Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng > Danh mục
Nghề thuần dưỡng voi rừng của người M’nông

Đồng bào M’nông chẳng những có vốn tri thức phong phú về săn bắt voi rừng mà còn có nhiều kinh nghiệm thuần dưỡng, chăn nuôi voi. Mỗi khi bắt được voi rừng về, đồng bào chưa đưa ngay về buôn làng mà chỉ cử người về báo tin vui (hoặc thổi tù và sừng trâu báo hiệu cho người làng biết là bắt được voi rừng). Voi con được đưa về khu rừng cạnh buôn, nơi có bãi cỏ, ven suối và có cây vừa che mát, vừa để buộc voi khi tập. Người dân gọi nơi đó là bãi thuần dưỡng (Ntuk rđăp rveh).

Quá trình thuần dưỡng:

Người thuần dưỡng voi (mnuih rđăp rveh) có thể là các gru (dũng sĩ) bắt voi, hoặc là người chưa hề bắt được con voi nào nhưng có kinh nghiệm thuần dưỡng. Trong quá trình thuần dưỡng voi, người ta dùng 13 loại dụng cụ khác nhau theo thứ tự tập voi.

Trong 3 ngày đầu người ta cho voi ăn uống rất ít, cốt làm cho nó suy yếu để bớt hung hăng, dữ tợn. Tiếp đến, người ta dùng voi nhà kiềm chế, bắt nó đứng im để đưa còng số 8 vào 2 chân sau, hai chân trước và xích một chân sau vào gốc cây để nó chỉ tiến lui trong một khoảng ngắn. Người ta đóng gông có gai nhọn vào cổ và treo gông lên một cành cây trên đầu voi, khiến cho voi không thể quay đầu qua lại hoặc dùng vòi quật vì bị gai đâm. Sau đó, họ dùng lông nhím xâu lỗ tai cho voi để nó đeo một sợi dây như phụ nữ đeo khuyên tai, đánh dấu con voi đã có chủ.

Đây là thời điểm vừa trấn áp uy hiếp, vừa dụ dỗ, người thuần dưỡng tìm mọi cách thuyết phục qua hành động để dần dần có thể đến gần được con voi. Những bài tập đầu tiên cho voi phải theo khẩu lệnh đơn giản như nhấc chân, quỳ xuống, cúi đầu, v.v... với “phương pháp sư phạm” phản xạ có điều kiện. Người ta dùng một cây le già, dài khoảng 2,5 mét, một đầu gắn đinh nhọn dài 2cm, khi con voi tỏ thái độ dữ tợn thì có thể 2 - 3 người thuần dưỡng cầm cây le đâm vào người nó. “Huyệt” đâm làm nó sợ nhất là dọc sống mũi. Khi voi có biểu hiện sợ sệt, mắt nhìn lấm lét và “khóc” chảy nước mắt thật sự thì người ta dùng lời dịu dàng dụ dỗ và cho voi ăn thứ cỏ non được cắt bên bờ sông hoặc các khu đầm lầy đã tước sạch lá còn gọng, là thứ voi rất ưa thích. Sau một tuần người đứng xa đưa cỏ, voi dùng vòi lấy cỏ ở tay người thì nó đã hơi quen, người thuần dưỡng có thể tiến đến gần voi hơn để sờ mó, vuốt ve nó. Cũng trong giai đoạn này, người ta rửa vết loét và đắp thuốc cho voi. Một số loại vỏ cây dùng làm thuốc hòa với đất tổ mối đắp lên các vết xây xát, bầm dập trên thân thể voi do quá trình rượt bắt và đâm đập thị uy gây nên.

Tiếp đến, người ta tập cho voi xỏ còng. Các vòng số 8 buộc vào chân voi trước đây được tháo ra. Đầu tiên cho voi xỏ còng lớn, sau đó mới tập cho voi xỏ còng nhỏ. Người ta buộc cổ và một chân voi vào một gốc cây, mỗi lần đút còng vào chân voi, người ta hét to ra lệnh, kết hợp với dùng sào tre có đầu đinh nhọn đâm vào chân, bắt nó nhấc chân lên. Nếu tập xỏ còng vào chân sau thì lấy sào nhọn đâm vào chân đó và hô “srố” (xỏ còng!). Khi voi nhấc chân, xỏ còng giả vào và hô tiếp “ó ò” (đúng rồi!). Để voi nhớ hiệu lệnh, thợ thuần dưỡng đưa còng giả lên xuống, cọ xát vào chân voi nhiều lần. Các chân khác cũng được tập như thế. Thời gian tập xỏ còng từ 17 - 42 ngày, tùy theo tuổi, tính tình và đặc điểm của từng con voi. Đây là bước đầu tiên cơ bản. Nếu tập xong động tác này, có thể thả voi (buộc dây xích vào cây) để cho voi tự do ăn cỏ. Từ đây, gần như không phải cắt cỏ cho voi trong các quá trình tập sau này.

Khi voi đã quen, người ta tập cho voi đi lại theo sự điều khiển của con người. Một người cầm dây tai dắt voi đi thẳng, người ngồi trên cổ voi, dùng móc nhọn đánh vào mông, hai bàn chân trước thúc mạnh vào hốc tai voi, người đằng sau đâm sào nhọn vào chân voi, ép voi đi thẳng với khâu lệnh “hău song năp”. Nếu bắt voi quay trái thì dắt voi theo hướng đã định, đồng thời người ngồi trên cổ voi đánh móc nhọn vào trán và hô “khoi khoi” (đi từ từ). Muốn voi đứng lại, cũng đâm móc nhọn vào trán và hô “hâu hâu” (dừng lại). Nếu không tuân lệnh, các thợ thuần dưỡng đâm sào nhọn vào chân, mình, mông voi.

Lúc voi đã đi đứng đúng theo sự điều khiển của các thợ tập thì người ta chuyển sang tập voi xuống nước. Tập voi xuống nước là làm cho voi quen với nước để sau mỗi buổi tập và làm việc thì sẽ làm vệ sinh, tắm rửa cho voi và để voi uống nước. Một người ngồi trên cổ voi để điều khiển và người đi trước cầm dây thừng dắt voi đi theo hướng đường xuống nơi có bến nước.

Voi xuống nước ngập 1/3 thân, rồi người ngồi trên voi dùng móc điều khiển đâm vào lưng voi và hô “trôm” (nằm xuống). Voi nằm xuống, mọi người kỳ cọ cho voi để nó làm quen với việc tắm rửa. Sau đó, muốn cho voi đứng dậy, đi lên bờ thì người ngồi trên cổ voi lấy chân thúc vào u tai voi, và người đằng trước kéo dây tai voi cho nó đứng dậy và theo hướng người đắt lên bờ. Làm như vậy nhiều lần voi sẽ quen. Mỗi ngày người ta đành 3 giờ để tập trong 3 buổi: sáng, trưa, chiều. Tập trong vòng 15 - 20 ngày thì voi sẽ quen xuống sông suối.

Sau cùng, người ta tập cho voi biết chở người, thồ hàng và kéo gỗ. Tập voi chở người, đầu tiên có hai người ngồi trên lưng voi. Rồi tập cho voi đi gần, đi xa để quen với trọng lượng trên lưng. Tập thồ hàng thì phải có bành voi. Bộ bành được chằng nịt chặt trên lưng voi. Người ngồi trên cổ voi lần lượt lót đệm đế vào lưng voi, sau đó đặt bành lên trên đệm rồi lấy dây chằng nịt bụng, nịt cổ voi và chằng xuống đuôi voi, làm cho bành thồ vững chắc trên lưng voi. Khi đã đặt bành xong thì người ta đưa dụng cụ, đồ đạc vào bành thồ và người cũng ngồi vào đó. Người ngồi trên cổ cầm roi đánh voi, dùng móc điều khiển voi cho voi đi. Cứ như vậy, tập đi, lập lại nhiều lần. Tập voi kéo gỗ cũng thường bố trí 2 thợ thuần dưỡng. Một người ngồi trên cổ voi, lấy đệm đặt vào lưng voi, sau đó lấy dây kéo gỗ quàng vào cổ voi, qua lưng xuống mông voi, rồi buộc vào cây gỗ dưới đất. Người dưới đất giúp việc chằng voi, đưa dây vào khúc gỗ, xong, người điều khiển ngồi trên cổ voi đánh thúc voi kéo gỗ đi.

Khi voi đã thuần thục các động tác thì đồng bào nghỉ tập và đưa voi vào buộc nơi bãi chăn thả trong rừng. Chú voi này phải làm quen với cách sống ở bãi chăn thả khi không có người và voi nhà kèm cặp. Hai chân sau của nó phải đeo một dây xích sắt dài 10 - 15m, nặng tới 50kg để nó khó bỏ đi xa vì vừa nặng, vừa vướng vào cây rừng. Khi đi tìm nó thì cứ lần theo dây xích. Cứ năm bảy ngày, voi được đưa về nơi thuần dưỡng một lần để “ôn” bài cũ. Về cơ bản, việc thuần dưỡng đến đây là xong. Sau này, người ta chỉ tập thêm một số động tác cho voi tinh khôn hơn như quỳ hai chân sau, gập hai chân trước để “chào” và đỡ người lên trên bành... Thời gian thuần dưỡng kéo dài 2 - 3 tháng mới dạy xong một chú voi. Một khi con voi đã khôn ngoan, biết vâng lời, đã thuộc lòng các bài tập, các động tác, có thể tham gia giúp người lao động sản xuất thì đồng bào đưa voi nhập buôn.

