|
30/08/2024
Quý bạn đọc thân mến!
Trần Trà My, sinh năm 1986, tại Đông Hà, Quảng Trị. Cô là nhà văn khuyết tật. Nguyên nhân dẫn đến sự khiếm khuyết này là do một lần My bị sốt cao, gây co giật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương khớp của cô. Chân của My bị liệt, các ngón tay cũng không hoạt động được, chỉ có 1 ngón tay bình thường. Dáng người nhỏ bé, yếu ớt, bước đi khó khăn và đặc biệt giọng nói không được tròn vành rõ chữ. Tuổi thơ của cô bé My là những ngày ngập nước mắt vì không được vui chơi như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng càng lớn, Trần Trà My càng hiểu hơn chuyện đời. Cô sống lạc quan, vui vẻ. Suốt 13 năm ở một mình tại TP. Hồ Chí Minh, cô tự làm việc bằng cách viết sách để kiếm sống.
Năm 2020, Trần Trà My là một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Trung ương Hội LHTNVN phối hợp Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam khen thưởng trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
“Tin vào điều tử tế” là cuốn sách thứ tư của nhà văn có số phận đặc biệt này.
“Điều gì đang xảy ra với tất cả mọi người? Những người tử tế đang ở đâu? Điều tử tế có phải là khó kiếm nhất hay không?”
Đó là những câu hỏi đầu tiên mà Trà My đặt ra khi xem một phóng sự trên truyền hình vào cuối năm 2013, về vụ án “cậu Thủy” - kẻ giả danh các nhà ngoại cảm để đi lừa hàng ngàn thân nhân liệt sĩ tìm mộ người thân đã hy sinh. Vừa coi, cô vừa khóc tức tưởi như thể chính mình cũng là nạn nhân vậy!
Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra trong trạng thái cảm xúc với My khi ấy, và một bài báo mang tên “Người tử tế đâu rồi” lập tức được thành hình chỉ viết bằng 1 ngón tay. Ngay sau đó, bài viết này được đăng báo rồi các trang mạng dẫn lại với tốc độ lan truyền khủng khiếp.
Một xã hội không hề vô cảm với nỗi đau và luôn tìm kiếm sự sự tử tế được lộ diện trong từng lát cắt. Chính vì thế, điều này đã là niềm an ủi cho Trần Trà My và tất cả những ai đang mang đầy đủ tính thiện và lương tri yêu thương.
Ngồi đọc các bình luận của mọi người trên diễn đàn, Trần Trà My được tiếp cận với rất nhiều câu chuyện. My trăn trở và nghĩ bản thân phải có trách nhiệm viết điều gì đó trong 1 cuốn sách.
Thế là, Trà My đã di chuyển tới rất nhiều nơi trên khắp đất nước, với sự trợ giúp của cây nạng, để tìm chất liệu tạo nên cuốn sách của mình. My phỏng vấn rất nhiều nhân vật, quan sát những vấn đề theo cô là “nổi cộm” của xã hội và bắt đầu chắt lọc lại. Năm 2020, cuốn sách hoàn thành trọn vẹn, được Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh in ấn và phát hành.
Với độ dày gần 200 trang in trên khổ giấy 12 x 19cm, sách tập hợp những câu chuyện “dậy sóng” trong dư luận. Qua những chuyến đi trải nghiệm, gặp gỡ phỏng vấn những nhân vật có thật trong cuộc sống từ những vấn đề tích cực lẫn tiêu cực, Trần Trà My đã viết nên những câu chuyện ấy bằng cả trái tim, để từ đó mong muốn mọi người xung quanh luôn có những cái nhìn tốt đẹp trong xã hội.
Nội dung sách được chia thành 3 phần: Hai phần đầu có tựa đề “Tin vào điều tử tế” và “Chùm chuyện mini: Li ti chuyện đời”, và Phần 3: Đồng cảm và chia sẻ. Là những dòng tâm sự, những cảm nhận về tác giả, về cuốn sách của những người đã gặp, trò chuyện và làm việc với Trà My, như Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, Nhà biên kịch Khánh Thương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ACM Holding Nguyễn Trung Kiên…
Bằng lối viết ngắn gọn súc tích, mộc mạc và có đôi chút thẳng thắn, những câu chuyện có thực được khuấy lên từ góc nhìn của 1 cô gái khuyết tật nhưng chứa đầy nghị lực vượt khó, đã giúp tác phẩm “Tin vào điều tử tế” mang ý nghĩa giáo dục lớn lao.
42 bài viết ở phần 1 và phần 2 là những câu chuyện xảy ra trong xã hội không chỉ được Trà My nghe và đọc, mà còn bao gồm cả những câu chuyện cô chứng kiến trong hành trình đi góp nhặt những điều tử tế trên khắp đất nước Việt Nam. Chuyện “Cướp tiền ở Quận 3, nạn nhân chỉ được những người đi đường trả lại 30,5 triệu trên tổng số tiền 50 triệu đô”; câu chuyện về bạo hành chú bé Hào Anh; chuyện về sự tử tế trong kinh doanh với vụ án con ruồi trong chai nước Number One, về những việc làm của các nghệ sĩ trong thế giới showbiz, v.v… Tất cả được phản ánh qua những trang sách của Trà My. Thế nhưng điều được nêu ra ở đây, không phải để phê phán, mà quan trọng hơn cả là giá trị nhân văn chứa đựng trong tập sách. Chính vì vậy mà cuốn sách đã khiến độc giả trên khắp cả nước đón nhận với gần 7.000 cuốn được bán ra chỉ sau 6 tháng xuất bản.
Quan niệm: Ai không một lần vấp ngã, ai cũng có mầm thiện trong tâm hồn, cho dù là phạm nhân đang chịu án phạt tù. Quan trọng là chúng ta biết tưới nước, vun trồng, cho mầm thiện ấy ánh sáng để phát triển. Không ai sinh ra trên cõi đời này đều là người xấu cả. Chẳng qua họ đang dần quên đi bản chất thật của mình. Và khi họ quên đi bản chất thật của mình thì cũng đồng nghĩa với việc họ không tin vào điều tử tế, tin vào con người, tin vào xã hội. Vậy để xua tan những yếu tố tiêu cực, cổ vũ cho những hành động tử tế, để nó được tiếp tục “nhân giống”, khơi dậy bản chất thật là biết hướng thiện, biết yêu thương, biết quan tâm nhau, chúng ta hãy “tưới nước” vào những hạt mầm tử tế đang còn nằm lẩn khuất đâu đó trong mỗi con người, để một ngày trong tương lai gần chúng ta cùng gặt hái được một vụ mùa tốt lành cho trái tim. Những câu chuyện đơn lẻ nhưng giàu sức truyền cảm. Những mẩu truyện ngắn vài trăm chữ nhưng đầy sức nặng về sự thấu hiểu luật nhân quả - đã khiến cuốn sách của Trà My chạm đến trái tim của người đọc, truyền cảm hứng cho mọi người.
Đọc “Tin vào điều tử tế” để nhận ra rằng: Mỗi chúng ta phải không ngừng nỗ lực, hãy cố gắng thực hiện bằng được ước mơ, hoài bão của mình. Luôn luôn tin vào điều tử tế, bởi niềm tin vào những điều tử tế sẽ khiến con người thêm xích lại gần nhau.
Đọc “Tin vào điều tử tế” cho chúng ta một cảm giác bình yên và trong sáng đến lạ thường. Mỗi câu chuyện là một bài học, người đọc có thể tìm thấy mình trong đó.
Đây là một tác phẩm thực sự cần cho giới trẻ với những tâm hồn mong manh trong xã hội đang dần bị những cám dỗ lôi cuốn như hiện nay, nó giống một đốm lửa “thổi” bùng vào lớp trẻ những luồng thông điệp ý nghĩa, khuyến khích các bạn trẻ sống đẹp và sống có ích cho cộng đồng xã hội.
Đọc tác phẩm, bản thân mỗi chúng ta sẽ thấy rằng: trong xã hội, người tốt, việc làm tốt hiển hiện rất nhiều, chỉ cần để ý một chút, lắng lòng một chút là chúng ta cảm nhận ra ngay. Những cung bậc cảm xúc, suy ngẫm rất thực, của cô gái bé nhỏ đã khiến chúng ta như được truyền thêm một sức mạnh và niềm yêu sống lớn lao.
