Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Hai, 13/05/2019, 10:05

Anh hùng Bế Văn Đàn ''Lấy vai mình làm giá súng''

Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Họ, những người chiến sĩ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong tình thế nguy cấp phải chống trả kẻ thù trước mặt, đồng chí ấy đã quyết định lấy vai mình làm giá súng để đồng đội tiếp tục chiến đấu, đó là anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bế Văn Đàn. 

Bế Văn Đàn sinh năm 1931, là người dân tộc Tày, quê ở xã Quảng Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm. Lớn lên, ông tham gia hoạt động du kích.

Tháng 1 năm 1948, ông xung phong vào bộ đội và tham gia nhiều chiến dịch, trong quân ngũ ông luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết chấp hành mọi chỉ thị mệnh lệnh nghiêm túc, chính xác kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh đang ở giai đoạn quyết liệt, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định mở chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, Bế Văn Đàn làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó, khi thấy lực lượng Việt Minh ít, Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân Việt Minh đánh bật. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Tình hình chiến đấu hết sức căng thẳng. Địch liều chết xông lên, quân Việt Minh kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ.

Lúc đó có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, để các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù, Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, ông đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Bế Văn Đàn vượt qua lưới đạn dày đặc của quân Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trong khi đó, trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn, Bế Văn Đàn được lệnh ở lại đại đội chiến đấu.

Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội Việt Minh bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại cầm 2 chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”. Pù nghiến răng nổ súng vào đội hình quân địch, quật ngã liên tiếp hàng chục tên. Địch hoảng hốt bỏ chạy. Đợt phản kích của chúng bị bẻ gãy. Trong thời gian lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Tấm gương dũng cảm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao của Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Tấm gương chiến đấu dũng cảm của Bế Văn Đàn đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Khi hy sinh, Bế Văn Đàn là tiểu đội phó, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí biên chế thuộc đại đội 674, tiểu đoàn 251, Đại đoàn 316.

Hình ảnh “Bế Văn Đàn lấy vai mình làm giá súng” trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ Chiến tranh Đông Dương. Bế Văn Đàn lúc hy sinh là tiểu đội phó, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã để lại tấm gương chiến đấu dũng cảm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đó, trong đại hội mừng công của đơn vị, ông được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất và được bình bầu là chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn được Quốc hội nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương quân công hạng Nhì.

Bế Văn Đàn cùng hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống lúc tuổi đôi mươi, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Với những cống hiến đó, đồng chí không những là một tấm gương, một niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.

Hiện nay, tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ những kỷ vật của đồng chí Bế Văn Đàn như: Chiếc bút máy mang số đăng ký 168ĐB 221/1. Thân bút chất liệu nhựa màu đỏ đã phai, ngòi bút bằng kim loại có khắc chữ R. Chiếc túi bằng ny lông mang ký hiệu 168ĐB 221/2. Túi được khâu bằng chỉ, nay đường chỉ đã rách và đông cứng. Bộ cúc áo mang ký hiệu số 168ĐB 221/4, gồm 3 cúc nhựa đen, một cúc trai màu trắng đục. Đôi giày vải đã mục nát, nay chỉ còn đế  bằng cao su. Đặc biệt, có mảnh đạn mang số đăng ký 168ĐB 221/3, găm trong người Bế Văn Đàn. Những hiện vật trên tuy đơn sơ, mộc mạc và ít ỏi còn sót lại của người anh hùng nằm bình dị trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bên cạnh những khí tài, thiết bị quân sự... hạng nặng của quân đội Pháp, nhưng là những vật chứng lịch sử vô cùng quý giá nhắc nhở chúng ta nhớ về người anh hùng bất tử, người đã khắc tên lên dáng đứng của Việt Nam với tình yêu, nghị lực và sức chiến đấu phi thường.

Để tưởng nhớ tấm gương hy sinh của Bế Văn Đàn, nhạc sĩ Huy Du đã sáng tác bài hát “Bế Văn Đàn sống mãi” trong những năm 1960, có những ca từ tha thiết: “Bế Văn Đàn ơi... mười năm qua anh vẫn còn… vẫn còn sống mãi. Đất nước quê anh lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mồ anh sây đỏ. Lúa chín vàng chiến địa cũ Mường Thanh, đàn em thơ đang hát ca đời anh... Anh bước vào trang sách các em thơ. Bế Văn Đàn một tâm hồn vĩ đại...”

Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội có một số phố và trường tiểu học, trường THCS mang tên Bế Văn Đàn. Tương tự, ở TP. Hồ Chí Minh, tại Phường 14, quận Tân Bình cũng có một con đường mang tên ông. Ngoài ra, tại Cao Bằng, thành phố Đồng HớiQuảng Bình có trường trường trung học phổ thông và con đường mang tên Bế Văn Đàn. Riêng tại thành phố Hạ Long, phố Bế Văn Đàn được nối từ đường Trần Quốc Nghiễn tới phố Đặng Thùy Trâm…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của nó vẫn còn in đậm trong tâm khảm của bao người. Dù thời gian có làm mờ dấu chân của những người lính đã ngã xuống trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào, là nguồn động lực đối với dân tộc Việt Nam trên bước đường phát triển đất nước hôm nay.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tên tuổi của Bế Văn Đàn đã đi vào lịch sử trong những trang sách học trò cũng như tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Thầm nghĩ, ông hãy yên nghỉ, thế hệ chúng tôi sẽ quyết tâm noi gương ông trong lao động và học tập, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Anh hùng Điện Biên Phủ / Lê Hải Triều. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. -177 tr.

2. Kỷ vật Điện Biên / Bảo Tàng lịch sử quân sư Việt Nam biên soạn. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. -180 tr.

 

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 661 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày