Bỏ qua nội dung chính

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước > Bài đăng > Tìm hiểu mối quan hệ của Bác Hồ với đất nước và nhân dân Ấn Độ
Tìm hiểu mối quan hệ của Bác Hồ với đất nước và nhân dân Ấn Độ

Qua một số tài liệu hiện có, ta thấy Bác Hồ đã có quan hệ với Ấn Độ sau khi Người từ Anh về Pháp. Theo Thu Trang, trong cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Pari (1917-1923), ở Pháp Nguyễn Ái Quốc đã có mối quan hệ thường xuyên với bạn bè quốc tế từ những năm 1918 - 1919, trong đó có cả Ấn Độ. Tác giả đã cung cấp nhiều mật báo của mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pari. Mật báo để ngày 4-1-1920 viết: “Ông ta (tức Nguyễn Ái Quốc - TG) đã gặp bà cụ người Ái Nhĩ Lan ở Bd des Capucinse. Bà cụ này đã nói với ông về chính sách của người Anh đối với người Ái Nhĩ Lan. Bà ta nói có những biến động ở Ái Nhĩ Lan và Ấn Độ, nhưng báo chí Anh dìm đi không nói tới”1

Như vậy, ít nhất là từ tháng 1-1920, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm không chỉ là các thuộc địa của Pháp, mà cả các thuộc địa của Anh như Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ. Chắc chắn sự quan tâm đó là có chủ đích. Mật báo để ngày 11-2-1920 đã viết: “Hôm 11 vừa qua, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn thuyết cho nhóm thanh niên thứ 20 về đề tài cộng sản tại Á châu… Ngoài ra cũng nói đến những đề tài tuyên truyền Bônsêvích  ở Ấn Độ và Tây Tạng”2. Từ mật báo này ta có thể khẳng định: trong các buổi diễn thuyết của Nguyễn Ái Quốc cho các nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước tại Pari, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ cũng là một nội dung. Điều đó đòi hỏi diễn giả phải am hiểu tình hình Ấn Độ. Ngoài các nguồn tài liệu gián tiếp như báo chí, sách vở, thông tin qua ban bè quốc tế, Nguyễn Ái Quốc còn có quan hệ trực tiếp với người Ấn Độ. Bức thư của viên khâm sứ Tổng giám đốc kiểm soát người Đông Dương tại Pháp gửi toàn quyền Đông Dương, Văn phòng chính trị người bản xứ - Sở tình báo trung ương và an ninh, đề ngày 6-7-1921 đã cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa Nguyễn Ái Quốc với bạn bè Ấn Độ: “Tôi gửi kèm theo một hồ sơ, có ghi chi tiết một số thư, trong đó có thư của người Ấn Độ Amitabha Ghose gửi Nguyền Ái Quốc. Thư này, chứng tỏ một cách không chối cãi là người Ấn Độ này đã liên lạc với nhóm của Nguyễn Ái Quốc”3.

Tháng 3-1923, khi lục soát nhà ở của Nguyễn Ái Quốc, mật thám Pháp cũng tìm thấy thư từ liên lạc của Nguyễn Ái Quốc với nhà yêu nước Ấn Độ Amitabha Ghose4. Điều này khẳng định mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với bạn bè Ấn Độ, cụ thể ở đây là với Amitabha Ghose.

Tính theo thời gian ghi trên các mật báo của mật thám Pháp chúng ta thấy một điều đáng chú ý là: mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với Ấn Độ diễn ra trước Đại hội Tua (12-1920) và trước cả Đại hội II Quốc tế cộng sản (7-1920) là Đại hội thông qua Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa do Lênin khởi thảo. Như vậy, trước khi trở thành người chiến sĩ cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã có ý thức liên  kết với các dân tộc bị áp bức trong một mục đích chung là đấu tranh cho độc lập dân tộc. Hoạt động này của Nguyễn Ái Quốc cũng đánh dấu sự bắt đầu hình thành và đi vào cuộc sống một chiến lược cách mạng vừa có ý nghĩa dân tộc vừa có ý nghĩa quốc tế. Trên thực tế, hình ảnh về một mặt trận của các dân tộc bị áp bức đã được Nguyễn Ái Quốc  chuẩn bị ở đây.

