Bỏ qua nội dung chính

Chào Mừng ĐHĐB Đảng Bộ Đồng Nai Lần Thứ X

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Chào Mừng ĐHĐB Đảng Bộ Đồng Nai Lần Thứ X > Bài đăng > SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ CỦA ĐẢNG BỘ BIÊN HÒA
SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ CỦA ĐẢNG BỘ BIÊN HÒA

Thành phố Biên Hòa nằm nép mình bên sông Đồng Nai hiền hòa, êm ả, quanh năm đỏ quạnh phù sa bồi đắp cho những vùng đất nằm hai bên bờ sông mùa màng xanh tốt, cung cấp nước sạch cho con người nơi đây và cả những vùng phụ cận. Vùng đất này được hình thành từ hơn 300 năm trước, trong quá trình mở cõi, ông cha ta ở phía Bắc từ Ngũ Quảng đã dừng chân, lấy nơi đây làm bàn đạp để tiến về phương Nam, vùng đất Biên Hòa với thiên thời địa lợi đã mời gọi, dung nạp lưu dân từ mọi miền đất nước, tạo nên một cộng đồng dân cư đa tôn giáo và có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Chính yếu tố cộng đồng đó tạo nên truyền thống đoàn kết dân tộc của nhân dân thành phố Biên Hòa và tinh thần ấy được phát huy cao độ trong 30 năm kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong tiến trình lịch sử, thành phố Biên Hòa luôn có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị. Thế kỷ 17-18, Biên Hòa có Cù Lao Phố từng là trung tâm phát triển bậc nhất ở phía Nam nước ta. Từ cuối thế kỷ 18, nhận thấy nơi đây có thể làm thế đứng chân lâu dài để chống lại chúa Trịnh phương Bắc, Chúa Nguyễn đã tranh chấp quyết liệt với nghĩa quân Tây Sơn. Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta. Đội ngũ giai cấp công nhân thành phố Biên Hòa xuất hiện khá sớm đi đôi với việc thực dân Pháp tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên nơi đây và trở thành giai cấp tiên phong trong các phong trào đấu tranh cách mạng khi có sự lãnh đạo của Đảng.

 

Ngay trong ngày 3-2-1930 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) đã bạo động đấu tranh. Tại nhà máy cưa BIF, tổ chức Công hội đỏ được thành lập, kết nạp được nhiều thành viên cốt cán, bằng nhiều hình thức đã bí mật tuyên truyền giác ngộ cho anh em công nhân trong nhà máy cùng với các cơ sở công nghiệp khác và nhân dân lao động tạo thành phong trào đấu tranh sôi nổi trong những tháng đầu năm 1930. Tháng 2 năm 1935, Chi bộ Bình Phước – Tân Triều chính thức được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư, sự ra đời của Chi bộ đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng, một bước tiến mới của phong trào cách mạng ở thị xã Biên Hòa.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân thành phố Biên Hòa tuy sống trong vùng kiểm soát, bị địch kìm kẹp nặng, vẫn một lòng hướng về cách mạng. Từ trong nội thành, nhân dân thành phố vận động quyên góp nhiều lương thực, thuốc men, hàng hóa cần thiết để chuyển ra các căn cứ kháng chiến Bình Đa, Hố Cạn, chiến khu Đ cho lực lượng kháng chiến. Bên trong nội ô, nhiều cơ sở cách mạng đã theo dõi nắm bắt tình hình địch, phục vụ cho lực lượng vũ trang giải phóng đánh các cơ quan chỉ huy, căn cứ, kho tàng quân sự của địch. Trận tiến công tỉnh lỵ Biên Hòa đêm mồng 1 rạng sáng ngày 2-1-1946 là trận đầu tiên ta tập kích lớn và trận La Ngà ngày mồng 1-3-1948 góp phần làm nên chiến công vang dội ở miền Đông Nam bộ. Chiến tranh là mất mát, là hy sinh nhưng nhân dân Biên Hòa vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi, vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Đoàn kết với mọi tầng lớp nhân dân, tin và dựa vào dân là bài học quý giá mà Đảng bộ thị xã Biên Hòa rút ra được trong suốt những năm chống thực dân Pháp xâm lược và để từ đó tiếp tục phát huy trong công cuộc đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tai sai.

 

 

 

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Biên Hòa, quân và dân thành phố tiếp tục làm nên dấu son trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc bằng những sự kiện tiêu biểu: cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 giải thoát cho 462 đồng chí yêu nước bị địch giam cầm; trận diệt quân địch ở Nhà Xanh ngày 7-7-1959 là trận đầu tiên đánh vào trụ sở đoàn cố vấn đầu não của địch; trận pháo kích vào sân bay quân sự của địch ở Biên Hòa ngày 31-10-1964 làm cho quân thù khiếp vía; quân và dân ta còn xây dựng vành đai đánh Mỹ để bám trụ và liên tục tiến công các cơ quan chỉ huy, kho tàng quân sự: sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình; thực hiện hai cuộc tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Xuân Kỷ Dậu 1969. Để rồi trên thế tiến công như vũ bão, quân dân thành phố Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung đã làm nên kỳ tích vang dội trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình đã lập lại, tiếng súng không còn, song cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình, bảo vệ thành quả tốt đẹp mà quân và dân ta vừa mới giành lại được gặp muôn vàn khó khăn. Đảng bộ thành phố cùng với nhân dân chung vai sát cánh ổn định tình hình, tiêu diệt tận gốc những tàn dư còn sót lại của chiến tranh và sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc kiến thiết đất nước. Tuy nhiên, thành phố Biên Hòa trước giải phóng là đô thị địch tạm chiếm, do đó hậu quả chiến tranh để lại khá nặng nề. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, Đảng bộ thành phố đã cung cấp phương tiện, cấp vốn cho nhân dân ổn định làm ăn đồng thời mở kho dự trữ, cung cấp gạo, lương thực cho nghững hộ nghèo, đói và phát động phong trào tháo gỡ bom mìn, phục hồi các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Bằng những nỗ lực cao với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng cách phát huy vai trò của các hợp tác xã, thành phố Biên hòa đạt được thành công đáng khích lệ trong 10 năm cải tạo và xây dựng trên tất cả mọi phương diện.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, không ít những yếu kém, thiếu sót của Đảng bộ về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý – điều hành,…đã bộc lộ. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, không ngại khắc phục sữa chữa những yếu kém, khuyết điểm, Đảng bộ thành phố đã nghiêm khắc kiểm điểm và lắng nghe ý kiến của quần chúng, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, bổ ích đã tạo được sự thông cảm và đồng thuận trong nhân dân, tạo sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng của Đảng, để từ đó nhân dân thành phố Biên Hòa đã cùng với Đảng bộ bước vào thời kỳ phát triển mới: thời kỳ đổi mới khi có Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Trên bước đường đổi mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ thành phố, Biên Hòa đã đạt được nhiều thành công trên tất cả mọi mặt: an ninh quốc phòng, văn hóa, kinh tế, chính trị - xã hội, giáo dục, y tế,…. Tháng 5 năm 1993, thành phố được công nhận đô thị loại II, có cơ cấu kinh tế “công nghiệp – thương mại – dịch vụ và du lịch” cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam Tổ quốc. Với tốc độ phát triển không ngừng ở một đô thị loại 2, Biên Hòa luôn phấn đấu nêu gương là lá cờ đầu, luôn nỗ lực vượt trội để đóng góp cao nhất cho sự phát triển của tỉnh nhà. Là thành phố đi đầu của tỉnh trong phát triển công nghiệp, với 5 khu công nghiệp, Biên Hòa nhanh chóng trở thành vùng đất lành, chim đậu thu hút nhiều thành phần lao động góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Trong những năm gần đây, Ban Thường vụ Đảng bộ thành phố đã không ngừng trăn trở, cùng nhau tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để hoàn thành thằng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ. Các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết được đôn đốc kiểm tra, nghiêm túc thực hiện, trong đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (2010 – 2015) được nhận định là giải pháp quan trọng, phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế hữu hiệu: đầu tư xã hội, thu ngân sách, cơ cấu kinh tế, an ninh xã hội có chuyển động về thực chất; quy hoạch và thực hiện các dự án trọng điểm, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng được đánh giá đạt kết quả tốt. Trong tương lai thành phố Biên Hòa sẽ được nâng cấp lên thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là đô thị vệ tinh độc lập trong vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân thành phố là tổng hợp của nguồn sức mạnh “đoàn kết, đồng tâm hiệp lực”. Hy vọng rằng khối đoàn kết giữa Đảng bộ và nhân dân thành phố Biên Hòa mãi trường tồn theo thời gian để vượt qua mọi thách thức, để Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

 

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.