Đồ cống của các mường Lào gồm có voi đực, sừng tê, ngà voi, sáp ong và đôi khi có cả trống đồng, nhục quế. Nhà Nguyễn qui định cứ ba năm một lần, sứ giả các mường Lào đến cống một lần, lấy các năm thìn, tuất, sửu, mùi làm kỳ cống. Khi sứ giả các mường Lào trở về, nhà Nguyễn cũng gửi tặng quốc vương quà gồm có: đoạn hồng vũ, trừu trắng (tên các loại vải), the mầu, lụa trắng, vải trắng, vải thâm mỗi thứ đều 50 tấm. Sứ bộ mấy chục người đều cho thêm bạc tiền theo thứ bậc khác nhau.
Những năm đầu thế kỷ XIX, mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và Viêng Chăn chặt chẽ hơn các mường khác của Lào. Năm Gia Long thứ ba (1804) quốc vương Vạn Tượng (Viêng Chăn) là Chiêu ấn qua đời, Chậu Anụvông là em trai lên nối ngôi (sử sách nhà Nguyễn gọi tên vị vua mới là Chiêu A Nỗ). Vua Gia Long sai cai cơ Nguyễn Văn Uẩn và Hàn lâm Lê Văn Phú sang phúng(1) . Trong vòng 20 năm (từ năm 1804 đến năm 1824) sứ giả của Viêng Chăn cứ đúng kỳ hạn 3 năm một lần lại vào dâng lễ cống cho nhà Nguyễn. Quan hệ giữa nhà Nguyễn và Viêng Chăn trong những năm đầu thế kỷ XIX diễn ra hết sức tốt đẹp. Các vị vua của triều Nguyễn luôn có cảm tình tốt đẹp với vua Chậu Anụvông của Viêng Chăn. Chậu Anụvông là vị vua ý thức được nỗi khổ của nhân dân và đất nước dưới ách đô hộ của Xiêm. Nhà vua đã nuôi chí lớn giành độc lập từ tay Xiêm và thống nhất lại đất nước sau một thời gian dài bị Xiêm chia cắt. Sau khi lên ngôi, Chậu Anụvông một mặt ra sức chấn hưng đất nước, xây dựng Viêng Chăn thành một mường giàu mạnh. Mặt khác, Chậu Anụvông cho con trai đến làm chậu mường ở Chăm Pa Xắc và xây dựng Chăm Pa Xắc chờ thời cơ hiệp lực với Viêng Chăn để chống lại Xiêm. Chậu Anụvông cũng luôn giữ hoà hiếu với Luổng Phạ Bang và mong muốn Luổng Phạ Bang cùng chí hướng với mình trong sự nghiệp lớn thống nhất đất nước.
Có lẽ trong toan tính của mình, Chậu Anụvông thấy chỉ có thể dựa vào triều Nguyễn để chống lại ách xâm lược của người Xiêm nên trong một thời gian dài, Viêng Chăn luôn giữ lễ cống đối với triều Nguyễn.
Sau một thời gian dài chuẩn bị lực lượng, tháng 3 năm 1827 Chậu Anụvông đã tấn công vào các đội binh của Xiêm đóng ở bờ bên kia sông Mè Nặm Khoỏng. Bị bất ngờ, quân Xiêm trở tay không kịp đã chịu nhiều tổn thất nặng nề và số quân sống sót đã bỏ chạy về Xiêm để xin viện binh. Thừa thắng, các đạo quân của Lào đã cùng tiến vào đất Xiêm và chiếm được một số thành trì. Nhưng chỉ một tháng sau, vua Xiêm đã sai phó vương chỉ huy các đạo quân đánh trả và các cánh quân của Lào không chống cự nổi đã phải vội vã rút lui. Quân Xiêm truy kích theo sau và nhanh chóng vượt sông Mè Nặm Khoỏng rồi chiếm được Viêng Chăn.
Thành phố Viêng Chăn sau nhiều năm xây dựng và phát triển đã trở nên sầm uất thì nay đã bị người Xiêm đốt phá, cướp bóc và gần như bị san phẳng. Chậu Anụvông cùng gia quyến và lực lượng còn lại đã chạy lánh nạn ở Tam Động, vùng biên giới Lào và Nghệ An của Đại Việt Từ vùng Tam Động, Chậu Anụvông đã sai người đến trấn thần Nghệ An để xin cứu viện.
Ngay khi cuộc chiến giữa Xiêm và Lào xảy ra, Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt được tin báo đã đem việc tâu lên triều đình. Vua Minh Mệnh đã sai quản đạo Tống Văn Uyển đến ngay vùng biên giới thượng đạo Cam Lộ, nơi tiếp giáp với Xiêm để tìm hiểu tình hình chiến sự và phải báo ngay nếu có việc khẩn. Nhận được lời cầu viện của quốc vương Anụvông, vua Minh Mệnh đã sai các quan trong triều bàn bạc về vấn đề này. Sau đây là lời tâu của các triều thần lên vua Minh Mệnh: "Nước Vạn Tượng là thuộc quốc của ta, nay có nạn mà qui thuận ta, nghĩa không nên cự tuyệt. Xin chọn vị đại thần võ ban cho quyền lãnh trấn thủ Nghệ An, sai cùng với hiệp trấn và tham hiệu đem quân giữ bờ cõi, vẫn cho Vạn Tượng trú ở Ba Động. Nếu nước Xiêm đến đòi thì tỏ rõ nghĩa lý mà khước đi. Nếu họ (Xiêm) xâm lấn bờ cõi ta, quấy rối dân man ngoài biên của ta, thì coi như cầm thú làm hại ruộng ta mà trừ đi. Như thế nước Xiêm sẽ sợ then máy của ta, mà nước Vạn Tượng cũng được nhờ ta che chở"(2).
Vua xem lời tâu nói rằng: "Nước Vạn Tượng gây hấn trước, nước Xiêm cất quân lần này là cốt bắt cho được kẻ địch, quyết sạch sào huyệt thì mới hả lòng, thế tất đến gần cõi ta, quấy thuộc man của ta. Nếu ta không phòng bị trước thì chưa khỏi khi lâm sự sẽ mất nhiều công trù tính. Bèn sai điều động lính thú ở Thanh - Nghệ đóng giữ bờ cõi.
Vua Chậu Anụvông trú ở Ba Động rồi sai người thân tín là Xi Mân cùng một số thuộc hạ đưa thư đến trấn thành Nghệ An. Trấn thần Nghệ An lưu Xi Mân ở lại Quì Hợp rồi tâu lên vua. Vua dụ rằng: "Vạn Tượng sai người đến tỏ lòng thành, nếu không cho về ngay thì không khỏi sinh lòng ngờ vực, vậy dụ sai trấn thần bảo về và báo cho A Nỗ biết rằng quân trấn đã đóng giữ ngoài cõi, hãy nên đóng đấy để đợi mệnh lệnh triều đình, lại sai người đưa tặng phẩm vật cho họ yên lòng(3).
Sau khi chiến tranh Xiêm - Lào xảy ra, do gần ngay biên giới Đại Việt nên cuộc chiến không tránh khỏi ảnh hưởng đến tình hình Đại Việt. Thám báo từ vùng biên trở về nói rằng người Xiêm phao tin rằng sau khi chiếm Viêng Chăn sẽ chiếm Lạc Hoàn (một phần của Xiêng Khoảng). Trấn thần Nghệ An lại đem việc tâu lên. Vua Minh Mệnh rất thận trọng trong việc xử lý tình huống ở biên giới nên sau khi nghe báo cáo tình hình đã nói rằng: "Người Xiêm hư trương thanh thế, chưa chắc dám đến quấy bờ cõi, song nước Vạn Tượng sau khi điên đảo, nghe gió thổi hạc kêu cũng đủ sợ hãi, quân ta không đến thì bờ cõi không yên". Bèn cử đô thống chế là Phan Văn Thuỷ sung chức kinh lược biên vụ đại thần, vẫn kiêm cả việc trấn thủ Nghệ An. Phó tướng là Nguyễn Văn Xuân sung vào chức bang biện quản vụ đại thần; phó thống chế là Đoàn Văn Tường, Lê Văn Hoan đều sung vào chức bang biện quản vụ. Lại sai thêm Thượng thư Trần Lợi Trinh tham vào chức tham tán quân vụ đại thần. Tham tri Nguyễn Công Tiệp sung chức tham tán quân vụ để thống lĩnh các binh tượng nhanh chóng đến Nghệ An để làm việc(4). Phan Văn Thuý vào bệ từ, vua dụ rằng: "Các người hãy đến gần biên giới, đóng quân lại và đưa thư cho nước Xiêm nói rằng họ cùng nước Vạn Tượng đánh nhau không được vượt sang bờ cõi thuộc man của ta, nếu không nghe chỉ có đánh thôi".
Trước tình hình quan hệ Xiêm - Lào căng thẳng và có thể xảy việc binh đao ngoài biên giới, vua đã sai người báo cho tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt và Tham tri Lại bộ Hoàng Kim Hoán đều có những nhìn nhận đúng đắn và giải pháp tích cực nhưng cứng rắn về quan hệ giữa ba nước Xiêm - Lào và Đại Việt. Ý kiến chủ đạo của hai vị đại thần này là bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ Vạn Tượng trước sự xâm lược của Xiêm để bảo vệ phên giậu phía tây của nước nhà. Vua Minh Mệnh chỉ lấy những ý kiến của các đại thần làm ý tham khảo và cho rằng: ". . . việc binh là dữ, chiến tranh là nguy, thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng. Phen này, người Xiêm nếu biết lường tính thế lực không dám theo đòi Vạn Tượng mà lấn bờ cõi ta thì việc êm người yên, hoà hảo lâu dài. Bấy giờ ta sẽ tính dần thu lòng người Vạn Tượng dựng lại nước Vạn Tượng, đã tỏ rõ nghĩa lớn, phục lại nước đã mất, nối lại mối đã dứt... Hiện nay chưa biết lý thế nào, nên yên tĩnh để đợi”
Mặc dù nhận định như vậy nhưng vua Minh Mệnh đã sai kinh lược biên vụ Phan Văn Thuý đưa quân đội đến Kỳ Sơn để bảo vệ bờ cõi và bảo vệ Chậu Anụvông. Phan Văn Thuý đã sắp đặt các đội vệ phấn võ là Nguyễn Trọng Thai đi đến bản Triệu Sầm hỏi thăm và yên uỷ người Vạn Tượng. Vua Anụvông thấy Nguyễn Trọng Thai đến rất mừng, lại gửi thư nói quân Xiêm sắp đến Lạc Hoàn, xin cho đem quân đến bảo hộ.
Phan Văn Thuỷ bèn chia phát binh và voi sai Nguyễn Văn Xuân và Lê Văn Hoan tiến đóng ở Kỳ Sơn, Đoàn Văn Trường tiến đóng ở Quì Hợp, Nguyễn Cóng Tiệp biện lý quân lương. Phan Văn Thuý và Trần Lợi Trinh ở lại trấn nghệ An đợi báo tin và đem việc dàn xếp quân ở biên giới tâu lên cho vua biết. Sau khi tiếp chỉ dụ của vua, Phan Văn Thuý, Trần Lợi Trinh và Nguyễn Công Tiệp tiến quân đến đóng ở Quì Hợp rồi cho người gửi thư cho tướng Xiêm ở thành Viêng Chăn. Tướng Xiêm nhận thư và không có hành động gì gây hấn với Đại Việt. Đoàn Văn Trường bèn từ Quì Hợp tiến đến Ba Động, Anụvông từ bản Triệu Sầm nghe tin quân đội Đại Việt đến Ba Động bèn lại trở về Ba Động.