Việc lên án chủ nghĩa thực dân Anh, cổ vũ cho phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ mà Nguyễn Ái Quốc tiến hành không chỉ ở những buổi diễn thuyết mà còn ở những bài báo đầy sức nặng – một vũ khí đấu tranh sắc bén của Người.

Năm 1921, Tạp chí cộng sản xuất bản tại Pari số tháng 8 và tháng 9 đã đăng bài của Nguyễn Ái Quốc: Phong trào cách mạng Ấn Độ (Le movement revolutionaire de l’Inde)5. Đây là bài báo đầu tiên của Người về Ấn Độ. Trong bài viết này Nguyễn ái Quốc đã đề cập đến lịch sử những cuộc nổi dậy kể từ cuối thế kỷ XIX ở Ấn Độ và nhiều chi tiết liên quan đến các sự kiện cụ thể mà có lẽ chỉ có những người Ấn Độ mới hiểu rõ. Điều đó cho phép chúng ta khẳng định mối liên hệ chặt chẽ của Nguyễn Ái Quốc nói bạn bè Ấn Độ vào khoảng thời gian 1920-1921.

Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc viết bài: Mấy suy nghĩ về vấn đề thuộc địa, đăng trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) ngày 25-5-1922, trong đó có đề cập đến vấn đề Ấn Độ. Cũng năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Le Paria - Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa. Paria là tên gọi của đẳng cấp khốn cùng nhất trong xã hội Ấn Độ, được Nguyễn Ái Quốc chọn làm tên báo. Điều đó phải ánh mối cảm thông sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc với nhân dân Ấn Độ đang rên xiết dưới sự thống trị của thực dân Anh cấu kết với bọn quý tộc phong kiến Ấn Độ; đồng thời gợi ý cho chúng ta một giả thiết về sự tham gia của những người yêu nước Ấn Độ trong Hội liên hiệp thuộc địa và sự liên hệ của tổ chức này với những người yêu nước Ấn Độ.

Từ năm 1923, chia tay với bạn bè quốc tế ở Pari để sang Liên Xô và sau đó đi các nước khác hoạt động Nguyễn Ái Quốc văn tiếp tục quan tâm đến Ấn Độ. Ngày 9-11-1925, trong Thư trả lời ông H6, với bút danh L.T., Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến những hoạt động yêu nước sôi nổi (các nước Á - Phi, trong đó có đề cập đến phong trào đấu tranh ở Ấn Độ. 

Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lấy phong trào đấu tranh ở Ấn Độ để làm gương kêu gọi anh em vô sản và nông dân các thuộc địa khác. Đặc biệt trong bài Văn minh tư bản chủ nghĩa và phụ nữ ở các  thuộc địa và bài Lối cai trị của người Anh viết năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo mạnh mẽ sự tàn bạo… của thực dân Anh ở các hầm mỏ, thành phố Ấn Độ. Sức nặng tố cáo của các bài viết được tăng lên bởi sức thuyết phục của những số liệu cụ thể mà Người dẫn ra minh họa. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ khi mà cuộc tranh luận trong nội bộ Quốc tế cộng sản đang diễn ra sôi nổi về vấn đề thái độ của những người cộng sản đối với phong trào giải phóng dân tộc do tư sản dân tộc lãnh đạo, việc Nguyễn Ái Quốc lấy phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ do giai cấp tư sản dân tộc Ấn Độ lãnh đạo làm gương kêu gọi anh em vô sản và nông dân các thuộc địa khác đã phản ánh bản lĩnh chính trị của Người. Đó là sự nhất quán trong tư tưởng đoàn kết các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc mà Người đã đề xướng và thực hiện ở Pari.   

Tháng 5-1928, Nguyễn Ái Quốc viết bài Nông dân Ấn Độ và bài Phong trào công nhân và nông dân gần đây ở Ấn Độ, đăng trên Tạp chí Thư tín quốc tế (số 38 và 43, bản tiếng Pháp)7.

Năm 1927, tại Hội nghị liên minh chống chủ nghĩa đế quốc tổ chức ở Brúcxen (Bỉ), lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc và G.Nêru gặp nhau. Mặc dù Nguyễn Ái Quốc và G.Nêru đại diện cho hai dân tộc, hai lập trường giai cấp khác nhau, nhưng đã gặp nhau ở tinh thần yêu nước. Từ sự đồng cảm đó, sau này trong nhà lao Tưởng Giới Thạch (1942-1943), Bác đã viết bài thơ Kí Nê lỗ (gửi Nêru). Bài thơ viết trong cảnh bị xiềng xích lao tù càng chứng tỏ tình cảm sâu nặng của Người đối với Nêru, người đại diện cho nhân dân Ấn Độ đang tranh đấu.

Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức thể hiện rõ khi Người viết: “Nguyên nhân đầu tiên gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc. Đó là thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cỗ vũ lẫn nhau”8.  Từ đó, Người cho rằng: “Sẽ rất có ích cho người Việt Nam biết bao, nếu họ được biết những người anh em Ấn Độ của họ tự tổ chức và chiến đấu như thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Anh”9.

Sau 2-9-1945, mặc dù phải tập trung thời gian vào việc củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, chống thù trong giặc ngoài… nhưng Bác Hồ vẫn luôn luôn chăm lo cho tình đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt Nam – Ấn Độ. Mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ được Người đặt trong mối quan hệ giữa các nước trong khu vực và các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc trên tếh giới. Điện văn của Người gửi Hội nghị Liên Phi ngày 19-10-1945 đã thể hiện tinh thần đó.

Từ năm 1946, phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ phát triển rất mạnh mẽ. Bác Hồ luôn theo  dõi cổ vũ phong trào và kêu gọi tình đoàn kết quốc tế đối với Ấn Độ. Đầu tháng 6-1946, trên đường sang Pháp Bác đã dừng chân tại thành phố Cancúta của Ấn Độ. Khi ở Pháp, được tin Chính phủ lâm thời Ấn Độ được thành lập, Bác đã thay mặt nhân dân Việt Nam gửi điện đến G.Nêru, chúc mừng Chính phủ lâm thời Ấn Độ. Trên đường từ nước Pháp trở về; Người cũng không quên điện mừng tới các bạn Ấn Độ.

Ngày 27-1-1947, Người gửi điện cho các chính khách Ấn Độ bày tỏ tình đoàn kết và khẳng định: “Tôi tin chắc rằng chúng ta đồng lòng cố gắng thì thế nào cũng sẽ thắng được chủ nghĩa thực dân phản động”10. Ngày 29-1-1947, Bác tiếp tục gửi điện đến G. Nêru để chúc mừng những thắng lợi to lớn mà nhân dân Ấn Độ giành được, đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của các dân tộc ở châu Á trong công cuộc đấu tranh cho độc lập tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Cao trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ phát triển đến đỉnh cao vào cuối năm 1947, buộc chính phủ Anh phải tuyên bố trao trả độc lập cho Ấn Độ. Ngày 26-1-1950, Ấn Độ chính thức tuyên bố độc lập và từ đó vững bước tiến lên trên con đường xây dựng đất nước và phấn đấu trở thành một quốc gia hùng cường với một đường lối chính trị trung lập và nền kinh tế tự chủ.

Thời gian này Bác Hồ đang lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Pháp, Người vẫn dành thời gian gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến nhân dân Ấn Độ. Tình cảm của Người đối với đất nước và nhân dân Ấn Độ đã được chính Người nói lên trong bữa tiệc đón mừng thủ tướng G. Nêru sang thăm Việt Nam ngày 17-10-1954: “Tôi rất vui lòng vì Thủ tướng Nêru đã đến dự bữa cơm thân mật gia đình này. Tôi có thể nói đại gia đình châu Á mà đại diện ở đây là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, đại gia đình thế giới yêu chuộng hòa bình mà đây có đại biểu châu Á, châu Âu và châu Mỹ”11.

Tháng 2-1958, Bác Hồ đến thăm đất nước Ấn Độ, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, Người đã khẳng định: “Chúng tôi sung sướng nhận thấy trong cuộc đấu tranh chung cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, nhân dân hai nước chúng ta sát cánh bên nhau, cùng nhau theo đuổi mục đích chung”12. Người đánh giá cao nhữn đóng góp của Ấn Độ: “Hiện nay trên thế giới 1.200 triệu nhân dân Á-Phi đã được giải phóng, trong đó có 400 triệu nhân dân Ấn Độ; đó là một sự kíện rất quan trọng. Nước Cộng hòa Ấn Độ ngày nay là một nước độc lập hùng mạnh, đã có nhiều cống hiến qúi báu cho hòa bình châu Á và thế giới, và đang giữ một vai trò quan trọng trên trường quốc tế”13. Và Người đã bày tỏ lòng chân thành muốn học hỏi những kinh nghiệm phát triển  kinh tế và văn hóa ở một đất nước có đường lối phát triển khác với chúng ta: “Cuộc đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ lần này sẽ làm cho tôi hiểu biết hơn nhân dân Ấn Độ đang anh dũng ra sức xây dựng đất nước và chúng tôi sẽ được học hỏi những kinh nghiệm quí báu của các bạn trong việc xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa”14. Từ mối quan hệ của Bác Hồ với đất nước và nhân dân Ấn Độ, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau đây:

Một là, từ những ngày đầu hoạt động, ngay cả trước khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã có thái độ đúng đắn đối với phong trào giải phóng dân tộc nói chung và phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ nói riêng. Đó chính là tiền đề, là cơ sở để Người nhanh chóng gặp gỡ và tiếp nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi sáng và hoàn chỉnh cho tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Hai là, mối quan hệ giữa Bác Hồ với đất nước và nhân dân Ấn Độ được xây dựng và phát triển với mục đích chung rộng lớn và lâu dài, nó không bị chi phối bởi sự khác nhau về chế độ xã hội. “...Tự do cho mỗi con người, cho mỗi dân tộc, ch mỗi quốc gia trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình, đó là khát vọng muôn đời của nhân loại, đó cũng là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh15.

Ba là, trong quan hệ với Ấn Độ, Bác Hồ đã nói tới việc học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, văn hóa ở một nước có nền kinh tế phát triển theo hướng TBCN. Đây chính là tư tưởng cùng tồn tại hòa bình giữa các chế độ chính trị khác nhau và cùng với nó là chính sách mở cửa kinh tế mà hiện nay chúng ta đang thực hiện.

Bác Hồ không chỉ có mối quan hệ tốt đẹp với đất nước và nhân dân Ấn Độ, Người đã giành tình cảm và có mối quan hệ hữu nghị với tất cả các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cách mạng thế giới. Người luôn luôn phấn đấu cho một thế giới văn minh, hòa hình, hữu ái.

1. Dẫn theo Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Pari (1917-1923)NXB Thông tin lý luận, H.1989, tr.93.

2. Thu Trang, Sđd, tr.108-109

3. Thu Trang, Sđd, tr.171

4. Theo Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ. NXB Thanh niên, H.1976, tr.187

5. Theo Thu Trang, Sđd, tr.296

6. Tạp chí Văn học, tháng 12-1980

7. Theo Hồ Chí Minh – Những sự kiện, NXB TTLL, H.1987, tr.55

8, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.1, ST. H.1980, tr.207

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.4, ST. H.1984, tr.261

11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.7, ST. H.1989, tr.52

12, 13, 14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.8, ST. H.1989, tr. 44, 38, 39

15. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Hồ Chí Minh, Việt Nam và Hoà bình thế giới”, Calcuta, Ấn Độ, 14-16.1.1991

Nguồn Lịch sử Đảng. -1991. –Số 6. –Tr.22-25.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.