Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa qua bản đồ cổ
|
Theo TS Nguyễn Toàn Thắng, những tấm bản đồ cổ như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ có thể sử dụng được trong quá trình đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là một loại bằng chứng. Nếu muốn khẳng định được về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại cơ quan tài phán quốc tế, thì Việt Nam phải có hồ sơ đầy đủ bằng chứng về pháp lý, lịch sử, tài liệu cho đến việc chiếm hữu trong thực tế.
Ông Thắng cũng cho biết, để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông, Trung Quốc cũng có những cách làm riêng như việc thay vì đưa ra các bản đồ tương tự như Việt Nam thì Trung Quốc đẩy mạnh tìm kiếm các di vật khảo cổ ở Hoàng Sa.
Bản đồ cổ Trung Quốc
TS Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện - Viện Hán Nôm cho biết, ông từng phải giấu “bà xã” trích hơn một tháng lương để mua lại tấm bản đồ từ một cụ già chuyên bán sách cho Viện Hán Nôm. Lưu giữ và bảo quản suốt ngần ấy năm, ông quyết định công bố tấm bản đồ khi thấy hành động của Trung Quốc ngày càng ngang ngược, khiêu khích các nước trên Biển Đông.
|

Đó là “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ, cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và không hề bao gồm Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Chiếu theo luật pháp quốc tế, chủ quyền của một nước tại một vùng đất phải được thể hiện bằng hành động ở cấp nhà nước thì việc Trung Quốc cho in ấn tấm bản đồ trên đã trực tiếp khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Một tấm bản đồ thể hiện tiếng nói của một quốc gia. TS Nguyễn Nhã - người đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Hoàng Sa và Trường Sa cho biết: Trước năm 1909 không hề có bản đồ nào của Trung Quốc có Hoàng Sa và Trường Sa. Sở dĩ như vậy bởi năm 1909, chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) cho Paracel là đất vô chủ và bắt đầu thay đổi thái độ của mình đối với quần đảo này, phái một đoàn đi “thị sát” các đảo Hoàng Sa. Theo đó, đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn đưa 170 lính thủy đổ bộ chớp nhoáng lên đó, gọi đó là thực hiện “quyền cai quản” của mình. Nhưng thực tế là Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam một lần nữa. Phải nói rõ rằng, thời điểm năm 1909, quần đảo Paracel đã thuộc Việt Nam, tuyệt đối không thể coi là việc thực hiện “chủ quyền” của Trung Quốc. Điều này cũng trái ngược hoàn toàn với hành động năm 1895 của chính quyền Quảng Đông, khi chính thức tuyên bố lãnh hải Hoàng Sa không phải của họ và họ không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho một tàu chở đồng của phương Tây mắc cạn tại vùng biển này. Hay nói gần hơn là tấm bản đồ năm 1904 mới được TS Mai Hồng công bố kia. Trung Quốc đã tự vả vào mặt mình bằng những hành động như thế. Dã tâm xâm chiếm trọn vùng Biển Đông cũng bắt đầu nuôi dưỡng từ năm 1909 cho tới bây giờ, tức là hơn 100 năm sau.

Bìa Atlas xuất bản tại Thượng Hải
Sau năm 1909, Trung Quốc bắt đầu đưa Hoàng Sa vào bản đồ để hiện thực hóa dã tâm cướp đất trắng trợn. Tuy nhiên, chủ một blog cá nhân có tên tiếng Đức là Nibelungen Schnecke Weinstock đã đăng trong loạt bài nghiên cứu về Nam Hải của mình bản đồ Trung Quốc Tân hưng đồ xuất bản năm 1917 vẫn giới hạn biên cương Trung Quốc chỉ tới Hải Nam mà thôi. Điều này chứng tỏ rằng, “Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) là một bộ phận “không thể tách rời” của Trung Quốc” chưa trở thành nhận thức chung của cộng đồng. Và sau cả một thiên niên kỷ “nhồi sọ” người dân mình thì bây giờ, nhiều người Trung Quốc tin tưởng một cách mù quáng rằng không những Hoàng Sa mà còn cả Trường Sa của Việt Nam là “bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc”.