Tháng 7 năm 1827, trong khi tình hình Viêng Chăn đã yên ắng thì ở biên giới Nghệ An, binh lính Đại Việt do không quen khí hậu đã sinh ốm đau rất nhiều. Kinh lược đại thần Phan Văn Thuý đem việc tâu lên. Vua Minh Mệnh sai cho người do thám tình hình Viêng Chăn thì được cho biết do thấy quân đội Đại Việt đóng áp sát biên giới nên quân Xiêm đã rút về hết chỉ để lại một viên tướng và vài trăm quân cùng phu vương Lào là áp Ma Hạt chiếm giữ thành Viêng Chăn. Vua Minh Mệnh cho rằng việc biên giới đã yên ơn và Chậu Anụvông cũng được an toàn mà không cần phải tận một mũi tên hòn đạn bèn dụ cho Đoàn Văn Trường từ Ba Động rút quân chỉ chọn 1000 quân tinh tráng ở lại giữ châu Quì Hợp, còn lại quân đội rút về hết, riêng đội tượng binh thì đưa về tỉnh thành Nghệ An nghỉ ngơi.
Khi quân đội rút về, Chậu Anụvông đã khẩn thiết xin nương nhờ triều đình. Vua Minh Mệnh bèn cho phép Chậu "Anụvông được dời về trấn thành Nghệ An. Ngày Anụvông và thuộc hạ, gia quyến đến Nghệ An, vua sai Nguyễn Công Tiệp mang tặng Anụvông 1000 lạng bạc, 100 quan tiền, ngoài ra còn những đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống của vua Anụvông và gia quyến gồm: rượu, gạo nếp, trâu, gà vịt, trầu cau, nước mắm và muối (5) . Ngoài ra vua cũng sai tặng cho thuộc hạ của Anụvông 200 lạng bạc, 300 quan tiền, còn những vật dụng thiết yếu như rượu, gạo nếp, muối mắm, trâu, gà, vịt, trầu cau cho quân sĩ cũng được cấp cho nhiều hơn gia quyến của vua(6).
Trấn thần Nghệ An đã đựng 11 toà công quán ở chỗ đất trống phía đông của trán thành Nghệ An cho Chậu Anụvông và quân sĩ của ông ở. Cũng theo ghi chép của Ngô Cao Lãng thì số quân và dân theo Chậu Anụvông đến công quán Nghệ An ở đông đến 200 người.
Chậu Anụvông đã sai người báo cáo tình hình trong nước với trấn thần Nghệ An. Bấy giờ, trong số gia quyến của ông ta, có cả mẹ và 4 người con của phó vương áp Ma Hạt. Âp Má Hạt bèn gửi thư cho Chậu Anụvông và nói đã nhờ tướng Xiêm xin với vua Xiêm "tha" cho Chậu Anụvông và mời Anụvông về nước. Âp Ma Hạt cũng xin Anụvông cho mẹ và các con mình cùng được trở về Viêng Chăn.
Triều đình cùng nhau bàn bạc đều cho rằng chỉ nên cho một nửa số gia quyến của Âp Ma Hạt về Viêng Chăn còn nên giữ lại một nửa để sau này xem xét tình hình cụ thể ra sao. Nhưng chỉ dụ chưa đến nơi thì Anụvông xin với văn thần cho con của Âp Ma Hạt về dò xét tình hình. Điều này rất phù hợp với những toan tính của vua tôi triều Nguyễn. Vua Minh Mệnh đã nói rằng: “Nếu trời không muốn nước Vạn Tượng loạn lạc, khiến Âp Ma Hạt nghĩ lại đi đón anh về, ta nhân đó gửi thư cho nước Xiêm và đưa Anỗ về nước, thì dân ta cũng được nghỉ vai. Nếu không thế thì khó lòng tránh khỏi việc binh đao" (7) . Tháng 3 năm 1828, Vua Minh Mệnh sai trấn thần Nghệ An nói với Anỗ nên dựa vào uy đức của triều đình rồi ngầm sai người về nước tìm người ứng nghĩa để khôi phục lại đất nước. Vua Anụvông nói rằng đã cho người về chiêu dụ các bộ lạc trong nước, số người ứng nghĩa lên đến vạn người. Vua Anụvông xin với triều đình cho quan quân đưa về nước để lấy tiếng viện trợ ông ta sẽ tự đem quân dân về thẳng Viêng Chăn. Nếu gặp quân Xiêm ngăn trở thì sẽ tự đương đầu không dám phiền đến một người quan quân. Nếu nước Xiêm lại đến xâm lược thì thề chết giữ lấy thành trì, không trốn như trước nữa.
