Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Hai, 06/05/2019, 09:00

Phụ nữ với chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn nửa số dân công là phụ nữ từ vùng do Việt Minh kiểm soát như: Nghệ An, Thanh Hóa, liên khu 3, liên khu 4, đồng bào Tây Bắc,... xung phong đi phục vụ chiến dịch. Dù không trực tiếp cầm súng nhưng tấm lòng yêu quê hương sâu đậm và ý chí ngoan cường của những người phụ nữ đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc. 

Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong tham gia tất cả các công việc mà chiến dịch cần: tham gia mở đường, sửa đường với khẩu hiệu “bảo vệ giao thông tuyệt đối”, chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội; cứu chữa, chăm sóc thương binh dưới hầm, đi lại bằng giao thông hào, bùn non ngập tới mắt cá chân nhưng những nữ y tá quân y, ngày đêm vẫn bám sát trận địa với bộ đội, miệt mài chăm sóc thương binh, hết thay băng, cầm máu rồi đến giấc ngủ, từng bữa ăn; là những ngày phá núi mở đường, những chuyến dân công phục vụ chiến dịch, những nữ văn công sẵn sàng lấy nhọ nồi kẻ mắt, với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” đem những điệu múa, vở kịch, lời ca đến với bộ đội… Đó thực sự là những nguồn cổ vũ, khích lệ về tinh thần hết sức quý báu, xua tan những mệt mỏi, gian khổ và tiếp thêm động lực cho những người lính chiến đấu đến cùng: “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đường lên Tây Bắc cheo leo

Non xanh nước biếc núi đèo quanh co

Em là dân công bộ, anh là dân công thồ

Cùng với “chiến sĩ ô tô”

Ta vui tiếng hát câu hò tiếp lương

Họ miệt mài ghánh gồng những tải gạo, lương thực, rau, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày; họ bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn quân thù hết lượt này đến lượt khác kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch; họ cũng sẵn sàng nằm trên những tấm ni lông trải dưới đất, giấc ngủ chập chờn, bảo đảm lương thực cung ứng cho chiến dịch không bao giờ bị ngừng lại; những bàn chân, đôi tay chai sần, tóe máu gắng sức làm đường để kéo pháo, làm giao thông hào đến tận sào huyệt địch. Vậy mà, suốt con đường đi chiến dịch, người ta vẫn nghe thấy tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười nói của những nữ dân công làm quên đi cái mệt nhọc, quên đi cái hiểm nguy của đạn pháo trên đầu.

Ai cũng kinh ngạc trước sức mạnh của chị em dân công đã phục vụ chiến dịch lịch sử: Chị Mai – dân công vận tải trạm 22 Yên Bái thường vác tới 1000 ki-lô-gram gạo, nhiều đồng chí giữ kho đã cân một đêm xong ba mươi đến năm mươi xe ô tô gạo, hay như chị Châu Thị Mỹ và chị Nguyễn Thị Chất người Vĩnh Phú lập “kỷ lục” về bốc gạo trên ô tô xuống. Trong trận tuyến Nậm Na, các cô gái vạn chài song Thao ngày đêm qua lại trên lũ thác hung dữ: từ mỗi mảng chở chưa đến ba tạ gạo, các cô đã chở đến ba tạ rưỡi, bốn tạ; từ mỗi đêm đi một chuyến, đã nâng lên hai chuyến. Ngày 24 tháng 4, các cô đã đưa tới Lai Châu một nghìn ba trăm tấn gạo vượt thời gian quy định…

Trong chiến dịch ta không có lấy một xe cứu thương, ngoài một số trường hợp gửi đi nhờ xe vận tải, còn hầu hết thương binh có bốn đến sáu dân công khiên. Trên đường các nữ dân công làm luôn nhiệm vụ hộ lý, cấp dưỡng. Có lần một chị dân công vùng tạm chiếm Vĩnh Phúc đã cởi áo bông của mình ủ cho thương binh khỏi rét, máu từ vết thương rỉ ra, thấm đầy áo bông. Về đến hậu phương, anh bộ đội nọ đưa cho chị một số tiền để may áo bông mới, nhưng nói sao chị cũng không nhận và còn nói: “Máu các anh chảy ra vì dân, vì nước, có thấm vào áo em thì em mang về, em giữ mãi để nhớ tới các anh”. Câu chuyện xúc động trên lan rộng ra và trở thành câu hát:

Thương anh, em ủ áo bông

Áo em nhuộm thắm máu hồng thương binh

Đó là những ngày gian khổ nhưng cũng đầy niềm vui không thể nào quên của các chị dân công, tất cả đều ở độ tuổi thanh xuân tràn đầy nhiệt tình phục vụ chiến sĩ như: Bạch Trà, Hà Thị Niên,… xuất phát từ thị xã Tuyên Quang hướng về Tây Bắc trong một ngày giáp tết, ba lô túi gậy, tay đàn, tay gậy, ngày nghỉ đêm đi, trèo đèo lội suối, đói khát, dưới làn bom đạn của máy bay địch, đi gần một tháng mới tới nơi. Đơn sơ trong khó khăn, vậy mà chị Bạch Trà đến các em mới bước lên sân khấu, tất cả đều một lòng hăng hái, có lúc hành quân phải vượt lên trước bộ đội, đón sẵn các anh để hát động viên khi giải lao. câu chuyện về nữ dân công Hà Thị Miên, hi sinh anh dũng trên con đường tải đạn từ Nà Nhạn vào Mường Phăng vẫn luôn được đồng đội kể lại với niềm xúc động khôn nguôi, chị Đào Thị Vinh dân công hỏa tuyến vào chở đạn, ra chở thương binh, đêm đi ngày nghỉ...

