Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Hai, 13/05/2019, 08:15

Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong công cuộc kháng chiến chiến trường kỳ gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu quân và dân ta thực hiện chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc (7/5/1954). Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đó là sự vận dụng những phương pháp chiến thuật mới, những phương pháp chiến thuật có ý nghĩa chiến dịch nhằm giải quyết yêu cầu mới rất cao của nhiệm vụ là phải tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Về chỉ đạo chiến lược: Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển sáng tạo về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta và cơ quan chỉ huy chiến lược.

Một là, nghệ thuật nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, giành và giữ quyền chủ động tiến công chiến lược, buộc địch phải hành động theo ý định của ta: Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã quán triệt tư tưởng chiến lược: “luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát huy quyền chủ động”. Đảng ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tác chiến thích hợp của các lực lượng vũ trang trong thế trận chiến tranh nhân dân, tránh chỗ mạnh của địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ chúng sơ hở nhưng có ý nghĩa chiến lược, để phân tán, giam chân lực lượng chúng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch quan trọng của chúng, mở rộng vùng tự do, tạo lập được thế trận chiến lược vững chắc, tạo điều kiện và thời cơ cho hướng tiến công chủ yếu tập trung lực lượng đánh đòn quyết định. Tài nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của ta đã đẩy địch dấn sâu vào sai lầm phán đoán ý đồ chiến lược của ta, đi đến xác định sai phương hướng chiến lược, gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi Điện Biên Phủ trở thành nơi địch tập trung lực lượng mạnh nhất, nắm chắc những điều kiện giành thắng lợi, chúng ta đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ, tổ chức và thực hiện một chiến dịch tiến công tiêu diệt lớn, giành toàn thắng.

Hai là, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích vùng sau lưng địch với phát triển chiến tranh chính quy, hình thành từng quả đấm mạnh đánh những đòn quyết định: Trong quá trình chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến tranh du kích của ta đã phát triển đến trình độ cao, với nhiều hình thức phong phú như: đánh giao thông, đánh hậu cứ, đánh trong thành phố, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, làm binh vận. Trên chiến trường toàn quốc, đã diễn ra một sự phối hợp quy mô rộng lớn giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch. Chính nhờ sự phối hợp kì diệu đó, lực lượng chủ lực ta đã rảnh tay tập trung một lực lượng lớn, thực hiện cuộc tiến công quyết chiến chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sự chỉ đạo kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy và phát huy hiệu quả chiến lược của hai phương thức đó, là một biểu hiện độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Ba là, nghệ thuật tổ chức và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân: Đảng ta đã chỉ rõ : “cuộc kháng chiến của nhân dân ta là một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện”. Quán triệt đường lối đó, lực lượng vũ trang ta cùng nhân dân cả nước, từ thành thị đến nông thôn, tiến hành một cuộc chiến đấu không cân sức, phối hợp chặt chẽ hành động quân sự, vũ trang tuyên truyền với đấu tranh chính trị và ngoại giao, tạo thành sức mạnh tổng hợp, giành được những thắng lợi toàn diện, ngày càng lớn.

Chiến thắng Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ trước hết là thắng lợi tiêu biểu về quân sự, nhưng còn có sự góp phần quan trọng quyết định của sức mạnh tổng hợp của cả nước trên các mặt trận đấu tranh khác.

Về nghệ thuật chiến dịch: Từ ngày bắt đầu cuộc kháng chiến cho đến Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, trình độ tác chiến chiến dịch của quân đội ta đã có bước phát triển vượt bậc. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ quy mô tác chiến tiêu diệt một tiu đoàn địch, nhiều nhất là một tiểu đoàn tăng cường trong công sự vững chắc, quân đội ta đã tiến vượt hn lên, tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm kiên cố với một lực lượng tinh nhuệ rất mạnh gồm 21 tiểu đoàn.

Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới về nghệ thuật chiến dịch. Trước hết là, ta đã đánh giá chính xác vị trí, nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ trong mối quan hệ với nhiệm vụ chiến lược của chiến cuộc Đông Xuân. Để thực hiện tiêu diệt gọn quân địch với so sánh lực lượng tại chỗ của ta không áp đảo hơn địch, lại chưa có kinh nghiệm tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm lớn và vững chắc, nên ta đã kịp thời và kiên quyết chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch.

Trong thực hành tác chiến chiến dịch, ta đã vận dụng sáng tạo phương pháp tác chiến chiến dịch. Đó là, hình thành thế bao vây toàn diện; tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, đánh hiệp đồng binh chủng, lần lượt tiêu diệt gọn từng cứ điểm…; đánh bằng các hình thức tiến công, phòng ngự, đánh phản kích, đánh lấn từng bước thắt chặt vòng vây, cắt tiếp tế của địch làm cho địch bị tiêu hao, mệt mỏi, bị tiêu diệt từng bộ phận, cuối cùng tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. Trong phương pháp tác chiến chiến dịch, ta đã chọn cách đánh gần, áp sát mục tiêu, bất ngờ tiến công mãnh liệt dưới sự chi viện hiệu quả của pháo binh và pháo cao xạ bằng ngắm bắn trực tiếp và bắn cầu vồng. Một phương pháp mới nữa là tác chiến hiệp động giữa một số binh chủng bộ binh, pháo binh, phòng không công binh.

Về chiến thuật: Cùng với sự không ngừng phát triển các hình thức chiến thuật đánh du kích, chống càn, đánh vận động, thực hành phản công… trong Đông Xuân 1953-1954, chiến dịch Điên Biên Phủ đã đánh dấu một bước phát triển phong phú về chiến thuật trong tiến công trận địa. Khắc phục chỗ mạnh của địch về tổ chức phòng ngự, quân ta áp dụng chiến thuật đánh từng bước, tập trung binh lực với một ưu thế lớn, tìm mọi cách đánh kiềm chế hỏa lực pháo binh và không quân địch, bao vây đánh lấn, lần lượt tiêu diệt từng cứ điểm, từng trung tâm đề kháng, đánh chiếm đến đâu tổ chức phòng ngự chắc đến đó và ngày càng siết chặt vòng vây. Khắc phục chỗ mạnh của địch về pháo binh, không quân và xe tăng, quân ta đã xây dựng một hệ thống trận địa tiến công và bao vây, đánh gần, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta triển khai, vận động dưới làn hỏa lực địch. Cùng với việc hạn chế đến mức tối đa chỗ mạnh của địch, chúng ta còn tìm ra các giải pháp chiến thuật để khoét sâu những nhược điểm của chúng. Như vậy, bộ đội ta đã khéo léo kết hợp những biện pháp kĩ thuật với các giải pháp chiến thuật, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chiến thuật đặt ra ở chiến dịch này.

Ngày nay, nhân dân cả nước ta đang ra sức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn với những thời cơ và thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Vấn đề đặt ra là phải kế thừa và phát triển những kinh nghiệm phong phú đó vào những điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ mới, đề phòng và khắc phục những biểu hiện bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa, giáo điều…

65 năm đã trôi qua kể từ ngày lá cờ “quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm A1, nhưng những bài học về nghệ thuật quân sự nêu trên luôn được kế thừa và phát triển sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

1. Điện Biên Phủ đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, Bộ Quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, 2004, 179 trang.

2. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ toàn thư, Phan Ngọc Liên tuyển chọn, Nxb. Từ điển Bách Khoa, 2004.

3. Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, 2004, 497 trang.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 508 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày