Bỏ qua nội dung chính

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước > Bài đăng > Nguyễn Ái Quốc với “người cùng khổ” ở Pari
Nguyễn Ái Quốc với “người cùng khổ” ở Pari

ĐẶT TÊN BÁO "NGƯỜI CÙNG KHỔ''

Năm 1920 - ba năm sau khi tới Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Ngay sau đó anh tích cực vận động để thành lập Ban Nghiên cứu thuộc địa, rồi Hội Liên hiệp thuộc địa (7-1921). Lúc này, để đẩy mạnh tuyên truyền cổ động giúp vào việc tổ chức và chỉ đạo phong trào ở các thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy cần phải thành lập một tờ báo riêng của Hội. Sáng kiến của anh được mọi người ủng hộ, tuy nhiên không phải không có những khó khăn. Người viết thì không lo. Nhưng tiền ở đâu? ăn ở đâu? Gửi báo đến các thuộc địa như thế nào? Ra một tờ báo không chỉ có khó khăn lúc ban đầu mà cần duy trì, giữ vững và phát huy thế nào không phải là việc dễ.

Pa-ri, thủ đô nước Pháp được mệnh danh là thủ đô ánh sáng, là trung tâm chính trị, văn hóa của nước Pháp, có một lịch sử khá lâu đời. Hàng hóa, đồ dùng Pa-ri đẹp và sang, mốt Pa-ri đặc biệt, người Pa-ri lịch thiệp... Lê-nin cũng từng nhận xét là, lúc đó, không có thành phố nào đẹp và vui hơn.

Xuất bản một tờ báo ngay ở Pa-ri như vậy, lại là tiếng nói chung của dân chúng các thuộc địa, lấy đó làm vũ khí để chiến đấu, đặt tên báo như thế nào đây? Mọi người bàn bạc mãi, rất nhiều ý kiến, khá nhiều đề nghị...

Nguyễn Ái Quốc đề xuất: ''Người xứ Nghệ nhà choa hay chơi chữ. Nhân dân Pháp cũng thích chơi chữ. Nay ra tờ báo nhỏ ở ngay Pa-ri tuy là tiếng nói đầu tiên của dân chúng thuộc địa, nhưng chưa có thanh thế, thì lấy tên báo là Paria là hay nhất! Paria nguyên là tiếng của Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết mọi quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng người Pháp dùng để gọi những "người cùng khổ". Một lần nữa ý kiến của Nguyễn Ái Quốc được mọi người tán thành. "Người cùng khổ". Đúng! Cái tên ấy phản ánh chính xác hoàn cảnh sống của các dân tộc bị áp bức và bị khinh miệt. Vậy là, Le Paria (Người cùng khổ) ra mắt số đầu tiên giữa thủ đô Pa-ri hoa lệ đúng vào ngày 01-4-1922.

Trong lời chào của Le Paria gửi độc giả, báo viết: "Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế... nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị... Các bạn da vàng, da trắng, da đen, hãy đặt mua báo của chúng tôi, hãy gửi cho chúng tôi tài liệu, hãy đứng bên cạnh chúng tôi...". Lúc đầu "Người cùng khổ" mỗi tháng ra 01 số sau tăng lên 02 số. Nguyễn Ái Quốc trở thành nòng cốt của "người cùng khổ''. Anh vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa là người biên tập, nhiếp ảnh, vẽ tranh châm biếm, tổ chức, quản lý, phát hành, vừa là người cổ động bán báo, gửi báo về các thuộc địa.

NHỮNG CUỘC TRUY LÙNG GẮT GAO

Là tiếng nói của Hội Liên hiệp thuộc địa, ''Người cùng khổ" phản ánh những biến cố quan trọng đang diễn ra ở Đông Dương và tại các thuộc địa khác của Pháp. "Người cùng khổ" ủng hộ Quốc tế cộng sản, tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Trên mặt báo, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ chính kiến của mình "chỉ có Đảng cộng sản, Đảng của giai cấp công nhân mới có thể lãnh đạo được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đưa cuộc đấu tranh đó đến thắng lợi hoàn toàn". Việc phổ biến ''Người cùng khổ'' đến với các thuộc địa ban đầu qua đường bưu điện, nhưng chỉ được vài số đầu, những số báo sau bị cảnh sát địa phương tịch thu nên phải thay đổi phương thức phát hành bằng đường biển thông qua các thủy thủ. Ở Việt Nam, ''Người cùng khổ'' được công nhân làm việc trên các chuyến tàu buôn bí mật chuyển về Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng... làm thức tỉnh, cổ vũ và lôi cuốn lớp thanh niên yêu nước hướng về chân lý cách mạng, về con đường mới để cứu nước cứu dân.

