Sau hơn một nửa thế kỷ, nhìn lại tiến trình lịch sử của các dân tộc, của phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc và hòa bình trên thế giới chúng ta thẩm thấu sâu sắc hơn tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại - Chiến thắng không chỉ là niềm tự hào mà là nguồn cổ vũ của toàn thể nhân dân đã đứng lên đấu tranh vì chính nghĩa, vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Ô Man Uxêđích - Trưởng đoàn đại biểu Quân đội... phát biểu trong dịp sang thăm Việt Nam sau 6 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu”.
Từ vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam cho thấy cuộc đụng đầu lịch sử ở trận quyết chiến Điện Biên Phủ này là một cuộc đọ sức quyết liệt, không chỉ mang tính dân tộc mà còn mang tính thời đại: giữa một bên là lực lượng cách mạng, mà nhân dân Việt Nam là đội quân xung kích, và một bên là lực lượng đế quốc Pháp và đứng sau là Mỹ. Ngay từ năm 1950, cùng với việc can thiệp vào Triều Tiên, Tổng thống Mỹ quyết định tăng cường “viện trợ” cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1952, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ ra một nghị quyết về chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á và Đông Dương. Đây có thể coi như một văn kiện cơ bản, toàn diện về chính sách xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ ở khu vực này. Để thực hiện mưu đồ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương từ năm 1950 đến 1953, Mỹ đã đưa vào Đông Dương 400.000 tấn vật liệu chiến tranh. Viện trợ Mỹ chiếm tỷ lệ ngày càng quan trọng trong ngân sách chiến tranh Đông Dương của Pháp. Từ 19% năm 1950, 35% năm 1952, 43% năm 1953 và lên đến 73% năm 1954. Đầu tháng 1-1954, Níchxơn sau khi đã trực tiếp sang thị sát chiến trường Đông Dương, tuyên bố “sẵn sàng đưa quân đội sang Đông Dương”. Nhận thức đúng về vị trí của cách mạng Việt Nam ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới, nhận thức đúng mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc đối với Đông Dương; nhận rõ tính chất dân tộc và tính chất quốc tế của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã có những quyết định đúng đắn, quyết đoán và sáng tạo trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, đặc biệt là chiến dịch lịch sử - chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong bức điện gửi cán bộ chiến sĩ Việt Nam tại Mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 4-1954, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Khơme viết: “Nhân dân Khơ-me chúng tôi rất phấn khởi được biết tin thắng lợi liên tiếp của các anh em tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhân dân Khơme chúng tôi đang theo dõi từng giờ từng phút với lòng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng của các anh em. Thắng lợi của các anh em ở mặt trận Điện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt một số quan trọng sinh lực địch mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khơme chúng tôi nữa...”
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của một dân tộc nhỏ với đội quân trang bị thô sơ đánh thắng quân đội nhà nghề của thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ, Anh hậu thuẫn. Về phía Pháp, đây là một thất bại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược thuộc địa của thực dân Pháp. Đại tá không quân Pháp Giuyn Roa, từng là cựu binh của trận Điện Biên Phủ, trong cuốn sách sau này của ông có tiêu đề “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, đã phải thừa nhận: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200-300kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng Nava không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương’’.
Sự thảm hại của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ không phải chỉ ở mặt quân sự, mà còn ở chỗ làm cho sự khủng hoảng chính trị, xã hội của nước Pháp thêm sâu sắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chính sách xâm lược của nhân dân Pháp. Một sĩ quan Pháp sống sót ở trận Điện Biên Phủ kể: “Trong trại tù binh, chúng tôi được đối mặt với Việt Minh bằng xương thịt và chúng tôi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại một cuộc cách mạng mà không biết cuộc cách mạng ấy là gì. Điện Biên Phủ không phải là một tai nạn bất ngờ của số phận mà là sự phán xử”.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào “chiến lược trả đũa ồ ạt” của chính quyền Aixenhao, báo hiệu sự phá sản không thể tránh khỏi của chiến lược này. Thắng lợi này đã chứng tỏ sức mạnh trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) ngày 9-5-1954 đã viết: “Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho toàn thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có một lực lượng nào khuất phục”.
Trong Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945 _ 2-9-1960), tại Hà Nội, đồng chí Phơrenxơ Međơvan, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari, phát biểu: “Với chiến thắng vẻ vang của mình chống bọn thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã ghi những trang sử đấu tranh đẹp nhất chống bọn đế quốc. Trong cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam anh dũng, tim chúng tôi đã hòa cùng một nhịp với các bạn trước mọi sự kiện xảy ra và chúng tôi đã cùng chia sẻ niềm vui với những người anh em Việt Nam khi nghe tin ngọn cờ chiến thắng của các bạn đã cắm lên cứ điểm Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã trở thành tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh dũng của một dân tộc thiết tha yêu chuộng tự do và một sức sống bất khuất...”.
Là một bộ phận của phong trào cách mạng vô sản thế giới, của phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc ở một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã có ảnh hưởng và tác động to lớn đến thời đại. Nó đã góp phần giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn mà thời đại đặt ra. Báo Sao Đỏ (Liên Xô), số ra ngày 6- 8/5/1954, trong bài “Điện Biên Phủ là sự phá sản của kế hoạch của bọn thực dân”, viết: “Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân và trước hết là sự phá sản của cái “Kế hoạch Nava” phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều thất bại”.
