Đối với đồng bào Nam Bộ nhiều ngưòi biết Trung tướng Lê Nam Phong đánh giặc giỏi với những biệt danh “ông Năm Lửa”, “Năm Hỏa lực”, “Năm Bình tông”... Từ năm 1963 ông đã vào Nam đánh Mỹ với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Sư đoàn 9, và sau đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, đã từng chỉ huy sư đoàn đánh vào dinh Độc Lập. Nhưng ít ai biết ông đã từng là Đại đội trưởng “mỏ cửa” của Tiểu đoàn 322 Trung đoàn Tu Vũ (E88) Đại đoàn 308 đánh vào đồi Độc Lập tại chiến dịch Điên Biên Phủ, và ít ai biết lý do vì sao ông lại có biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc”.
Nhớ lại những ngày ấy, Trung tướng Nam Phong bùi ngùi vì sự hy sinh quá lớn của những chiến sĩ Điện Biên. Đại đội ông phải liên tục bổ sung quân từ tuyến sau lên. Một người ngã xuống, người khác thế vào, đến nỗi có người lính mới ông còn chưa biết tên thì anh ta đã hy sinh. Ngày ấy còn chẳng biết tên nhau, huống hồ giờ đây hàng chục năm dễ gì tìm thấy hài cốt.
Trước khi vào đợt 2 chiến dịch, Đại đội trưởng Lê Nam Phong đã có một sáng kiến khá thú vị:
“Bây giờ tất cả cạo trọc đầu hết nghe, để thề quyết thắng trận này”.
Mọi người nghe ý kiến đó thì khoái vô cùng vì vừa thể hiện quyết tâm chiến đấu, vừa để cho mát, chứ chiến hào đầy bùn nhão bẩn thỉu. Đất bùn mà dính vào tóc rễ tre của Đại đội trưởng Nam Phong thì ngứa ngáy lắm, mà ở đây làm gì có nước tắm gội. Nói là làm liền, anh này lấy kéo cắt cho anh kia, rồi lấy dao cạo râu cạo nhẵn thín. Chẳng mấy chốc, cả đại đội trọc lốc đầu. Thế là từ đó Đại đội trưởng Lê Nam Phong có biệt danh mới “Đại đội trưởng đầu trọc”. Sau này có lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng còn nhắc đến biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc” của ông.
Đêm 14 tháng 3 năm 1954, Đại đội trưởng Lê Nam Phong cùng trung đoàn hành quân dưới mưa đạn pháo 105 ly, pháo 155 ly của địch và trời cũng mưa tầm tã như thử lòng các chiến sĩ. Bộ đội phải dùng áo mưa và cởi cả áo để che cho bộc phá và súng đạn. Hơn 1 giờ sáng quân ta mới chiếm lĩnh giao thông hào tấn công cách chân hàng rào thứ nhất khoảng gần 200 mét. Trung đoàn nóng lòng chờ các đơn vị sơn pháo của ta đưa lên triển khai thì mới bắt đẩu tiến công được, nhưng do trời mưa to, đường trơn, cây đổ, sơn pháo phải gần sáng mới triển khai xong. Ngồi trong giao thông hào mà lòng các chiến sĩ như lửa đốt, ông Nam Phong nhớ mãi những giây phút chờ đợi đến ghê người, pháo địch ì oàng bắn, mưa lúc to lúc nhỏ, trời giá rét căm căm, răng đánh vào nhau lập cập. Rất nhiều đồng chí hy sinh ngay lúc chưa tấn công vì đạn pháo địch, có đồng chí tiểu đội trưởng thần kinh không chịu nổi giây phút ghê người ấy đã hét toáng lên “xung phong”, trong lúc toàn trung đoàn đang im lặng chờ lệnh. Mãi đến 3 giờ 30 phút sáng, pháo 105 ly của ta gầm lên, trút đạn vào các cứ điểm địch. Các tuyến hỏa lực sử dụng DKZ, đại liên Mác-xim và súng Bazoka bắn vào các ụ súng, lô cốt địch. Quân ta bắt đầu tấn công đồi Độc Lập. Lợi dụng lúc pháo binh ta bắn cấp tập, các trung đội bộc phá băng lên phá các hàng rào. Người đánh bộc phá đầu tiên là chiến sĩ Nguyễn Bá Tuệ. Địch bắn trả vô cùng ác liệt, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh như: Trung đội phó Đồng đang ôm bộc phá lao lên thì trúng đạn, Tiểu đội trưởng Cấp hy sinh, chiến sĩ Viên ôm bộc phá ngã dưới chiến hào. Lúc đầu trung đoàn ông xác định hướng cửa mở chưa đúng (trung đoàn vừa ở Lào về chỉ mới 3 ngày, vừa trinh sát vừa tổ chức chiến đấu, vừa đào hào giao thông nên chưa thật nắm chắc địa hình), sau đó đồng chí Nguyễn Văn Ty phát hiện hướng mở sai, đã chỉnh lại hướng mở, một mình đồng chí Ty đánh 9 quả bộc phá mở hàng rào (đổng chí Nguyễn Văn Ty sau này được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam). Trung đoàn 165 đánh hướng Đông Nam tương đối thành công, tiểu đội thọc sâu diệt được trận địa cối 120 ly, đánh chiếm trung tâm thông tin, tiến công bao vây bọn chỉ huy cứ điểm dưới hầm ngầm, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Doãn cắm cờ trên nóc sở chỉ huy địch. Tiếp đó trung đoàn xông lên tiêu diệt chia cắt từng bộ phận của địch. Sau khi mở được cửa, các mũi xung kích của Trung đoàn 88 lao thẳng vào bên trong cứ điểm, bắt liên lạc với Trung đoàn 165 bao vây hầm cố thủ sở chỉ huy địch. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 6 giờ 30 phút, ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng đổi Độc Lập. Hơn 300 tên địch ra hàng, trong đó có tên quan tư chỉ huy cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí.
Buổi sáng, địch cho 5 xe tăng dẫn 2 tiểu đoàn, gồm 650 tên từ khu trung tâm kéo ra phản kích. Đại đội 213 do Đại đội trưởng Lê Nam Phong chỉ huy đã chiến đấu một trận vô cùng oanh liệt, pháo binh ta bắn hiệp đồng, sơn pháo bắn thẳng vào xe tăng địch, buộc chúng phải tháo chạy. Nhưng đại đội bị thương vong gần hết, chỉ còn hai người nguyên vẹn là ông và đồng chí Đức liên lạc viên. Chiến thắng to lớn của quân ta trong 2 ngày tiêu diệt 2 cứ điểm Him Lam và Độc Lập được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm” đã làm cho bọn giặc ở Bản Kéo hoang mang lo sợ, chúng phải kéo cờ hàng vào ngày 17 tháng 3. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được để bạt lên cán bộ tiểu đoàn về tiếp quản Thủ đô.
Sau này, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Hoàng Phố ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Về nước năm 1964, ông lên đường vào Nam đánh giặc với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Sư đoàn 9. Sau đó ông làm Tư lệnh Quân đoàn 1, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Từ năm 1983 đến năm 1988, ông là Phó Tham mưu trưởng thứ nhất của Mặt trận 719 tại chiến trường Campuchia.
Tư lệnh Mặt trận 719 lúc ấy là ông Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước), Tư lệnh mặt trận phó Đoàn Khuê (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), Chủ nhiệm Chính trị Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng)... Từ năm 1988 ông về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho đến lúc nghỉ hưu.
Trung tướng Lê Nam Phong cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của tuổi trẻ Việt Nam, vì đa phần cán bộ chiến sĩ lúc đó đều đang rất trẻ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới 44 tuổi, Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà hơn ông 1 tuổi, còn chiến sĩ Phạm Quốc Ân lúc đó kém đại đội trưởng 1 tuổi... Ông rất tâm đắc một điều đó là sự trùng hợp của lịch sử, ngày 7 tháng 5 năm 1954 giải phóng Điện Biên Phủ thì ngày 7 tháng 5 năm 1975 ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định ra mắt đồng bào. Và ông là Đại đội trưởng đánh đồi Độc Lập năm xưa, lúc này lại là người chỉ huy sư đoàn đánh dinh Độc Lập năm 1975.
Các chiến sĩ cùng ông bắn tỉa ngày ấy như Đức Nam, Linh, Huỳnh, Trường sau này có dịp gặp lại hay kể chuyện những giây phút khó quên trong chiến hào. Nhiều anh em cũng ra đi mãi mãi trong những ngày chiến đầu này. Chiến sĩ Phạm Quốc Ân bị dẫm trúng mìn ven sân bay Mường Thanh, bỏ lại vĩnh viễn chiếc chân trái nơi miền Tây Bắc xa xôi.
Chiều 7 tháng 5, khi Đờ Cát ra hàng thì ông và đại đội chỉ cách đấy vài trăm mét. Cảm giác lúc đó sung sướng lâng lâng, ông chỉ muốn bay lên, ôm lấy mọi người, bắn hết đạn cho bõ những ngày gian khổ. Một điều thật thú vị là những thằng giặc ra hàng mặt đứa nào đứa nấy tươi tỉnh hẳn lên, có nhiều thằng còn cười, có lẽ chúng thấy sung sướng vì thoát khỏi “địa ngục trần gian” do chúng tạo nên.
_Thanh Vân_