Trung Quốc tân hưng đồ (1917)
Bản đồ cổ phương Tây
TS Nguyễn Nhã là người dành nhiều tâm huyết cho công việc nghiên cứu chủ quyền Việt Nam, đặc biệt là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cho biết, Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa nhiều thế kỷ nay. Điều này đã được chứng thực rõ trong lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam và qua cả các bản đồ của nhiều nhà hàng hải phương Tây.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Ribeiro đã phát hiện ra một quần đảo Paracel rất lớn (bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay) vào năm 1525. Ông xác định nó thuộc Giao Chỉ (tức Cochin - tên cổ của nước Việt Nam ngày trước) nên ghi bờ biển Paracel (Costa de Paracel) thuộc duyên hải Quảng Ngãi ngày nay. Tuy nhiên, để loại bỏ luận điểm lập luận phi lý của Trung Quốc rằng, Biển Đông có tên gọi quốc tế là Nam Trung Hoa nên thuộc Trung Quốc, ông giải thích nguồn gốc tên Cochinchina mà các nhà hàng hải quốc tế vẫn thường gọi. Theo đó, địa danh Cochinchine nguyên là tên hai nước Giao Chỉ (Cochin) và nước Tần (Chine), viết theo Hán tự. Người phương Tây đọc âm hơi khác rồi ghi lại bằng chữ Latinh: Giao Chỉ (Việt Nam) thành Cauchy, Cochi, Cochin; còn Tần ghi là Tsin, Cin, Chine hay China. Nhưng nước Cochin (Giao Chỉ) lại trùng tên một thị trấn Cochin ở Ấn Độ nên người Bồ Đào Nha ghi là Cochinchina (Giao Chỉ gần nước Tần - China) cho dễ phân biệt chứ không phải là Trung Hoa. Cochin là chủ từ, China là túc từ.

Bản đồ của Jodocus Hodius năm 1606
Trong bản đồ Đông Nam Á vẽ về sau này, năm 1606 của Jodocus Hondius xuất bản tại Amsterdam, tác giả vẽ hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cái cờ đuôi nheo uốn quanh Đại Việt và Champa, cái đuôi dính liền với các đảo vùng Phan Thiết ngày nay. Đối diện với quần đảo - và trên lãnh thổ Việt Nam được viền màu vàng - là tên “Costa de Pracel” - bờ Pracel. Không liên hệ gì đến đảo Hải Nam của Trung Quốc được tô hồng với tên là Ainan.

Bản đồ chỉ rõ “Paracel” và “Costa de Pracel”
Cần phải liên hệ các mốc thời gian bản đồ phương Tây được in ấn với sách sử Việt Nam để thấy rõ sự liên kết. Vào giữa thế kỷ XVII, trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá có ghi chú rõ việc khai thác “Bãi Cát Vàng” như sau: “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải một ngày rưỡi…”. Tới năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn đã ghi chép lại cụ thể hơn trong Phủ Biên Tạp Lục: “…Trước đó, họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Cắt phiên, mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng. Đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy”. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa thể xác định được rõ ràng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập từ khi nào? Chỉ biết rằng đội này được các nhà chép sử thời Nguyễn ghi lại là bắt đầu hoạt động từ “thuở sơ khai”, tức là từ thời các chúa Nguyễn đầu tiên nhưng không biết rõ là chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên hay Nguyễn Phúc Lan?

Bản đồ năm 1827 chỉ rõ Paracel thuộc xứ Đàng Trong
Giải thích về cái tên “Paracel” hay “Paracels” thường được ghi trong các bản đồ cổ, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, nó được xuất phát từ tiếng Hà Lan có nghĩa là đá ngầm, do nhà địa lý gốc Hà Lan Frère Van Langren thực hiện bản đồ về Đông Dương ghi lại. Hà Lan là một nước có nền công thương nghiệp phát triển sớm và sau cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ XVI, Hà Lan đã trở thành nước tư bản chủ nghĩa đầu tiên, vượt qua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chiếm địa vị thứ nhất trong nền thương mại thế giới vào thế kỷ XVII. Công ty Đông Ấn (Companie Hollandaise des Indes Orientales) thành lập vào năm 1602 là công cụ để Hà Lan phát triển sang châu Á. Nói như vậy để thấy rằng, các bản đồ do Công ty Đông Ấn phát hành mang giá trị chính xác cao bởi sự tìm hiểu trong quá trình buôn bán với các nước sở tại.

Bản đồ Đông Dương do Công ty Đông Ấn phát hành
Cũng là một bản đồ được xuất bản tại Amsterdam năm 1760 và hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Australian. Bản đồ này có tựa là “Carte d’une partie de la Chine, les Isles Philippines, de la Sonde, Moluques, de Papoesi, &c. [cartographic material] / dressee sur les relations les plus nouvelles ; I. Condet s. Scale: Scale [ca. 1:8 000 000]” thuộc tập Atlas nouveau contenant toutes les parties du monde do nhà xuất bản Covens & Mortier ấn hành. Covens & Mortier là một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất trong kinh doanh xuất bản bản đồ ở Hà Lan thời bấy giờ. Thực trạng biên giới giữa Đàng Trong và Chiêm Thành (đi ngang qua vịnh Cam Ranh) trên bản đồ cho thấy bản đồ được vẽ trong khoảng thời gian sau năm 1653 khi Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) tiến sâu vào Nam và lập thêm 2 phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh) và trước năm 1693 khi Chúa Nguyễn Phúc Chu bắt Vua Chiêm, chiếm đất Bình Thuận. Phần Paracel được in màu xanh viền cùng với màu của xứ Đàng Trong và đã xuất hiện biên giới phân chia hai Đàng. Có thể nhìn thấy sự phân chia rõ nét này trên bản đồ năm 1827.

