Bỏ qua nội dung chính

Những Con Đường Huyền Thoại

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài Viết 2016 > Những Con Đường Huyền Thoại > Bài đăng > Trần Công An – Người cách mạng kiên trung khai sinh lối đánh đặc công.
Trần Công An – Người cách mạng kiên trung khai sinh lối đánh đặc công.

     Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, là một chiến trường rất khốc liệt. Trên mảnh đất thân yêu này, cuộc đọ sức của quân dân ta với quân thù xâm lược diễn ra ác liệt từng ngày. Trong cuộc chiến đấu vệ quốc gian khổ ấy, đã xuất hiện nhiều anh hùng sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương trong đó anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An là một trong những tấm gương tiêu biểu của vùng đất Đồng Nai, người đã để lại nhiều tình cảm đặc biệt trong lòng cán bộ và nhân dân địa phương, đặc biệt ông là tấm gương chiến đấu dũng cảm và sáng tạo ra cách đánh đặc công đầu tiên ở miền Đông Nam bộ.

Trần Công An, tên thật là Trần Văn Kìa, sinh năm 1920, ông còn có bí danh khác là Hai Cà. Ông Đảng viên cộng sản Việt Nam, tham gia chiến đấu trong cả Chiến tranh Đông Dương lẫn Chiến tranh Việt Nam. Thoát ly theo cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, người con ưu tú của vùng đất Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), luôn nung nấu trong lòng một ý chí giải phóng quê hương.

Tháng 9 năm 1946, anh Trần Công An nhập chi đội 10, sau khi được đi học khóa quân chính trở về, anh Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng - cho chuyển anh Trần Công An sang xây dựng lực  lượng dân quân tự vệ huyện Tân Uyên. Đã từng là tỉnh đội trưởng Biên Hòa, người chỉ huy đánh tháp canh cầu Bà Kiên 19/3/1948, anh phát huy cách đánh mưu trí dũng cảm vào trận đánh tháp canh đầu tiên, làm xuất hiện cách đánh đặc công. Trong cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang Đồng Nai” và đặc biệt là Bộ tư lệnh binh chủng đặc công công nhận “Đồng chí Trần Công An đã tổ chức cho đội du kích Tân Uyên luyện tập đánh tháp canh cầu Bà Kiên vào đầu năm 1948”

Đầu năm 1948, trong lúc ông Hai Cà phụ trách Đội du kích Tân Uyên thì quân Pháp triển khai chiến thuật Đờ La-tua, xây dựng hàng trăm đồn bót, tháp canh dọc theo các tuyến đường 16, tỉnh lộ 24 và các quốc lộ: 1, 13, 14. Hệ thống tháp canh của Pháp ở miền Đông không chỉ bảo vệ an toàn đường giao thông của chúng trên các trục lộ, mà còn gây cho lực lượng kháng chiến rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giao liên và tiếp tế lương thực, vũ khí...

Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định phá hệ thống tháp canh, đánh bại chiến thuật Đờ La-tua là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông nói chung, Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng lúc bấy giờ, vũ khí, trang bị của quân ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh nên nhiệm vụ này rất khó khăn.

Ban chỉ huy Huyện đội Tân Uyên nhận định phải đánh thắng tháp canh cầu Bà Kiên trên lộ 16 - ấp Mỹ Chánh - xã Phước Thành - huyện Tân Uyên (Biên Hòa) để mở đầu cho các trận đánh tháp canh tiếp theo. Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho tổ du kích do Trần Công An làm tổ trưởng. Mặc dù vô cùng khó khăn, phức tạp như vậy, nhưng khi nhận lệnh người con anh hùng của chiến khu Đ đã phấn khởi đảm nhận nhiệm vụ. Ông nghiên cứu địa hình và luyện tập rất công phu. Ông cho dựng tháp canh giả, làm hàng rào dây kẽm gai, cởi trần bôi vào người loại thuốc hóa trang tự chế, nhanh chóng bí mật bò qua rào, leo lên tháp canh, ném lựu đạn giả...

Đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, Đội trưởng du kích Hai Cà chỉ huy 4 du kích bí mật xâm nhập trận địa, bất ngờ tập kích vào tháp canh cầu Bà Kiên, tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn.

Sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên thắng lợi, Tỉnh đội Biên Hòa và Bộ Chỉ huy Khu 7 đã nhiệt liệt biểu dương, khen thưởng Đội du kích Tân Uyên và ông Hai Cà, đồng thời đánh giá: “Trận đánh cầu Bà Kiên đã mở ra lối tác chiến mới. Dựa vào dân, nắm chắc địch tình, nắm chắc mục tiêu và cách bố phòng của chúng, chỉ dùng lực lượng rất ít đánh lực lượng đông, với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, mưu trí, tấn công bất ngờ là địch trở tay không kịp”. Tỉnh đội Thủ Biên phát động thi đua cho dân quân du kích toàn tỉnh học tập và thực hiện. Cách đánh tháp canh độc đáo của Đội du kích Tân Uyên đã khai sinh lối đánh mới, cách đánh này sau được phổ biến cho các đơn vị khác ở vùng Đông Nam bộ và cả nước, trở thành một lối đánh điển hình của lực lượng đặc công Việt Nam. Ngày 19 tháng 3 năm 1948 sau đó trở thành ngày truyền thống của lực lượng đặc công Việt Nam.