“Cuộc đời bạn đi hai chân hay sáu chân không quan trọng, mà quan trọng bạn có dám đi đến ước mơ của bạn hay không”. Câu nói của Trà My như thắp lửa trong tim mỗi người, tạo động lực để chúng ta không ngừng nỗ lực phấn đấu trong công việc, trong cuộc sống, hướng tâm hồn người đọc đến các giá trị chân – thiện – mỹ để tiếp tục gieo trồng và không ngừng nhân lên những “hạt mầm tử tế” góp phần làm cho vườn hoa “tử tế” trong xã hội luôn luôn khoe sắc, ngát hương.
Nguyễn Sen 17/07/2024
Quý bạn đọc thân mến!
Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới… tất cả đã lùi xa, nhưng những tấm gương anh hùng, lẫm liệt của các anh, các chị, của các tập thể Thanh niên xung phong sẽ mãi còn khắc trong ký ức của bao thế hệ, sẽ mãi còn bất tử trong truyền thống đánh giặc ngoại xâm gian lao mà anh dũng của dân tộc.
Sẽ mãi còn đó những công trường Đại thủy nông Nậm Rốm, Điện Biên; những con đường hạnh phúc; Đường 20 Quyết thắng; Tuyến đường 1C… Sẽ mãi còn đó những ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám Cô…, những Cua chữ A, ngầm Tà Lê, Đồi Cha Quang…
Và có thể nào quên những cô gái và chàng trai đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi căng tràn nhựa sống giữa đạn nổ, bom rền, máy bay gầm rú vẫn bình tĩnh lái xe gạt, ủi hất bom xuống vực sâu rồi bình thản gạt, ủi tiếp hàng vạn mét khối đất đá để san lấp ố bom, san đường, thông xe.
Có thể nào không tự hào, không nghẹn ngào khi chứng kiến những cảnh bi tráng ca: Đó là cảnh cả Đại đội nghẹn ngào làm lễ truy điệu sống cho những tổ cảm tử lao ra trọng điểm phá bom với ý chí “máu chúng ta có thể đổ nhưng đường không thể tắc”. Đó là cảnh cả một vùng rừng núi tan hoang vì B52 rải thảm, nhưng giữa vùng trọng điểm, người này ngã xuống, người khác lại xông lên, cả đơn vị không nhụt ý chí, quyết đưa cả đoàn xe vượt qua túi bom. Và đây nữa, trong lửa và dày đặc bom rơi, cả đơn vị vẫn “quyết chiến” không để tắc đường, rồi bom lại đội xuống, cả nửa quả đồi đổ sụp, trùm lên các anh, các chị. Nước mắt nhòa trong máu, vẫn phải san đường cho cả đoàn xe vượt qua… bên dưới là thi thể các anh, các chị chưa kịp đưa lên…
Có nơi đâu trên trái đất này, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại kết tinh kỳ lạ, rung động, thăng hoa và vĩ đại đến thế không? Họ đấy, 37 anh chị em Thanh niên xung phong anh hùng, 37 tập thể Thanh niên xung phong anh hùng đã được Đảng, nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Họ đã qua đi những năm tháng hào hùng đầy gian khổ, dã đổ biết bao mô hôi, công sức, trí tuệ, biết bao máu xương để mở những tuyến đường và lặng lẽ những nhận về phần mình những thiệt thòi, những mất mát không dễ gì bù đắp nổi. Và họ đã trở thành bất tử!
Quý bạn đọc thân mến!
Được truyền tải qua gần 500 trang sách khổ giấy 21 cm, do nhà xuất bản Thanh niên in ấn và phát hành, toàn bộ nội dung chứa đựng trong tác phẩm Những tấm gương anh hùng của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam là những bài viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của các anh các chị như: Liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu kiên cường, sáng tạo phá bom nổ chậm; Nguyễn Thị Hồng Mùi vì nhân dân quên mình, vì đồng đội hy sinh; Liệt sĩ Lê Trung Kiên lập công vẻ vang, hy sinh anh dũng; Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp chiến đấu dũng cảm nghị lực phi thường… Sau mỗi bài viết, bạn đọc sẽ thấy đất nước quê hương mình đã có những người con, người anh hùng kiên trung, bất khuất hy sinh cả cuộc đời mình cho tổ quốc, quê hương. Họ không chỉ giàu lòng yêu nước mà còn là người chiến sĩ cách mạng, người biệt động quả cảm, kiên cường, dũng cảm, hy sinh, sống có tình có nghĩa, có tinh thần lạc quan, yêu đời; họ mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ tự hào, học hỏi, phát huy tinh thần xung phong - tình nguyện của thế hệ cha anh, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai! Rất hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc!