Bản đồ xuất bản năm 1760

An Nam đại quốc họa đồ hay còn gọi là bản đồ Taberd
Tuy nhiên, đánh giá về sự chính xác, TS Nguyễn Nhã cho rằng, An Nam đại quốc họa đồ có giá trị cao hơn cả. “An Nam đại quốc họa đồ”, nguyên bản họa đồ khá lớn, ngang 40cm, dọc 80cm, ấn hành theo cuốn “Nam Việt dương hiệp tự vị” (Dictionarium Anamitico- Latinum), tác giả: Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838 tại Serampore (Ấn Độ) vẽ một phần của “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay, thường được gọi ngắn gọn là bản đồ Taberd. Trong đó, vị giám mục này đã vẽ khá chính xác tọa độ của Paracel hay Hoàng Sa của Việt Nam: 16oB - 110oĐ và còn ghi chú tỉ mỉ “Paracel seu Cat Vang” (seu tiếng Latinh có nghĩa: hay là. Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa). Bởi vậy, TS Nguyễn Nhã sẵn sàng tặng cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào tấm bản đồ này để khẳng định chủ quyền của Việt Nam, vừa khách quan, vừa cụ thể.
Xét lại lịch sử để thấy hình hài đất nước và tự tin vào chính chủ quyền của chúng ta. Chúng ta chỉ bảo vệ lãnh thổ mà cha ông đã để lại. Và một điều chắc chắn phải tiếp nối là tạo ra những bản đồ có giá trị minh chứng của ngày hôm nay để lại cho con cháu mai sau. Dù là công ty tư nhân, công ty nhà nước hay một cá nhân, một tập thể vẽ bản đồ cũng phải nhớ rằng, chủ quyền một quốc gia thể hiện trên bản đồ. Đừng để mất chủ quyền chỉ vì sự thờ ơ, thiếu hiểu biết khiến bên ngoài cười chê.
Nhà nghiên cứu cổ sử Việt Nam - Trung Quốc Phạm Hoàng Quân cho rằng, nên “xã hội hóa” việc sưu tầm bản đồ. Nhưng bản đồ thôi chưa đủ, TS Nguyễn Nhã cho biết cần cả những văn kiện, văn bản đính kèm bản đồ hoặc các từ điển, sách có đính kèm bản đồ này để nhận thức rõ được giá trị của từng bản đồ.
Mấy ngày qua, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc liên tục nổ ra tranh luận về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh xuất bản năm 1905.
Sau đó, hàng loạt cơ quan truyền thông Trung Quốc: Đài Phượng Hoàng, mạng tin Sina, báo mạng Stockstar, mạng Tân Lãng, đều đăng lại thông tin về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ. Các báo đài này còn giới thiệu tỉ mỉ về tấm bản đồ cũng như dẫn lời TS Mai Hồng và các chuyên gia, học giả Việt Nam về giá trị, ý nghĩa của nó. Trong bản tin, Stockstar dùng cả tên Hoàng Sa và Trường Sa thay vì những cách gọi ngụy xưng Tây Sa, Nam Sa.
Đến nay, chính quyền và giới học giả Trung Quốc vẫn im lặng về vấn đề trên nhưng các cư dân mạng nước này bàn luận rất sôi nổi. Một số người Trung Quốc thừa nhận rằng, với nội dung bản đồ như vậy thì đúng là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Số khác vẫn còn ngờ vực và đề nghị tìm kiếm thêm các bản đồ cũ hơn nữa của Trung Quốc để đối chiếu. Một số khác cho rằng, việc Việt Nam đòi chứng minh chủ quyền bằng bản đồ là “ngụy tạo bắt chước những gì Hàn Quốc từng làm đối với tranh chấp đảo đá Ieodo/Tô Nham Tiêu”…
|
Đài Trang
Năng lượng Mới. - Số 143. – 2012. - ngày 3 tháng 8.
|
|
Số lượt người xem:
1725
Bản inQuay lại
|
|
|
|
|
|
|
|