Bỏ qua nội dung chính

30thang4

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > 30thang4 > Bài đăng > Những giờ phút lịch sử tại Tổng hành dinh
Những giờ phút lịch sử tại Tổng hành dinh
VÕ NGUYÊN GIÁP. Những giờ phút lịch sử tại Tổng hành dinh: Trích hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp / Đại tướng Võ Nguyên Giáp // Cựu chiến binh Việt Nam. - 2001. - Số 122. - Tr.3.

Đêm 28-4-1975, một đêm thức trắng thức của cơ quan Tổng hành dinh. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng không ai ngủ được. Những người nắm được kế hoạch cụ thế của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đều cùng thức với chiến trường, đón giờ “G” của trận Tổng công kích vào Sài Gòn như đón phút giao thừa của lịch sử.
Sáng sớm hôm sau, Bộ Chinh trị và Quân ủy Trung ương họp tại Sở chỉ huy.
Một tấm bản đồ Sài Gòn-Gia Định trải rộng trên bàn. Các đồng chí lãnh đạo ngồi và đứng xung quanh, theo dõi tình hình chiến sự đang diễn biến.
Cơ quan tham mưu chiến lược phát huy hết mọi năng lực của bộ máy chỉ huy, theo dõi sự phát triển của cuộc Tổng công kích và nổi dậy từng phút, từng giờ. Anh Lê Hữu Đức kịp thời báo cáo những tin mới nhận được từ các nguồn khác nhau, không chậm hơn thực tiễn đang diễn ra ở chiến trường là mấy.
Các mũi tên đỏ được tô đậm thêm, kéo dài thêm, tiến về hướng nội đô. Những nét gạch chéo lần lượt đánh dấu các mục tiêu đã bị đánh chiếm. Hầu như mỗi giờ, mỗi khắc đều có tin mới đưa về. Nhiều chức sắc ngụy quân, ngụy quyền bỏ chạy ra nước ngoài, gồm nghị sĩ cựu thủ tướng, tổng tham mưu trưởng. Sài Gòn hỗn loạn. Quân địch như rắn mất đầu. Các nhân viên quân sự và dân sự Mỹ tháo chạy bằng máy bay lên thẳng từ sân thượng một số nhà cao tầng trong cuộc hành quân “Cơn lốc”. Dượng Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, cử đại diện đến trại Đa-vít ở Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn ta trong Ban liên hiệp đình chiến để “thương lượng”!. Không khí phấn khởi, sôi nổi, hào hùng bao trùm cuộc họp. Vừa nghe báo cáo vừa trao đổi ý kiến. Mỗi tin tức là một sự kiện, một tình huống, cần được xử trí kịp thời.
10 giờ, đồng chí Bí thư thứ nhất gửi một điện khẩn vào chiến:
“Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
2 - Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quan quản do tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch... Ký tên: Ba”.
Tin về dồn dập. Các cán bộ tác chiến, quân báo, thông tin; cơ yếu quên nghỉ, quên ăn. Đang làm việc cách Sài Gòn gần 2.000 km mà ai cũng thấy mình như đang ở ngay mặt trận cùng đồng đội, đồng bào tiến công và nổi dậy, góp sức giành toàn thắng.
Tối 29-4  
Tôi chủ trì buổi giao ban nghe đồng chí Cục trưởng Tác chiến báo cáo tổng hợp tình hình. Các cánh quân của ta trên năm hướng đã đồng loạt nổ súng, hiệp đồng chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng chủ yếu, mở cửa thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn.
Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. 
Riêng cánh quân phía đông, anh Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng trước từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là các lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ sung sẽ không đến kịp.
Điện của anh Tấn đến vào lúc nửa đêm. Cục Tác chiến đánh thức tôi dậy. Nửa giờ sau, tôl và anh Lê Hữu Đức tới nhà anh Ba.
Sau khi anh Đức đọc bức điện tôi đề nghị chuẩn y cho cánh quân phía đông đánh vào 18 giờ chiều ngày 29-4, sớm hơn giờ G mười hai tiếng.
Anh Ba đồng ý và nói:
-             Đánh, đánh, đánh thôi anh ạ! Lúc này, cánh quân nào phát triển thắng lợi là tạo thắng lợi chung cho toàn chiến dịch.
- Tôi hỏi: Điện ký tên anh chứ?
