
Từ những cuộc đấu tranh đầu tiên trên con đường cách mạng của mình, người thanh niên yêu nước Tôn Ðức Thắng đã hiểu rõ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh.
Gần 17 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống đàn áp, hành hạ tù nhân, bằng kinh nghiệm, bằng đức độ và uy tín của mình, đồng chí Tôn Ðức Thắng đã đoàn kết được anh em trong tù. Ðồng chí đã lãnh đạo anh em tự đấu tranh thắng lợi trong những điều kiện ngặt nghèo. Cái tên anh Hai Thắng; già Thắng trở nên rất thân thương và quý mến với tất cả tù nhân ở Côn Ðảo khi đó, kể cả tù thường phạm.
Những năm 1945 - 1946, trước tình thế thù trong giặc ngoài vô cùng khó khăn, Ðảng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cấp bách là ra sức giữ vững, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược "Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết". "Khẩu hiệu căn bản của cả một giai đoạn cách mạng hiện thời phải là: Lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống phản động Pháp, tiến tới giành độc lập hoàn toàn"1.
Ðể đoàn kết, tập hợp đông đảo các lực lượng khác nhau có tinh thần dân tộc, yêu nước và muốn cứu nước nhưng còn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh, Ðảng chủ trương thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Ðồng chí Tôn Ðức Thắng đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách đó. Ðồng chí tham gia Ban sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp và nhiều đại biểu khác không phải là Việt Minh.
Ðồng chí Tôn Ðức Thắng đã hoạt động không mệt mỏi bằng tất cả sức lực tâm trí và kinh nghiệm của mình cùng các sáng lập viên khác để Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) chính thức ra đời ngày 29-5-1946 tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là Chủ tịch Hội. Ðồng chí Tôn Ðức Thắng được bầu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam.
Sau khi cụ Huỳnh qua đời năm 1947, đồng chí Tôn Ðức Thắng được Ðảng phân công lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất. Sự chọn lựa một người có đức độ, có khả năng lớn về vận động thuyết phục quần chúng, có khả năng đoàn kết rộng rãi, làm công tác dân vận khéo léo như đồng chí Tôn Ðức Thắng đảm nhiệm vị trí công tác quan trọng đó là hoàn toàn chính xác.
Là người lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Tôn Ðức Thắng đã góp phần quan trọng thảo ra Cương lĩnh của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, trong đó nêu rõ mục đích của Hội là: "... đoàn kết tất cả những đảng phái yêu nước và những đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường".
Với chính sách đó. Liên Việt đã thu hút tập hợp được nhiều lực lượng, cá nhân trước kia chưa tham gia Việt Minh nay đứng về phía nhân dân, dù chưa hoàn toàn chắc chắn, để phân hóa cô lập kẻ thù, tăng thêm lực lượng cho cách mạng.
Ðồng chí Tôn Ðức Thắng đã giải quyết thành công những mối quan hệ giai cấp và dân tộc trong công tác mặt trận - công tác được đồng chí coi là một hình thức đấu tranh giai cấp đặc biệt - cho nên đối với bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, đoàn kết để giữ vững mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn, không thể đoàn kết một chiều, thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc ảnh hưởng đến đoàn kết.
Trước những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Pháp và tay sai, Ðảng ta chủ trương thống nhất các tổ chức Mặt trận, lập một Mặt trận dân tộc thống nhất duy nhất với tính chất chặt chẽ và rộng rãi, đặt trên cơ sở công nông và lao động trí thức, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, lấy tên là Mặt trận Liên Việt. Ðồng chí Tôn Ðức Thắng được Ðảng giao nhiệm vụ thống nhất Việt Minh - Liên Việt từ cơ sở đến trung ương theo chủ trương đó. Ðồng chí Tôn Ðức Thắng đã chỉ đạo sát sao công việc này. Do chuẩn bị tốt, tổ chức chu đáo, có kế hoạch cụ thể, đến tháng 8-1950, hai tổ chức Mặt trận đã hợp nhất từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành thành công Ðại hội hợp nhất cấp trung ương từ ngày 3- 3-1951 đến ngày 7-3-1951.
Ðại hội đã bầu đồng chí Tôn Ðức Thắng là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Mặt trận Liên Việt. Ðồng chí Tôn Ðức Thắngđã đem hết sức lực và trí tuệ để thực hiện tốt nhất đường lối Mặt trận của Ðảng, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Sau thắng lợi năm 1954, đất nước tạm chia cắt, trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đồng chí Tôn Ðức Thắng là người con yêu quý của miền Nam ruột thịt, đại diện cho khát vọng thống nhất và độc lập tự do của miền Nam đi trước về sau, tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh mới.
Trong những hoạt động quốc tế phong phú của mình, đồng chí Tôn Ðức Thắng cũng thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế sâu sắc và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Ðồng chí là một trong những người Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp công nhân hai nước. Ðồng chí cũng là một trong số rất ít những người Việt Nam tham gia bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Mười Nga 1917 bằng hành động cách mạng cụ thể và thiết thực của mình...
Là người đứng đầu Mặt trận Liên Việt, đồng chí Tôn Ðức Thắng đã tham gia Hội nghị đoàn kết nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia tổ chức ngày 11- 3- 1951. Khối đoàn kết chiến đấu giữa ba tổ chức: Mặt trận Liên Việt; Mặt trận Lào Ítxala; Mặt trận Khme Ítxarắc được tăng cường đã góp phần không nhỏ tăng thêm sức mạnh liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Ðông Dương, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của cả ba dân tộc tiến nhanh đến thắng lợi.
Ðồng chí Tôn Ðức Thắng còn giữ nhiều trọng trách: Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô; Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới...v.v. Ðồng chí luôn lên án chủ nghĩa sô vanh nước lớn, chủ nghĩa vị kỷ dân tộc, kêu gọi xây dựng quan hệ hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước...
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng gần 70 năm không ngừng nghỉ của mình, đồng chí Tôn Ðức Thắng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và tăng cường tình hữu nghị đoàn kết giữa các dân tộc.
Tấm gương suốt đời tận tuỵ, phấn đấu hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân; phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, cùng những tình cảm chân thành và tốt đẹp dành cho đồng bào, chiến sĩ... cũng là những điều làm nên sức cảm hóa, thu hút, tập hợp quần chúng của đồng chí Tôn Ðức Thắng.
"Ðồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Ðảng ta và của Hồ Chủ tịch"2.
Ngô Vương Anh
-------------------
(1) Báo Sự thật, số 20, ngày 30-3-1946
(2) Ðiếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Tôn Ðức Thắng ngày 3- 4-1980 - Báo Nhân dân số 9427, ngày 4.4.1980.
Theo báo NDĐT
Nguồn http://www.mattran.org.vn