Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Sống mãi cùng “Ký ức Tây Nguyên”
Sống mãi cùng “Ký ức Tây Nguyên”
LÊ HẢI TRIỀU. Sống mãi cùng “Ký ức Tây Nguyên” / Lê Hải Triều // Quân đội nhân dân. - 2008. - Ngày 15 tháng 4. - Tr.8,7.

Lần đầu tiên tôi gặp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vào năm 1968 trong một lần tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Tôi cùng với đoàn Dũng sĩ lên Mặt trận Tây Nguyên gặp ông. Chúng tôi được nghe rất nhiều về tài chỉ huy thao lược của ông, nhưng khi được gặp mặt tôi vẫn rất xúc động. Khác với hình dung của tôi. Đại tá Đặng Vũ Hiệp (lúc đó là Chủ nhiệm chính trị (Mặt trận Tây Nguyên) xuất hiện với dáng vẻ rất thư sinh, người cao dong với gương mặt thanh thoát. Ông nói chuyện với đoàn chúng tôi khoảng mười lăm phút. Tính ông sôi nổi, tình cảm, gần gũi như một người anh lớn đang dặn dò, chăm chút đến các em. Ông xóa dần khoảng cách của một người chỉ huy cao cấp với các chiến sĩ bằng những chuyện vui, pha trò hóm hỉnh, cách nói dí dỏm hài hước nhưng không kém phần sắc sảo thông minh. Không ai còn nhận ra đây là câu chuyện giữa người chỉ huy cấp cao của mặt trận với các chiến sĩ của mình mà như một cuộc gặp mặt thân tình của những người trong gia đình. Chỉ mười lăm phút thôi nhưng ấn tượng tốt đẹp về ông thì mãi mãi tôi không bao giờ quên và tình cảm gắn bó, duyên phận tôi và ông cũng bắt đầu từ đó. Sau này khi làm Biên tập viên tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tôi được ông tin tưởng gửi gắm giao cho 40 cuốn sổ tay ông ghi liền mạch từ năm 1965 cho đến kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. 40 cuốn sổ ông ghi chép tỉ mỉ từng ngày những sự kiện, những công việc xảy ra trong 10 năm lăn lộn là chiến trường Tây Nguyên. Biết ông và cũng hiểu về ông phần nhiều nhưng cho đến khi tiếp cận trực tiếp những trang sổ tay và những kỷ niệm chiến tranh của ông tôi mới hiểu thêm về cuộc đời cũng như tâm tư, tình cảm của một vị tướng suốt đời phục vụ quân đội, phục vụ cách mạng. Tôi như gặp lại mình, gặp lại đồng đội một thời ở chiến trường Tây Nguyên trong mỗi trang nhật ký của ông. Tôi viết say sưa, viết nhanh, mê mải chỉ mong thể hiện được đầy đủ nhất quãng thời gian chiến đấu sôi động đó của ông và cũng là của thế hệ những người lính chúng tôi trong Ký ức Tây Nguyên bi tráng. Ông trải qua nhiều cương vị trong quân đội từ một chiến sĩ đến Thượng tướng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nên ông hiểu rõ tâm tư, tình cảm của anh em, đồng đội. ông là người giữ chức Chính ủy bộ tư lệnh tiền phương mặt trận Tây Nguyên trong một loạt chiến dịch Đắc Siêng, Đắc Tô Tân Cảnh và đặc biệt là chiến dịch PLây Me nổi tiếng đánh Sư đoàn ky binh không vận số 1 một đơn vị mạnh nhất của lục quân Mỹ ở Tây Nguyên vào tháng 11 năm 1965. Ông là một nhà chính trị tài ba, một nhà quân sự quyết đoán thì ai cũng biết, nhưng ít ai biết ông là một nhà văn hóa nhà lãnh đạo văn hóa sắc sảo của quân đội với những kiến thức rất sâu rộng. Ông biết nhiều ngoại ngữ, tiếng Nga và tiếng Pháp rất giỏi. Những ai đã có dịp tiếp xúc với ông đều nhận thấy ông là một người gần gũi, giản dị và rất chân thành. Ông là vị Tướng yêu thương từng người lính, đồng cam cộng khổ với họ, nhận được từ họ sự trân trọng, kính phục và mến yêu. Ông thuyết phục mọi người bằng lòng dũng cảm, tình yêu thương đối với người lính nơi trận mạc. Ông sinh hoạt cùng anh em, cùng hành quân trèo đèo, lội suối, cùng ăn với lính bữa cơm độn  sắn, độn ngô. Chế độ bồi dưỡng của người chỉ huy có khác hơn chăng ở mấy hộp sữa, cân đường. Nhưng bao giờ ông cũng dành đường, sữa cho anh em cấp dưới, Mỗi lần đến thăm đơn vị, thấy ai đau ốm, sốt rét hay vết thương nặng ông lấy cho anh em bồi dưỡng. Ông đích thân ra tận chốt ở Đắc Rơ Cót-Kon Tum năm 1973, nằm với chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28, cùng anh em bàn cách đánh địch giữ chốt. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, kiên cường không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, dũng cảm trước kẻ thù, nhưng lại bị suy sụp trước cái chết thương tâm của cô con gái mà ông hết mực thương yêu. Tôi đến an ủi ông bằng những ký ức về Tây Nguyên, về những tháng năm ông cùng chúng tôi cầm súng chiến đấu. Ông gắng gượng vượt qua nỗi đau. Nhưng sau đó, đến lượt tôi phải gánh chịu một nỗi đau quá sức tưởng tượng. Cậu con trai giỏi giang, thông minh và đẹp đẽ của tôi cũng ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác ông lại an ủi, động viên tôi, cũng bằng những ký ức về Tây Nguyên, về tình đồng chí, đồng đội, về những chiến thắng mà ta đã giành được. Thật kỳ lạ, những điều đó đã giúp chúng tôi vượt qua phút giây đau thương và gắn bó với nhau hơn. Những người cả một thời tuổi trẻ trận mạc như chúng tôi phải tiễn đưa những đứa con trẻ dại thì không có nỗi đau nào bằng. Chúng tôi đã chiến đấu, đã đổ máu để các con được sống và học tập trong hòa bình. Vậy mà... Giờ tôi mới hiểu được nỗi đau xé ruột gan của ông vì mất đi người thân yêu nhất. Dựa vào bản lĩnh kiên cường của ông và vòng tay ấm áp của đồng đội, tôi đã không bị đổ gục sau những tháng ngày đau khổ đó. Tôi khâm phục sức chịu đựng phi thường của ông vì ông đã vượt qua đau thương, mất mát để tiếp tục hoạt động, làm việc vì đồng đội, chiến sĩ của mình. Ông là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin Việt  Nam. Ông cùng anh em với những vết thương, di chứng của tội ác chiến tranh còn trên thân thể mình và con cháu mình đi đòi công lý. Việc làm gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm làm vì ông biết phía sau ông là những người lính, những người dân, những bạn bè quốc tế đang hết lòng ủng hộ công việc cao cả của mình. Thế nhưng, trong những ngày đầu năm Mậu Tý này, sức khỏe của ông yếu lắm. Vẫn biết con người không thể thoát khỏi vòng sinh, lao, bệnh, tử nhưng chúng tôi -những đồng đội của ông, vẫn mong ông khỏe lại, tiếp tục cùng chúng tôi đấu tranh, đi đòi công lý giúp đỡ những người khó khăn. Sự có mặt của ông làm chúng tôi thêm quyết tâm, thêm tin tưởng vào sự tất thắng của công lý, công bằng và lẽ phải. Ông năm nay tròn tám mươi tuổi, cũng đã đến tuổi thượng thọ, sức khỏe sút nhiều so với mấy năm trước. Ông nằm trong bệnh viện với dáng vẻ hao gầy, xanh xao, im lặng, thở những hơi thở khó nhọc nhưng ánh mắt vẫn ánh lên niềm tin yêu cuộc sống. Tôi vào thăm ông, chỉ được để ngồi cạnh ông, ghi lại vào trong trí nhớ hình ảnh về một vị tướng nổi tiếng, nắm bàn tay xương xương một thời vạch lên những chiến lược chỉ huy tài tình, để cảm nhận được ông vẫn còn bên cạnh chúng tôi. Nhưng sự cố gắng của các y bác sĩ, của gia đình, đồng đội và của bản thân vị lão tướng lẫy lừng một thời đã không được đền đáp. Ông đã vĩnh viễn ra đi vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 4 năm 2008. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ơi. Ông ra đi đã để lại một khoảng trống không thể lấp đầy. Chúng tôi không còn được gặp ông để nghe những lời tâm tình, để cùng ông ôn lại kỷ niệm một thời đã qua, để được nhìn sâu vào đôi mắt cương nghị và quyết đoán của ông, để được ông tiếp thêm sức mạnh vào cuộc sống. Mong ông ra đi thanh thản. Những ký ức về ông sẽ sống mãi trong tâm trí chúng tôi.   

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.