05/07/2024
Quý bạn đọc thân mến!
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, đất nước Việt Nam nói chung và nhân dân xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nói riêng giờ đây đã rạng ngời trong hòa bình và phát triển. Công nhân ổn định việc làm, học sinh đủ trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học, trạm xã đủ thuốc và thầy thuốc cho sức khỏe, đường sá thuận tiện cho việc đi lại, thông tin đến với từng nhà, không còn hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo, nhiều người khá giả, đảng bộ, chính quyền, đoàn thể thực sự do dân, vì dân…
Có được những thành tựu nói trên là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ của nhiều lớp người trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Thế nhưng để thế hệ sau biết và hiểu được chặng đường đầy gian khổ, khó khăn, về con người và cuộc sống của thế hệ cha anh đi trước của quê hương Bình Sơn trong những giai đoạn khốc liệt mà cũng đầy tự hào, vẻ vang này, có lẽ phải kể đến đồng chí Huỳnh Minh Cường – Một nhân chứng lịch sử, người đã chứng kiến và tham gia hoạt động cách mạng trong cả 2 giai đoạn chiến tranh thời bấy giờ.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông đã ghi chép lại những dấu ấn của lịch sử năm xưa để tuổi trẻ hôm nay và mai sau có thể hình dung được chặng đường đấu tranh, dựng xây và bảo vệ tổ quốc. Những sự kiện, những hình ảnh và cả một câu chuyện dài đau thương có, mất mất có nhưng không kém hào hùng và vẻ vang được ông tập hợp trong tác phẩm: Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ. Sách do nhà xuất bản Đồng Nai in ấn và phát hành năm 2008.
Quý bạn đọc thân mến!
Đồng chí Huỳnh Minh Cường, sinh năm 1932, nguyên quán Phước Long, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ít học, đông con (với 7 anh chị em), ruộng vườn thì thiếu.
Trước năm 1945, ông có 1 mái ấm gia đình êm ả với xóm làng. Sau mùa thu 1945 lịch sử, do thực dân Pháp tái chiếm miền Nam, mọi người, mọi gia đình đều hút theo không khí nam bộ kháng chiến. Cuộc sống kháng chiến nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều đau thương, mất mát. Gia đình ông bắt đầu với chuỗi ngày gian nan, lận đận.
Năm 1946 mẹ ông mất do bạo bệnh. Năm 1947 ba ông cũng ra đi do nghịch cảnh của chiến tranh. Từ đó anh chị em ông sống trong tình trạng mồ côi cha mẹ và cùng sống, chắt chiu, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh chung của cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi ông tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, cái tuổi mà đối với ông chưa hiểu gì về lòng yêu nước, về cách mạng hay lòng căm thù giặc nhưng với sự hướng dẫn, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của các cô chú Việt Minh, năm 17 tuổi ông đã trở thành một trong số cán bộ cách mạng.
Được gói gọn qua 14 trang sách khổ giấy 13 x 19 cm, những thông tin về gia đình, bản thân và hoàn cảnh đưa ông đến với con đường cách mạng được phác họa rõ nét. Không chỉ vậy, ở phần đầu này của tập sách, người đọc còn được thấy, được cảm nhận sự kiên cường của ông, của những người tù chính trị đã bị địch tra tấn trong những tháng ngày bị giam cầm ở các nhà lao: Chí Hòa, Gia Định, Phú Lợi khủng khiếp, đau đớn đến nhường nào. Từ đó càng khâm phục ý chí chiến đấu, trân trọng và biết ơn vô hạn đến những người đã hy sinh cả tuổi xuân, hy sinh tính mạng mình để bảo vệ quê hương, bảo vệ đồng đội, bảo vệ nhân dân.
