Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Tư, 14/11/2018, 20:20

Chùa Bửu Phong – Giá trị Văn hóa truyền thống ở Đồng Nai

Vật chất và tinh thần luôn tồn tại song song trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Văn hóa tinh thần được thể hiện dưới nhiều hình thức như: thơ ca, hội họa, âm nhạc, tôn giáo,… Trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bửu Long nói riêng luôn hướng tâm hồn vào chùa chiền, miếu mạo. Và chùa Bửu Phong là một trong những điểm đến tin cậy của người dân vùng đất Bửu Long nói riêng và Biên Hòa – Đồng Nai nói chung.

 Bửu Phong Tự là một trong ba ngôi chùa cổ có niên đại sớm của tỉnh Đồng Nai, nơi minh chứng cho sự hiện diện của người Việt ở đất Đồng Nai từ giữa thế kỷ XVII, trước khi chúa Nguyễn quan tâm đến vùng đất Đàng Trong, có nghĩa là người Việt đã có mặt ở đất Đồng Nai trước khi nhóm khai khẩn Trần Thượng Xuyên đến (năm 1679) hay Thống xuất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phía Nam (năm 1698).

Tương truyền rằng, ngay từ đầu thế kỷ XVII, nhà sư Bửu Phong đã đến vùng núi non cẩm tú (vùng Bửu Long, thành phố Biên Hòa ngày nay) dựng một am tranh đặt tên là Bửu Phong. Sau này, nhà sư Thành trí Pháp Thông được xem là người có công lớn trong việc xây dựng chùa Bửu Phong. Và là một trong những người đầu tiên đưa dòng Lâm Tế của tổ Nguyên Thiều vào hoằng hóa ở Đàng Trong. Vì thế, Bửu Phong Tự là một trong những trung tâm đầu tiên tiếp nhận và truyền bá Phật giáo từ Đàng Ngoài vào, cũng từ đây đạo Phật được truyền đi khắp các tỉnh Nam bộ.

Bửu Phong Tự hay còn gọi là Chùa Bửu Phong, chùa Bảo Phong,… Theo các nhà nghiên cứu, chùa Bửu Phong có lẽ là được xây dựng vào năm Bính Thìn niên 1676, sau chùa Long Thiền (1664) và chùa Đại Giác (1665).

Từ khi xây dựng đến nay, Bửu Phong Tự đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Theo tác giả Lương Văn Lựu trong “Biên Hòa sử lược toàn biên” (quyển II - “Biên Hùng oai dũng”), lần trùng tu thứ nhất là: “năm 1679 một nhóm dân binh Trung Quốc thuộc hạ của Tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên nhà Minh chống Thanh triều thất bại xin tỵ nạn xây cất lại bằng gạch ngói và thỉnh đại sư chùa Hoàng Long, hiệu Thành Chí đến trụ trì và tôn là tổ khai sơn”. Ngược dòng lịch sử chúng ta sẽ thấy, chùa Bửu Phong đã trùng tu thêm nhiều lần nữa:

 Năm 1829, Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm đã tổ chức xây cất mở rộng ngôi chùa.

Năm 1869, hoà thượng Pháp Truyền tự là Chơn Ý tu sửa lại nhà thờ tổ, giảng đường, trang trí lại nội thất, chạm khắc lại các bức hoành phi, liễn đối.

Năm 1944, hoà thượng Huệ Quang trụ trì lợp lại mái ngói chánh điện, mở rộng hậu đường, xây dựng liêu phòng ni phái tách biệt với nhà dưỡng tăng.

Năm 1963, Yết Ma Thiện Giáo trang trí lại giảng đường và xây đài Quan Thế Âm trước chùa.

Năm 1964, Đại lão hoà thượng Tăng thống Huệ Thành xây thêm đài Tam Thế Phật trên cụm tảng đá thiên nhiên xếp chồng lên nhau ở phía bên trái của ngôi chùa và điện Linh sơn thánh mẫu.

