Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975
HOÀNG MINH THẢO. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 / Hoàng Minh Thảo // Xưa và nay. - 2008. - Số 305. - Tr.4-6.

Đến năm 1974, tình hình diễn biến trên chiến  trường miền Nam đã phát triển ngày càng có lợi cho ta, địch ngày càng suy yếu. Thế ta đã mạnh lên và giật thế chủ động. Ngày 8-1-1975, ta giải phóng Phước Long, một thị xã gần sát Sài Gòn mà địch không dám phản kích và Mỹ cũng không dám can thiệp đã chứng minh điều đó. Đó là một đòn trinh sát vũ trang chiến lược rất quan trọng. Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới để Bộ Chính trị khẳng định thêm quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương triển khai quyết định chiến lược của Bộ chính trị “Chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên” và là mở đầu cho cuộc tíến công mùa xuân 1975.
 Sự lựa chọn này xuất phát từ phương châm tác chiến của vị chỉ huy thiên tài - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đó là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau. Từ phương châm đó ông đã lập mưu, cài thế.
Mưu kế chiến lược của ông là bày ra một hình thế giàn trận chiến lược - bày binh bố trận nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên. Ông đưa Quân đoàn 4 vào bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế. Hai quân đoàn này đứng đó, buộc địch phải đưa Sư đoàn lính dù và Sư đoàn lính thủy đánh bộ - tổng dự bị chiến lược ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, có như vậy địch mới để sơ hở Tây Nguyên. So vớí toàn bộ chiến trường miền Nam lúc bấy giờ, thì Tây Nguyên là nơi địch yếu hơn cả. Nhưng Tây Nguyên chỉ thực sự yếu khi bị cô lập với các chiến trường khác. Bởi vậy việc kìm giữ các sư đoàn cơ động tổng dự bị chiến lược của địch là một bộ phận hợp thành rất quan trọng trong việc cài thế của ông. Ông chọn Tây Nguyên làm mục tiêu chủ yếu, vì đây là nơi có dung lượng lớn, nơi địa hình vừa có núi, vừa có cao nguyên, lại là nơi ở trên đường chiến lược Hồ Chí  Minh. Ở Tây Nguyên, ông lại chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá là rất chính xác, là một nơi điểm huyệt. Sở dĩ chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá mở đầu vì Plâycu và Kon tum địch còn tương đối mạnh và thường xuyên phòng bị… Còn Buôn Ma Thuột là nơi địch, sơ hở hơn và ít quân hơn, mà chủ yếu là hậu cứ của địch. Điểm trúng cài huyệt đó thì toàn bộ Tây Nguyên và Ven biển miền Nam Trung Bộ sẽ rung chuyển. Đó cũng là điểm cốt lõi trong, phương châm tác chiến chiến lược: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Để tạo cho Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột mọi điều kiện thuận lợi giành chiến thắng một cách chắc chắn, ông đột ngột tăng cho Tây Nguyên 2 sư đoàn nữa, mà trước đó ở đây chỉ có 2 sư đoàn Tây Nguyên từ đó có tới 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, lai có sự phối hợp của Sư 3 Sao Vàng Quân khu 5 và có sự hỗ trợ của Đoàn 559. Tây Nguyên bỗng trở thành một quân đoàn mạnh. Thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn chính là cái nút của cuộc chiến tranh.
 Với lực lượng hùng hậu ta lại có mưu kế nghi binh lừa địch. Ta cho đánh như thật mà là thật giả ở Plâycu, từ đó điều được địch trở về PlâyCu sau đó lập tức thực hành chia cắt đường nhằm tạo thế cô lập Buôn Ma Thuột. Địch mắc vào kế của ta, càng làm cho Buôn Ma Thuột bị sơ hở hơn. Còn ta thì có thể tập trung lực lượng nhanh chóng phá vỡ Buôn Ma Thuột và tiếp đó là dành phản kích giành thắng lợi, tạo ra đột biến về chiến dịch. Vào lúc ấy Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã quyết đinh bỏ Plây cu, KonTum, thực hiên một cuộc rút lui chiến lược của Quân đoàn 2. Đúng như lời tiên đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi chia tay tôi để vào chiến trường ở Hà Nội ông đã nói: Nếu bị thua đau ở Tây Nguyên thì chúng có thể về củng cố đồng bằng. Đòn điểm huyệt đó thắng lợi buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên, Plâycu, Kon tum không đánh mà thắng. Ta liền truy kích tiêu diệt nốt quân tháo chạy, tạo ra đột biến về chiến lược. Địch hoang mang dao dộng mạnh, không còn khả năng chống đỡ về chiến lược, phản ứng dây chuyền đó tạo ra đột biến về chiến lược; chiến dịch tuy đang thắng lợi nhưng bỗng trở nên thắng lợi rất lớn, thắng lợi một cách đột ngột, rất nhanh, ngoài dự tính của cả hai bên. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên là thắng lợi của mưu kế, của sự đấu mưu đấu trí, của tinh thần chiến đấu và dựa vào thế trận lòng dân. Về nghệ thuật quân sự, đó là sự thắng lợi của phương châm tác chiến: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra. Từ chiến thắng Tây Nguyên đã tạo thế cho chiến dịch gối đầu Huế - Đà Nẵng được mở ra nhanh chóng giành được những thắng lợi liên tiếp.
 Hai đòn chiến lược gối đầu nhau là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng diễn ra liên tiếp, ta đã loại ra khỏi vòng chiến một nửa lực lượng địch, giải Phóng một vùng rộng lớn suốt từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tạo ra đột biến về chiến tranh, làm nên một cục diện mới về chiến tranh, địch càng hoang mang, hoảng loạn thực hiện cuộc rút chạy và chỉ còn hơi sức tàn để giữ Sài Gòn. Ngay khi giải phóng Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ, ngày 29-3-1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
 Đây là một quyết định rất sáng suốt, rất triệt để cách mạng theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là: đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào. Nắm chắc thời cơ đó, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận giải phóng mền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
 
  Chiến dịch Hồ Chí Minh được mở ra ngày 26-4-1975. Quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ năm hướng gồm 15 sư đoàn, bộ đội địa phương và dân quân du kích đều được tập trung vào trận đánh lớn này. Địch chống lại rất quyết liệt và cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, nhưng là cơn dãy chết cuối cùng. Ta chiếm được vùng ven và ngun ngút khí thế tiến công. Sáng 30 - 4 ta tiến hành tổng công kích vào nội thành. Các mũi tiến công với các đoàn đặc công, biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng phối hợp chiến đấu. Nhân dân, công nhân, sinh viên, trí thức đều hưởng ứng nổi dậy chiến đấu ngăn chặn không cho địch phá hủy nhà máy và gọi địch ra hàng. Ta tổ chức một cụm thọc sâu gồm xe tăng, xe bọc thép và bộ binh được đặc công yểm hộ qua các cầu và du kích dẫn đường, vượt qua các chốt đề kháng của địch, nhanh chóng tiến đánh dinh Độc lập, buộc nội các Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ ngày 30-4-1975 lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Sài Gòn nô nức ra đường hoan nghênh bộ đội. Thành phố hầu như nguyên vẹn, nhân dân được bình yên vô sự. Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và với nghệ thuật chỉ đạo chỉ huy tài giỏi của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đề ra phương châm tác chiến chiến lược: cài thế - tạo lực - nắm bắt thời cơ, sử dụng nghệ thuật mưu kế trên nền tảng chiến tranh nhân dân và thế trận lòng dân, phát triển tiến công táo bạo và thần tốc, đánh dịch bất ngờ và liên tục, nên cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn bằng ba đòn chiến lược Tây Nguyên Huế - Đà Nẵng - Sài Còn. Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bài bản quân sự và nghệ thuật quân sự rõ ràng, đúng quy luật đã vượt qua bài học xuân Mậu Thân 1968. Nhưng xuân 1968 cũng là tiền đề cho xuân 1975 do ông nắm vững phương châm đường lối chiến lược đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau; muốn giành thắng lợi thì phải nhận định địch ta chính xác; muốn thắng lợi trận đầu phải tập trung ưu thế hơn địch, làm bùng nổ chiến dịch, chiến lược, tạo ra khủng hoảng về chính trị, tâm lý cho địch và cải biến thế trận chiến lược tạo ra cục diện mới cho chiến tranh, mở đầu cho đến kết thúc sự suy sụp của dịch, giành thắng lợi hoàn toàn.
 
 Từ Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đến cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vị Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu truyền thống tinh hoa của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, chỉ huy lãnh dạo quân đội ta giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc. Ông có tầm nhìn xa trông rộng, vừa nắm vững quy luật của chiến tranh, vừa sáng tạo trong điều kiện mới. Năm nay, kỷ niệm lần thứ 33 ngày toàn thắng 30 - 4, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, và ông cũng bước vào tuổi 97, xin kính chúc ông luôn mạnh khỏe, trường thọ cùng sự đi lên mạnh mẽ của đất nước trong thế kỷ 21.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.