Voi nhập buôn là bước khởi đầu quan trọng đối với buôn làng, giống như việc con người nhập khẩu vào chỗ ở mới vậy. Theo quan niệm của đồng bào, thêm một con voi vào buôn tức là tăng thêm sức lao động của cộng đồng, chưa nói đến đây còn là một tài sản quý, nói lên sự giàu đẹp của buôn làng. Và con voi, khi đã qua lễ cúng nhập buôn được coi như một thành viên của làng, được đối xử tử tế, được chăm sóc như đối với con người. Được ăn cơm, chuối, rau, quả và đặc biệt là uống nước có pha muối - một loại nước uống tạo thêm sức khỏe cho con voi mà nếu voi đã quen dùng rồi thì dù có bỏ vào rừng, nó nhớ loại nước uống này lại quay về với chủ, với buôn làng.

Từ khi con voi xuất hiện trong đời sống của buôn làng của người dân tộc M’Nông, nó thật sự đóng vai trò to lớn. Con voi góp phần quan trọng làm phong phú đời sống, vật chất và văn hóa tinh thần cho đồng bào, nó là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, sự no ấm, phồn vinh, sự quý giá và cao cả, nó còn có ý nghĩa to lớn hiện nay về bảo vệ môi trường, bảo vệ cân bằng sinh thái tự nhiên. Con voi đã làm nên diện mạo văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc M’nông trở nên sinh động, độc đáo, phong phú, đa dạng nhất.

Hồng Hạnh

 

 

 

 

MỘT SỐ NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở ĐỒNG NAI

Nghề làm đồ mộc: phổ biến ở Đồng Nai từ thời xưa do nhu cầu về xây dựng nhà cửa và đóng thuyền. Đầu thế kỷ XX, một số nghệ nhân đã mở một xưỏng làm mộc ở Biên Hòa, chuyên sản xuất đồ mộc thủ công mỹ nghệ phục vụ cho kiến trúc nhà cửa và trang trí nội thất. Những ngôi nhà cổ có kiến trúc bằng gỗ có kết cấu xây dựng rất mỹ thuật. Có hai dạng kiến trúc đồ gỗ ứng dụng mỹ thuật, đó là: Đồ mộc trên kiến trúc đình, chùa, miếu và đồ mộc trên kiến trúc nhà ở dân gian.

Sau năm 1975, một số làng mộc được hình thành trong tnh, tiêu biểu là làng mộc ở Hố Nai do những thợ gốc miền Bắc di cư năm 1954 thực hiện. Ngày nay, ở khu vực phường Tân Biên và Tân Hòa thành phố Biên Hòa (khu vực Hố Nai) là nơi tập trung nhiều cơ sở làm mộc thủ công, đồ mộc sản xuất theo kiểu hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp. Những sản phẩm đồ mộc của các cơ sở tư nhân và của các doanh nghiệp ở Đồng Nai ngày càng đáp ứng được thị trường tiêu thụ đồ mộc ở trong và ngoài địa phưong đến vi từng gia đình và xã hội trong cuộc sống hiện đại và hội nhập.

Nghề gò tôn: xuất hiện ở Hố Nai cách đây khoảng 60 năm, do những người từ miền Bắc di cư vào Nam mang theo. Với bàn tay khéo léo, những người thợ gò tôn đã tạo nên nhiều sản phẩm, như: thùng, xô đựng nước, gáo múc nước, nồi nấu rượu, máng xối và nhiều sản phẩm gia dụng khác. Nghề gò tôn này chỉ làm theo mùa, hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 11 là thời điểm nghề gò tôn sôi động nhất. Thời kỳ nghề gò tôn phát triển mạnh là vào khoảng năm 2004 đến năm 2010. Trước đây, có khoảng 300 hộ làm nghề gò tôn, từ năm 2011 đến nay, những hộ làm nghề gò tôn ở KP.2, 3 phường Hố Nai giảm dần, do thùng nhựa xuất hiện nhiều, giá lại rẻ nên người tiêu dùng chuyển qua dùng thùng nhựa, hiện nay trên địa bàn chỉ còn gần 10 cơ sở, những hộ khác chủ yếu gia công lại cho các cơ sở vào những thời điểm nhiều hàng.

Nghề trồng mía, nấu đường ở Vĩnh Cửu: nghề này có lịch sử lâu đời và phát triển rộng rãi nhất. Sự phát triển của nghề trồng mía nâu đường thủ công đã góp phần quan trọng trong nn kinh tế sản xuất hàng hóa của địa phương trước đây. Có thể nói nghề trồng mía nấu đường thủ công truyền thống ở huyện Vĩnh Cửu đã tạo cho địa phương một bn sc văn hoá riêng mà không nơi nào ở Đng Nai có được. Tính đến cuối năm 2011, toàn huyện có trên 100 ngàn ha mía, bốn lò nấu đường thủ công còn duy trì hoạt động theo mùa vụ tại địa bàn xã Bình Lợi

Niềm kiêu hãnh, tự hào quê hương, tự hào trong lao động sản xuất tự hào về nghề trồng mía, nấu đường thủ công đã được kết tinh trong thơ ca, lời hát ru của những người con Vĩnh Cửu, Biên Hòa – Đng Nai: Vái ông tơ một chong bánh tráng, Vái bà nguyệt một táng đường đinh, Đôi ta kết nghĩa chung tình, Du ăn cơm với mắm, Ngủ ngoài đình cũng ưng.

Nghề đan lát (mây, tre, lá): Trước đây nghề đan lát các dụng cụ mây, tre, lá thực hiện ở từng gia đình đáp ứng yêu cầu tự cấp, tự túc. Khi kinh tế phát triển kéo theo sự phân công lại lao động xã hội thì nghề đan lát mới trở thành ngành nghề sản xuất hàng hóa. Ở làng Phước Tân người ta chuyên đan các loại như: rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng đem đi các chợ làng để bán, còn các làng Phước Lộc, Vĩnh Phước, Tân Long có nghề làm nón lá buông. Nón được khâu theo khuôn hình chóp làm sẵn từ 13 đến 17 vành tùy theo lớn nhỏ.

Những năm đầu thập niên 80, các công ty xuất khẩu của tỉnh mở được thị trường hàng hóa mây, tre đan thuộc các nước Đông Âu  và Liên Xô cũ, một số người ở Biên Hòa tổ chức ra các cơ sở đan lát xuất khẩu các sản phẩm bằng tre, mây, lá gồm: mũ (nón), khay, đĩa, hộp, giỏ xách... Ngày nay do thiếu nguyên liệu và thị hiếu tiêu dùng giảm nên đại bộ phận đã bỏ nghề, ở thành phố Biên Hòa chỉ còn 2 cơ sở ở phường Tam Hòa và phường Quang Vinh hoạt động, mỗi cơ sở có từ 60 đến 100 nhân công, hàng năm xuất khẩu ra thị trường thế giới một khối lượng hàng đan lát mây, tre, lá rất lớn thu về cho tỉnh hàng chục ngàn đô la Mỹ.

Nghề dệt thổ cẩm ở Tà Lài: Đây là làng nghề của người Mạ ở xã Tà Lài huyện Tân Phú. Sản phẩm thổ cẩm truyến thống của người Mạ là chăn, váy, khố, dây quấn đầu….Trên những sản phẩm đó, qua bàn tay khéo léo của người dệt, thổ cẩm có nhiều loại hoa văn trang trí đa dạng. Đó không chỉ là sự kết hợp khéo léo của màu sắc mà còn là biểu tượng cho cảm nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới vốn phong phú của cộng đồng người Mạ. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, công dụng của nó mà người Mạ trang trí các loại hoa văn có ý nghĩa.

Trước đây, các nguyên liệu để dệt thổ cẩm đều tự tay người Mạ làm: từ việc trồng bông làm sợi, xe chỉ cho đến việc lấy vỏ cây làm màu. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm Mạ vẫn còn duy trì trong cộng đồng nhưng các khung quay, đồ cán sợi, xe chỉ không còn nữa, tuy nhiên, qua nhiều dự án truyền dạy, nghề dệt thổ cẩm Mạ đang hồi sinh.

Nghề đá Bửu Long: Hình thành cách đây 300 năm, làng nghề đá truyền thống Bửu Long (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã nổi danh khắp cả nước và cũng có tiếng ở nước ngoài. Hiện nay, nghề điêu khắc đá đã phát triển rộng khắp mọi nơi, nhưng hiếm có nơi nào, các tác phẩm được đánh giá cao như ở Bửu Long. Ở đó có những nghệ nhân với tay nghề lão luyện, làm việc trên loại đá xanh granit đặc trưng của vùng, đã tạo nên những sản phẩm đầy tính nghệ thuật.