Sự xuất hiện ''Người cùng khổ'' giữa Pa-ri và từ Pa-ri tờ báo này được đưa đến các thuộc địa khiến mật thám Pháp vô cùng tức tối. Một mặt chúng sai người theo dõi gắt gao Nguyễn Ái Quốc, mặt khác chúng tăng cường kiểm soát các tàu buôn tứ Pháp đến các thuộc địa. Báo chí ở thuộc địa cũng được lệnh tấn công ''Người cùng khổ''. Đích thân Albert Sarraut (An-be Xa-rô), Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp đã l triệu tập Nguyễn Ái Quốc đến để hăm dọa,  dụ dỗ. An-be Xa-rô nói:  ''Tôi rất thích những thanh niên có chí khí như ông. Có chí khí là  tốt, nhưng còn phải ''thức thời'' mới ngoan. Ồ này, khi nào ông cần gì, tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ông. Từ nay, chúng ta đã quen biết nhau, ông không nên khách sáo''. Nguyễn Ái Quốc đáp lại: ''Cảm ơn ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập. Có thể nói, từ sau khi Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và làm chủ bút báo ''Người cùng khổ'', mật thám Pháp không còn che giấu sự theo dõi của chúng đối với anh. Chỉ những khi anh hội họp hoặc dự mít tinh, vì sợ anh em công nhân nên bọn chúng mới theo dõi anh từ xa, còn lại lúc nào chúng cũng theo anh như hình với bóng. Để đối phó với mật thám, Nguyễn Ái Quốc buộc phải học hỏi và áp dụng phương pháp hoạt động bí mật. Mặc dù vậy, dưới áp lực của mật thám, người chủ hiệu ảnh nơi anh làm việc đã phải hủy hợp đồng lao động với anh, cảnh sát cũng hủy căn cước của anh và buộc anh phải làm lại tờ khai xin cư trú. Mật thám Pháp thừa thủ đoạn để gây khó khăn cho Nguyễn Ái Quốc, nhưng có điều chúng không hề hay biết là vào một buổi tối cuối tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc - với cái tên mới Chen Vang, đã bí mật rời Pa-ri qua Đức để đến với nước Nga Xô-Viết và làm việc ở Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Việc Nguyễn Ái Quốc biến khỏi Pa-ri làm mật thám Pháp cuống cuồng lo sợ, chúng mở các đợt truy lùng gắt gao. Báo cáo của Cục An ninh gửi An-be Xa-rô ngày 30 tháng 7 năm 1923 viết: ''Nguyễn Ái Quốc đi nghỉ 10 ngày nhưng đã một tháng rồi vẫn chưa thấy về. Người An Nam ấy giữ vai trò chủ chốt của phong trào cộng sản ở thuộc địa...''. Lại một báo cáo khác để ngày 08 tháng 10 năm 1923: người An Nam có chân trong các tổ chức cộng sản là chủ bút báo ''Người cùng khổ''. Tôi hân hạnh báo để ông rõ là Nguyễn Tất Thành dưới tên gọi quen biết - Nguyễn Ái Quốc, cho đến nay được truy tìm ráo riết nhưng không có kết quả''. Mãi một năm sau, tháng 10 năm 1924, khi Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Nga Xô-Viết thì từ Đại sứ quán Pháp ở Mát-cơ-va gửi về một bức mật điện: ''tại Mát-cơ-va có người cộng sản Nguyễn Ái Quốc''.

Là người hiểu rất rõ vai trò của báo chí đối với tuyên truyền cách mạng, trong suốt cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tự coi mình ''là người có duyên nợ với báo chí''. Gần ba năm sau ngày ''Người cùng khổ'' ra đời ở Pa-ri, ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc lại khai sinh ra báo ''Thanh Niên'', chính thức đặt nền móng cho nên báo cách mạng nước nhà.

Nguồn Ngôn Luận. – 2011. – Số xuân. – Tr. 6 - 7

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.