Ông Phạm Kiệt (bí danh là Tê-đơ), tên thật là Phạm Quang Khanh, sinh ngày 10 tháng 01 năm 1910 tại làng An Phú, nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng, bố ông hoạt động đấu tranh chống Pháp từ thời còn ít tuổi, mẹ ông tham gia phong trào Văn Thân, cả ông cùng toàn thể mười anh chị em trong gia đình đều sớm giác ngộ cách mạng, sau này trở thành những cán bộ có nhiều cống hiến cho đất nước.
Ngay từ khi 15 tuổi, Ông đã tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp và các hoạt động yêu nước. Năm 1929, Ông đã cùng các đồng chí thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại huyện nhà, trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 17 tháng 01 năm 1931 phụ trách Công hội Đỏ và chỉ huy Đội Xích vệ Đỏ.
Đầu tháng 6 năm 1931, ông bị mật thám Pháp bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi, rồi bị đưa lên nhà lao Lao Bảo, nhà tù Buôn Ma Thuột -Nơi giam giữ những nhà cách mạng mà chúng cho là cứng đầu. Tại đây, ông đã cùng một số tù nhân tổ chức vượt ngục cho những đồng chícách mạng, trong đó có Nguyễn Chí Thanh,… Tại nhà tù Buôn Ma Thuột, cai ngục, lính canh tù rất tàn bạo, luôn tra tấn man rợ tù chính trị. Có lần, thấy tên cai ngục quá hung bạo với tù khổ sai chính trị, sẵn xà beng trong tay, ông Kiệt đã phang cho nó một cái thật đau. Từ đó, bọn lính trong ngục ngán, nể ông và tù chính trị nên có nhẹ tay hơn.
Cuối năm 1943, hết hạn tù, ông bị đưa về quản thúc tại Ba Tơ. Năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập lại. Ông được bầu làm Tỉnh ủy viên.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ và giao cho đồng chí Phạm Kiệt nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Chập tối ngày 11 tháng 3 năm 1945, quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt toàn bộ sĩ quan, binh lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi lớn hoàn toàn.
Sau này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi trọn vẹn là cuộc khởi nghĩa đầu tiên có Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công. Cùng một lúc đã đạt được những mục tiêu cơ bản mà Bác và Đảng ta đề ra: Cướp đồn – phá tan chính quyền phản động, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, thành lập lực lượng vũ trang và có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với cách mạng miền Trung cũng như cách mạng trong cả nước.
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp núp dưới danh nghĩa quân đồng minh trở lại gây hấn, đánh chiếm Sài Gòn, Gia Định và nhiều tỉnh thành ở Nam bộ. Đồng chí Phạm Kiệt cùng nhiều đoàn quân Nam tiến của cả nước lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 23 tháng 10 năm 1945, Pháp đưa gần một nghìn quân đổ bộ chiếm đóng Nha Trang. Đồng chí Phạm Kiệt cùng nhiều đồng chí khác được điều ra chiến đấu trong suốt 101 ngày đêm ác liệt ở Nha Trang. Thời gian sau đó đồng chí được phân công làmChỉ huy trưởng Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ; Tổng đội trưởng quân sự Trường Lục quân Quảng Ngãi; Phó hiệu trưởng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.
Sau chiến dịch Biên Giới 1950, một đồng chí chỉ huy tặng Bác Hồ khẩu súng cạc-bin chiến lợi phẩm, Bác đã gọi Phạm Kiệt lên và trao lại khẩu súng cạc-bin 585440 này rồi nói: “Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy…”
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, Bộ Chính trị, Bác Hồ chỉ thị mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Phạm Kiệt được giao làm đặc phái viên của Tổng tư lệnh và phụ trách công tác bảo vệ của mặt trận. Thời gian đầu tiên, khi còn chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dự định nổ súng mở màn chiến dịch vào 17 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954 và đánh thắng trong hai ngày ba đêm. Ngày 23 tháng 1 năm 1945, đồng chí Phạm Kiệt, trên cương vị Cục phó cục bảo vệ theo dõi việc kéo pháo ở phía tây, thấy tình hình không ổn, đã gọi điện xin gặp trực tiếp Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất chống trải,nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo chưa kéo được tới trận địa”.
Tổng tư lệnh nhận định: “Đây là người đầu tiên và cũng là người duy nhất phát hiện ra khó khăn”. Sau đó Tổng tư lệnh đã quyết định “Chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” rồi hạ lệnh từ 17 giờ ngày 26 tháng 1 năm 1954, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về điểm tập kết, chuẩn bị lại”. Theo Tổng tư lệnh “Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.