Nghề gốm Tân Vạn: Nghề làm gốm lu xuất phát từ những thợ gốm người Hoa ở Biên Hòa lập nên. Nửa cuối thế kỷ XIX (1875), nhiều lò gốm gia dụng ở Tân Vạn đã bắt đầu hình thành. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao tạo cho xương sành dày, chắc và cứng. Quá trình tạo ra sản phẩm gốm lu còn mang tính thủ công cổ truyền, kỹ thuật chế tác chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn và qua nhiều công đoạn.

Bên cạnh các lò gốm lu, nhiều cơ sở làm gốm mỹ nghệ hiện nay cũng đựơc hình thành và phát triển khá mạnh. Đầu thế kỷ XX, nghề gốm đã phát triển ở Biên Hòa nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng như: nồi, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng chứ chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật. Các lò sản xuất gốm mỹ nghệ thịnh hành kể từ khi trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập cách đây hàng thế kỷ. Hiện nay, sản phẩm gốm Biên Hòa được xuất khẩu ra đến nhiều quốc gia.

***

Có thể nói vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai từ lâu đã là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Đất đai phì nhiêu, rộng lớn, nhiều mỏ quặng, nguyên liệu tự nhiên thuận tiện cho việc hình thành các ngành nghề thủ công truyền thống của cư dân đến Đồng Nai lập nghiệp, đã phục vụ và phát triển đi sống của ngưi Đồng Nai suốt hơn ba thế kỷ qua. Dẫu có những thăng trầm trong quá trình phát triển nhưng một số làng nghề truyền thống đã khởi sắc, từng bước được đầu tư nâng cao công nghệ kỹ thuật, khẳng định một sức sống mới trên đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung.

 

Nguyễn Thị Sen

 

 

 

 

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Nói tới văn hóa dân tộc là nói tới một lĩnh vực thật phong phú và đa dạng, từ miếng ăn, quần áo mặc, nếp nhà ở, cách thức làm ăn, đi lại, vui chơi, ca hát, hội hè, thờ cúng, tang ma, cưới xin... trong đó, trang phục đặc biệt là trang phục phụ nữ, là cái mà ở đó bản sắc dân tộc biu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất.

 

 
Trang phục người Sán Dìu

 

          Tùy theo từng điều kiện môi trường tự nhiên nhất định, con người dùng vỏ cây, gai, đay, tơ... dệt thành quần áo mặc, không chỉ để bảo vệ cơ thể, chống lại những điều kiện bất lợi của môi trường, mà ngay từ nguyên thủy, trang phục còn là vật trang trí, làm đẹp cho cơ thể. Do vậy, ở loại vật dụng thường xuyên như áo quần ấy, mỗi dân tộc thường có những cách thức may, trang trí riêng, thể hiện tâm lý, truyền thống thẩm mỹ của mình, có ý thức rõ rệt là thông qua quần áo phân biệt mình với các dân tộc khác. Do vậy, ở mỗi dân tộc sớm có quy cách riêng về ăn mặc, phù hợp với giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội..., có khi rất nghiêm ngặt khiến mọi người phải nhất nhất tuân theo. Rất xác đáng khi một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, trong xã hội tiền công nghiệp, quần áo mặc trên người là cách làm cho mọi người biết rõ tôi là người dân tộc nào, vùng nào, theo tôn giáo gì, địa vị xã hội ra sao.

          Hơn thế nữa, ở hầu hết các dân tộc trên hành tinh này, trang phục vốn là sáng tạo văn hóa của phụ nữ. Từ việc tìm kiếm, trồng trọt để tạo ra nguyên liệu, đến chế biến, làm sợi, dệt vải, may cắt, thêu thùa... hầu như là công việc của phụ nữ. Những người chị, người vợ, người mẹ có thể hoàn toàn tự hào trong kho tàng vô cùng phong phú của văn hóa nhân loại, trong đó trang phục có sự cống hiến to lớn từ bàn tay, trí tuệ của phụ nữ.

          Với ý nghĩa rộng nhất của khái niệm "cái đẹp", thì phụ nữ chính là những người biểu hiện trọn vẹn của khái niệm này. Trong ăn mặc của bất cứ dân tộc nào, dù có ở trình độ lạc hậu hay đã đạt tới văn minh, phụ nữ bao giờ cũng đẹp nhất. Họ là người tạo ra đồng thời cũng là người có ý thức và biết làm đẹp cho chính mình. Trong việc tạo ra và sử dụng trang phục, người phụ nữ có ý thức về cái đẹp của riêng mình, hơn thế nữa, trong xã hội truyền thống, phụ nữ ít giao tiếp với bên ngoài, ít đi lại các vùng xa như nam giới, nên họ giữ lại lâu bền nhất sắc thái dân tộc thông qua quần áo cũng như các sinh hoạt văn hóa khác.

          Bởi vì, trang phục chính là một trong những sắc thái nổi bật nhất của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên bản sắc văn hóa dân tộc không phải là cái gì “nhất thành bất biến”, mà là "nhất thành vạn biến". Biến đổi không ngừng tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng vẫn giữ cái cốt cách, cái nền tảng ban đầu, đó chính là quy luật kết hợp truyền thống và đổi mới của văn hóa, của trang phục.

          Ở nước ta, có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Kinh chiếm số đông hơn cả, ở đồng bằng và đô thị, còn 53 dân tộc ít người khác còn lại, phần lớn sinh sống ở miền núi. Các dân tộc ở nước ta, đông người cũng như ít người, hiếm khi mỗi dân tộc sống tách biệt ở một vùng riêng, mà thường hòa trộn, đan cài nhau. Đến chợ phiên của một huyện vùng núi, ta thường gặp những người thuộc hàng chục dân tộc với cách thức ăn mặc khác nhau. Thậm chí, ngày nay, ngày càng có nhiều gia đình mẹ chồng và con dâu có kiểu trang phục riêng của dân tộc mình. Nếu ví đất nước ta như một vườn hoa nhiều dân tộc, thì 54 bộ trang phục giống như 54 bông hoa với dáng vẻ, màu sắc khác nhau, góp phần làm cho vườn hoa tỏa trăm hương, khoe ngàn sắc.

          Nói 54 dân tộc, 54 bộ y phục là cốt cho ta một ý niệm về sự giàu có màu sắc trang phục đó thôi, chứ thực ra có khi một bông hoa lạ chứa đựng, dung hòa nhiều hương sắc, một bộ trang phục mà biến hóa nhiều vẻ tùy theo mỗi địa phương. Ví như, chiếc áo dài của cô gái Kinh, mà ít nhất đã có ba kiểu dạng Bắc, Trung, Nam; có bộ nữ phục của người Dao, người Mông, thì mỗi nhóm, mỗi địa phương mỗi khác, giữa chúng có cốt cách chung, nhưng vẫn mang dáng vẻ riêng của mỗi nhóm người, địa phương. Trong khá nhiều trường hợp, tên gọi của dân tộc, nhất là các nhóm địa phương, thường phân biệt theo kiểu cách hay màu sắc của y phục, trang phục, như Thái Trắng, Thái Đen, Tày Slửa khao (Tày áo trắng), Dao Tiền (dùng tiền bạc trắng gắn lên áo)...

 

 

Ngày nay chiếc áo dài vẫn là trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam

 

          Tính đa dạng và phong phú của trang phục các dân tộc còn do những ảnh hưởng, giao tiếp với các nước, các dân tộc láng giềng. Ví như, nhiều dân tộc cư trú suốt dải biên giới Việt - Lào, như Thái, Khơmú, Bru... tiếp thu nhiều ảnh hưởng trang phục Lào, còn dân tộc ở dọc biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, thì tiếp thu ảnh hưởng trang phục của dân tộc có nguồn gốc Đông Á và Trung Á. Người Chăm, Khơme ở phía Nam tiếp thu kiểu quần áo của các dân tộc ở Mã Lai, Inđônêxia... Trang phục Kinh ở phía Nam chịu ảnh hưởng của trang phục Khơme... Tuy nhiên, thông qua sự đa dạng, muôn vẻ dân tộc, địa phương ta vẫn thấy ở chúng những nét chung, gần gũi, thể hiện qua từng nhóm dân tộc, từng vùng.

          Các dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường, như Việt, Mường, Thổ, Chút, sinh sống trong các đồng bằng châu thổ lớn, duyên hải và thung lũng vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đây là những di duệ trực tiếp của người Việt thời cổ Hùng Vương, do vậy, giữa họ có nhiều nét tương đồng về ăn mặc. Nam giới mặc quần với áo ngắn, phụ nữ mặc váy, mãi sau này, trước nhất ở thành thị, sau nữa là nông thôn mới chuyển sang mặc quần. Phụ nữ mặc áo cánh xẻ ngực, ít khi cài cúc, để hở yếm ở trong. Áo choàng mặc ngoài là kiểu áo tứ thân, không cài cúc mà thường để buông hay thắt vạt... Trong các dân tộc thuộc nhóm này, người Mường giữ lại nhiều cốt cách ăn mặc truyền thống, còn ở người Kinh, trang phục đã biến đổi khá nhiều.

