Bỏ qua nội dung chính

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước > Bài đăng > Ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ
Ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ

 

Ngôi nhà tranh ấy gồm ba gian nho nhỏ, xinh xinh, phần cuối được nối thêm một khoảng và cho nép vào phía sau, tiếng địa phương gọi là cái cổ hôn, làm nơi nấu nướng nhằm cho khói và bồ hóng đỡ xông vào các gian kia.
Đó là ngôi nhà do cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép, tức ông bà ngoại cậu Cung dựng cho bố mẹ của cậu là Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan ngay trong vườn nhà mình khi họ kết thành gia thất.
 Cũng như cách bố trí thông thường ở trong vùng, ngôi nhà của ông Sắc, gian ngoài thờ ông thần bếp và là nơi đặt bàn học, còn nữa kê bộ phản gỗ để ông và hai cậu con trai nằm. Gian giữa rộng nhất, phía trong đặt bàn thờ cúng gia tiên.
 
Ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ
 
Còn nữa đặt bộ tràng kỷ bằng tre để ông đón tiếp người thân, bạn bè. Gian nhà trong, phía sau là buồng, chỗ nghỉ của bà Loan cũng là nơi bà sinh nở và chăm nuôi các con khi họ mới lọt lòng.
 Phía ngoài của gian đó đặt chiếc chõng tre, nơi các dì, các thím, bà con trong xóm thường đến thân tình trò chuyện. Phần còn lại là nơi đến bận cơm thì có chiếc mươn ngã ra làm bàn ăn. Xong rồi, mươn được ngoắc lên vách nhà.
 Thật khó mà tìm thấy một thứ vật liệu nào khác lạ so với các ngôi nhà thanh bạch khác ở trong thôn. Những cây cột, đường xà, chiếc kèo đều bằng các thứ gỗ thị, bời lời, xoan đâu, cũng như đòn dông và các đòn tay làm bằng tre là đều lấy từ trong vườn.
 Chúng được chặt sẵn, ngâm nước lâu ngày để khỏi bị mọt. Chỉ có rui, mè trên mái và vách chắn, liếp cửa là đều bằng nứa nên phải mua. Còn tranh lợp thì kết bằng lá mía bóc của ruộng nhà có từ ngoài bãi. Sức tự cấp tự túc ở dây cũng đến mức được tận dụng triệt để như của mọi gia đình nghèo khó khác ở trong vùng.
 Và, tất cả đều được ông bà cụ Đường lựa chọn, trau chuốt thật kỹ càng. Cụ Kép thường dặn con gái là phải thường xuyên chăm sóc quét dọn để giun dế và kiến mối khỏi làm sủi nền và hỏng vách. Họ nhà mối chúng dễ từ mặt đất mà xông lên đến tận nóc nhà.
 Trong vườn, ngoài nhà ông Sắc, còn có nhà ông bà ngoại và nhà thờ họ Hoàng mà cụ Đường là tộc trưởng.
 Cụ Đường đặt hướng nhà cho gia đình của con gái sau khi đã hỏi ý kiến các vị cao tuổi và có nhiều trải nghiệm ở trong họ, trong thôn. Nhà ngoảnh về hướng Đông - Nam, như vậy dễ đón được bình minh lên.
 Chiều về bóng mát từ hàng hiên sớm trải ra sân và gió nồm dễ dàng thổi tới. Nắng gió, sương móc là những của cải vô vàn do thiên nhiên ban tặng, chỉ sợ con người không đủ sức và không còn thời gian mà tận hưởng.
 Cụ Đường thường nói với con cháu trong nhà như vậy. Trong ngôi nhà ấy, năm 1884, bà Loan sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh, năm 1888 sinh Nguyễn Sinh Khiêm tức Tất Đạt và năm 1890 sinh Nguyễn Sinh Cung, tức Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta.
 Khu vườn cụ Đường rộng gần 5 sào (Trung Bộ). Nhà thờ, nhà lớn của hai cụ và cả nhà riêng của vợ chồng ông Sắc, tất cả chỉ choán hết một phần nhỏ diện tích mà thôi.
 Toàn khu vườn xung quanh là lũy tre, xen vào có các cây cổ thụ, là nơi cho nhiều loại chim chóc về làm tổ theo mùa. Và vườn vẫn dư dả đất đai để trồng khoai lúa, rau màu.
 Là gia đình một nhà nho, ngoài các thứ cây ăn quả thì đất dành cho các loại thảo lan, cúc, mẫu đơn, nhài, phật thủ... cũng được dành một diện tích thích đáng.
 Vườn nhà ông bà ngoại là phần thiên nhiên quan trọng trong thế giới tuổi thơ của cậu Nguyễn Sinh Cung. Những buổi, mẹ từ chợ về, không còn tiền để mua quà. Thay vào đó có cây táo quả đã đến thì đọng mật. Bà ngoại đưa tay ngoèo một cành, hái lấy những quả mập căng mà phân phát cho chị em Thanh.
 Bé Cung được lớn dần lên trong cảnh nhà ấm cúng như vậy.
 Một buổi chiều, sau khi tạnh cơn giông, cậu hỏi một học trò của ông ngoại:
 - Sấm từ đâu mà có?
Người học trò đáp:
- Sấm sinh ra tự trên trời.
Cậu hỏi tiếp:
- Ngoài sấm, trên trời còn có những gì?
 Người thanh niên chỉ cười vì không biết đáp như thế nào!
 Lên bốn tuổi, bé Cung đòi học chữ và mẹ cũng là cô giáo.
 Buổi đầu, mẹ đưa tay vạch lên giấy: chữ "Nhất" 1 nét, chữ "Nhị" 2 nét, chữ "Tam" 3 nét. Cậu hỏi, thế có phải chữ "Tứ" gồm 4 nét? Bà mẹ cười trước câu hỏi ngộ nghĩnh mà có lý của con trai và đáp:
 - Không phải, đến chữ "Tam" là thôi cách viết như vậy; và đó là cách viết đơn, còn viết kép thì các chữ kia đều có nhiều nét.
 Mẹ vẫn tiếp tục giữ vai trò là một cô giáo của Cung, một cậu bé luôn đặt ra nhiều câu hỏi mà tiếng địa phương cho là "trái khoáy" nhưng sẽ ở vào một nơi khác.
 Năm 1893, ông ngoại qua đời. Năm 1894, bố của Cung thi đỗ Cử nhân. Năm 1895, Cung cùng anh trai theo bố mẹ vào Huế và cậu sống lần đầu tại đó cho đến tuổi lên mười thì mẹ mất.
 Đầu năm 1901, anh em cậu theo bố về lại làng Chùa. Cũng năm đó, bố của cậu thi đỗ Phó bảng rồi gia đình cậu về sống tại làng Sen, quê nội. Mùa thu năm 1905, cậu theo bố vào Kinh học tập và năm 1911 thì ra đi tìm đường cứu nước.
 Sau 30 năm bôn ba khắp các đại lục tìm đường cứu dân cứu nước để năm 1941 thì về lại Tổ quốc, chuẩn bị để tiến hành Cách mạng Tháng 8 thành công (1945), lại 16 năm tiếp, là thời gian làm Chủ tịch nước, bận bịu với công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đến cuối năm 1961, Người mới có dịp về thăm lại ngôi nhà này và đó cũng là lần cuối cùng Người trở về ấn những dấu chân lên mảnh vườn thơ ấu của mình.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.