Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Năm, 20/08/2015, 07:55

Mộc bản – Mộc Thư khố Việt Nam Những điều ít biết

 

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra thành sách được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến (dưới triều Nguyễn).  Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, những điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử… triều đình đã cho biên soạn và khắc in nhiều bộ chính văn, chính sử để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. Đây là những tài liệu gốc độc bản.

 

Mộc bản Triều Nguyễn

 

Gỗ dùng làm ván khắc mộc bản là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo, gỗ cây nha đồng. Trong đó, gỗ thị và gỗ cây nha đồng được sử dụng nhiều nhất, đây là loại chất liệu hội tụ khá nhiều ưu điểm như mịn, mềm, dai, dễ chạm khắc những hình khối sắc nét và không bị cong, vênh theo thời gian. Thêm vào đó bản thân loại mực dùng để in từ mộc bản này thường có dầu nên chống được mối mọt. Trước khi san khắc loại gỗ này còn được luộc kỹ và xử lý hóa chất để chống co giãn nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt. Đó là lý do khiến cho hàng trăm năm nay, các mộc bản này đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn hình khối với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, độc đáo.

Mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục... Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Chính vì những tính chất quan trọng và giá trị cao mà trong thời kỳ phong kiến và các nhà nước trong lịch sử của Việt Nam đã rất chú tâm để bảo quản những tài liệu này.

Nơi sản sinh ra tài liệu mộc bản là Quốc Sử triều Nguyễn, được hình thành vào năm Minh Mạng thứ nhất tại Huế. Đây là cơ quan công quyền, có nhiệm vụ biên soạn quốc sử, thực lục các triều vua và các sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí…Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Từ năm 1960, Mộc bản triều Nguyễn được chuyển vào Đà Lạt. 

Để chế tác tài liệu mộc bản, Quốc Sử Quán đã phải tuyển nhiều thợ chạm khắc giỏi. Thợ khắc mộc bản được lựa chọn từ các địa phương trong cả nước có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, và kỹ thuật khắc được sử dụng thì hoàn toàn là thủ công. Những chữ được khắc lên mộc bản như chứa đựng tất cả tâm huyết của mỗi người thợ. Mỗi chữ Hán - Nôm trên mộc bản được khắc rất tinh xảo, sắc nét. Mỗi tấm mộc bản không những là một trang tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc sử quán đã biên soạn nhiều bộ sử có giá trị như “Đại Nam thực lục”, “Đại việt sử ký toàn thư”, “Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Minh Mạng chính yếu”, “Hoàng Việt luật lệ” đặc biệt là có những mộc bản khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra còn có nhiều mặt khắc liên quan đến lịch sử văn hóa một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Đến ngày 30/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là "Di sản tư liệu thế giới” đầu tiên của Việt Nam ". Mộc bản – Mộc thư khố triều Nguyễn đã chính thức được đưa vào chương trình "Ký ức thế giới" (Memory of the World Programme) của UNESCO. Hiện mộc bản được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (thành phố Đà Lạt).

 

Đinh Nhài.

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3207 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày