Xuân Lộc là huyện vùng xa nằm về phía Bắc của tỉnh Đồng Nai, là huyện có tính chất địa đầu của tỉnh, một huyện thuần nông gồm nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo trong đó dân tộc Kinh chiếm đại đa số. Huyện Xuân Lộc có diện tích 726,79 km2 với 15 đơn vị hành chính gồm thị trấn Gia Ray và 14 xã. Con người nơi đây sống chan hòa, đoàn kết, có truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần buất khuất. Cư dân sống chủ yếu là nghề trồng trọt nhưng do đất đỏ bazan màu mỡ phù hợp cho loại cây cao su do đó thời trước người dân đa số là công nhân lao động sống chủ yếu bằng nghề trồng và cạo mủ cao su.
Thời kháng chiến chống Pháp, công nhân trong các đồn điền cao su là đội ngũ lao động bị bóc lột nặng nề, cuộc sống vất vả luôn phải đối mặt không chỉ với bệnh tật mà còn với đòn roi của bọn tư bản và tai sai. Thực tế cuộc sống của người phu cao su dưới chế độ thuộc địa Pháp là cuộc sống trong lao tù. Sự nghèo đói, bần hàn của công nhân hoàn toàn trái ngược với cuộc sống nhung lụa phè phỡn của bọn địa chủ, bọn tai sai thực dân sống trên mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của hàng ngàn công nhân lao động, trước cuộc sống tối tăm, bị bóc lột nặng nề đó chỉ còn có một con đường duy nhất là nổi dậy đấu tranh. Giữa năm 1925, Thanh niên cách mạng đồng chí Hội được Nguyễn Ái Quốc thành lập, sau đó lan rộng nhanh chóng và đến tháng 10 năm 1926, mạng lưới Kỳ bộ Nam kỳ ở Sài Gòn và các tỉnh phát triển nhanh với khoảng 500 hội viên tham gia cách mạng. Tại Xuân Lộc, Nguyễn Đức Văn (Nguyễn Tam) do đồng chí Ngô Gia Tự phái về, vào hoạt động trong đồn điền Cuộc-tơ-nay (Nay là Nông trường Cao su Cẩm Mỹ). Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, công nhân các đồn điền đã nổi dậy đấu tranh chống lại bọn địa chủ, bọn tai sai ác bá. Công nhân cao su là lực lượng lao động đông nhất ở Xuân Lộc, cũng là đội ngũ có truyền thống đoàn kết và đấu tranh cùng với nông dân và các tầng lớp lao động khác trở thành lực lượng chính trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Tháng 2 năm 1937, tại khu rẫy Bàu Trâm thuộc tổng Bình Lâm Thượng, quận Xuân Lộc, đồng chí Phạm Hồng Hải, cán bộ do Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa tăng cường, đã triệu tập cuộc họp và thống nhất xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở Xuân Lộc do đồng chí Nguyễn Văn Huệ làm bí thư. Việc thành lập chi bộ Đảng ở Xuân Lộc cho thấy sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương đồng thời là quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của đảng viên và quần chúng yêu nước. Đây cũng là cơ sở của phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở Xuân Lộc, tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống Mỹ, để bước vào cuộc đấu tranh mới, Xuân Lộc tổ chức kiện toàn cả về tổ chức Đảng, cán bộ và cơ sở Đảng. Mạng lưới đảng viên phát triển rộng khắp ở các xã và vùng cao su, đầu năm 1956, toàn huyện đã xây dựng được 10 chi bộ với hơn 40 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh trong các cơ sở cao su trong thời kỳ này phát triển mạnh mẽ. Tháng 9 năm 1954, các đồng chí đảng viên và cơ sở đã vận động toàn thể công nhân cao su bãi công, kiến nghị tăng lương, đòi ngày làm việc 8 giờ và bọn chủ các đồn điền đành phải chấp nhận các yêu sách này. Đây là cuộc đấu tranh có qui mô lớn và giành thắng lợi sau ngày đình chiến. Cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ kết hợp đấu tranh chính trị của công nhân giành thắng lợp đã củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, uy tín và vai trò của đảng viên được nâng lên và sau đó là hàng loạt các cuộc đấu tranh ngày càng diễn ra liên tiếp giành nhiều thắng lợi. Cuộc đấu tranh của nhân dân Xuân Lộc nói riêng và Đồng Nai nói chung diễn ra như vũ bão, làm nên chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1969 và đi đến cao trào cách mạng là thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng khởi nghĩa mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Xuân Lộc là chiến trường hứng chịu nhiều bom đạn, gây nên bao thiệt hại về sinh mạng, nhà cửa cho nhân dân, đất đai bị bỏ hoang, sản xuất nông nghiệp ít ỏi, nạn thất nghiệp tràn lan, nạn đói đe dọa đến đời sống các tầng lớp dân cư. Chính quyền cách mạng huyện Xuân Lộc phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, nhất là giải quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng bộ máy chính quyền, ổn định trật tự xã hội, quản lý, điều hành địa phương. Sau ngày thống nhất là cả một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ, nhưng với nỗ lực hết sức to lớn của Đảng bộ và nhân dân Xuân Lộc đã thu được những kết quả đáng khích lệ: thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội dần ổn định, đời sống nhân dân dần cải thiện, văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư. Nếu như từ chỗ chưa có xã nào trong huyện có điện, thì đến nay toàn thị trấn của huyện đã sử dụng điện lưới quốc gia, toàn bộ các tuyến đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa.
Thực hiện chủ trương của Đảng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới được phát động năm 2010. Huyện ủy Xuân lộc đã tận dụng và khai thác thế mạnh sẵn có, đồng thời huy động sức dân. Xác định người dân là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, muốn thành công phải làm cho người dân tin tưởng, tạo được sự đồng thuận cao trong dân. Do đó, huyện đã nghiêm túc thực hiện việc nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với sản xuất thị trường nên đã hình thành sự liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Nhiều vùng canh tác nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã đạt giá trị sản xuất cao. Nhờ những chuyển biến này, năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân huyện Xuân Lộc đã đạt gần 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,35%.
Để đạt những thành tựu to lớn ấy đó là nhờ vào “Hòa ý Đảng, hợp lòng dân”. Từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, mang đầy thương tích của bom đạn chiến tranh và cũng là huyện nghèo nhất tỉnh, nhưng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay huyện Xuân Lộc đã thay da đổi thịt, trở thành huyện có nền kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển nhất nhì của tỉnh trong đó, nổi bật lên là phong trào xây dựng nông thôn mới. Với nỗ lực hết mình từ trong Đảng đến ngoài dân đã đem đến cho huyện Xuân Lộc nói riêng, Đồng Nai nói chung niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến khi năm 2014, Xuân Lộc trở thành huyện đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công nông thôn mới và đạt thêm danh hiệu Anh hùng lần thứ 3 về xây dựng nông thôn mới. Hy vọng trong những năm tiếp theo Xuân Lộc luôn giữ vững lá cờ đầu của tỉnh, tiếp tục phát huy những thế mạnh đã đạt được trong những năm qua.
Như Quỳnh