          Các dân tộc thuộc nhóm Tày - Thái, như Tày, Thái, Nùng, Sán Chay,... trong đó có hai dân tộc tiêu biểu là người Tày ở Việt Bắc và người Thái ở Tây Bắc. Trong nhóm này dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Giáy cư trú ở Việt Bắc, trang phục ngoài những đặc trưng truyền thống, còn thấy nhiều ảnh hưởng của các dân tộc phía Bắc, như kiểu CIO xẻ cài khuy nách, quần, xà cạp, tạp dề... còn người Thái và các dân tộc ở Tây Bắc thì bảo lưu khá bền chắc những đặc trưng truyền thống trang phục dân tộc mình.

          Trang phục các dân tộc nhóm Mông - Dao (gồm Mông, Dao, Pà Thèn) rất đa dạng về sắc thái, mang nhiều đặc trưng độc đáo, như kiểu váy xếp nếp trang trí nhiều hoa văn, áo xẻ và cài khuy nách, áo dài mặc ngoài thêu, vẽ sáp ong, chắp vải màu, các loại mũ, khăn, tóc tết dài, xà cạp quấn chân, tạp dề... Trong các dân tộc này, trang phục người Mông giữ lại những nét đặc trưng lâu bền nhất…

          Về bản chất, trang phục của dân tộc ở Việt Nam, thể hiện những đặc trưng của trang phục cư dân vùng nhiệt đới nóng ẩm phương Nam. Đó là vùng mà vải mặc dệt từ các loại sợi, vỏ cây và sau này là bông, áo quần không phong phú về kiểu loại, ít có sự khác biệt giữa trang phục nam và nữ, màu sắc và trang trí giản dị. Kiểu loại thường là váy, khố, áo ngắn xẻ ngực, yếm, không có áo da, lông, dùng áo tơi, nón tránh mưa, nắng, đi chân đất, sang mới dùng guốc dép. Trang sức thường là nhuộm răng, ăn trầu, xăm mình, cưa răng, bịt răng... Với cư dân vùng phía Bắc, nơi ảnh hưởng trực tiếp gió mùa, có mùa lạnh, sớm giao tiếp, ảnh hưởng cư dân vùng Đông và Trung Á, nên tiếp thu những ảnh hưởng trang phục cư dân phía Bắc, nhất là quần áo mùa đông, do vậy, vùng này mang tính chuyển tiếp rõ rệt giữa trang phục phương Nam và phương Bắc. Ngày nay, cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, bảo tồn và gìn giữ truyền thống trang phục các dân tộc Việt Nam nói riêng sẽ góp phần tô đậm nền văn hóa Việt Nam thêm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TRÒ CHƠI DÂN GIAN CHO TRẺ EM VÙNG NÔNG THÔN, DÂN TỘC THIỂU SỐ

Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam và gia đình Việt có vô vàn trò chơi độc đáo, hữu ích dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em có hai nhu cầu cơ bản thường đi đôi với nhau là họcchơi. Đặc điểm lứa tuổi khiến cho chơi là hoạt động rất tự nhiên trong cuộc sống của trẻ trở thành một hoạt động tích cực nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em các dân tộc thiểu số ngày nay phải hiểu được ở cả ba khu vực nhà trường, cộng đồng và gia đình. Vui chơi giải trí gắn liền với việc giáo dục nhận thức, nâng cao thẩm mỹ, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng tình cảm, giáo dục thể chất cho trẻ em. Quan niệm học mà chơi, chơi mà học, lao động gắn kiền với giải trí, trong sinh hoạt gia đình cộng đồng càng không thể thiếu các trò chơi dân gian. Hiện nay, các trò chơi dân gian của các dân tộc ít được chú trọng trong sinh hoạt đời sống của trẻ em nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ rơi vào quên lãng ở một số vùng địa phương miền núi.

Chính vì vậy, ngoài việc tổ chức các trò chơi, thể thao hiện đại cần thiết phải khôi phục, bảo tồn, phát triển các hình thức trò chơi dân gian của trẻ em các dân tộc thiểu số. Trò chơi thể thao giải trí truyền thống dành cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi rất phong phú và đa dạng, dễ phù hợp rất bổ ích và lý thú. Tùy theo hoàn cảnh, đặc điểm địa phương, dân tộc, lứa tuổi mà có thể tổ chức các trò chơi khác nhau. Đối với vùng dân tộc thiểu số ngoài các trò chơi thuần chất thể thao như: Vật, đẩy gậy, bắn nỏ, bắn cung, nhảy qua suối, vật tay, bơi lặn còn có một số trò chơi thể thao gắn liền với các tiết mục văn hóa, nghệ thuật như: nhảy sạp (dân tộc Thái), múa rồng, múa lân, múa sư tử (dân tộc Tày, Nùng, Hoa), múa khèn (dân tộc Mông). Nhu cầu vui chơi ở trẻ em nói chung và trẻ em vùng dân tộc thiểu số nói riêng rất lớn và rất cần thiết trong việc phát huy trí lực, tình cảm, đạo đức trẻ em như: Trẻ em dân tộc Thái chơi trò “bắn trái bưởi”. Trò chơi này giúp các em trai luyện tập phản ứng nhanh nhẹn và rèn sức khỏe. Trẻ em Sán Dìu cũng thường chơi trò “bắn vẹt gỗ”. Trò chơi này rèn luyện cặp mắt tinh tường và óc phán đoán chính xác, đôi bàn tay khéo léo cho người chơi. Các em thiếu nhi dân tộc Tày chơi trò “đố lá” giúp trẻ rèn sự nhanh trí, kích thích óc phán đoán và nhận biết cây cối và công dụng của cây cối. Đối với dân tộc Khowme trẻ em ở đây thường chơi trò gánh lúa qua cầu nhằm đề cao tình yêu lao động và tạo ra sự vui tươi thoải mái… Hệ thống các trò chơi dân gian của các dân tộc rất phong phú và đa dạng (bao gồm trò chơi giữa hai người, giữa các tốp với nhau) như: Ném còn, đánh quay, ném pao, đánh mảnh, chơi đu, bịt mắt bắt dê, kéo co, cướp cờ…

Có thể nói rằng: Trò chơi dân gian không không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ mà còn góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Đưa trò chơi dân gian vào trong các hoạt động vui chơi để khai thác hết vai trò giáo dục của trò chơi trong việc giáo dục trẻ. Làm thỏa mãn và phát triển nhu cầu vận động, năng lực sáng tạo của trẻ; thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, nhu cầu giao tiếp giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời giúp các em ý thức tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giáo dục chuẩn mực xã hội và các quy định trong mối quan hệ tập thể cộng đồng với cá thể thông qua mối quan hệ giữa các “vai đóng” trong trò chơi. Trò chơi dân gian rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật trong khi chơi thông qua các việc tuân thủ các luật lệ chơi. Vui chơi giải trí gắn kết với cá thể với gia đình, cộng đồng, nhà trường, xã hội, kích thích sự hứng thú tạo đà cho việc học tập, rèn luyện và tham gia lao động của trẻ em. Chính vì thế vai trò của người sưu tầm, tổ chức, hướng dẫn, luyện tập, trọng tài, giám sát, khuyến khích động viên các em vui chơi là rất quan trọng, đóng vai trò chủ đạo. Ở gia đình ngoài tổ chức góc học tập còn cần thiết phải tổ chức góc vui chơi giải trí cho trẻ em. Ngày nay, nhiều gia đình ở miền núi đã có nơi vui chơi giải trí cho gia đình, cộng đồng tại nhà để xem ti vi, nghe đài, đọc sách báo, nghe nhạc dân gian, giân ca… Ngoài việc hướng trẻ tham gia các trò chơi giải trí trong gia đình cũng cần dành cho các em góc giải trí riêng, góc giải trí có thể trang trí những hình ảnh vật dụng mà các em yêu thích. Có thể gắn liền góc học tập với góc vui chơi cho trẻ em. Người lớn trong gia đình cần dành thời gian vui chơi với các em, tham gia làm các dụng cụ đồ chơi dân gian truyền thống cho trẻ em làm phong phú thêm góc vui chơi giải trí trong gia đình. Những việc làm này vừa mang tính giáo dục trẻ, vừa góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân gian của trò chơi truyền thống trong gia đình.

Ở khu vực cộng đồng, hiện nay các làng, hiện nay các làng bản buôn đã có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Những tụ điểm này thường là nơi làm việc hội họp của chính quyền, đoàn thể, và sinh hoạt của đội văn nghệ, người lớn tham gia là chủ yếu. Chính vì vậy rất cần thiết phải dành quỹ đất ở làng bản buôn làm sân chơi cho trẻ em sinh hoạt giải trí. Ở các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng của trẻ cần có những dụng cụ luyện tập thể thao, vui chơi giải trí để có đủ điều kiện tổ chức cho từ một đến nhiều nhóm chơi cho các em. Các trò chơi dân gian thường ít tốn kém kinh phí và dễ có điều kiện tổ chức hơn vì vật dụng có thể khai thác huy động sẵn có tại chỗ. Trò chơi thường rất phù hợp với tâm lý trẻ em, phù hợp địa hình khí hậu ở địa phương và có mức hấp dẫn lôi cuốn trong cộng đồng dân cư tham gia cổ vũ. Ngành giáo dục đào tạo, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức giao lưu, hội thi cho các em lồng ghép nội dung trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc. Cần có công trình nghiên cứu khoa học về trò chơi dân gian miền núi dân tộc thiểu số. Các nhà sản xuất cũng cần có sự nghiên cứu các dụng cụ thể thao vui chơi giải trí phù hợp cho trẻ em trong từng vùng. Cần thiết cần có những cuốn sách hướng dẫn tổ chức các trò chơi truyền thống để phổ cập rộng rãi tới trẻ em ở khu vực gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em bị bó hẹp ở khu vực gia đình và một phân rất nhỏ ở khu vực cộng đồng dân cư chòm bản.

Trong xã hội mới, vai trò của nhà trường và đoàn đội được đề cao thì vai trò của gia đình và cộng đồng do không được khuyến khích nên đã sao nhãng, thưa vắng. Dưới thời bao cấp đã có sân kho hợp tác xã làm tụ điểm cho trẻ em vui chơi. Khi bước vào khoán mới, đất ruộng, đất rừng giao khoán, sân kho không còn nên tụ điểm vui chơi của trẻ em ở bản làng cũng bị co hẹp.  Hoạt động sinh hoạt văn hóa thể thao , vui chơi giải trí truyền thống lành mạnh ở gia đình bị mai một, lãng quên. Ngày nay trẻ em vùng nông thôn, dân tộc thiểu số ít được nghe ông bà, cha mẹ kể truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười dân gian, hướng dẫn các trò chơi dân gian… Đó là những nguy cơ không nhỏ dẫn đến việc mai nhạt dần bản sắc văn hóa dân tộc trong trẻ em dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, cần tích cực tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cho các em vùng dân tộc. Hỗ trợ văn hóa nhận thức cho trẻ em miền núi, dân tộc thiểu số bằng cách xây dựng điểm về tủ sách thiếu nhi, nhóm bạn xem truyền hình, nghe đài, nhóm bạn đọc sách ở các bản thôn. Phát động phong trào quyên góp, phiếu tặng sách báo, sản phẩm văn hóa phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức các tụ điểm vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian phù hợp với từng vùng; tổ chức tốt các sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng ở nhà trường, đoàn đội, làng bản vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời khơi dậy tiềm năng văn hóa gia đình để nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em vùng nông thôn, dân tộc thiểu số. Để các em có điều kiện đóng góp phấn đấu bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc mình, đồng thời giao lưu hội nhập với các dân tộc anh em xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phát triển ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.

Yên Yên

 

 

Sự giao thoa giữa Lễ Hội và Du lịch ở tỉnh Đồng Nai

Lễ hội là hoạt động văn hóa mang tính chất tất yếu và thiết yếu trong đời sống mỗi quốc gia, dân tộc. Nó ra đời đã hàng ngàn năm, đồng hành cùng lịch sử. So với lễ hội thì du lịch ra đời muộn hơn nhưng lại phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người trong xã hội hiện nay. Tự thân hai hoạt động này có mối liên hệ mật thiết với nhau như là những thành tố của một xã hội phát triển, một xu hướng phát triển tất yếu, khách quan trong không gian, môi trường, điều kiện và hoàn cảnh mới. Người dân đi dự lễ hội không chỉ với mục đích cầu xin, nhờ cậy, nương tựa thánh thần mà còn mang trong mình tâm thế tham gia sinh hoạt văn hóa ở một trình độ, điều kiện cao hơn… Đi dự hội cũng chính là du lịch với mục đích vui chơi, hưởng thụ và thưởng ngoạn.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, người Đồng Nai cũng tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc như: Lễ Kỳ Yên, Lễ hội Yang Bơ Nơm là lễ đâm trâu của người Mạ, Lễ cúng chay Bà Thiên Hậu, Lễ hội Sa Yang Va của dân tộc Chơ Ro; Lễ Chuôn Chnam Thmây, Sen đôn tal của người Khơ me; Lễ Ramadan, Maji của người Chăm; Tả tài phán của người Hoa…các lễ hội đều mang đậm sắc thái riêng của từng dân tộc, tạo được không khí vui tươi, đoàn kết và thân ái.

Lễ Kỳ Yên (cầu an) – tên người dân thường gọi là lễ cúng tế chính của đình. Đây là một lễ quan trọng, lễ lớn mỗi năm của đình làng ở Biên Hòa. Thông thường ở các nghi tế thần phải đầy đủ các lễ: Túc yết, Đàn cả và tế Tiền hiền, Hậu hiền,… Đặc biệt, trong Đại lễ Kỳ Yên có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng do các đoàn hát bội được mời đảm trách.

Trong lễ hội, thường ở các ngôi đình lớn tổ chức các sinh hoạt văn hóa rất phong phú: hát bội, múa lân, đua thuyền, đấu võ, xô giàn… được nhiều người hưởng ứng và tạo nên không khí náo nhiệt.

Lễ hội Kỳ Yên qua nhiều thế hệ đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt.

 

Lễ hội Yang Bơ nơm (Cúng thần núi hay còn gọi là Lễ hội Đâm trâu của người Mạ)

Lễ cúng thần núi là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu. Lễ hội này còn gọi là lễ đâm trâu, vì có tục đâm trâu để thực hiện nghi thức đầu tiên của buổi cúng và chia thịt trâu cho cộng đồng cùng ăn.

Người Mạ dựng khoảng ba cây nêu trước sân theo hình tam giác. Theo quan niệm của người dân tộc nơi đây thì cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người.

 

          Lễ hội Sa yang-va (Lễ cúng thần Lúa của người Chơro)

Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro

Trong lễ hội Sayangva thì cây nêu được xem là cây thông thiên và nó mang nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất trong lễ hội. Nó thể hiện mối giao hòa giữa con người với thần linh, sự giao cảm giữa con người với con người và những ước vọng chính đáng về sự tồn tại, sự phát triển của con người trong vũ trụ. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng, hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng đang chuẩn bị vào lễ hội.

Trước bàn thờ Yang, trước cây nêu, người Chơro khấn trình lòng thành của mình và cầu xin thần linh ban cho vụ mùa với những bông lúa nặng trĩu, chắc hạt và đây cũng chính là ước vọng chung của những cư dân làm nông nghiệp.

Lễ hội Tả Tài Phán (của đồng bào người Hoa ở Định Quán)

Đây là một lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa. Lễ hội này có quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày với các nghi thức mang tính dung hợp từ nhiều tín ngưỡng.

Mục đích của lễ hội là cầu an, cầu siêu thể hiện qua các câu kinh do thầy cúng đảm nhiệm và thực hiện các nghi thức bắt buộc. Trong lễ hội, có các tiết mục ca kịch diễn tuồng, hát bội, lễ trảm tế vật sống, hội đấu thánh đăng. Đặc biệt nhất là nghi thức đi qua dãy than hồng diễn ra trong đêm cuối cùng của lễ hội. Đây là nghi lễ thu hút đông người tham gia với tâm niệm hướng cầu điều phúc, sở nguyện.

Tham gia trong lễ hội, người dân như quên hết những âu lo, cực nhọc thường nhật, hội nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội. Qua đó, họ thể hiện lòng biết ơn của mình với thần linh, tổ tiên và thể hiện tinh thần gắn bó cộng đồng, hướng đến những ước vọng tốt đẹp.

Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 20 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 4 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 16 đơn vị kinh doanh nội địa. Toàn tỉnh Đồng Nai cũng có 19 điểm du lịch đang hoạt động với nhiều loại hình khác nhau như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, văn hóa như: Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Thác Giang Điền, Đảo Ó, Vườn Xoài, Núi Chứa Chan, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Thác Mai, Làng cổ Phú Hội,… Theo Công ty Du lịch tỉnh Đồng Nai, trong những ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến tham quan các lễ hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó chứng tỏ, sự phát triển loại hình du lịch lễ hội đã mang đến cho địa phương nguồn lợi kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân từ các hoạt động như: dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống, bán hàng hóa, đồ lưu niệm,…

Đến với các khu du lịch ở Đồng Nai, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đặc sắc, được thỏa chí khám phá và chiêm ngưỡng những phong cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ của núi rừng và được thưởng thức những món ngon được chế biến theo đặc sản riêng của từng địa phương.

Vườn Quốc Gia Cát Tiên huyện Tân Phú: Không chỉ là kiệt tác thiên nhiên vĩ đại của Việt Nam mà còn được vinh danh công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Du khách đến đây không chỉ thỏa chí khám phá mà còn tận hưởng cảm giác yên bình, không khí trong lành của rừng cây xanh và những động – thực vật phong phú.

Núi Chứa chan huyện Xuân Lộc là ngọn núi cao thứ hai khu vực Nam Bộ (sau núi Bà Đen – Tây Ninh) với độ cao 837m so với mặt nước biển. Đặc biệt ở độ cao 600m, núi Chứa Chan có một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng khắp vùng Nam Bộ, đó là chùa Gia Lào.

 

Làng cổ Phú Hội huyện Nhơn Trạch: Ngôi làng có lịch sử trên 200 năm với rất nhiều mái nhà, những công trình có kiến trúc cổ, có khoảng 16 ngôi nhà có niên đại trên dưới trăm năm. Có nhiều ngôi nhà được Cục Di sản văn hóa phối hợp với Cục Tài sản Văn hóa Nhật Bản tiến hành kiểm kê, đo vẽ kiến trúc như: nhà cổ từ đường họ Đào, nhà cổ bà Mã Thị Tám,…

Để phát triển du lịch một cách hiệu quả, ngoài tiềm năng sẵn có về thiên nhiên và văn hóa, Đồng Nai đang hướng tới xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch. Thông qua những chương trình du lịch – lễ hội nhằm giới thiệu với du khách một cách sinh động về đất nước con người Đồng Nai, về những nét đặc trưng, những giá trị văn hóa tín ngưỡng được thể hiện trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến với lễ hội – du lịch, du khách vừa được cộng hưởng niềm vui với không khí thiêng liêng của lễ hội vừa được hòa mình với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc được xây dựng có giá trị.

Sự kết hợp giữa lễ hội – du lịch sẽ thu hút được đông đảo du khách trong nước và ngoài nước, nhằm tôn vinh những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của Đồng Nai đến với mọi người.

Như vậy, sự phát triển của du lịch cũng mang đến cho lễ hội một sắc thái mới, một sức sống mới và tạo ra sức mạnh tổng hợp, mở ra những chân trời mới, thế và lực mới cho tỉnh nhà.

 

 

._Quỳnh Giang_

 

 

 

 

ÁO DÀI VIỆT NAM DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

Trang phục là một thành tố quan trọng của văn hóa tộc người, là biểu hiện bề ngoài của bản sắc văn hóa dân tộc. Chiếc áo dài Việt Nam được xem là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt. Quá trình tồn tại và phát triển của chiếc áo dài cũng gắn liền với quá trình lịch sử của dân tộc Việt, việc tìm hiểu về chiếc áo dài Việt Nam cũng đồng thời tìm hiểu về nền văn hóa truyền thống của dân tộc nước nhà. Dưới góc độ văn hóa, trang phục áo dài phát triển qua từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam từ trước đến ngày nay.

          Ở thế kỷ 17, trong những dịp trang trọng phụ nữ Việt Nam mặc áo dài bên ngoài giống như áo tứ thân sau này. Sang thế kỷ 19, trong các dịp lễ hội và lao động thường ngày, phụ nữ Việt Nam thường mặc chiếc áo dài được cải biến từ kiểu áo thụng trong cung đình trên cơ sở chiếc váy truyền thống thành bộ áo dài rất cơ bản để nó tiếp tục đucợ cải biến thành chiếc áo dài ngày nay. Ở miền Bắc, áo dài phụ nữ còn gọi là áo tứ thân hoặc năm thân; phổ biến hơn cả là áo tứ thân.

Cho đến đầu thế kỷ 20 trang phục áo dài của phụ nữ miền Bắc vẫn là chiếc áo tứ thân và năm thân màu nâu hoặc màu thâm truyền thống dưới là váy mặc trong lễ hội và cả trong khi lao động (qua ký họa của Dumoutier). Phụ nữ miền Trung những ngày lễ hội thường mặc áo năm thân, kín cổ. Người nhiều tuổi mặc màu đậm, các cô gái trẻ mặc màu nhẹ hoặc trắng. Trong khi đó, áo dài của phụ nữ Nam bộ cho đến đầu thế kỷ 20 là áo dài màu đen hoặc nâu đỏ bên trong mặc áo ngắn màu trắng có túi nhỏ, bỏ ra ngoài quần. Sau này dần dần phụ nữ miền Bắc cũng bỏ không mặc váy mà mặc quần đen bằng vải lĩnh, nái hoặc sa tanh như phụ nữ miền Nam.

Chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam (kể cả ba miền Bắc, Trung, Nam) khi mặc vào nó đã quy định được thành phần xã hội trong đó. Các kiểu áo dài nhìn chung là giống nhau chỉ khác biệt ở một vài đặc điểm nhỏ. Đối với phụ nữ thuộc con nhà khá giả ở thành thị miền Bắc, khi ra ngoài phố thường mặc áo tứ thân (bên trong mặc áo cánh bằng vải trắng hay lụa tơ tằm). Vào dịp tết, các bà các cô mặc bên trong là chiếc áo dài màu bằng lụa Tây Hồ, cài khuy bên cạnh. Đối với phụ nữ thuộc con nhà khá giả hoặc quyền thế ở Nam bộ, trang phục lễ hội là áo cặp, các cô cũng bận hai hoặc ba cái áo dài bằng lụa trơn, bên trong màu tươi sáng, bên ngoài màu sẫm hoặc tối, chiếc đầu tiên dài chấm đất, chiếc sau ngắn dần lên, áo này chồng lên áo kia và có nhiều màu sắc khác nhau. Chỉ cần nhìn vào loại vải và màu sắc trang phục có thể phân biệt được đẳng cấp xã hội của người mặc nó. Phụ nữ giàu có hoặc khá giả, quyền thế thì mặc áo dài bằng gấm hoặc tơ với các màu rực rỡ. Còn người bình dân thì mặc áo dài màu nhạt như xám tro, trắng ngà, tím hoa cà… bằng vải lụa trơn.

Từ chiếc áo tứ thân truyền thống với gam màu tối, sẫm được cách tân những yếu tố quan trọng để trở thành chiếc áo dài tân thời và đến chiêc áo dài hiện đại ngày nay là sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống dân tộc với văn hóa phương Tây. Chiếc áo dài hiện đại đã khiến cho người phụ nữ mặc nó nhìn chung rất kín đáo, đoan trang và không kém phần quyến rũ. Từ Thập niên 60-70, áo dài bắt đầu tôn lên những nét quyến rũ nhất của người phụ nữ. Eo được may thắt lại, có người còn dùng dây quanh áo phía trong ở vòng hai để eo đuợc nhỏ hơn, tà áo rộng, ngực áo nhọn, gấu áo thẳng ngang, dài gần đến mắt cá chân, làm cho người mặc có dáng "thắt đáy lưng ong". Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Từ đây, tà áo dài hiện đại chính thức ra đời và vẫn giữ nguyên nét đẹp ấy cho đến ngày nay, dù đã trải qua bao năm tháng chiến tranh và phát triển, áo dài vẫn là một biểu trưng của người phụ nữ Việt. Từ tính chất dân tộc của nó mà từ những năm 1970 cho đên nay, chiếc áo dài đã được các cô dâu mặc trong ngày cưới của mình. Hai, ba thập kỷ nay trang phục đám cưới của người Việt thường thống nhất với chiêc áo dài của cô dâu và chiếc veston của chú rể, một sự kết hợp của văn hóa giữa Đông và Tây. Mặc dù vậy, chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam vẫn giữ được tính dân tộc của mình, vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay, áo dài gần như đã trở thành lễ phục chính thức cho người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài đã được người phụ nữ mặc trong tất cả mọi trường hợp lễ nghi, ngoại giao, làm việc văn phòng, tiếp viên hàng không, biểu hiện nghệ thuật (ca nhạc), trong học đường… Kể từ năm 1989, khi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thi Hoa hậu Áo dài thì ngành thời trang thiết kế áo dài đã bắt đầu ra đời và có nhiều nhà tạo mẫu áo dài nổi tiếng và những tập đoàn công ty người mẫu biểu diễn thời trang cũng đã được hình thành. Đặc biệt, tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế được tổ chức tại Tokyo năm 1995, áo dài Việt Nam đã nhận được giải thưởng trang phục dân tộc đẹp nhất và đã được các trung tâm thời trang trên thế giới như Paris, New York, Milan với các nhà tạo mẫu Châu Âu như Giorgio Armani, Calvin Klein chú ý đã cho ra những bộ sưu tập cảm hứng từ tà áo dài Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, sự giao lưu về văn hóa, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, và cái nhìn hiện đại tạo điều kiện cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo, áo dài biến hóa muôn màu muôn kiểu và chính thức trở thành quốc phục của nước Việt Nam. Hiện nay, các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng vẫn sáng tạo ra những mẫu áo dài cách điệu để phù hợp với giới trẻ như áo dài tay ngắn, tà ngắn và có thể mặc chung với quần jeans, quần ôm…

Việt Nam bao gồm 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc đều có một loại trang phục đặc trưng truyền thống của mình. Nhìn chung, trang phục của mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng, tuy nhiên ngày nay các dân tộc có quá trình giao lưu văn hóa lâu đời với người Việt (như Hoa, Chăm, Khmer), đặc biệt các dân tộc sống định cư gần các đô thị thì hầu như họ đều bị Việt hóa, trang phục mặc hàng ngày của họ cũng theo trang phục của người Việt và chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam cũng chính là lễ phục quan trong trong đám cưới của họ. Có thể nói, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã trở thành biểu tượng văn hóa giàu tính dân tộc. Văn hóa áo dài Việt Nam đã hội nhập, giao lưu và khẳng định được vị trí của mình trong văn hóa thế giới, chính là nhờ bản sắc văn hóa chứa đựng trong nó. Ngày nay, dù cho áo dài có được các nhà thiết kế thời trang biến tấu hoặc trang trí, hội họa theo “mốt” đa dạng và phong phú song cơ bản cái hồn của áo dài Việt Nam vẫn còn đó như hình bóng quê hương Việt Nam trong mỗi chiếc áo dài.

 

                                                                                                Nguyễn Yên

 

 

Đồng Nai trong kháng chiến qua ca dao

 

 

Có con người là có đời sống văn hoá tinh thần. Sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng là một khía cạnh văn hoá không thể thiếu trong phạm trù ấy, đặc biệt là về hoạt động sáng tác thơ ca. Thơ ca dân gian của người Việt khá phong phú. Đó là lời ca đọng lại từ những khúc hát trữ tình lâu dần thành câu nói cửa miệng. Đất phương Nam là vùng đất mới, do đó nó được hưởng các làn điệu dân ca và kho tàng ca dao tục ngữ hàng ngàn năm của dân tộc. Phong phú nhất là mảng ca dao trữ tình mang theo trong hành trang của người Việt đến xứ Biên Hòa - Đồng Nai.

 

Không chỉ là những câu ca dao, tục ngữ nói về thiên nhiên, về công trình văn hoá, về sản vật của địa phương, mà nỗi niềm cơ cực của người cùng khổ trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng được gởi gắm chân tình qua ca dao, ví như:

 

“Cao su đi dễ khó về

 

Khi đi trai tráng khi về bủng beo”

 

“Cao su khổ lắm ai ơi

 

Dân phu thí xác cả ngày ngoài lô

 

Còng lưng cạo m cơ hồ

 

Tấm thân trâu ngựa, tội tù khổ sai”.

 

Cuối thế kỷ XIX, sau khi chiếm đóng Nam bộ, Pháp đã mở rất nhiều đồn điền cao su ở Biên Hoà; phần lớn dân làm phu đồn điền cao su có cuộc sống hết sức vất vả khó nhọc. Đây là một trong những bài ca dao viết về mảng đề tài kiếp sống của người phu đồn điền cao su. Bài ca dao đặc tả nổi vất vả của người phu đồn điền cao su, lời than mang theo cả ý thức bất bình xã hội. Người làm Phu đồn điền cao su phải ký họp đòng lao động với những điều khoản chặt chẽ, được ứng trước một số tiền; cho nên người đi phu tự xem mình như “tù chung thân”, “tù khổ sai”. Kiếp phu vất vả như là thân “trâu ngựa”, như là mang “tội tù khổ sai .

 

Bên cạnh phản ánh nỗi cơ cực vất vả của người dân sống trong thời kỳ bị đô hộ, áp bức, ca dao còn là món quà tinh thần nâng đỡ tâm hồn của người kháng chiến. Ví như người phụ nữ kháng chiến xứ Đồng Nai thoát khỏi thân phận bị ràng buộc, rụt rè, dám nói thật và nói vui:

 

Khoai lang lột vỏ hai đầu

 

Nửa thương anh trung đội trưởng,

 

Nửa sầu anh chính trị viên.

 

Bà mẹ của vùng kháng chiến ít chữ nghĩa nhưng lòng đầy lạc quan câu hát đầy theo hũ gạo nuôi quân:

 

Sớm mơi xúc gạo ra vo

 

Nhớ đoàn Vệ quốc hốt cho nắm đầy

 

Một tháng là ba mươi ngày.

 

Mỗi ngày một nắm nhớ rày Vệ quốc quân.

 

Không khí đóng cọc, ngăn tàu giặc Pháp của chiến khu lòng chảo cũng được phản ảnh sinh động trong ca dao kháng chiến:

 

Đốn cây cảm cọc ngăn tàu

 

Lòng sông Vũng Gấm, Bà Hào, Phước An

 

Làm cho quân giặc hoang mang

 

Không cho khủng bố ruồng càn chiến khu.

 

Và nhiều câu ca dao dưới hình thức “bình cũ rượu mới” th hiện đặc đim kháng chiến ở đa phương:

 

Khu Đ đi dễ khó về

 

Lính đi bỏ mạng quan về mất lon.

 

Tuy phải sống trong sự áp bức của kẻ thù, nhưng nhân dân vùng đất Đồng Nai luôn thể hiện khí phách hào hùng, hiên ngang lừng lẫy:

 

“Làm trai cho đáng nên trai

 

Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”

 

Với nội dung truyền tải đa dạng và phong phú đời sống xã hội; phản ánh những tâm tư nguyện vọng, những hình ảnh thực tế về xã hội, văn học dân gian đặc biệt là ca dao đã tạo thành một hệ thống hình ảnh về con người lao động và chế độ xã hội trong mỗi thời kỳ lịch sử thật sinh động và gần gũi. Là một bộ phận trong kho tàng văn hóa dân gian, ghi lại du vết của thời quá khứ và cận đương đại, những sự kiện được phản ánh, thể hiện rất rõ nét qua các thể văn vần dễ thuộc, dễ nhớ với ngôn ngữ có khi bình dân, có khi cũng văn hoa, sâu sắc... là những điu mà chúng ta thy được chứa đựng trong ca dao.

 

Là một trong những tỉnh phía Nam chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể, cụ thể là văn hoá dân gian, mảnh đất Đồng Nai còn ẩn chứa nhiều giá trị mà chính chúng ta hôm nay chưa khai thác, bảo vệ toàn vẹn. Bảo vệ các giá trị di sản là một việc làm thiết thực, để những giá trị di sản văn hoá dân gian luôn “sống”, chúng ta không chỉ đi nghiên cứu, sưu tầm mà còn phải tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến với mọi người: tổ chức các cuộc thi hát đối về ca dao, dân ca liên quan đến quê hương Đồng Nai, Thi sáng tác thơ ca về Đồng Nai; chủ động giới thiệu đến với bè bạn trong nước và quốc tế song song với việc tiếp nhận những cái hay, cái đẹp, cái tiên tiến từ các vùng, các nước khác nhằm bồi đắp cho nền văn hoá tỉnh nhà ngày càng phát triển.

 

 

 

Nguyễn Thị Sen

 

Ca trù – di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam

Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Hát ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam , kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc  trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn là đỉnh cao giữa thi ca  âm nhạc.

 
Hát ca trù ngày xưa

Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm chữ “trù” trong “ca trù” đều dùng chữ “trù”. Theo đó Trù là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gụi là cầm chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù; cũng là thuật ngữ sử dụng trong bài viết này. Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ. Hát ca trù ở ca quán hoặc ở các tư gia về sau không thấy có việc thưởng thẻ nữa.

Ca trù đã bắt đầu có từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ (hay Đinh Dự theo một số Giáo phường) sáng chế ra. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây: Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca. Trước khi có Hát nói, ở Việt Nam đã có những bài hát xoan, hát cửa đền, cửa chùa, những bài thét nhạc. Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ. Các bài hát ả đào bắt đầu từ đó; Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của tư tưởng Lão-Trang. Xưa kia văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng Khổng Mạnh, về hình thức phải đem theo những quy luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, tư tưởng Lão-Trang có cơ hội bành trướng và hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn; Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối... Trong lối Hát ả đào có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gủi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.

Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn Đáy, Phách và Trống chầu. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” (được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu, về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc dáo là Hát nói với các tác gia nổi tiếng. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả dào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...

Một chầu hát cần có ba thành phần chính: Một nữ ca sĩ (gọi là "đào" hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp; Một nhạc công nam giới (gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát; Người thưởng ngoạn (gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch," nghĩa là "ngay ở chiếu".

Ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống). Ca trù là một bộ môn nghệ thuât lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt Nam. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam.

Ca trù là một Di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngóng, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà... Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với Ả đào – mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.

Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và làn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình. Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, bởi lẽ giới trẻ ngày nay quen thưởng thức loại hình âm nhạc mới mẻ, trẻ trung, có rất ít người nghe, hoặc rất ít nghệ sĩ nào theo nghề hát ca trù truyền thống… đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc. Do vậy việc cung cấp những hiểu biết sâu hơn và có căn cứ về một số vấn đề của ca trù, không những góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết ấy mà còn góp phần vào việc phục hồi và chấn hưng nghệ thuật và sinh hoạt ca trù.

 

Đến tháng 10 năm 2009, Ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể nhưng cần phải bảo vệ khẩn cấp. Đây là một Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn với phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở phía Bắc Việt Nam. Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho Ca trù. Trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội những Ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng và có sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ Ca trù song sức sống của Ca trù hiện nay vẫn chưa phải ở mức cao và vẫn cần phải được bảo vệ hơn nữa để phát triển khả năng tồn tại. Việc duy trì thường xuyên và chất lượng nghệ thuật là vấn đề đặt ra đối với công việc bảo vệ Ca trù. Cần phải nâng cao nhận thức về Ca trù để Ca trù có thêm nhiều công chúng, có vị thế trong xã hội bởi vì đã từng bị quên lãng từ những năm 1950 - 1980. Cần hỗ trợ các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy và khuyến khích những ca nương, kép đàn trẻ học hỏi và tham gia truyền dạy… có như vậy thì trong tương lai môn nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa phi vật thể này mới hy vọng tồn tại và phát triển.

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

Cùng chung tay giữ gìn và phát triển làng Gốm tại Biên Hòa

Đồng Nai được thừa nhận nằm ở một trong những trung tâm của buổi bình minh xã hội loài người ở nước ta. Nơi đây chứng kiến sự hình thành, phát triển của cộng đồng người tiền, sơ sử đến những thế kỷ sau công nguyên, trước khi cư dân Việt đến khai khẩn vào thế kỷ XVI – XVII. Hàng loạt các di tích, di vật khảo cổ học góp phần làm sáng tỏ một nền văn hóa cổ xưa từng tồn tại và phát triển trên vùng đất này.

Bên cạnh những chủng loại hiện vật đa dạng bằng các chất liệu: đồ đá, đồ gỗ thì đồ gốm chiếm số lượng khá nhiều. Điều này cho thấy, các cư dân cổ Đồng Nai trong tiến trình phát triển đã biết chế tác và sử dụng đồ gồm.

Đồ gốm là sáng tạo vĩ đại đầu tiên của loài người ra đời trên thế giới cách nay khoảng mười ngàn năm và ở Đồng Nai – Biên Hòa chí ít cũng dăm ngàn năm. Lúc đầu công năng chính của đồ gốm là để chứa đựng (nước, để dành thức ăn hái lượm được, đựng thóc, bắp làm ra để ăn dần…). Sau đó người tiền sử tô điểm, làm đẹp các sản phẩm gốm bằng nhiều loại hoa văn từ đơn giản đến phức tạp cũng là tô điểm cho cuộc sống tinh thần. Lao động sáng tạo chế tác gốm của con người không giới hạn, từ đồ đất nung thô sơ nhẹ lửa, tiến lên đồ sành men màu giản dị và cuối cùng là đồ gốm đủ màu sắc lung linh quyến rũ. Kiểu dáng phát triển theo hình xoáy trôn ốc, từ dạng cân đối cổ điến tiến lên phá cách dị dạng… tùy theo từng gian đoạn lịch sử.
 

Gốm Biên Hòa được đút bằng khuôn

 

Gốm Biên Hòa được thiên hạ ưa chuộng vì sản phẩm làm bằng tay ở tất cả các khâu tô màu, men, khắc, lộng. Các bình và chậu hoa lớn nhỏ đều xoay tay… Khách tham quan – có nhiều đồng nghiệp gốm sứ Pháp – tận mắt chứng kiến các thao tác khéo léo của nghệ nhân Biên Hòa.

 Công đoạn chấm men trực tiếp lên sản phâm gốm thô

 

Gốm mỹ nghệ Biên Hoà là một thương hiệu gốm lớn nổi danh châu Âu, châu Á từ hồi đầu thế kỷ 20. Năm 1925, các sản phẩm gốm Biên Hòa tham dự cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn như: Nagoya (Nhật Bản - 1937), Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942), Bangkok (Thái Lan - 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia - 1957). Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự tối ưu và Ban tổ chức triển lãm tặng huy chương vàng. Sau đó, ở cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1933, sản phẩm gốm Biên Hòa đã thực sự chiếm được vị trí của mình ở Pháp và thị trường gốm quốc tế. Từ đây bắt đầu cho một thời kỳ hưng thịnh và tiếng tăm của gốm Biên Hòa đến cuối thế kỷ 20.

Đặc trưng của gốm này là sự kết hợp phong cách gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc và gốm Limoge của Pháp

 

Hiện nay, làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng nhất tại Đồng Nai lại đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.

Nguyên nhân do phải cạnh tranh khốc liệt của hàng gốm Trung Quốc, do mai một nghệ nhân vì lớp trẻ không theo nghề…và cả chính sách quy hoạch làng nghề thiếu hợp lý.

Năm 2000, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời làng gốm Tận Vạn và một số cơ sở gốm ở P.Bửu Hoà, xã Hoá An (TP.Biên Hoà) vào cụm gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa). Mục đích là nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống.

Ngoài ra, việc qui hoạch cụm gốm sứ của Tỉnh triển khai quá chậm đã làm mất đi nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp ở trong diện phải di dời đều rơi vào tình trạng làm cầm chừng để chờ quy hoạch. Do đó, kế hoạch đầu tư, xây dựng lâu dài còn đang bỏ ngỏ vì chưa nắm được thông tin cụ thể. Mặt khác, nguồn lao động có tay nghề cao của ngành Gốm ngày càng thiếu hụt do thu nhập không ổn định, người lao động không tha thiết với nghề. Vì vậy, khi tới thời điểm mùa vụ, các doanh nghiệp phải chạy tìm thợ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp khó thực hiện các chế độ lao động theo qui định của pháp luật.

            Để khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề gốm sứ của tỉnh Đồng Nai, rất cần sự góp phần các khuyến công của tỉnh giải quyết mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, chú trọng công tác đào tạo công nhân lành nghề cho làng nghề gốm, đổi mới công nghệ thiết bị, tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp với tình hình mới, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ… phù hợp trong xu thế hội nhập kinh tế của nước ta.

 

Quỳnh Giang

 

 

 

Mộc bản – Mộc Thư khố Việt Nam Những điều ít biết

 

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra thành sách được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến (dưới triều Nguyễn).  Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, những điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử… triều đình đã cho biên soạn và khắc in nhiều bộ chính văn, chính sử để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. Đây là những tài liệu gốc độc bản.

 

Mộc bản Triều Nguyễn

 

Gỗ dùng làm ván khắc mộc bản là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo, gỗ cây nha đồng. Trong đó, gỗ thị và gỗ cây nha đồng được sử dụng nhiều nhất, đây là loại chất liệu hội tụ khá nhiều ưu điểm như mịn, mềm, dai, dễ chạm khắc những hình khối sắc nét và không bị cong, vênh theo thời gian. Thêm vào đó bản thân loại mực dùng để in từ mộc bản này thường có dầu nên chống được mối mọt. Trước khi san khắc loại gỗ này còn được luộc kỹ và xử lý hóa chất để chống co giãn nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt. Đó là lý do khiến cho hàng trăm năm nay, các mộc bản này đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn hình khối với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, độc đáo.

Mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục... Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Chính vì những tính chất quan trọng và giá trị cao mà trong thời kỳ phong kiến và các nhà nước trong lịch sử của Việt Nam đã rất chú tâm để bảo quản những tài liệu này.

Nơi sản sinh ra tài liệu mộc bản là Quốc Sử triều Nguyễn, được hình thành vào năm Minh Mạng thứ nhất tại Huế. Đây là cơ quan công quyền, có nhiệm vụ biên soạn quốc sử, thực lục các triều vua và các sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí…Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Từ năm 1960, Mộc bản triều Nguyễn được chuyển vào Đà Lạt. 

Để chế tác tài liệu mộc bản, Quốc Sử Quán đã phải tuyển nhiều thợ chạm khắc giỏi. Thợ khắc mộc bản được lựa chọn từ các địa phương trong cả nước có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, và kỹ thuật khắc được sử dụng thì hoàn toàn là thủ công. Những chữ được khắc lên mộc bản như chứa đựng tất cả tâm huyết của mỗi người thợ. Mỗi chữ Hán - Nôm trên mộc bản được khắc rất tinh xảo, sắc nét. Mỗi tấm mộc bản không những là một trang tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc sử quán đã biên soạn nhiều bộ sử có giá trị như “Đại Nam thực lục”, “Đại việt sử ký toàn thư”, “Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Minh Mạng chính yếu”, “Hoàng Việt luật lệ” đặc biệt là có những mộc bản khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra còn có nhiều mặt khắc liên quan đến lịch sử văn hóa một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Đến ngày 30/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là "Di sản tư liệu thế giới” đầu tiên của Việt Nam ". Mộc bản – Mộc thư khố triều Nguyễn đã chính thức được đưa vào chương trình "Ký ức thế giới" (Memory of the World Programme) của UNESCO. Hiện mộc bản được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (thành phố Đà Lạt).

 

Đinh Nhài.

 

 

 

 

1 - 10 Tiếp theo