm, đánh giá về sự kiện lịch sử này. Bao nhiêu mùa Xuân đi qua, nhưng những đánh giá của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) vẫn còn nguyên giá trị: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn giữ một vị trí rất to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Suốt chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc (1954 – 1975), dân tộc Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất hy sinh, đã phải tự tìm đường đánh Mỹ - một cường quốc của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một “đô-mi-nô” trong tính toán chiến lược từ lâu của Mỹ. Trên chặng đường 21 năm, Mỹ đã thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, thay đổi nhiều chiến lược chiến tranh, bỏ ra nhiều tiền của và công sức hòng khuất phục đối phương. Tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ đó là cả một quá trình lâu dài, gian khổ, đầy sáng tạo và rất mưu lược của dân tộc Việt Nam. “Tết Mậu Thân” với hiệu quả chiến lược của nó, đã là một thành công lớn trong quá trình này.

“Tết Mậu Thân”, từ trong ý đồ của các cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam đến diễn biến thực tế trên chiến trường, là một hoạt động rộng lớn, phức tạp. Đương đầu với Mỹ - đối thủ có quân số đông, vũ khí hiện đại, hỏa lực dồi dào, sức cơ động cao, lại chiếm ưu thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển… nên không thể có ảo tưởng đánh tiêu diệt đội quân viễn chinh này. Suốt những năm “chiến tranh cục bộ” – đỉnh cao nhất trong toàn bộ cố gắng chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, trong khi chỉ đạo quân và dân ta trên chiến trường giữ vững và phát huy mạnh mẽ chiến lược tiến công, ra sức chuẩn bị thế trận và lực lượng, Đảng ta đồng thời theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan tới cuộc chiến tranh – cả trên chiến trường, ở nước Mỹ và trên thế giới. Với tầm nhìn đó, Đảng ta đã dự kiến được xu thế phát triển của cuộc chiến tranh, phát hiện được thời cơ chiến lược đang xuất hiện. Trong điều kiện tương quan lực lượng quân sự lúc bấy giờ vẫn nghiêng về phía địch, song, nắm vững chiều hướng vận động của tình hình và để kịp chớp lấy thời cơ có lợi nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh, Đảng chủ trương đánh vào ý chí xâm lược của đối phương bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh cách mạng miền Nam, bằng việc kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, nhằm vào toàn bộ mục tiêu hiểm yếu của địch trên chiến trường, đặc biệt bằng cách đánh hiểm, đánh vào yết hầu, đánh vào tim óc của địch, vào thời điểm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị của nước Mỹ - là năm vận động bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.

Vì thế, hiệu quả chiến lược rộng lớn của “Tết Mậu Thân” không do một nhân tố đơn lẻ nào tạo ra mà là kết quả tổng hợp của một loạt nhân tố quân sự - chính trị - tâm lý – ngoại giao. “Tết” chẳng những phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường Việt Nam cả về quân sự, chính trị, phơi bày sự bất lực của một đạo quân đông tới gần 1 triệu 300 nghìn tên được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại trước sức tiến công và cách đánh của đối phương, làm lộ rõ những sai lầm về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn và giới tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường, biểu dương ý chí, nghị lực và sức mạnh quật cường của quân dân Việt Nam… “Tết” còn làm bộc lộ những giới hạn trong sức mạnh quân sự, kinh tế của Mỹ,  làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược toàn cầu mà Mỹ theo đuổi từ lâu… Vì lẽ đó, cho dù Mỹ là một nước lớn, một nước chưa hề bại trận trong lịch sử 200 năm lập nước của mình, một nước ở cách xa chiến trường Việt Nam đến nửa vòng quả đất thì “Tết Mậu Thân” vẫn gây nên những chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ khiến cho đông đảo các tầng lớp xã hội Mỹ - kể cả các quan chức cấp cao, các nghị sĩ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực ở Mỹ, phải thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến tranh, không còn hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh của chính quyền Giôn-xơn nữa… Tất cả những điều đó buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, vào đêm 31 tháng 3 năm 1968, đã phải xuất hiện trên vô tuyến truyền hình công khai tuyên bố đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, rút bỏ cam kết đưa quân viễn chinh Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ ở Việt Nam trong khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Việc trút bỏ gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn – một lực lượng vốn đã bại trận trước khi quân Mỹ buộc phải tham chiến và ngày càng phụ thuộc vào sự có mặt của quân Mỹ, về thực chất, là làm cho Mỹ phải phụ thuộc vào chính kẻ đang phải phụ thuộc vào mình. Đây là đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam. Vì thế, cho dù sau “Tết”, cuộc chiến tranh vẫn còn kéo dài và rất ác liệt thì với quyết định ngày 31 tháng 3 năm 1968 của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, thực chất, số phận cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam đã được định đoạt. Chính sau này, vào trưa ngày 22 tháng 4 năm 1975, với giọng điệu buồn bã, rời rạc, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam cộng hòa, đã cay đắng khi phát biểu trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn: “Mỹ đã yêu cầu chúng ta thực hiện điều không thể làm được. Vì vậy, tôi đã bảo với họ: các ông đòi chúng tôi làm điều mà các ông đã thất bại với nửa triệu binh lính tinh nhuệ và sĩ quan có tài với gần 300 tỉ đô la chi phí trong 6 năm trời. Nếu tôi không nói các ông bị Cộng sản Việt Nam đánh bại, thì tôi cũng phải nói một cách khiêm tốn là các ông không thể chiến thắng. Nhưng các ông đã tìm đường rút lui trong danh dự”. Nhưng đó là sự thừa nhận của Nguyễn Văn Thiệu 7 năm sau “Tết Mậu Thân”, khi chế độ Sài Gòn mà Mỹ dày công nuôi dưỡng đang trong cơn hấp hối. Còn trước đó, vào năm 1971, Đôn O-bớc-đoi-phơ – tác giả cuốn sách điều tra nổi tiếng về sự kiện “Tết Mậu Thân” đã nhìn nhận, “vì cuộc chiến chưa kết thúc và chung cuộc chưa rõ ràng, tầm quan trọng đầy đủ về cuộc tiến công Tết Mậu Thân đang nằm ngoài tầm nhận thức chúng ta”, nhưng dù vậy, “một điều xem ra đã rõ: lịch sử sẽ chẳng quên đi sự kiện này. Đối với mọi loại người và mọi cách suy nghĩ khác nhau, đây là một sự kiện có tính chất bước ngoặt, một trong những bước ngoặt lớn trong thời đại chúng ta”.

“Tết Mậu Thân”, tính đến ngày 31 tháng 3 năm 1968, là biểu hiện ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; biểu hiện sức sáng tạo và tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng: đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; là nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng để lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ. Như thế, trong toàn bộ cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam (1954 – 1975), “Tết Mậu Thân” là sự kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Sau “Tết Mậu Thân”, những tổn thất to lớn của quân và dân ta trên chiến trường trong các đợt tiến công tháng 5 và tháng 8 năm 1968 là có thật. Nhưng dù vậy, không ai có thể phủ định được rằng: chỉ có bằng đòn “Tết Mậu Thân”, chúng ta mới có thể làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ, mới đánh cho Mỹ cút, Mỹ rút khỏi miền Nam để tạo được thế trận “nhân” vào mùa Xuân 1975, đánh cho ngụy nhào sớm hơn dự định đến không ngờ, giảm được bao nhiêu xương máu và của cải, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa đất nước Việt Nam chúng ta tiến bước vào công cuộc đổi mới hôm nay.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.