Sau chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ tặng đồng chí Phạm Kiệt một chiếc radio. Bác vui vẻ nói: “Đây là chiếc đài mà tướng Đờ Cát-xtơ-ri dùng suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ vừa tặng Bác. Nay Bác tặng lại cho chú vì chú đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi Điện Biên Phủ”.
Sau đó Bác lại tặng phu nhân Phạm Kiệt là bà Trần Thị Ngộ một khẩu súng lục hiệu mô-de 6,35mm số 707271 và dặn: “Cô dùng nó để tự vệ và bảo vệ các cháu cho chú yên tâm nơi chiến trường nhé!...”. Ba kỷ vật quý giá mà Bác tặng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đầu năm 1957, đồng chí Phạm Kiệt được nhận nhiệm vụ làm Cục trưởng cục Bảo vệ, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Đầu năm 1958, Ông được phong quân hàm Đại tá. Năm 1960, Đại tá Phạm Kiệt nhận quyết định sang làm Thứ trưởng Bộ Công an. Năm 1961, Ông được phong quân hàm Thiếu tướng, là Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang, thay Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ.
Vừa nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Phạm Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo anh em Công an nhân dân vũ trang tỉnh Sơn La bắt gọn toán dán điệp biệt kích mang mật danh Ca-stơ được máy bay Mỹ thả dù xuống châu Phù Yên. Đồng chí tổ chức cho thẩm tra, vận động, khai thác thông tin của bọn gián điệp rồi chủ động đề xuất với Bộ Công an thành lập Chuyên án bắt gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường không đầu tiên mang bí số PY27. Chuyên án đã giúp ta đánh lừa địch, bắn rơi một máy bay và bắt gọn tám tên gián điệp tại Ninh Bình.Rút kinh nghiệm từ chuyên án tại Ninh Bình, Tướng Phạm Kiệt còn chỉ đạo Công an nhân dân tỉnh Sơn La vây bắt gọn toán gián điệp mang mật danh Tuốc-bi-ông cùng toàn bộ vũ khí, trang thiết bị được máy bay Mỹ thả xuống. Sau chuyên án PY27, đồng chí mở thêm chuyên án KS16 đã bắt thêm được 28 tên biệt kích, thu 122 kiện hàng tiếp tế cùng nhiều vũ khí, trang thiết bị quan trọng khác.
Đầu năm 1973, đồng chí được vinh dự tháp tùng Thủ tướng Phi đen Cát-xtrô và thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị, mặc dù lúc đó, những bệnh tật do 15 năm tù đày đã bắt đầu quấy phá sức khỏe đồng chí. Sau chuyến công tác xa dài ngày này, sức khỏe đồng chí ngày càng giảm sút, Đảng và Nhà nước đã đưa đồng chí sang Cộng hòa Dân chủ Đức điều trị. Về nước, được giáo sư Tôn Thất Tùng và nhiều giáo sư, bác sĩ nổi tiếng khác trực tiếp điều trị, nhưng do tuổi cao, sức khỏe có hạn, đồng chí Phạm Kiệtvề cõi vĩnh hằng lúc 13 giờ ngày 23/1/1975,trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng bào; của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân.
Đánh giá cao thành tích to lớn của Trung tướng Phạm Kiệt, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh – Huân chương cao quý tặng cho cá nhân đầu tiên trên cả nước, đúng vào ngày đồng chí về cõi vĩnh hằng. Sau này, ngày 25 tháng 7 năm 2012, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Phạm Kiệt.
Tưởng nhớ đến người con mẫu mực của vùng đất Quảng anh hùng, hiện nay tại Quảng Ngãi đã có ba trường trung học mang tên Phạm Kiệt. Năm 2011, xã Tịnh Minh, quê hương đồng chí đã khánh thành “Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt” với hàng trăm tấm ảnh, tư liệu và hiện vật quý giá ghi những kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết xin giới thiệu đến bạn đọc về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chíPhạm Kiệt – Người dám nói lên những khó khăn trong kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chính đồng chí đã làm Tướng Giáp phải thay đổi chiến thuật sang “đánh chắctiến chắc” và góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ giòn giã lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bài viết như một nén tâm nhang của thế hệ trẻ kính cẩn, nghiêng mình trước một vị Tướng tâm, tài, đức của lực lượng Công an nhân dân, một vị Tướng tài ba của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Đào Thanh