Trong hồi ức của đồng chí Ngọc Diệp, nguyên là diễn viên văn công Đại đoàn 308, cán bộ của Thư viện quân đội, đã từng xúc động khi được giao nhiệm vụ thêu cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho tiểu đội mũi nhọn của Đại đoàn 308. Mặc dù bị bệnh sốt rét sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm đường. Chị đã rất sung sướng khi được giao nhiệm vụ thiêng liêng này nhưng cũng vô cùng hồi hộp và băn khoăn vì không biết lấy chỉ đâu để mà thêu cờ. Thế rồi biết bao sáng kiến ra đời, các anh chị em dùng những cuốn băng cứu thương nhuộm thuốc ký ninh vàng, nhuộm và phơi khô nhiều lần cho lên màu vàng thật đẹp rồi cắt hình ngôi sao, rút sợi dọc bằng xô để làm chỉ khâu, rút ruột dây dù trắng để làm tua cờ. Chị vừa bị sốt vừa tranh thủ từng đường kim mũi chỉ để hoàn thành lá cờ đúng thời hạn để giao cho đơn vị xuất kích. Một kỷ niệm đẹp in dấu trong lòng chị không bao giờ quên, và mỗi khi nhắc lại niềm xúc động lẫn niềm vui lại hiện lên trong khóe mắt.

Câu chuyện về chiếc bát của bà Lã Thị Nhài quê tỉnh Phú Thọ là cả một tình thương yêu vô bờ bến đối với chiến sĩ và thương bệnh binh. Cái bát bằng gỗ tiện, màu nâu sẫm, có một lỗ nhỏ gần miệng bát để buộc dây, tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn xung phong đi dân công phục vụ chiến dịch và đem theo cả cái bát trên mọi nẻo đường. Tuổi cao nhưng luôn xung phong đi đầu, gánh gạo lúc nào cũng phải bằng mọi người mới chịu, làm đường nguyện vọng được lên hỏa tuyến phục vụ, chăm sóc thương binh bà tận tình thương yêu như con cháu trong nhà, làm cấp dưỡng thì đồ ăn nóng mới ngon và ăn nhiều mới khỏe,…bằng chính chiếc bát gỗ mà bà đem theo để phục vụ thương bệnh binh. Tấm gương tỏa sáng của bà được toàn mặt trận biết đến và ghi dấu trong lòng.

Hưởng ứng cùng chiến dịch, những người phụ nữ Mông, Khơ Mú xuống núi “tay xách, nách mang” nào lợn, gà, dê, rau xanh, ngô, khoai phục vụ chiến dịch; phụ nữ Thái cũng rời xa bếp củi mang thóc, gạo, muối, cá, ... ủng hộ bội đội đánh giặc.

Còn đó những người vợ, người mẹ chấp nhận biệt ly, chia cách, tiễn chồng, con ra mặt trận, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, còn mình chu toàn việc gia đình, con cái, tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; tham gia du kích, vận động, biểu tình, .... Có biết bao câu chuyện, bài hát về những người phụ nữ như thế với bao niềm xúc động, hãnh diện và vui sướng khi chồng, con mình lập chiến công nhưng cũng bấy nhiêu nỗi buồn khi người thân của mình vĩnh viễn ra đi, nằm lại chiến trường lịch sử để khi hòa bình đã lập lại mấy chục năm mà nước mắt họ vẫn không ngừng tuôn rơi.

Phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, tinh thần quả cảm của đội quân tóc dài lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” khiến cho giặc đầy sự bất ngờ và kinh ngạc. Lòng yêu nước của các chị, các mẹ, của những người con gái Việt Nam tay yếu chân mềm đã trở thành đạo đức, tình cảm thiêng liêng, biến ý chí căm thù thành hành động chính nghĩa, cùng với cả nước giải phóng quê hương, dành độc lập tự do cho dân tộc.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. http://btctlsdienbienphu.svhttdldienbien.gov.vn

2. Điện Biên Phủ : Nhân chứng và sự kiện. – H.: Quân đội nhân dân, 2004. – 328 tr. ; 21 cm

3. Kỷ vật Điện Biên. – H.: Quân đội nhân dân, 2004. – 180 tr. ; 21 cm

Như Quỳnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 595 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày