Bỏ qua nội dung chính

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước > Bài đăng > Người lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt thác ghềnh
Người lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt thác ghềnh

Đây lại là một ngày vui lớn nữa đang đến với Bác, đang đến với cách mạng Việt Nam.

Mới đêm nào còn ngồi bên chiếc giường tre, trong căn lán nhỏ, những ngày Bác mệt nặng tại Tân Trào. Vào những giây phút đó mới thấy hết được tấm lòng khát khao cháy bỏng của Bác đối với nền độc lập tự do của dân tộc. Không phải chỉ ở những lời Bác dặn dò về công tác cán bộ, cách giữ vững phong trào, "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do”. Tấm lòng của Bác còn hiện lên rất rõ qua mỗi cử chỉ nhỏ, qua cái nhìn khi Bác chợt tỉnh giữa những cơn sốt, qua sự đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo để giành từng phút, từng giây cho cách mạng.

Theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác, suốt mấy ngày nay, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy với một sức mạnh như triều dâng, thác đổ. Tại Hà Nội, quần chúng cách mạng đã vượt qua hàng rào sắt để xông vào chiếm Bắc Bộ phủ. Đồng bào già, trẻ, gái, trai, lớn, bé đã siết thành đội ngũ, giương cờ Việt Minh, tiến vào trước họng đại bác xe tăng Nhật ở trại bảo an binh. Xe tăng, súng máy và lưỡi lê của quân Nhật phải lùi. Bọn Nhật đành phải trao cho cách mạng toàn bộ kho vũ khí của bảo an binh đóng tại đây. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở khắp các địa phương đang dồn dập bay về ...

Chúng tôi vào làng Gạ.

Bác ở một ngôi nhà gạch nhỏ nhưng sạch sẽ. Chúng tôi bước vào, nhìn thấy ngay Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà.

Ngày nào ở Việt Bắc, Bác còn là ông ké Nùng. Bữa nay, Bác đã trở thành một cụ nông dân miền xuôi, rất thoải mái, tự nhiên trong bộ quần áo nâu. Bác vẫn gầy nên đôi gò má cao. Những đường gân hằn rõ trên trán và hai thái dương. Nhưng với vầng trán rộng, bộ râu đen, và đôi mắt, nhất là đôi mắt, luôn luôn ngời sáng, một sức mạnh tinh thần kỳ lạ toát ra từ hình dáng mảnh dẻ của Bác. Dù sao, so với những ngày dự hội nghị ở Tân Trào, Bác đã khá hơn nhiều.

Cụ chủ nhà thấy chúng tôi tới, giữ ý, mời thế nào cũng không ngồi lại, nói vài câu chào rồi lánh đi chỗ khác. Bác tươi cười nhìn chúng tôi, nói:

- Trông các chú bữa nay ra dáng người tỉnh thành rồi.

Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Bác ngồi lắng nghe, vẻ mặt điềm đạm. Tính Bác như vậy, khi vui khi buồn đều vẫn bình thản.

Chúng tôi nói với Bác ý Thường vụ muốn tổ chức sớm lễ ra mắt của Chính phủ. Theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào, ủy ban dân tộc giải phóng do Bác làm Chủ tịch sẽ trở thành Chính phủ lâm thời.

Với một vẻ vui vui, Bác nói như hỏi lại chúng tôi:

Mình làm Chủ tịch à?

Thực ra, một thời kỳ vẻ vang nhưng cũng cực kỳ hiểm nghèo của dân tộc đã bắt đầu. Bác đã nhận sứ mệnh khó khăn: Lái con thuyền cách mạng Việt Nam vừa mới hình thành, vượt qua những thác ghềnh nguy hiểm. Bác đã đón nhận nhiệm vụ đó trước lịch sử, trước nhân dân đúng như Bác đã trả lời các nhà báo nước ngoài ba tháng sau đó: “Tôi tuyệt đối không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận”

Chúng tôi trở về Hàng Ngang trước để chuẩn bị. Anh Nhân (đồng chí Trường Chinh) lên sau, ở lại đến chiều cùng về với Bác.

Đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường ba trăm ki-lô-mét từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới đây, Bác đã đi mất ngoài ba mươi lăm năm.

Con đường Bác đã đi không giống bất cứ con đường của một người Việt Nam yêu nước nào đã đi trước Bác. Bác đã một mình lặn lội, xông pha trên những nẻo đường của hầu khắp các miền khác nhau trên Trái Đất. Chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển tột cùng của nó trở nên vô cùng xấu xa. Nó tìm mọi cách xóa nhòa ranh giới giữa trắng đen, giữa thiện ác. Nó xuyên tạc mọi giá trị tinh thần chân chính mà loài người đến đó đã thành đạt được. Nó đang bưng bít mọi ánh sáng của công lý, tự do.

Bác đã đi giữa những ngày đông ảm đạm, vòm trời châu Âu, châu Á bị những đám mây đen chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc che phủ. Thế gian hỗn loạn, đau thương; tội ác của chủ nghĩa đế quốc chồng chất. Giữa lúc vàng-thau lẫn lộn, giả-thật khó phân, Bác đã nhanh chóng nhìn thấy ánh sáng của chân lý Bác đã đến với chủ nghĩa Lê-nin. Bác đã thấy học thuyết Lê-nin chính là “mặt trời đưa lại nguồn sống vui tươi”. Bác đã thấy ngọn cờ Lê-nin là “tượng trưng cho lòng tin và đuốc sáng của hy vọng". Người yêu nước Việt Nam vĩ đại đã tìm được ở chủ nghĩa Mác Lê-nin cho đồng bào ta và những người cùng hội cùng thuyền-những dân tộc bị đọa đày vì chủ nghĩa đế quốc-một con đường giải phóng duy nhất: Đường kách mệnh.

Một sự đổi thay đã đến trong đời sống của dân tộc. Mấy ngày trước đây, Hà Nội còn giữ nguyên vẹn bộ mặt một sản phẩm của chế độ thực dân thối nát thời chiến. Cả thành phố chìm đắm trong những hoạt động chợ đen. Cuộc sống tính từng ngày. Những chiếc xe chở rác không đủ để đưa xác những người chết đói ra vùng ngoại ô, đổ xuống những hố chung. Trong khi đó, ở các cửa ô, người đói khắp làng quê vẫn ùn ùn kéo vào. Họ đi vật vờ như những chiếc lá khô buổi chiều đông. Nhiều khi, chỉ một cái gạt tay của viên cảnh sát cũng đủ làm họ ngã xuống không bao giờ trở dậy.

Lại thêm tháng Tám năm nay, nước triều sông đều lên to. Cơn “hồng thủy” đã phá vỡ những đê điều từ lâu không được bọn thống trị nhòm ngó tới. Sáu tỉnh đồng bằng vựa thóc của cả miền Bắc, bị chìm dưới làn nước trắng. Dịch tả hoành hành. Bao nhiêu tai họa của chế độ thực dân cùng một lúc dồn đến. Cùng với bọn đầu cơ kinh tế, bọn đầu cơ chính trị cũng đua nhau nổi lên. Chúng vừa hô “Việt Nam độc lập” vừa hô "Đại Nhật Bản vạn tuế. Thay vào những tên đội xếp Pháp mang dùi cui là những tên hiến binh Nhật đeo kiếm dài, lết xệt đôi ủng đi trên các hè phố.

Không phải chỉ riêng Hà Nội mà cả dân tộc ta đang sống những giờ phút đau thương.

Thắng lợi vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật vào giữa tháng tám, đã đưa lại cho dân tộc một thời cơ lớn.

Cách mạng nổi lên như một cơn lốc.

Chỉ trong vài ngày những vết nhơ, những nỗi nhục nhằn, khổ đau của chế độ nô lệ đã được quét đi khá nhiều.

Sức hồi sinh của cách mạng thật lạ thường. Hôm trước, cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói, vì bệnh dịch, vì sự khủng bố. Hôm sau, tất cả những đường to, ngõ hẻm đã sôi lên. Hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác.

Chính quyền nhân dân cách mạng vừa mới thành lập. Phần lớn đồng bào còn chưa biết những ai là người thay mặt cho chính quyền mới nhưng mọi người đã tự động tạo nên một trật tự mới, trật tự của cách nạng. Nạn cướp giật mất hẳn, trộm, cắp hầu như không xảy ra. Những người ăn xin cũng không còn. Hoạt động buôn bán, hoạt động chủ yếu của thành phố đã nhường chỗ cho một hoạt động mới: hoạt động cách mạng. Một người đi xe đạp đến đầu phố cầm loa hô lớn: "Mời đồng bào đến tập trung ở địa điểm X. tham gia biểu tình". Không biết người đó là ai, nhưng lời hô hào lập tức được truyền đi. Nhiều người dân tự động vác loa ra đứng giữa đường làm công tác thông tin.

Ai đang làm dở việc gì cũng để lại đấy. Tất cả ào ào kéo đi. Chỉ chốc lát, hàng vạn người đã có mặt ở địa điểm biểu tình. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà cách mạng cần đến.

Không khí Hà Nội trở nên trong lành, náo nức. Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc..., những bài ca cách mạng vang lên rộn ràng từ sớm tới khuya. Cờ sao mỗi lúc một nhiều hơn, đẹp hơn. Cờ bay đỏ nhà, đỏ phố. Cách mạng đúng là ngày hội của những người bị áp bức.

Chập tối, Bác đến nhà. Chúng tôi ra đón nhận thấy trên nét mặt của Bác những dấu hiệu xúc động.

Bác đã về đến Hà Nội. Ít ngày nữa Hà Nội sẽ trở thành Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ Công hòa. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên tại Đông Nam châu Á. Hà Nội chưa được cùng san sẻ với chúng tôi hôm nay niềm vui đón Bác trở về. Ngay cả đồng chí lái xe bữa ấy cũng vậy. Mấy ngày sau, anh xin phép nghỉ, lên Thái Nguyên dẫn bố về dự Tết Độc lập để xem mặt Cụ Chủ tịch nước. Đến quảng trường Ba Đình, anh mới biết Chủ tịch chính là Cụ già bữa trước mình đã đánh xe đi đón ở làng Gạ.

Nguồn Sự kiện & nhân chứng : Nguyệt san của báo quân đội nhân dân. - 2007. - Tháng 8. - Số 164. - Tr. 3, 33

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.