Bỏ qua nội dung chính

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước > Bài đăng > Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây, Trung Quốc
Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây, Trung Quốc

… Tỉnh Quảng Tây còn có tên gọi là Khu tự trị dân tộc Choang, có đường biên giới dài với Việt Nam, giáp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Theo nhà sử học Trung Quốc Hoàng Tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở Quảng Tây Với thời gian là 2 năm 11 tháng. Đó là các thời kỳ sau:

 

1. Từ cuối năm 1938 đến cuối năm 1940, Nguyễn Ái Quốc trong vai thiếu tá Bát lộ quân với tên Hồ Quang từ Tây An đến hoạt động ở Quế Lâm. Sau đó Người đi Tịnh Tây, đến ngày 28-1-1941, vượt qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Pác Bó, Cao Bằng. (Từ cuối 1938 đến 28-1-1941 thỉnh thoảng có những thời gian ngắn từ Quảng Tây, Người đi công tác ở các tỉnh Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam).
2. Từ ngày 28-1-1941, sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc nhiều lần qua biên giới đến huyện Tịnh Tây.
3. Từ 13-8-1942, với tên Hồ Chí Minh, Người lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh. Ngày 27-8-1942 khi đến xã Túc Vinh thuộc huyện Đức Bảo thì bị bọn Quốc dân đảng bắt giữ. Từ đó bắt đầu cuộc sống tù đầy hơn 1 năm qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây với 18 nhà tù, trại giam. Ngày 10-9-1943, Người được trả lại tự do.
4. Từ sau ngày 10-9-1943, tại Liễu Châu, Người tiếp tục hoạt động cách mạng, đến khoảng giữa tháng 9-1944 trở về Pác Bó, Cao Bằng.
Theo các nhà nghiên cứu Hoàng Quang Châu, Hoàng Tranh, sau khi về nước, thỉnh thoảng Hồ Chí Minh sang Tịnh Tây, thường ở nhà Từ Vĩ Tam, một nông dân nghèo, kết nghĩa anh em với Hồ Chí Minh, sống tại bản Ba Mông (Pà Mông). Từ ngày 25-8 đến sáng sớm 27-8-1942, Người ở nhà Từ Vĩ Tam, dịp tết Trung Nguyên (14-7 âm lịch). Ngày 26-8-1942, tại nhà Từ Vĩ Tam có cuộc bàn ai sẽ đưa Hồ Chí Minh đi Bình Mã (huyện lỵ huyện Điền Đông). Dương Đào (Dương Thuần Cương) đã hăng hái nhận trách nhiệm. Khi dẫn Hồ Chí Minh từ Tịnh Tây đi Bình Mã, Dương Đào bị bắt cùng với Người ở Túc Vinh; sau đó cũng bị giải qua các nhà tù Quảng Tây và đã mất ở Liễu Châu. Cụ Dương Thắng Cường, 74 tuổi (em ruột Dương Đào), người đã vinh dự là một trong 7 người của đoàn đại biểu Quảng Tây được mời sang Việt Nam dự Quốc khánh 2-9 (1963) kể lại, khi Dương Đào bị mất ở Liễu Châu, Hồ Chí Minh có viết một bức thư báo tin cho gia đình ông. Các cụ Hoàng Tài Hán, 84 tuổi (người được coi là giỏi chữ Hán nhất thôn); Hoàng Đức Hán, 74 tuổi, cho biết lúc Hồ Chí Minh đến đây trông đã già và thường dậy cho một số người chơi cờ.
Nhà Từ Vĩ Tam khi Hồ Chí Minh ở là nhà tranh, sau lớp ngói, còn hiện nay là nhà bê tông mái bằng, mới xây dựng ở trên nền đất cũ ở Ba Mông có hang đá mà nhân dân địa phương gọi là hang “Thông Phong”. Hang Thông Phong ở trên núi Phong Nham, cách thôn khoảng 1 km, qua cánh đồng lúa. Từ chân núi đá lên đến hang cao khoảng 50 - 60 mét. Hồ Chí Minh ở hang này vào năm 1941, do Từ Vĩ Tam đưa vào. Trong hang kê 2 phản gỗ cho Hồ Chí Minh và Từ Vĩ Tam nằm. Chiếc chăn để Hồ Chí Minh đắp lúc ngủ trong hang cũng do Từ Vĩ Tam đưa lên (các hiện vật đó đều không còn). Có lúc Hồ Chí Minh ở trong hang cả ngày. Có bữa ăn ở nhà Từ Vĩ Tam, có lúc do cụ Tài Hán đem lên hang ăn rất đạm bạc, lúc cơm, khi cháo, và có lúc lại là ngô.
Hồ Chí Minh đặt tên cho hang là Tú Tung Động. Người đã viết 3 chữ này khá to bằng vôi trắng lên vách hang. Tất cả các bút tích còn lại, trong đó có các dòng chữ to Ẩn cư hoạt lộ (Con đường sống ẩn dật để hoạt động), Huynh đệ kết nghĩa đại gia nhất điều tâm (Kết nghĩa anh em, tất cả phải một long). Hiện nay nhiều chữ vẫn còn rõ nét, dễ đọc, nhưng có chữ đã bị mờ không dễ nhận biết. Từ trước tới nay chưa có tư liệu xuất bản nào nói về hang này.
Đến khảo sát ở thị trấn Long Lâm (cách Tịnh Tây khoảng 30 km), nhân dân địa phương cho biết, khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4-1941, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần từ Cao Bằng mang ở trong nhà của bố con cụ Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm. Người cải trang làm một nhà địa lý. Theo các cụ kể lại để giữ bí mật Hồ Chí Minh thường ở trong nhà và không tiếp ai, cho thỉnh thoảng mới thấy Người đội nón, chân đi giày cỏ đứng ở gốc cây đa (hiện vẫn còn trong sân nhà cụ Trương Đình Duy). Không ai biết đó là một nhà cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà cụ Trương Đình Duy đã bán cho người khác, nay nhà đã xây khác trước hoàn toàn.
Tại thành phố Liễu Châu (miền Trung tỉnh Quảng Tây cách Nam Ninh 264 km), Giáo sư Lương Quế Trụ đã nghiên cứu về hoạt động của Hồ Chí Minh ở Liễu Châu ở đây có một số di tích gắn với Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giải tới, giải lui qua mười mấy nhà tù của tỉnh Quảng Tây và đến ngày 9-12-1942, giam ở nhà ngục Liễu Châu. Đầu tháng 1-1943, chúng lại giải Người đến giam ở nhà ngục Quế Lâm. Cuối tháng 1 đầu tháng 2-1943, từ nhà ngục Quế Lâm, Hồ Chí Minh lại bị giải về nhà giam của Cục chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân đảng ở Liễu Châu. Lúc đầu Người bị giam trong căn phòng nhỏ 4 phía tường gạch có lưới dây thép gai bao quanh (chỗ này nay không còn). Sau đó, do tình hình chiến sự căng thẳng, máy bay Nhật thường xuyên bắn phá Liễu Châu, Cục chính trị Đệ tứ chiến khu đã đưa Hồ Chí Minh vào hang núi Phan Long. Ở trong hang này, tuy tránh được bom đạn nhưng lại quá ẩm thấp. Hang không rộng, không có ánh mặt trời chiếu vào, suốt ngày ẩm ướt nên rất lạnh, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong hang, có lính canh gác cẩn mật.
Ngày 10-9-1943, Hồ Chí Minh được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế. Người được chuyển từ hang núi Phan Long về ở trong một căn phòng của Chiêu đãi sở, cách hang núi Phan Long không xa (nay thuộc khu vực Trường y tế quảng Tây). Lúc này sức khoẻ của Người bị giảm sút nghiêm trọng. Người đã phải tập đi bộ leo núi tập bơi v.v. để lấy lại sức khoẻ. Ở đây Người được tự do đọc sách báo. Người đã tìm mọi cách để viết thư gởi về cho ĐCS Đông Dương
Trụ sở của Tổng bộ Việt Nam cách mạng Đồng minh hội tại đường Ngư Phong, nay là Trường tiểu học Ngư Phong sơn, đường Liễu Thạch. Ngôi nhà gồm 2 tầng khung gỗ tường xây gạch mái ngói. Hồ Chí Minh ở một phòng trên tầng 2 phía đông nam của ngôi nhà. Phòng ở đơn giản, chỉ có bộ phản kê bằng 4 tấm gỗ dài ngắn khác nhau làm giường ngủ, bộ bàn ghế gỗ nhỏ ngồi làm việc một máy in rônêô, một chậu rửa mặt và 3 ghế trúc nhỏ để tiếp khách. Những đồ dùng và cả căn phòng này được giữ lại nguyên vẹn như ngày Hồ Chí Minh ở đây. Ở bức tường trước lối đi vào căn phòng có treo một bảng gỗ ghi dòng chữ Di tích Chủ tịch Hồ Chí sinh, Việt Nam, 12.1943 - 8.1944.
Với cương vị là Phó chủ tịch Tổng bộ Việt nam cách mạng Đồng minh hội (theo yêu cầu của Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu), Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại đây Người đã viết nhiều bài và in truyền đơn gửi về Việt Nam. Người tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng Trung Quốc ở Liễu Châu, và được mời làm cố vấn cho Bộ chính trị Đệ tứ chiến khu, là giảng viên chính trị cho các lớp huấn luyện (theo Giáo sư Lương Quế Trụ).
Ngày 9-8-1944, Hồ Chí Minh rời ngôi nhà này, rời Liễu Châu trở về Việt Nam.
Nhà số 1 khách sạn Liễu Châu, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai, từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, bàn một số vấn đề có liên quan đến Hội nghị Giơnevơ lập lại hoà bình ở Đông Dương. Nhà 2 tầng, xây gạch đỏ, cạnh bờ Liễu Giang. Hồ Chí Minh ở trong căn phòng trên tầng 2, phía bên phải. Hiện nay căn phòng vẫn còn nguyên, nhưng nội thất đã hoàn toàn thay đổi. Cũng trong khách sạn Liễu Châu, Thủ tướng Chu Ân Lai ở ngôi nhà số 3. Sau những giờ làm việc, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai thường ra Nghinh Phong đình ngồi nghỉ mát và đàm đạo. Ngày nay ngôi đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ như xưa. Từ sau năm 1954 đến nay, đình được gọi là đình Hữu Nghị
Theo báo cáo của Ban quản lý Di tích văn phòng Bát lộ quân trong thời gian ở Quế Lâm, Hồ Chí Minh thường đến đọc sách ở phòng Cứu vong hoặc đến liên hệ công tác ở Văn phòng này. Ở Quế Lâm, với bút danh Bình Sơn, Người đã viết nhiều bài cho tờ Cứu vong nhật báo (tờ báo do ĐCS Trung Quốc lãnh đạo trong thời kỳ chống Nhật). Đồng thời, Người cũng viết nhiều bài gửi về Việt Nam đăng trên tờ Notre voix (Tiếng nói của chúng ta) để thông báo tình hình thế giới và tố cáo tội ác của phát xít Nhật.
Di tích hiện nay vẫn giữ được hầu như nguyên trạng (của những năm 1938 - 1940). Ở trước cửa ra vào treo 1 bảng gỗ với dòng chữ Đội quân cách mạng quốc dân, Văn phòng Quế Lâm của Tập đoàn quân thứ 18. Qua cửa là phòng cảnh vệ, phía trong là phòng trực ban, phòng phụ trách giao thông. Phía trái là phòng Cứu vong. Trong phòng kê một tủ để sách, báo, có sách về ĐCS Liên Xô và Tân Hoa nhật báo. Ngoài ra còn kê một vài bộ bàn ghế bằng nứa. Tiếp đó là các phòng Hành chính, phòng Tài vụ, ở trong là phòng của các chiến sĩ. Tầng 2 là các phòng ở, phòng họp, phòng cơ yếu, phòng điện đài. Ngày 26-2-1963, di tích đã được Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
Có thể nói rằng, Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để gìn giữ lâu dài các di tích của Người trên đất nước Trung Hoa nói chung cũng như ở tỉnh Quảng Tây nói riêng, hy vọng các cơ quan có thẩm quyền của hai Nhà nước Việt Nam, Trung Quốc sớm hiệp thương và đề ra được những giải pháp tích cực.
1. Đồng chí Nguyễn Huy Hoan, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Có một bài thơ chữ Hán viết bằng than đen ở vách hang này. Theo lời cụ Tài Hán, đó là bài thơ của Hồ Chí Minh và chữ viết là của Người. Đọc theo âm Hán - Việt:
Nhật xuất Đông phương nhất điểm hồng
Nga my phượng nhãn tự loan cung
Mãn thiên tinh đẩu linh đinh điếu
Ô vân cái nguyệt ám mông lung.
Dịch nghĩa là:
Mặt trời mọc phương Đông một điểm hồng
Mắt phượng mày thiên nga cong như cánh cung
Sao đầy trời treo tản mát
Mây đen che trăng mờ mông lung.
Tạm dịch thành vần là:
Phương Đông trời đỏ vầng dương mọc
Mắt phượng mày nga tựa cánh cung
Sao sáng đầy trời treo tản mát
Mây đen che nguyệt tối mông lung.

Bài thơ được sáng tác trong bối cảnh cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra ác liệt giữa bọn phát xít gây chiến và loài người tiến bộ, vì vậy ẩn chứa nhiều nội dung mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu.

Nguồn PGS, PTS Đỗ Văn Trụ, Vũ Thị Nhị (Bảo tàng Hồ Chí Minh) // Lịch sử Đảng. -1997. –Số 11. –Tr.53-55

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.