- Không! Anh là Tổng Tư lệnh, ký tên anh.
Một thoáng sau, anh Ba nói thêm: Ký thêm tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với anh Ba, và anh Ba nhất trí. Về tới Tổng hành dinh, tôi viết ngay điện trả lời anh Tấn, đồng điện cho anh Dũng. Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đồng ý để cánh quân phía đông nổ súng sớm hơn kế hoạch. 
Như vậy, trên thực tế từ 1 giờ ngày 29-4-1975, trận tiến công Sài Gòn-Gia Định đã bắt đầu.
Trời đã về khuya. Cục Quân báo vừa nắm được tình hình địch mới nhất. Anh Cao Văn Khánh điện gấp cho các chiến trường: “Có tin địch ra lệnh cho các tàu hải quân ở Cần Thơ, Đồng Tâm và Phú Quốc tập trung ở một địa điểm và một số tàu đổ bộ chuẩn bị đi sang đảo Guam. 78 máy bay của ngụy, đã chuyển đến U-ta- phao... Theo dõi xem tàu hải quân có chở bộ binh theo không và có kế hoạch đánh cho kịp”. Lại một đêm nữa, cả Tổng hành dinh cùng thức với chiến trường, vì miền Nam, vì cả nước.  
Ngày 30-4-1975
Hai mươi nhăm năm đã trôi qua, mà ngày lịch sử ấy vẫn hiện lên đậm nét trong ký ức, như mới hôm nào. 
“Nhà con rồng” hôm nay hình như rạng rỡ hơn trong gió xuân ấm áp. Ngôi nhà cổ, thềm sân rộng và cả bốn con rồng đá chầu ở bậc lên xuống như tươi tắn hơn mọi ngày. Những cây ngọc lan tán lá sum sê, tỏa hương thơm ngát.
Sớm hơn thường lệ, tôi ngồi vào bàn làm việc ở Sở chỉ huy. Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ đã tiến vào trung tâm thành phố. Tôi phác họa trong đầu một chương trình cho ngày hôm ấy. Với bao nhiêu công việc phải làm: hội ý Bộ Chính trị, nắm thêm phản ứng của Mỹ, dự kiến các hoạt động quân sự, chính trị trong trường hợp chưa dứt điểm được ngay, chỉ đạo tác chiến và nổi dậy ở phần đất còn lại sau khi Sài Gòn giải phóng, điện động viên bộ đội, nhắc nhở chấp hành nghiêm các chính sách vào thành...
Bất giác, tôi nhớ lại ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954. Lẽ tất nhiên ở đây có rất nhiều điểm khác. Thế nhưng, cũng cái không khí phấn khởi sôi nổi ở Sở Chỉ huy, cũng những giờ phút nao nức đón tin vui từ phía trước điện về, những suy nghĩ về công việc ở cuối và sau chiến dịch... Và nhất là cũng cái cảm giác lâng lâng khó tả, vừa khẩn trương, sôi nổi, vừa đàng hoàng, chủ động, vừa lo lắng chờ đợi, vừa vui sướng, tự hào, lúc này không còn là của riêng ai trong ngày toàn thắng của dân tộc.
Anh Ba, anh Trường Chinh, anh Đồng cũng đến đây sớm hơn thường lệ. Các anh khác trong Bộ Chính trị lần lượt đến sau, đông đủ. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp theo dõi tình hình chiến trường Sài Gòn-Gia Định, thảo luận công việc và đón tin toàn thắng. Anh Cao Văn Khánh trực ban ngày hôm ấy, túc trực tại phòng tác chiến, chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới nhất. Các mũi tiến công của quân ta phát triển rất nhanh về hướng trung tâm thành phố. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đã tới gần, chỉ còn tính từng giờ. Tin đến thường cắt ngang cuộc họp, đang phát biểu phải dừng lại giữa chừng, nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Anh Khánh báo cáo: Đại sứ Mỹ Ma-tin chuồn khỏi Sài Gòn lúc 4 giờ 15 phút sáng. Hy vọng của ông ta thỏa hiệp, đàm phán với “Việt cộng” tan vỡ như bọt xà phòng.
Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn II trong cánh quân phía đông của anh Lê Trọng Tấn đang vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức, phía bắc cầu Rạch Chiếc. Trận địa pháo của ta ở Nhơn Trạch đã bắt hơn 300 đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Các đơn vị đầu tiên đang tiến từ cầu Tân Cảng vào Sài Gòn. Quân đoàn IV tiến về Hố Nai. Địch liều mạng chống giữ. Ta tiêu diệt Hố Nai, đang tiến công sở chỉ huy quân đoàn III ngụy, chuẩn bị tiến vào nội đô. Một cảnh tượng điển hình của chiến tranh nhân dân Việt Nam diễn ra hết sức hào hùng. Tiến công kết hợp với nổi dậy. Quân sự chính trị, binh vận giáp công. Sức mạnh tổng hợp của cách mạng áp đảo ngụy quân, ngụy  quyền đang tan rã.
Trên hướng đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng vũ trang ta đã ém sẳn, quanh các mục tiêu quan trọng. Ở Bạc Liêu, quân ta đã vào thị xã. Ở Sóc Trăng, ta đang tiến công thị xã và sân bay.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trao đổi về những công việc cấp thiết. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi điện vào chiến trường:
“Ủy ban quân quản công bố ngay trên đài phát thanh mệnh lệnh đầu tiên. Nội dung:
a) Quân giải phóng tiến vào để giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam.
b) Quân đội ngụy quyền Sài Gòn phải lập tức hạ vũ khi đầu hàng,
c) Tuyên bố giải tán chính quyền các cấp.
d) Kêu gọi đồng bào đứng dậy, cùng Quân giải phóng đập tán mọi sự chống cự của địch, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam thân yêu”. Vừa theo dõi tin kỹ thuật của Cục 2, tôi vừa liên lạc bằng vô tuyến điện thoại tiếp sức với Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Các cánh quân của ta đang tiến rất nhanh. Địch đang trong tình trạng vô cùng nguy khốn.
10 giờ sáng. Đồng chí Nguyễn Thanh. Trưởng phòng 70 vào báo cáo tin vừa nhận được: Theo đài phát thanh Nhật Bản, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn. Mấy phút sau, có tin thêm: Dương Văn  Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng.
Mọi người cùng nói: “Chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Còn gì đâu mà thương lượng?!”.
Tôi viết ngay một bức điện, lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công. Nội dung bức điện được đọc lên, tất cả đều nhất trí. Cùng lúc đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng điện cho các quân đoàn và đoàn 232 không vì có tin ấy mà dừng lại.
10 giờ 50 phút. Cục 2 báo cáo Quân ta đã Vào dinh Tổng thống ngụy. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này
11 giờ 30 phút. Đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục Cơ yếu mang vào phòng họp một bức điện của anh Lê Trọng Tẩn báo cáo: Một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên dinh Độc lập.
Mọi người vây quanh tấm bản đồ chiến sự. Tin từ các hướng tới tấp điện về. Năm cánh quân của ta hợp điểm giữa Sài Gòn.Quân đoàn II chiếm dinh Tổng thống; Quân đoàn IV chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh; Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu và khu vực các bộ tư lệ lệnh các binh chủng; Quân đoàn III chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu thủ ôlô và Tổng nha cảnh sát. Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành thắng lợi.
Trong không khí hân hoan, hội nghị sôi nổi trao đổi về những biện pháp cuốn cùng. Tôi điện ngay vào chiến trường thông báo ý kiến của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương:
“Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân. Đã nhận tin ta cắm cờ lên Dinh Độc lập lúc 11 giờ. Các anh trong Bộ Chính trị rất vui, rất vui”
Bức điện gửi đi lúc 12 giờ 25 phút
Hội nghị ngừng họp.
Các đồng chí lãnh đạo ra cả ngoài hành lang. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ. Phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động đến trào nhớ mắt.
Anh Ba, các anh trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ai nấy đều nhớ đến Bác Hồ. Ước mơ nước nhà độc lập, thống nhất mà Bác hằng mong đã thành sự thật, nhưng Người đã đi xa! Đồng bào chiến sĩ miền Nam không còn được đón Bác vào thăm. Mọi người nghĩ đến biết bao đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống, không được thấy giờ phút khải hoàn. Ngay trong chiến dịch cuối cùng, bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn ra đi trước ngày toàn thắng Tôi chỉ thị cho cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời loan tin thắng lợi, và chuẩn bị viết thông cáo chiến thắng. Chỉ mười lăm phút sau, đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn vạn con tim Việt Nam đón đợi: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.