Vào các năm 1986, 1989 Ni sư Huệ Hương trụ trì cho làm mới hệ thống cửa ra vào phía Nam chùa, trang trí lại toàn bộ hệ thống hoành phi, liễn đối, bao lam, hương án, bệ thờ, xây cất tượng phật bà Quan âm, tượng Di lặc, xây dựng mới Tịnh thất thờ Xá lợi Phật,…

Năm 2009, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, sự xâm hại của mối mọt và rêu mốc lên hệ thống các cấu kiện gỗ, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai thực hiện tu bổ tôn tạo các hạng mục nhà giảng, điện phật nhập niết bàn,…

Lần cuối cùng là vào năm 2013, do nhà tăng và giảng đường bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống mái nhà chịu lực kém, ngói bị trôi dạt, nứt vỡ nên hiện tượng thấm, dột vào mùa mưa ảnh hưởng đến các hiện vật gốc của di tích. Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tu bổ, tôn tạo hạng mục nhà tăng và nhà giảng.

Qua những đợt trùng tu, kiến trúc chính của chùa Bửu Phong không những được gia cố, bảo tồn và nhiều hạng mục kiến trúc được xây dựng, mở rộng. Từ kiến trúc kiểu chữ Tam gồm chánh điện, giảng đường và nhà thờ tổ, sau nhiều lần trùng tu, chùa chuyển thành kiểu kiến trúc chữ Đinh do thêm nhà dưỡng tăng, nhà khách, nhà bếp, nhà cốt, miếu bà chúa xứ, hệ thống thờ trong khuôn viên, đường nội bộ,… và các bảo tháp bên hông chùa.

Phía bên hông và sau chùa có rất nhiều Bảo tháp. Bảo tháp đa phần là theo lối kiến trúc lục giác hoặc vòng tròn. Được xây dựng rất kiên cố và thẩm mỹ. Trên các cạnh của Bảo tháp thường được trang trí bằng các hoa văn từ đơn giản đến cầu kỳ. Trên đỉnh của Bảo tháp là hình bông sen hay là các Bảo tháp nhỏ xếp trồng và hình quả bầu hồ lô ở trên cùng. Ở mỗi góc tường bao quanh bảo tháp là hình nụ sen được xây cất rất công phu. Vật liệu xây cất chủ yếu là hợp chất, đá ong, số ít là gạch thẻ tô vôi. Bảo tháp mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt, là chốn an nghỉ vĩnh hằng cho các tổ sư sau khi đã từ trần. Vì vậy, con người vô cùng tôn kính và dùng hết tài năng để xây dựng nên những tòa Bảo tháp tuyệt đẹp.

Nghệ thuật trang trí chùa Bửu Phong tập trung nhiều ở mặt chính diện như một đặc điểm riêng biệt, nổi bật mà các ngôi chùa khác ở Đồng Nai không có. Với đề tài phong phú, bằng nghệ thuật ghép sành sứ độc đáo thường thấy ở công trình kiến trúc cổ ở Huế đã làm cho kiếm trúc chùa mang một phong thái khác lạ. Bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, đề tài trong kiến trúc trang trí của chùa Bửu Phong luôn thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nuôi trồng và đánh bắt thuận lợi, cầu cho quốc thái, dân an, cuộc sống thịnh vượng, giàu sang, phú quý, tài lộc nhưng thanh tao, bình dị,…

Phía trước cửa chùa Bửu Phong, dưới chân núi là cánh đồng xanh mượt. Phía sau chùa có sông Đồng Nai uốn khúc. Bên trái có đá Thanh Long (còn gọi là Hàm Rồng), bên phải có hang Bạch Hổ và đài Tam thế Phật. Xung quanh chùa có nhiều cây cối mọc um tùm, rậm rạp. Nhiều tảng đá to nhỏ tạo hình kỳ dị. Tảng nhỏ có hình như voi, thấp như rùa, cá và nhiều pho tượng lộ thiên khá lớn. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đã tạo cho chùa một không gian cách biệt, thoáng đãng, thanh tịnh.