Tháng 11 năm 1949, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mở hội nghị chuyên đề đánh tháp canh. Đồng chí Trần Công An được báo cáo kinh nghiệm cách đánh tháp canh cho đại diện của các đơn vị chủ lực, Tỉnh đội, Huyện đội Binh công xướng và đại diện cho các lực lượng dân quân du kích các địa phương trong quân khu về dự. Bộ Tư lệnh quân khu kết luận, ta có thể đánh được tháp canh với điều kiện phi làm tốt công tác điền nghiên, áp sát được tháp canh một cách bí mật và có vũ khí có sức công phá mạnh để đánh tháp.

Trận đánh thử nghiệm của hai quả mìn FT và Pêta đêm 18 tháng 4 năm 1950 do tổ du kích Tân Uyên dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Công An và sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Cát Vũ đã đột nhập và đánh sập tường tháp canh mẹ tại cầu Bà Kiên lần thứ hai nằm trên đường 16, ta diệt 16 lính trong tháp canh và thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. Trận đánh vào tháp canh mẹ cầu Bà Kiên lần thứ hai này, mặc dù địch phòng thủ kiên cố vững chắc hơn, nhưng với lối đánh thông minh và sáng tạo, đồng chí Trần Công An và các đồng chí trong đơn vị Nguyễn Văn Nghĩa gắn quả FT vào đầu một cây sào cao trên 2 mét áp vào tường tháp, cho nổ xong, bồi thêm quả PêTa thọc vào tháp canh cho nổ, tháp bị sập hoàn toàn,

Tiếp theo, đêm 25 tháng 4 năm 1950, đồng chí Trần Công An chỉ huy đơn vị đánh sập tháp canh mẹ Vàm Giá nằm trên Lộ 14, tháp canh án ngữ cửa ngõ huyết mạch vào chiến khu Đ, nó ngăn chặn đường tiếp tế và mối quan hệ sống còn của tình quân dân cá nước.

Sau thắng lợi tháp canh cầu Bà Kiên và Vàm Giá, đã cho phép lực lượng quân sự miền Đông Nam bộ khẳng định hiệu quả thật sự và đầy tin tưởng ở cách đánh có hiệu quả và thiết thực. Kỹ thuật đánh tháp canh được bộ đội khắp nơi học tập, rút kinh nghiệm, tổ chức, huấn luyện, ứng dụng cách đánh vào đồn bót, lô cốt, kho tàng, cầu cống và các căn cứ quan trọng của địch, chẳng những ở chiến trường miền Đông Nam bộ, mà còn lan rộng ra các tỉnh bạn và cả nước.

Chiến thắng khắp nơi liên tục bay về trên mọi miền Tổ quốc làm nức lòng người Đồng chí Trần Công An, chẳng những là người có công đầu về cách đánh đặc công mà còn trực tiếp góp phần nhân rộng bằng hành động thực tế, miệng nói tay làm, luôn hưng dẫn cho đồng chí, đồng đội các nơi một cách tỉ mỉ, chu đáo những kinh nghiệm quý báu và chính đồng chí đã trực tiếp tham gia cùng đồng đội chiến đấu. Và từ cách đánh đặc công độc lập, đã phát triển thành các chiến thuật kết hợp đặc công, biệt động, bộ binh của quân ta.

Từ năm 1954 đến năm 1961, đồng chí Trần Công An tập kết ra Bắc, từ tiểu đoàn trưởng đồng chí lên làm trung đoàn trưởng 656, đưa trung đoàn về huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình tổ chức đơn vị sản xụất. Sau đó, đồng chí Trần Công An được Ban quân lực miền quyết định sang làm đoàn phó U50 - đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất đảm bảo hậu cần, bảo vệ chiến khu A (chiến khu Đ mở rộng). Trong ba năm, đoàn hậu cần U50 đã cung cấp đầy đủ lương thực thực phầm bảo đảm cho chiến dịch Đồng Xoài và Bình Giã toàn thắng.

Tại hội nghị sơ kết công tác cục hậu cần miền tháng 12- 1964, các đồng chí Trần Văn Trà và Lê Đức Anh chỉ thị cho các đơn vị trong toàn miền học tập và làm theo đồng chí Trần Công An, tên “Hai Cà” (do đồng đội đặt) - cũng xuất hiện từ đó mà 5000 chiến sĩ hậu cần U50 tỏa ra khắp các nẻo đường chiến đấu và công tác, cũng rất vinh dự mang tên thân mật, ấm cúng là “BỘ ĐỘI HAI CÀ”.

