Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 của cả nước là bước mở đầu quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 - Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Bước sang thế kỷ XXI – thế kỷ hội nhập kinh tế quốc tế, do tích cực thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học công nghệ nước ngoài,… tỉnh Đồng Nai đã thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước và trở thành một trong những địa phương có số vốn đầu tư cao hàng đầu cả nước. Định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại,... Xây dựng nhiều khu công nghiệp hiện đại và giải quyết việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn kiên định theo chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong 5 năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã phát huy những thuận lợi về tình hình chính trị - xã hội ổn định, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Cụ thể là:
Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và khá bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm 12,8%, (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra); trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16%/năm, dịch vụ tăng 12,1%/năm, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,6%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 785 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết và tăng 68,4% so năm 2000. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng năm 2005 chiếm 57%, dịch vụ chiếm 28% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 15%.
Kinh tế nhà nước được sắp xếp lại và đổi mới hoạt động, hiệu quả tăng lên rõ rệt; kinh tế tập thể có bước phát triển; kinh tế tư nhân phát triển nhanh và cùng với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong kinh tế của tỉnh.
Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển. Công tác quy hoạch phát triển các ngành hàng, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, xúc tiến thương mại được chú trọng, tạo chuyển biến tích cực cả về nội thương và ngoại thương. Đã hình thành một số trung tâm thương mại - dịch vụ ở thành phố Biên Hoà và một số thị trấn. Đến cuối năm 2005, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng gấp 2,5 lần so với năm 2000. Hàng hóa của doanh nghiệp địa phương đã xuất khẩu sang 60 nước trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm tăng 16,5%.
Sản xuất nông - lâm - thủy tiếp tục phát triển. Nông thôn nhiều nơi đổi mới. Đã ổn định một số vùng chuyên canh cây công nghiệp với quy mô diện tích lớn (cà phê, cao su, điều); gần 100% diện tích lúa, đậu, bắp, mía, mì sử dụng giống có năng suất cao; trên 80% các khâu công việc đã được cơ giới hóa. Chăn nuôi gia súc và thủy sản phát triển mạnh; hình thành một số mô hình chăn nuôi theo quy trình công nghiệp, mô hình trang trại áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Công tác trồng và bảo vệ rừng được đẩy mạnh, tỷ lệ che phủ của rừng đến nay đạt 26,8% (nếu tính cả cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái đạt 46,1%).
Công tác quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường đạt một số tiến bộ. 99% số hộ khu vực nông thôn và 73% số hộ khu vực thành thị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản được chú trọng. Hoạt động bảo vệ môi trường có chuyển biến, bước đầu hạn chế ô nhiễm môi trường tại một số khu công nghiệp tập trung và khu dân cư.
Việc huy động các nguồn lực cho phát triển có tiến bộ, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu dân cư tập trung được chú trọng, tạo chuyển biến mới về bộ mặt thành thị và nông thôn, đặc biệt là về kiến trúc đô thị. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh 5 năm qua đạt trên 46 ngàn tỷ đồng, gấp 2,4 lần thời kỳ 1996 - 2000 (vượt mục tiêu Nghị quyết), trong đó vốn đầu tư trong nước chiếm 47,6%, tăng gấp 3,3 lần. Cơ cấu đầu tư được triển khai đúng định hướng, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, hoàn thành cơ bản chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu ở các xã đặc biệt khó khăn, tăng đầu tư phát triển công nghiệp, đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ có tiến bộ. Hoạt động giáo dục phát triển theo hướng đa dạng hoá về loại hình, phương thức và nguồn lực. Trên 90% giáo viên đạt trình độ chuẩn hoá. Chất lượng giáo dục được giữ vững. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp đạt từ 90% trở lên, tỷ lệ học sinh giỏi từ 10-15%. Giữ vững mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, hoàn thành mục tiêu phổ cập trung học cơ sở và đang triển khai phổ cập giáo dục trung học trong toàn tỉnh.
Khoa học - công nghệ phát triển cả về hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học để xây dựng các chương trình, kế hoạch của tỉnh; tạo những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế; giữ gìn, bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hóa - lịch sử, truyền thống cách mạng của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý tài nguyên khoáng sản và phục vụ cho mục tiêu cải cách hành chính, đã góp phần nâng chất lượng công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao phát triển; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, góp phần ổn định xã hội. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền được đổi mới cả nội dung, hình thức, nâng về chất lượng và được đông đảo quần chúng hưởng ứng.
Đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở được chú trọng, có 8/11 huyện và 66 xã, phường, thị trấn xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao; hoàn thành nhà văn hóa dân tộc tại một số huyện; trên 58% xã, phường có bưu điện văn hóa xã. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu.
Hoạt động văn học - nghệ thuật, báo chí, phát thanh - truyền hình, xuất bản thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, chuyển tải thông tin và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Hoạt động thể dục - thể thao phát triển cơ sở vật chất theo hướng xã hội hoá; các phong trào ngày càng mở rộng, nhất là ở cơ sở. Hoạt động y tế chuyển biến tích cực, mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ và đội ngũ cán bộ y tế phát triển. Tất cả các trạm y tế xã, phường đều có bác sĩ phục vụ.
Các chương trình phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình đạt được kết quả tích cực, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (vượt mục tiêu Nghị quyết).
Công tác xóa đói, giảm nghèo được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo hạ còn 0,89% (vượt mục tiêu Nghị quyết). Đời sống dân cư được cải thiện, khoảng cách chênh lệch giữa hộ giàu và hộ nghèo ở thành thị và nông thôn có thu hẹp; bình quân 100 dân có 21,79 máy điện thoại, 95% hộ có điện sử dụng và 90% hộ dùng nước hợp vệ sinh (đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết).
Công tác chăm lo phụng dưỡng người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách được quan tâm đúng mức, 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với nước.
Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quốc phòng - an ninh được quan tâm triển khai trong toàn Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh và vận động nhân dân đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, các âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh văn hoá, an ninh nội bộ, an ninh nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố được củng cố vững chắc. Nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đi vào chiều sâu và toàn diện.
Bộ máy Nhà nước các cấp được củng cố. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cơ quan Nhà nước các cấp được nâng lên. Công tác cải cách tư pháp chuyển biến tích cực. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh hoạt động hiệu quả, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình trước Quốc hội và cử tri, tăng cường công tác giám sát trên các lĩnh vực và tham gia giải quyết khiếu nại, kiến nghị của cử tri.
Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy được vai trò đại diện cho cử tri; thực hiện tốt vai trò giám sát đối với việc thực thi pháp luật và quyền chất vấn của các đại biểu HĐND. Bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn. Công tác đào tạo cán bộ, công chức được chú trọng cả về số lượng và chất lượng.
Công tác vận động quần chúng của Đảng bộ tiếp tục đổi mới và đi vào chiều sâu. Khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng và phát huy; phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được đổi mới, chất lượng nâng lên. Công tác dân tộc, công tác tôn giáo thực hiện đúng nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được các cấp uỷ xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Công tác tổ chức, cán bộ có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng đã góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cấp ủy trong Đảng bộ đã quán triệt sâu các nghị quyết, chỉ thị, các quan điểm đổi mới của Đảng, tận dụng thời cơ, nắm vững quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng được khối đoàn kết vững chắc trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị; tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy được sức mạnh của Đảng bộ, của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm.
Đào Thanh