Sau chiến thắng Bình Giã (1964-1965) ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu, chế độ Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để duy trì sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam, đế quốc Mỹ quyết định tăng cường chiến tranh, chuyển từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Tại Biên Hòa, đế quốc Mỹ tăng cường xây dựng mở rộng và hoàn chỉnh nhiều công trình quân sự ở một số nơi như Vĩnh Cửu, Trảng Bom... để hình thành vùng trung tuyến, án ngữ, bảo vệ giao thông và căn cứ, hậu cứ của mình.
Trên các khu vực Trảng Bom, Hố Nai địch củng cố lại các ấp chiến lược, tăng cường thêm dân vệ, trang bị súng tiểu liên, cac-bin cho thanh niên chiến đấu, xây dựng và mở rộng các đồn bót nhằm kìm kẹp dân, khủng bố, đánh phá phong trào cách mạng.
Xác định được tầm quan trọng của địa bàn chiến lược này, Tỉnh ủy Biên Hòa kiên quyết chỉ đạo lấy Trảng Bom, Hưng Lộc, Bàu Hàm làm địa bàn đứng chân tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực và đặc công U1 thọc sâu đánh vào căn cứ, kho tàng quân sự của địch ở thị xã Biên Hòa, tổng kho liên hợp Long Bình.
Nhằm đẩy mạnh cao trào tấn công, phát động du kích chiến tranh rộng, toàn diện, tiêu hao diệt sinh lực địch, giữ vững và phát huy phong trào đấu tranh cách mạng, tháng 10-1966 Khu ủy miền Đông Nam Bộ quyết định thành lập Huyện ủy Trảng Bom bao gồm các xã nằm dọc quốc lộ I, quốc lộ 20 từ Hố Nai đến Gia Kiệm.
Sau khi được thành lập, Huyện ủy Trảng Bom chỉ đạo gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang và các lực lượng an ninh của huyện. Đội ngũ cán bộ xã được Huyện ủy tăng cường, các đội công tác cũng được kiện toàn và chuyển thành các xã đội du kích.
Cũng thời gian này, địch thành lập quận lỵ và chi khu Kiệm Tân, trong đó trung tâm quận lỵ đóng ở Gia Kiệm. Gia Kiệm là xã có nhiều đồng bào Công giáo di cư từ miền Bắc vào, lợi dụng điều đó, địch đã thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc kháng chiến đến đồng bào giáo dân nhằm ngăn cách mối quan hệ giữa bà con giáo dân với cách mạng, chính vì vậy việc khai hoang mở rộng xây dựng phát triển cơ sở các xã ở đây là rất cấp thiết.
Trước tình hình trên, các đồng chí trong Huyện ủy đã phải cố gắng khéo léo thực hiện công tác dân vận. Nhờ kiên trì đường lối dân vận, tôn giáo vận, một thời gian sau mọi mặc cảm, thành kiến của dân đối với cách mạng đã bị phá bỏ. Sợi dây quan hệ giữa đồng bào Công giáo với cách mạng ngày càng thắt chặt hơn, mạng lưới thông tin, tiếp tế trong nhân dân trong vùng được xây dựng và phát triển góp phần không nhỏ cho những thắng lợi của ta trong các cuộc tấn công.
Lấy công tác dân vận làm cơ sở, từ năm 1967 phong trào đấu tranh 3 mũi kết hợp xây dựng thực lực cách mạng của huyện Trảng Bom ngày càng vững mạnh.
Tháng 5-1967 bộ đội địa phương huyện kết hợp với du kích xã Hưng Lộc đã tổ chức đánh trận chống càn của địch ở khu vực Vườn Cam, diệt và làm bị thương 27 tên lính thuộc chiến đoàn 43 (sư đoàn 18 ngụy).
Mùa xuân năm 1968, để chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam theo chủ trương của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Huyện ủy Trảng Bom đã triệu tập cuộc họp nhằm vạch kế hoạch mục tiêu tiến công và nổi dậy trên địa bàn huyện. Các công tác chuẩn bị được Huyện ủy chỉ đạo khẩn trương và bí mật. Đêm 31-1-1968 sau hàng loạt pháo nã vào sân bay Biên Hòa làm hiệu lệnh, cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân huyện Trảng Bom bắt đầu. Bộ đội huyện tấn công vào tua cảnh sát ở ngã ba Cây Gáo, diệt 1 tiểu đội địch. Tại các xã, cán bộ và du kích dưới sự chỉ huy, lãnh đạo trực tiếp của Bí thư chi bộ cũng đã phát động nhân dân nổi dậy diệt ác phá kìm. Song do địch có công sự kiên cố và hỏa lực mạnh, quân ta tổ chức xung phong nhiều đợt nhưng không chiếm lĩnh được các đồn bót của địch.
Tuy diệt sinh lực địch không nhiều, chỉ đạo giữa tiến công và nổi dậy chưa chặt chẽ, nhưng với thời gian chưa đầy 2 năm kể từ khi thành lập, Huyện ủy Trảng Bom đã có nhiều đóng góp to lớn: phong trào cách mạng trong huyện có những bước phát triển nhanh, lực lượng vũ trang và mạng lưới cơ sở ở các xã, cơ sở trong vùng đồng bào có đạo cũng như đồng bào dân tộc vừa được xây dựng củng cố, vừa được mở rộng. Đây là cơ sở quan trọng để toàn Đảng bộ, toàn quân và dân tiến lên, góp phần cùng quân dân toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Nguyễn Thị Sen