Khép lại phần thứ nhất, lật giở những trang tiếp theo, từ trang 15 đến trang 46 là nội dung phần 2 của tập sách. Phần này chứa đựng câu chuyện về những năm tháng ông sống với phong trào công nhân cao su Bình Sơn. Từng nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Cao su, của chi bộ cao su Bình Sơn đặt ra để đối phó các âm mưu, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt của địch cũng như vai trò và hình thức tổ chức, hình thức đấu tranh linh hoạt của Đảng bộ Bình Sơn lãnh đạo nhân dân chống Mỹ… được đồng chí Huỳnh Minh Cường kể lại thật chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó còn là tình cảm quý giá của những người công nhân đồn điền ở Bình Sơn đối với cách mạng. Họ không chỉ đóng góp vật chất với phong trào “hũ gạo nuôi quân” trong công nhân được phát động sôi nổi, mà còn đóng góp cả nguồn nhân lực. Từ đầu kháng chiến chống Mỹ đến năm 1974, toàn Bình Sơn có 165 gia đình là cơ sở cách mạng, 196 thanh niên tòng quân nhập ngũ, 6.200 giạ gạo đã đóng góp nuôi bộ đội, tham gia hàng trăm cuộc đấu tranh chính tri, binh vận, mở được cửa khẩu tổ chức mua bán lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống kháng chiến… Tất cả những đóng góp lớn lao ấy được tổng kết lại và thống kê đầy đủ ở trang 43- 44 của tập sách.
Phần 3, cũng là nội dung chính cuối cùng của tập sách với tựa đề Những mẩu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn kể về con người và những tấm lòng: Về việc lực lượng cách mạng ta kết hợp hình thức trên - dưới, trong - ngoài đánh địch phá thế kềm kẹp, mở rộng vùng hoạt động; Về sự kiên trì, mưu trí, dũng cảm đánh địch trong lòng địch. Bên cạnh đấu tranh trực diện với địch, công nhân, bà con Bình Sơn còn linh hoạt, sáng tạo, khoét sâu mâu thuẫn trong lòng địch, dùng lý lẽ sắc bén, khôn khéo vạch tội ác của ngụy quân, ngụy quyền bằng đạo lí làm người: “Xét cho cùng, mấy ông cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cũng sinh ra lớn lên ở mảnh đất này, cũng bú sữa những bà mẹ Việt, vậy mà mấy ông nỡ đi theo người của ngoại bang Mỹ - Thái, muốn phơi thây bêu xác người Việt mình”.
Lại có khi dựa vào chính những khẩu hiệu tuyên truyền của địch để phản bác lại hành động của chúng: chẳng hạn như việc Mỹ đóng đồn điền cao su, các đồng chí cán bộ cách mạng đã kiến nghị rằng: “Bên quốc gia hay nói ra rả trên báo, trên đài rằng, luôn chăm lo đời sống cho dân, làm cho dân có ruộng cày… nhưng sự thật chúng tôi không có ruộng đất gì, chỉ biết cạo mủ, nay sở lại đóng cửa, dân tôi lấy gì mà sống? Nếu thực quốc gia lo cho chúng tôi có công việc làm ăn thì hôm nay chúng tôi đâu có ngồi đây… nhờ các ông can thiệp để cho người dân có công ăn việc làm, thực hiện đúng lời nói của quốc gia đã nói.” Những lí lẽ thuyết phục của đồng bào, buộc địch thay đổi thái độ.
Quý bạn đọc thân mến!
Ngày nay, những con người trong cuốn sách, có người còn vui vầy cùng con cháu, cũng có người đã ra đi nhưng tấm lòng của họ sống mãi với mảnh đất Bình Sơn thấm đượm máu xương và tình người.
Năm tháng của lịch sử đã đi qua, nhưng những sự kiện xảy ra ngày ấy, những câu chuyện về quân dân Bình Sơn năm nào đã được lưu dấu trong những trang hồi ký của đồng chí Huỳnh Minh Cường.
Đọc “Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ”, để hiểu về một Bình Sơn gian khổ, kiên cường. Từ đó, chúng ta càng thêm trân trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn!” “Ăn trái nhớ người trồng cây”, vui cuộc sống hôm nay, không thể quên xương máu, nước mắt, mồ hôi của những người đã chịu thiệt thòi, mất mát, hy sinh trong chiến tranh.
Đọc “Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ” để thấm thía, tự hào, để chọn cách sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của xã Bình Sơn anh hùng nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung, từ đó chung sức chung lòng góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai, trân trọng giới thiệu và hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc!
https://www.youtube.com/watch?v=QCQmZMgkdTk
Nguyễn Sen
21/06/2024
Tác giả Võ Thị Mai Chi là cộng tác viên thường xuyên của báo Nhi đồng, Khăn quàng đỏ, Rùa vàng, Ngôi sao nhỏ… Chị đã xuất bản nhiều đầu sách dành cho thiếu nhi như: Tủ sách kỹ năng chăm sóc bé; Khi con giận dỗi, Anh em, Giấc ngủ, Phép màu tự đứng lên, Nhà sáng chế tí hon. Cùng với tác giả Võ Thị Mai Chi, còn có họa sĩ Hồ Quốc Cường - một người đam mê vẽ truyện tranh đã góp phần làm phong phú, sinh động thêm cho cuốn sách “Đất nước gấm hoa - Atlas Việt Nam” bằng những hình vẽ ấn tượng.
Với 169 trang, cuốn sách được chia theo 7 phân vùng địa lý gồm 63 tỉnh, thành trực thuộc. Ở mỗi vùng miền, tác giả đã khái lược về diện tích, văn hóa, ẩm thực đặc trưng nhất, tạo ấn tượng trực quan giúp người đọc dễ nhớ. Từ miền núi cao phía Bắc với ruộng bậc thang, cao nguyên đá Đồng Văn đến Hà Nội ngàn năm văn hiến; từ miền biển đảo đến vùng sông nước Cửu Long... Tất cả tạo nên những giá trị vừa khác biệt vừa hòa quyện trong văn hóa Việt Nam. Bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp, từng trang sách của “Đất nước gấm hoa” sẽ cho chúng ta thấy sự đa dạng và đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc anh em được trao truyền, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Những dấu ấn của lịch sử, tinh hoa văn hóa đúc kết từ bao đời được thể hiện qua nhiều khía cạnh gần gũi trong cuộc sống, từ ẩm thực, trang phục dân tộc, loại hình nghệ thuật, lễ hội dân gian đến các hình thức canh tác đặc trưng, kiểu xây nhà truyền thống… Trong đó, có những di sản văn hóa được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…
Bên cạnh những giá trị tổng hợp và bao quát về nội dung, phần tranh minh họa giúp cho người đọc cách tiếp cận trực diện, nắm bắt thông tin, kiến thức bằng hình ảnh trực quan sinh động. “Đất nước gấm hoa” trong sách tranh thuần Việt không chỉ có cảnh sắc văn hóa - lịch sử - con người mà còn chứa đựng rất nhiều câu chuyện kể mang tính nhân văn về thế giới tự nhiên và muôn loài, trong những bối cảnh gần gũi, thân thuộc cùng những câu chuyện lịch sử gắn với các vị anh hùng, các di tích lịch sử của dân tộc… để góp phần xây đắp niềm tự hào, đồng thời truyền tải thông điệp nhẹ nhàng về ý thức bảo vệ, bảo tồn cho cộng đồng.
Với ngôn từ súc tích, thể hiện bằng hình thức infographic cùng hình ảnh sống động, thú vị thu gọn trong gần 200 trang sách, cuốn sách “Đất nước gấm hoa” được xem như một cẩm nang khám phá nhanh qua 63 tỉnh thành trên cả nước với những nét độc đáo riêng của từng vùng đất, giúp bạn đọc tiếp cận và bổ sung thêm nhiều thông tin mới cùng những điều thú vị của quê hương, đất nước Việt Nam.
11/06/2024
Sách do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in ấn và phát hành, tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn”.
Những nội dung cốt lõi của tác phẩm:
1.1. Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Khẳng định bước phát triển về tư duy lý luận của Đảng về đối ngoại trong công cuộc đổi mới đất nước dựa trên sự kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phù hợp với quy luật phát triển, các xu thế lớn trong sự vận động của quan hệ quốc tế. Đặc biệt, tập trung làm sáng tỏ “bản sắc đối ngoại “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
- Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng nhất để phát huy hiệu quả và sức mạnh tổng hợp của đối ngoại. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu nổi bật trong từng thời kỳ, khẳng định đối ngoại đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Đồng thời, nhấn mạnh 05 bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tiễn triển khai để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
- Làm rõ bối cảnh thời đại, những yêu cầu đặt ra và 06 nhiệm vụ chủ yếu của công tác đối ngoại, ngoại giao trong giai đocạn mới. Khẳng định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng là nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
1.2. Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
- Khẳng định đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước. Khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; sự triển khai đồng bộ, hiệu quả, không ngừng mở rộng, làm sâu sắc mối quan hệ với các nước. Trong đó, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng.