Trấn thần đem việc tâu lên, vua sai các đình thần bàn bạc đều cho rằng : Anỗ có chí phục quốc, lại có cơ hội phục quốc, triều đình chính nên xử trí. Bây giờ đương mùa hạ, nước lụt chưa lâu, sai đại thần đem quân đóng ở bờ bắc sông Khung giang (sông Mè Nặm Khoỏng - NLT), đợi Anỗ sang sông qua tuần nhật mà vô sự thì quân ta rút về. Như thế để cho Anỗ nhờ ta mà được phục quốc. Ta đã dựng lại được nước đã mất, nối lại mối bị đứt, vả lại nước Xiêm với nước ta là nước láng giềng, mà nước Vạn Tượng là bề tôi của hai nước, trước ta thương vì cùng khổ mà nuôi vỗ, nay xin về thì đưa về, thực là việc nghĩa cử, xin sai sứ đưa thư sang nước Xiêm nói rõ đại ý của triều đình như thế thì việc làm chính đại quang minh không ai nói vào đầu được Vua cho là phải.
Sau đó, vua Minh Mệnh đã sai viên ngoại lang binh bộ là Hoàng Sĩ Quay đem sắc thư hội đồng với trấn thần bảo cho Anỗ biết. Vua cũng sai đô thống chế dinh long võ là Phan Văn Thấy làm kinh lược đại thần, phó tướng quân là Nguyễn Văn Xuân làm phó, tham tri hiệp trấn nghệ An là Nguyễn Khoa Hào làm tham tán, đem tướng sĩ hơn 3000 người và 20 thớt voi đến Trấn Ninh, tìm chỗ đóng quân, lượng phái biền binh đưa Anỗ về nước.
Người trực tiếp đưa Chậu Anụvông về nước là cai đội Nguyễn Trọng Thai. Nguyễn Trọng Thai cũng chính là người đã đưa thư của nhà Nguyễn cho vua Xiêm tại Viêng Chăn trước khi đưa Anụvông về nước để thoả thuận với phía Xiêm trong việc đối xử với Viêng Chăn. Do đã được sự đồng ý của vua Xiêm nên khi quân đội nhà Nguyễn hộ tống Anụvông về nước trên đường gặp quân Xiêm cũng không có sự ngăn cản gì. Sau khi Anụvông đã yên ổn, quân đội Đại Việt đã rút về. Vua Minh Mệnh cho quân sĩ về nghỉ ngơi và làm đàn tế những người đã vì công việc ngoài biên mà bị thiệt mạng.
Nhưng tình hình Viêng Chăn cũng không yên ổn được lâu. Chỉ hai tháng từ khi được quân đội Đại Việt hộ tống về nước, hiềm khích giữa quân Xiêm và Chậu Anụvông đã xảy ra. Kịch chiến xảy ra và Xiêm đã đưa thêm quân đội đàn áp Chậu Anụvông. Trong khi chưa biết Chậu Anụvông đang ở đâu, vua Minh Mệnh được tin đã vội sai người đến Viêng Chăn muốn khuyên giải Chậu Anụvông "tạ lỗi" với vua Xiêm, nhằm giữ được hoà bình cho cả ba nước.
Trong lúc sứ giả chưa đến được thành Viêng Chăn thì sứ giả của Viêng Chăn đã đến trấn thành Nghệ An xin cứu viện. Vua Minh Mệnh sai các đình thần bàn bạc. Các quan đều cho rằng việc binh là việc lớn, không nên vội vàng. Nhắn bảo cho Anỗ hãy tự lực còn ta chờ cho sứ thần về sẽ định liệu. Bèn sai Nghệ An phúc đáp thư của ANỗ rằng : "Triều đình thương người có nạn cứu người bồ côi, giúp đỡ nước phiên thuộc đã hết sức chu đáo. Gần đây người Xiêm sinh sự có phải tự chủ ý vua Xiêm, hay là bởi tướng ngoài biên cầu công mà gây việc, cũng chưa biết rõ. Cái nghĩa triều đình, đối với nước láng giềng, sao lại có thể gây trước mối động binh . . . triều đình còn đương xét kỹ tình hình động tĩnh của nước Xiêm sẽ có cách xử trí đại đoạn"(8) .
Nhưng triều đình nhà Nguyễn đã không có cơ hội để xem xét kỹ tình hình vì tình hình chiến sự giữa Xiêm và Viêng Chăn đã xảy ra hoàn toàn không có lợi cho Viêng Chăn. Chậu Anụvông đã bỏ thành mà chạy. Trấn thần Nghệ An được tin vội đem việc tâu lên. Vua Minh Mệnh vội vã sai đưa quân đi trấn giữ biên giới đề phòng quân Xiêm thừa thế xâm lấn bờ cõi. Phủ Trần Ninh và Trần Tĩnh, mỗi phủ phái đến 300 quân thần sách để trấn giữ. Phủ Trấn Định phái 150 biền binh trấn giữ. Vua lại lo sợ rằng phủ Nghệ An cách Trần Tĩnh rất xa nên đã cử 200 lính đóng ở đồn Quì Hợp để nếu xảy việc binh sẽ sách ứng cho Nghệ An.
Chậu Anụvông sau khi thua trận đã không chờ được sự cứu viện của nhà Nguyễn mà vội vã lại tìm đường chạy sang Nghệ An. Nhưng trên đường rút chạy, mới đến Trấn Ninh, Chậu Anụvông đã bị chậu mường Trấn Ninh là Chiêu Nội (dã sử Lào gọi là Chậu Nón) bắt và giải sang nộp cho người Xiêm. Một thời gian sau, Chậu Anụvông và gia quyến đã bị người Xiêm xử tử hình ở Băngkok.
Vua Minh Mệnh nghe tin, rất cảm thương cho số phận của Chậu Anụvông và giận giữ trước hành động của Chậu Nọi Mương Phuôn, đã sai người bắt chậu Nọi về Huế trị tội. Hai người con trai của Chậu Anụvông được ông đem theo khi trốn chạy và khi biết là không thể thoát được ông đã gửi lại ở phủ Trần Tĩnh. Được tin vua cha bị bắt, hai con ông đã tìm đường đến gặp quan quân Đại Việt và xin cho được trú ngu ở Nghệ An. Triều đình nhà nguyễn cho hai người ở lại phủ Trần Tĩnh và bảo vệ an toàn đồng thời chu cấp cho đầy đủ. Trước khi chiến tranh giữa Viêng Chăn và Xiêm xảy ra, Chậu Anụvông đã cho người đến Luổng Phạ Bang liên kết với vua Luổng Phạ Bang để đề nghị cùng nhau chống Xiêm. Nhưng do nội bộ các mường Lào không thống nhất nên vua Luổng Phạ Bang bề ngoài thì đồng ý với Chậu Anụvông nhưng lại ngầm sai người báo kế hoạch của Chậu Anụvông với vua Xiêm. Vì vậy chiến tranh giữa Viêng Chăn và Xiêm xảy ra nhưng quân Xiêm không tấn công Luổng Phạ Bang(9) .
Sau khi Chậu Anụvông bị thất bại, tháng 9 năm 1828, Luổng Phạ Bang (biên niên sử Việt Nam gọi là Nam Chưởng) đã sai sứ vào triều cống cho nhà Nguyễn. Sứ thần đến kinh đô, được vào lạy vua ở sân điện và đã được vua hỏi han tình hình đất nước và được tiếp đón nồng hậu. Vua Minh Mệnh đã sai Bộ Lễ bàn định kỳ cống cho Luổng Phạ Bang và lấy các năm sửu, thìn, mùi, tuất cứ ba năm một lần vào cống. Phẩm vật cống được qui định gồm: ngà voi 4 đôi sừng tê giác 8 tảng, trống đồng hai cái (sau này nhà Nguyễn đã bỏ lệ cống trống đồng cho Luổng Phạ Bang vì cho rằng vùng này không sản xuất được trống đồng) .
Mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và Luổng Phạ Bang thời kỳ này hầu như không được xuân xẻ do Trấn Ninh và các vùng biên giới Việt - Lào, cư dân đều chịu sự kiểm soát của nhà Nguyễn. Luổng Phạ Bang thường lợi dụng đường đi đến các vùng này thuận lợi đã đem quân đến đòi các dân ngoài biên phải chịu phụ thuộc Luổng Phạ Bang và đòi cống nạp khiến cho dân biên giới vô cùng khổ cực. Triều đình ngoài việc phải đưa quân đội đến dẹp còn hư trương thanh thế khiến người Luổng Phạ Bang phải tự lui.
Một số quí tộc của Luổng Phạ Bang cũng muốn dựa vào nhà Nguyễn trong khi tranh giành nội bộ để lên nắm quyền cai trị nhưng triều đình nhà Nguyễn thường từ chối giúp đỡ những vụ việc rắc rối đó.
Có thể nói đến những năm cuối của triều Minh Mệnh, mối quan hệ của Đại Việt với các mường Lào hầu như bị gián đoạn. Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), tháng hai, vua Minh Mệnh đã sai trấn thần nghệ An cho người đi do thám tình hình Viêng Chăn và Luổng Phạ Bang để biết rõ tình trạng hai tiểu quốc này. Do thám trở về nói rằng: bắt đầu đến Vạn Tượng, thấy dân Xiêm - Lào cùng ở lẫn lộn. Ở Nông Khai (Ngóng Khai) có một đồn lớn, lính Xiêm đóng giữ, thành nước ấy (Viêng Chăn) bỏ thành nơi hoang rậm... Đến Luổng Phạ Bang thì thấy có lính Xiêm chừng 200 người đóng giữ, một nửa ở trong thành, một nửa bờ nam sông Khung giang (Mè Nặm Khoỏng), vua nước ấy đã chết, Xiêm dựng con vua nước ấy là Vàng Lãng làm vua, em là Hạt Xà Bút làm phó, đều ở trong thành nước ấy(10) . Vua sai thưởng cho thám tử 50 quan tiền.
Lịch sử thường có những bước ngoặt bất ngờ. Và sự bất ngờ ở những năm đầu thế kỷ XIX là phong trào Chậu Anụvông đã thất bại khiến cho tình hình Lào và tình hình biên giới hai nước luôn trong tình trạng bị xáo trộn. Tình trạng đó đã khiến cho quan hệ hai nước trong một thời gian khá dài bị gián đoạn. Nhưng nhà Nguyễn cũng đã tìm mọi cách khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước mà. trước hết là việc ơn định tình hình biên giới. Bởi nhà Nguyễn cũng hiểu rõ rằng giữ gìn mối quan hệ Đại Việt - Lào không chỉ là đảm bảo cho sự tồn vong của hai dân tộc mà còn là yêu cầu của lịch sử.
1. Quốc sử quán thế kỷ XIX. Đại Nam thực lục Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1960 - 1976. Q XXVII, T 3, Trg 260.
2. Đại nam thực lục. Sách đã dẫn. Trg 238. Q45. T8.
3. Đại Nam thực lục. Sách đã dẫn, trg 239. Q 45. T 8.
4. Ngô Cao Lãng. Quốc triều xử trí Vạn Tượng sự nghi lục. Bản dịch của phòng tư liệu Viện Đông Nam Á.
5. Ngô Cao lãng. Quốc triều xử trí Vạn Tượng sự nghi lục. đã dẫn. Trg 19.
6. Ngô Cao Lãng. Quốc triều... sách đã dẫn.
7. Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, Trg 302,
8. Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, Trg 3, T 9, Q 54.
9. Xưa Vịlạvông. Lịch sử Lào từ thượng cổ đến giữa thế kỷ XIX. Nhà xuất bản Giáo dục Viêng Chăn 1973.
Lương Ninh, Nguyễn Lệ Thi / Nghiên cứu Đông Nam Á. - 2005. - số 4. - Tr. 39 – 45.