Thắng lợi vĩ đại của Điện Biên Phủ làm sáng tỏ một chân lý của thời đại ngày nay là: một dân tộc dù nhỏ, nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu theo một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, thì có đầy đủ khả năng thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có quân đội nhà nghề thiện chiến, được trang bị hiện đại. Đồng chí Ariyata, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Marốc cũng đã khẳng định chân lý của thời đại mà nhân dân Việt Nam đã làm sáng tỏ, Việt Nam đã chứng minh một cách hùng hồn rằng cả đến đế quốc chủ nghĩa ngạo nghễ nhất cũng có thể đánh được và đánh cho tơi bời nữa, mặc dù lực lượng của chủ nghĩa đế quốc và của những đồng minh đông đảo của nó mạnh như thế nào. Việt Nam đã chứng minh rằng: ngày nay “khi một dân tộc đã kiên quyết giành lại tự do thì dù có nghèo khổ, thiếu thốn phương tiện đến đâu đi nữa, cũng vẫn có thể đánh bại được quân địch và đi tới thắng lợi cuối cùng”.
Thắng lợi của Điện Biên Phủ là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức ở một nước thuộc địa nhỏ yếu có ảnh hưởng và tác động rất mạnh mẽ đối với nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới: “đánh dấu một bước phát triển mới của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Nó mở đầu thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ, thời kỳ suy yếu thêm một bước của chủ nghĩa đế quốc thế giới”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phong trào giải phóng dân tộc ở trên thế giới được cổ vũ, được tăng thêm sức mạnh , đã phát triển thật mạnh mẽ và rộng khắp; hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc mới tan rã từng mảng lớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ được coi như chiến thắng mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên thế giới, cho thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới.
Điều đó được thể hiện sinh động là sau thất bại ở Việt Nam, đế quốc Pháp đã phải đụng đầu với sự vùng dậy không gì cản nổi của nhân dân Angiêri kéo dài tám năm, cuối cùng phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Angiêri (7-1962) chấm dứt nền thống trị 132 năm của Pháp ở đây. Cùng với thắng lợi của nhân dân Angiêri, một loạt cuộc đấu tranh khác của các nước thuộc địa Pháp cũng giành được thắng lợi. Chỉ trong vòng tám năm (1954-1962) Pháp phải trao trả độc lập cho nhiều nước thuộc địa ở châu Phi. Nếu như trước Chiến tranh thế giới thứ hai, ở châu Phi mới chỉ có 2 nước được độc lập trên danh nghĩa (Etôpia và Libêria), thì đến 1968, đã có 39 nước, bao gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số toàn lục địa đã thoát khỏi hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Tính đến giữa năm 60 của thế kỷ XX đã có gần 70 nước Châu Á, Phi, Mỹ Latinh giành được độc lập. Báo Công Nhân, số ra ngày 10-5-1954 đăng bài phát biểu của đồng chí Uyliêm Phôxtơ, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, nêu rõ: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ thất bại thảm hại của riêng bọn thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ... Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do hòa bình thế giới. Thắng lợi này là thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được trong cuộc đấu tranh anh dũng để chống lại một kẻ địch được trang bị những vũ khí tối tân, ưu việt hơn. Đây lại một lần nữa chứng minh một cách hùng hồn rằng nhân dân thế giới sẽ không cho phép xiềng xích của phố Uôn quàng lên cổ họ”.
Tất cả những người yêu chuộng chính nghĩa trên toàn thế giới đều vô cùng phấn khởi về thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Giải phóng Điện Biên Phủ làm cho bọn đế quốc Pháp, Mỹ mất đi cứ điểm cuối cùng ở khu Tây Bắc Việt Nam, cũng tức là những âm mưu biến khu vực này thành bàn đạp để xâm chiếm nước Việt Nam của Kế hoạch Nava đã hoàn toàn thất bại. Thông tấn xã Triều Tiên, trong bài bình luận ngày 10-5-1954, đã nêu rõ: “Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Điện Biên Phủ nơi mà bọn thực dân xâm lược cho rằng “không thể xâm phạm được”. Pari và Oasinhtơn sợ hãi, kinh hoàng đối với sự kiện này. Thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ sẽ vĩnh viễn ghi lại trên những trang sử đấu tranh vẻ vang giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”. Ngay sau vài ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 11-5-1954) tờ Inđônêxia đã nhận định: “Điện Biên Phủ giải phóng chứng tỏ nhân dân Châu Á có đủ sức mạnh kết thúc việc thực dân đế quốc âm mưu dùng vũ lực thực hiện tham vọng của chúng”.
Thắng lợi của Điện Biên Phủ là thắng lợi của chính khát vọng độc lập dân tộc không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn là khát vọng của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đó cũng là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại đó. Chính Tổng thống Mỹ J.Keneđy đã gián tiếp thừa nhận:
“Qua nghiên cứu chúng ta thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khát khao vươn lên độc lập dân tộc... Eisenhower đã phải chịu những hậu quả chính trị của Điện Biên Phủ và sự tống cổ của những người phương Tây khỏi Việt Nam năm 1954”. Điều đó cũng được nhắc lại trong nhận xét của tác giả Buđanren và CaviGiôliôli trên tờ Người quan sát: “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới”.
Rõ ràng là, chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới, khẳng định sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập trên toàn thế giới. Sức mạnh ấy đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta kế thừa và phát huy trong công cuộc đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - xứng đáng với vị thế tiên phong của dân tộc Việt Nam trên chính trường quốc tế trong điều kiện mới.