Bình Ðịnh, quê hương của các loại hình nghệ thuật cổ như tuồng, bài chòi, mảnh đất của văn chương, thi ca , nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những tâm hồn thơ, những nhà thơ lớn trong nền văn học và trên thi đàn Việt Nam. Nơi có bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp lung linh và nhiều danh lam thắng cảnh như: bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Tiên Sa, Quy Hòa, Đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai hay Gềnh Ráng, đồi thi nhân với mộ Hàn Mặc Tử, nơi thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan và nghỉ dưỡng.
Nói tới Bình Định chúng ta không thể không nhắc tới người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng phá tan quân Thanh ở phía Bắc, đánh bại quân Xiêm ở phía Nam, một địa danh nổi tiếng khắp nước cả nước về võ thuật cổ truyền, nơi mà cả đàn bà, con gái xưa đều biết côn, quyền. Vì vậy, từ xa xưa người dân đất Bình Định đã có câu ca dao :
Ai về Bình Đình mà coi
Con gái B ình Định cầm roi, đi quyền…
Câu ca dao không chỉ đề cao tinh thần thượng võ mà còn là sự ngợi ca tài năng võ nghệ lỗi lạc của những nữ tướng dưới cờ nghĩa Tây Sơn của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Trong số đó, người nữ tướng kiệt xuất nhất chính là Đô đốc Bùi Thị Xuân- vợ của Thái Phó Trần Quang Diệu.
Theo như sử sách ghi lại bà Bùi Thị Xuân là người làng Xuân Hòa, phía Nam sông Côn, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), là con của ông Bùi Đắc Chí, cháu của Thái sư Bùi Đắc Tuyên và là cháu gọi bà Bùi Thị Nhạn (vợ kế vua Quang Trung) bằng cô ruột. Bùi Thị Xuân sinh ra trong một gia đình khá giả, sớm được học văn - võ từ nhỏ, bà là người có nhan sắc, khéo tay và viết chữ đẹp. Tương truyền, vì mến tài đức của Bùi Thị Xuân, đêm đêm có một bà lão đến dạy võ cho bà, trong suốt ba năm bà lão đã dày công truyền lại những ngón côn quyền, song kiếm, nhảy cao, nhảy xa, phi ngựa…khi Bùi Thị Xuân thành tài thì bà lão cũng biến mất. Để tỏ lòng tri ân với người thầy kính yêu của mình, bà đã thiết hương án thờ thầy và biến nhà thờ họ Bùi thành nơi dạy võ cho chị em trong vùng. Để đền ơn công lao dạy võ cho con mình, một phú ông trong vùng đã tặng bà một con bạch mã to lớn và chạy rất nhanh, sau đó bà đã huấn luyện con bạch mã này thành một con chiến mã, luôn cùng bà ra trận khi phò vua Quang Trung đánh giặc.
Trong một lần vào vùng núi Thuật Ninh săn bắn cùng học trò, bà bắt gặp một tráng sĩ tay không đánh nhau cùng hổ dữ. Với võ nghệ cao cường, bà rút song kiếm xông vào đánh nhau với hổ dữ cứu tráng sĩ khi ấy người đầy thương tích. Người tráng sĩ ấy chính là Trần Quang Diệu, quê làng Tú Sơn, huyện Mộ Hoa (Mộ Đức, Quảng Ngãi ngày nay), là người đã cùng với bà và bao anh hùng nghĩa sĩ đem hết tài đức giúp ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp, xây dựng căn cứ Tây Sơn thượng đạo (An Khê – Vĩnh Thạnh), tiến xuống Tây Sơn hạ đạo (Quy Nhơn), tiến ra Tây Sơn tả đạo (Quảng Ngãi), tiến vào Tây Sơn hữu đạo (Phú Yên), làm nên cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lịch sử vào năm 1771 – 1775, xây dựng nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn lừng lẫy một thời.
Vợ chồng Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu còn là những tướng lĩnh tiên phong trong các trận Rạch Gầm – Xoài Mút ở (miền Nam), Phú Xuân (Huế), phù Lê diệt Trịnh (Hà Nội) do Nguyễn Huệ chỉ huy. Dưới trướng của bà còn có cả nhớm “Tây Sơn ngũ phụng thư” về sau đều trở thành những nữ tướng, đô đốc của nghĩa quân Tây Sơn như Trần Thị Nhạn, Trần Thị Lan ở Tuy Viễn (Tuy Phước ngày nay), Nguyễn Thị Dung ở Mộ Hoa (Mộ Đức ngày nay), Huỳnh Thị Cúc ở Sơn Tịnh, năm nữ đô đốc này đã cùng nhau tổ chức, huấn luyện, điều khiển đoàn tượng binh gần 100 voi chiến và đoàn nữ binh trên 2.000 người góp phần quan trọng vào chiến thắng Đống Đa – Quang Trung đại phá quân Thanh mùa xuân 1789.
Tháng 9 năm 1972, vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Nhân cơ hội này, Nguyễn Ánh dựa vào Thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định, Phú Xuân - Thăng Long, dựng nên triều đại nhà Nguyễn.
Năm 1802, vua Gia Long trở vào Phú Xuân và đem vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù rất tàn bạo. Tất cả các võ tướng đều bị tử hình, trong đó có cả Thái phó Trần Quang Diệu. Riêng với Bùi Thị Xuân, vì nghe danh nữ kiệt từ lâu nên vua Gia Long truyền đến xem mặt và muốn bà xin ân xá, nhưng bà thà chịu chết chứ không chịu nhục mà hạ mình trước kẻ thù, quyết giữ vững khí tiết, tỏ rõ khí phách hiên ngang, anh dũng, để lại sự kính phục, cảm mến trong nhân dân.

Ngày nay, du khách đến Bình Định không thể không ghé thăm Bảo tàng Quang Trung, một công trình kiến trúc độc đáo, nơi lưu danh người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các vị tướng lĩnh thời Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung được xây dựng trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Quần thể Bảo tàng Quang Trung với khu điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay, nơi trưng bày 9 pho tượng thờ bằng gốm sứ dát vàng gồm tượng ba anh em nhà Tây Sơn và sáu văn, võ tướng tiêu biểu là: Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Thiếu phó Trần Quang Diệu, và Đô đốc Bùi Thị Xuân, người con gái Bình Định anh hùng, nàng dâu kỳ tài của Quảng Ngãi.
Trần Thủy