Tháng 2-1965, Bộ Tư lệnh Miền điều động ông Hai Cà (lúc ấy là Đoàn trưởng Đoàn U50, đơn vị hậu cần Miền) về Biên Hòa giữ chức Thị đội trưởng Biên Hòa, cùng 50 chiến sĩ đặc công giỏi phục vụ chiến đấu ở chiến trường Biên Hòa. Tháng 10-1964, dưới sự chỉ huy của ông Hai Cà và ông Trần Mân, lực lượng vũ trang Biên Hòa phối hợp với Đoàn Pháo binh Biên Hòa đánh một đòn phủ đầu vào sân bay Biên Hòa và giành thắng lợi. Sau trận đánh, Bác Hồ đã có thư khen ngợi; Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho toàn trận đánh, riêng ông Hai Cà được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Trên đà chiến thắng, dưới sự chỉ huy của 2 đồng chí Trần Mân và Trần Công An, đêm 23 rạng 24-8-1965, ta đã tiến công đánh lần thứ 2 vào sân bay Mỹ- ngụy ở Biên Hòa và giành thắng lợi nhất định.

Tháng 9-1965, Trung ương Cục quyết định sáp nhập Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thành một đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh gọi là U1 và chỉ định ông Hai Cà làm Tỉnh đội trưởng U1. Ngay sau khi được thành lập, Đặc công U1 chọn tổ chức trận đánh mở màn vào Tổng kho Long Bình. Từ tháng 10 đến 12-1966, Đặc công U1 còn tổ chức thêm 3 trận đánh vào Tổng kho Long Bình, phá hủy hàng trăm tấn bom đạn. Với những chiến công xuất sắc đó, đơn vị đã được tặng thưởng nhiều huân chương quân công và chiến công các hạng.

Bước vào chuẩn bị chiến dịch xuân Mậu Thân đầu năm 1968, Tỉnh đội trưởng U1, Phó tư lệnh mặt trận Trần Công An và đồng chí Phan Văn Trang nguyên Bí thư tỉnh ủy, phó chính ủy mặt trận cùng với các đồng chí khác dã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đã đưa 250 thương binh ra khỏi vòng vây của địch.

Vào năm 1968, người con trai trưởng của ông Hai Cà là Đại đội trưởng Trần Văn Cao nhận lệnh ông đột nhập vào sân bay Biên Hòa điều nghiên tổ chức trận đánh bị vướng mìn, mất hết một chân. Chưa hết nỗi đau vì thương tật của con, ông Hai Cà nhận tiếp hung tin người con trai thứ mới 16 tuổi Trần Văn Mum đã hy sinh mất xác khi được giao nhiệm vụ đưa tổ thông tin điện đài đến sở chỉ huy tiền phương, lúc trở về bị lọt vào ổ phục kích của địch. Trong thời gian này, mẹ của ông ở quê nhà mỏi mòn trông ngóng tin con, cháu đã qua đời. Nhưng vượt qua những nỗi đau mất mát ấy, ông vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách của một người lính, người chỉ huy nơi chiến trận.

Những năm tiếp theo, đồng chí Trần Công An được phân công trở lại hậu cần với cương vị tư lệnh đoàn 600, chỉ huy góp phần bảo đảm cho toàn chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng trên mảnh đất miền Đông đầy hào khí Đồng Nai này.

Cuộc đời của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An vô cùng phong phú, một con người cách mạng luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhim vụ của Đảng và tổ chức giao cho. Sau màu áo vinh quang bao năm cống hiến sức người, tuổi đời cho sự nghiệp cách mạng, ở thời bình ông cũng không ngơi nghỉ, tận tình lo nhà ở cho hàng chục người có công với nước, hàng chục căn nhà tình nghĩa và hàng trăm đồng chí có việc làm ổn định. Cuộc sống giản dị, đơn sơ, có nghĩa có tình, luôn luôn quan tâm giúp đỡ bà con làng xóm.

Ông mất năm 2008, sau đó Ủy Ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định đặt tên đường tại nơi ông sinh sống Khu A42, P. Trung Dũng, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai là Đường Trần Công An nhằm để tưởng nhớ người anh hùng của quê hương Đồng Nai, một thời vinh quang, một thời lẫy lừng. Việc đặt con đường mang tên ông cũng đồng thời góp phần thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam để tưởng nhớ về một tấm gương dũng cảm, sáng tạo trong lối đánh, mưu trí trong đấu tranh, sống hết mình vì đồng chí, đồng đội.

 
 
Như Quỳnh
 

 

 
 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.