- Khẳng định vị thế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các đối tác trong tất cả các lĩnh vực, cũng như sự đóng góp của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
1.3. Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao
- Đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những thành tựu đối ngoại nổi bật, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Khẳng định giá trị thời đại của trường phái đối ngoại mang bản sắc “cây tre Việt Nam” cũng như phong cách ngoại giao đặc sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
- Nhấn mạnh sự ủng hộ và đồng thuận to lớn của Nhân dân đối với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, thể hiện sự kính trọng, tình cảm trân quý và sự tri ân sâu sắc, dưới góc nhìn đa dạng, nhiều chiều của cán bộ, Nhân dân đối với đồng chí Tổng Bí thư.
- Khẳng định mong muốn của các nước đối tác, bạn bè quốc tế về việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối ngoại song phương với Việt Nam và sự ủng hộ chân thành đối với mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn 2045.
Giá trị của tác phẩm
Tác phẩm là tài liệu nghiên cứu quý giá về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, đã hệ thống hóa, khái quát hóa các chủ trương, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương thức triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Nội dung của tác phẩm là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tác phẩm khẳng định thành tựu, ý nghĩa lịch sử và vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Làm sáng tỏ sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”; chỉ rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại trong tình hình mới. Tác phẩm là cuốn cẩm nang giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, CB, ĐV, nhất là cán bộ làm công tác đối ngoại, nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Tác phẩm góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật của thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm phá hoại mối quan hệ đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai. Trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc!
08/03/2024
Quý bạn đọc và các em thiếu nhi thân mến!
Bất cứ ở lĩnh vực nào - từ chính trị đến văn học, từ âm nhạc đến khoa học, phụ nữ đều tạo dấu ấn cho riêng mình. Những đóng góp dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít của họ cũng đã biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Chính nhờ những cống hiến thầm lặng của các bà, các mẹ, các chị em trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chúng ta mới có được một cuộc sống như ngày hôm nay.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cùng các em thiếu nhi tác phẩm: “20 Người phụ nữ phi thường làm thay đổi thế giới”. Đó là những gương mặt tiêu biểu có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới ở tất cả các lĩnh vực, và họ đã trở thành biểu tượng nữ quyền.
Được trình bày qua 89 trang sách, khổ giấy 26 x 23 cm, tập sách “20 Người phụ nữ phi thường làm thay đổi thế giới” do tác giả Rosalba Troiano biên soạn, đã kể lại câu chuyện về cuộc đời của 20 cô gái không có xuất phát điểm xuất sắc nhưng đã tự trau dồi và rèn luyện để trở thành những người phụ nữ phi thường. Đó là:
Emmeline Pankhurst
Emmeline Pankhurst không phải là người phụ nữ đầu tiên đấu tranh đòi quyền bầu cử cho giới mình, càng không phải là người một người tạo lập sự công bằng trong chính sách bầu cử của một quốc gia, nhưng bà đã dành gần như trọn đời mình cho quyền bầu cử của phụ nữ thì chỉ có bà là duy nhất.Bà Emmeline Pankhurst cũng nổi tiếng với những chiến lược đấu tranh dành quyền được hưởng quyền lợi ngang nhau trong bầu cử cho phụ nữ ở nước Anh.
Marie Curie
Nhà vật lý học, nhà hóa học Pháp gốc Ba Lan, nổi tiếng trên thế giới về việc nghiên cứu chất phóng xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Năm 1922, bà được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp. Cùng năm này, Ủy ban Quốc tế hợp tác tri thức của Hội Quốc liên tại Geneve bầu bà làm Phó chủ tịch của tổ chức. Bà đã cống hiến cả sinh mạng cho khoa học.
Malala Yousafzai
Sinh ra ở Pakistan, Yousafzai đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục từ bố cô ấy, một giáo viên tại trường học dành cho nữ sinh. Khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát tại khu phố cô sống vào năm 2008, họ cấm trẻ em gái tới trường học tập. Yousafzai đã công khai lên tiếng chống lại điều đó và cô đã bị bắn vào phía bên trái đầu vì đứng lên bảo vệ cho lý tưởng của mình. Sau vài tháng phục hồi và di chuyển tới Anh với gia đình, thay vì sống trong sự sợ hãi, cô đã dám đứng lên và thành lập Quỹ Malala, một quỹ từ thiện nhằm bảo đảm cho mọi cô gái đều có cơ hội được đi học. Cô trở thành người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hòa bình danh giá vào tuổi 17.