Đặc biệt, giếng nước phía sau chùa do vua Gia Long cho đào để lấy nước sử dụng trong thời gian trốn chạy do quân Tây Sơn đến nay vẫn còn. Ngoài ra, Chùa còn giữ lại nhiều bình hoa, chén, đĩa, bát nhang cổ từ đời Thanh và một số tượng Phật nhỏ bằng đồng.

Không chỉ như vậy, hệ thống tượng thờ trong chùa Bửu Phong vô cùng phong phú và đa dạng: Bộ tượng Tam thế phật được tạc trong tư thế ngồi niết bàn, đặt ở vị trí cao nghiêm nhất, luôn được các phật tử tôn kính ; Bộ tượng Di đà Tam Tôn gồm: tượng Đức Phật A Di Đà ngồi chính giữa, tượng trưng cho sự sáng suốt – tức là Trí ; Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng trưng cho tình thương yêu muôn cứu khổ chúng sinh – tức là Bi ; Đại Thế Chí Bồ Tát, tượng trưng cho sức mạnh của ý chí – tức là Dũng. Thờ Di Đà Tam Tôn còn có nghĩa là giúp con người phát triển ba đức tính đại trí, đại bi, đại dũng của đức Phật.

Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, trong chùa Bửu Phong còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần. Cứ mỗi độ rằm, ba mươi, mùng một, lễ tết, lễ Vu lan báo hiếu, lễ Phật Đản,… chùa tổ chức nghi thức cúng lễ, luôn mở rộng của đón tăng ni, phật tử, du khách đến với chùa gửi gắm tâm tư, tình cảm vào Phật pháp. Ngoài những nghi thức cúng lễ trên, các cao tăng trong chùa còn cúng cầu siêu cho những người đã mất, cúng giải hạn đầu năm, cúng cầu an,…

Ngày nay, chùa Bửu Phong không chỉ truyền bá Phật pháp mà còn góp phần lưu giữ nét đặc sắc về kiến trúc đình chùa trong văn hóa dân tộc; đồng thời là địa chỉ tham quan, du ngoạn, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, trong những năm qua, phát huy chánh pháp giáo lý từ bi, bác ái của đạo Phật, các tăng ni, phật tử trong chùa đã tích cực tham gia nhiều phong trào từ thiện – xã hội như: cứu trợ nạn nhân bị thiên tai lũ lụt trong và ngoài tỉnh, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo trong những ngày lễ, tết ; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo ; thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân nghèo ; nuôi nhiều trẻ em lang thang và người già neo đơn không nơi nương thân ; tổ chức đãi cơm chay miễn phí vào những ngày lễ lớn như Rằm tháng riêng, Rằm tháng bảy, Rằm tháng mười,…

Bằng những việc làm cụ thể ấy, chùa Bửu Phong đã không ngừng quảng kết thiện duyên với mọi người dân vùng đất Bửu Long nói riêng và Biên Hòa – Đồng Nai nói chung. Người dân được quan tâm, giúp đỡ sẽ luôn tin vào tính từ bi trong Phật pháp. Đồng thời, góp phần giáo dục thế thế trẻ trong tương lai học tập, tích cực làm nhiều việc thiện, góp phần lớn vào việc phát triển văn hóa truyền thống của tỉnh Đồng Nai.

Với nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể, cùng với nhiều hoạt động tác động tích cực của chùa với cộng đồng xã hội ấy. Tháng 4 năm 1991 Chùa Bửu Phong vinh dự được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia. Hy vọng, mỗi người con của vùng đất Đồng Nai sẽ có nhiều dịp để thưởng ngoạn không gian văn hóa, nghệ thuật trong chùa Bửu Phong hơn nữa.

 

Đào Thanh tổng hợp

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2379 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày