Du lịch làng nghề đang là một hướng phát triển của ngành du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Gắn chặt du lịch ven biển với du lịch làng nghề ven biển là một hướng phát triển đúng đắn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá văn hóa độc đáo ở địa phương. Làng nghề ven biển là một trong những nét đặc thù của cộng đồng cư dân biển. Làng nghề hình thành cùng với sự phát triển văn hóa xã hội và sản xuất, là một nét đẹp truyền thống của các dân tộc bản địa. Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở nước ta càng thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng.
Một số làng nghề nổi tiếng đã kết hợp với du lịch biển như: hòn đảo Ngọc - Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam nằm trong vịnh Thái Lan với diện tích 593 km2. Tại đảo Phú quốc có tài nguyên rừng nhiệt đới phong phú với nhiều loài, giống đặc hữu để phát triển du lịch biển kết hợp sinh thái. Đến nơi đây, khám phá những biển tuyệt đẹp ở bãi Dài, bãi Sao; biển xanh trong màu ngọc bích và tìm hiểu, khám phá các làng nghề truyền thống của người dân bản địa. Đến Phú Quốc, ngoài những cảnh đẹp của biển, du khách sẽ được biết quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc - loại đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước và nhà thùng nước mắm cũng là địa điểm tham quan lạ mắt. Nước mắm Phú Quốc có nhiều loại và được phân theo tên loại cá hoặc quy trình làm chế biến như nước mắm cá thu, nước mắm nhĩ… nhưng ngon nhất phải kể đến nước mắm cá cơm Phú Quốc. Kể từ khi hòn đảo Phú Quốc được lập và là nơi cư trú của hàng ngàn cư dân từ khắp nơi về đây sinh sống, họ bắt đầu làm chế biến nước mắm bằng những thùng gỗ lớn bằng cá cơm đánh bắt từ biển; tên gọi Nhà Thùng Nước Mắm Phú Quốc cũng vì thế mà ra đời. Du khách còn được người dân bản địa hướng dẫn cách trồng hồ tiêu có vị cay, thơm đặc biệt. Bên cạnh đó, đến với du lịch Đà Nẵng ngoài những bãi biển đẹp, du khách còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật ở các làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, làng đá Non Nước nơi nổi tiếng khắc cả nước về nghề khắc đá cẩm thạch xuất khẩu hầu khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước…Làng nghề có truyền thống lâu đời, và được hình thành và phát triển nhờ tận dụng và kết hợp được các yếu tố nguyên liệu, nhân lực và thị trường để sản xuất kinh doanh làm nên đá mỹ nghệ đặc sắc như ngày nay. Những món quà lưu niệm tại làng đá Non Nước có giá trị đặc sắc được mài dũa hết sức công phu bởi những nghệ nhân lành nghề với những đường nét tinh tế, sắc sảo của các tác phẩm điêu khắc; độ bóng mịn của lớp đá cẩm thạch chỉ có ở núi Ngũ Hành Sơn với đủ loại hình thù của vạn vật, đặc sắc nhất là tượng các vị phật, vị thánh, chúa, thần vệ nữ, các con vật như kỳ lân, rồng, sư tử và các đồ lưu niệm, trang sức bằng đá… tất cả đã tạo nên một làng đá đa dạng, phong phú và độc đáo.
Về thực trạng, nguồn tài nguyên du lịch làng nghề truyền thống đang được khai thác tích cực ở khía cạnh là điểm đến đặc trưng của người Việt Nam. Tuy nhiên chức năng sản xuất hàng hóa du lịch vẫn còn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Mặc dù du lịch biển là thế mạnh của nước ta, nhưng hơn ba thập niên qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguyên nhân là vì hiệu quả trong phát triển làng nghề ven biển còn hạn chế, nhất là việc kết hợp giữa phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Do các làng nghề chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng còn khó khăn. Còn làng nghề ở ven biển nhỏ lẻ, chưa tập trung đầu tư, cải tiến. Bên cạnh đó, tác phong làm du lịch thiếu chuyên nghiệp… Việt Nam rất nổi trội về du lịch biển. Mỗi vùng biển lại có một đặc trưng và bản sắc văn hoá khác nhau. Thế nhưng, đi dọc các điểm du lịch biển từ Bắc tới Nam thấy đồ lưu niệm nơi nào cũng giống nơi nào, cứ na ná tương tự nhau. Cũng vỏ sò, vỏ ốc, ngọc trai, san hô đấy, người thợ thủ công chưa biết thể hiện cái đặc trưng của từng vùng miền vào sản phẩm.
Hiện nay, ở nước ta có còn nhiều làng nghề ven biển như: ở Nghệ An có nhiều làng nghề đóng tàu thuyền, mộc dân dụng, mỹ nghệ… Ngoài ra, còn một số nghề truyền thống khác như dịch vụ đan vá lưới ở hầu hết các xã có nghề đánh bắt trên biển… Như ở Phú Yên làng muối Tuyết Diêm có 3 làng nghề sản xuất muối có truyền thống hơn 300 năm đó là Trung Trinh, Lệ Uyên, Tuyết Diêm ( huyện Sông Cầu). Muối Tuyết Diêm ngày trước còn được người dân buôn muối gọi là muối Cù Mông. Gọi là muối Cù Mông vì ngày xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc vào đây mua muối đều nhắm hướng chân đèo Cù Mông mà đến. Những hạt muối trắng tinh đã tạo ra cái tên rất đẹp của làng này. Từ lâu ven biển Nam Trung Bộ đã hình thành nhiều làng nghề chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống. Làng nghề được xem là "thủ đô" thúng chai chính là ở huyện Tuy An - Phú Yên. Trong xu thế hội nhập, không ít làng nghề truyền thống không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh. Thúng chai (thuyền thúng) từ lâu đã được mệnh danh là "trí khôn sông nước Việt". Các làng nghề sản xuất thúng chai huyện tập trung chủ yếu ở vài tỉnh Nam Trung Bộ và chưa bao giờ dừng sản xuất. Gần đây mọi người phấn khởi khi thúng chai bất ngờ chu du xuất ngoại từ Á sang Âu. Thúng chai của Phú Yên có điểm đặc biệt là chỉ sử dụng nguyên liệu của địa phương. Theo người dân làng nghề, cây tre trồng trên đất Phú Yên có đặc điểm chịu nước tốt, dẻo dai và có nguồn dầu rái rất chất lượng khi trét thúng nên thúng giữ được độ bền rất lâu.
Muốn phát triển làng nghề ven biển thì chúng ta phải chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường làng nghề ven biển. Tích cực tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề ven biển cho các cán bộ các cấp, bên cạnh đó mở các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cho các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề ven biển. Để khai thác và phát triển tiềm năng du lịch Việt Nam rất cần đầu tư các làng nghề ven biển nhằm tạo bước đột phá trên nhiều mặt kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện môi trường sinh thái vùng biển và ven biển quảng bá nhiều hơn những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng cư dân biển.
NGUYỄN YÊN