Amelia Earhart
Năm 1923, Amelia Earhart trở thành một trong số 16 phụ nữ đầu tiên được cấp bằng phi công. Đây quả là một thành tích đáng nể của bà, vì thời đó hầu hết phụ nữ đều làm công việc nội trợ.
Amelia Earhart trở thành một nữ phi công huyền thoại khi vào năm 1932, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên - và là người thứ 2 - một mình bay qua Đại Tây Dương. Bà đã viết sách truyền đạt kinh nghiệm trong lĩnh vực nữ phi công được bán chạy thời bấy giờ và cũng là người đấu tranh vì quyền bình đẳng giới. Năm 1937, bà đã mất tích trong chuyến bay vòng quanh thế giới, sự biến mất của bà vẫn là điều bí ẩn chưa được giải mã, nhưng với nhiều người và nhiều thế hệ cho đến bây giờ bà vẫn là cái tên đi vào huyền thoại về lòng can đảm, nhiệt huyết cống hiến đã làm nên những kỳ tích đáng nể.
Quý bạn đọc và các em thân mến!
Đó chỉ là 4 trong số 20 nhân vật được giới thiệu trong tập sách. Những câu chuyện được kể của mỗi gương mặt phụ nữ ấy như một thước phim ngắn về cuộc đời của họ. Bí mật của họ là lắng nghe trái tim nói gì và không ngại ngần theo đuổi ước mơ. Họ nỗ lực và dành thời gian để đạt được mục tiêu đặt ra ngay cả khi không ai tin họ sẽ thành công.
Thông điệp từ 20 câu chuyện về những cô gái với ước mơ lớn, tài năng thiên phú và tính kiên trì tuyệt vời đã trở thành những người phụ nữ phi thường mang đến cho người đọc nhất là các bạn thanh thiếu niên nhiều suy ngẫm để từ đó tự rút ra những bài học cho riêng mình, học hỏi điều hay ý đẹp và phát huy những ý tưởng của họ làm hành trang trong cuộc sống góp phần hoàn thiện bản thân.
Sách do nhà xuất bản Mỹ thuật in ấn và phát hành. Thư viện tỉnh Đồng Nai hân hạnh giới thiệu đến quý bạn đọc và các em thiếu nhi!
28/02/2024
Chùa Ông hay còn gọi là Thất Phủ cổ miếu hoặc Quan Thánh Đế quân Thạnh hội, là ngôi chùa người Hoa tọa lạc tại Cù lao Phố thuộc phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu cột mốc lịch sử của cộng đồng người Việt - Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp và bảo vệ vùng đất phương Nam.
Chùa Ông - Cù lao Phố, thành phố Biên Hoà, được kiến tạo năm 1684, có giá trị về lịch sử, mỹ thuật và văn hoá đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ ngày 19/01/2001.
Chùa Ông thành phố Biên Hoà là cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Hoa và người Việt, được người dân địa phương thực hành lễ hội thường niên, liên tục suốt nhiều năm qua, gắn với lịch sử hình thành, phát triển Biên Hoà – Đồng Nai, vượt qua gian khó và chiến tranh, luôn được bảo tồn bản sắc, vun đắp giá trị cho đến nay và muôn đời sau.
Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hoà là dịp để cộng đồng Hoa – Việt gặp gỡ, giao lưu, cố kết tình cảm cộng đồng dân tộc. Đây là minh chứng sống động trong việc bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc Hoa – Việt, thể hiện ý thức bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc của cộng đồng và góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hoá dân tộc Việt Nam đa dạng trong thống nhất; cũng là biểu hiện của bản sắc văn hoá Việt Nam: Tích hợp đa nguồn, chung sống an lành trong tín ngưỡng đa hệ.
Năm 2024, Chùa Ông thành phố Biên Hoà tròn 340 năm tuổi. Lễ hội truyền thống Chùa Ông đã được Bộ VH-TTDL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (QĐ số 3440/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023).
Nhằm cung cấp những thông tin cơ bản, hệ thống hoá tài liệu đến đông đảo quý bạn đọc gần xa quan tâm tìm hiểu tổng quan và cụ thể về lễ hội truyền thống Chùa Ông ở thành phố Biên Hoà – một Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đồng thời cũng là để chia sẻ chung trong hệ thống tư liệu về lễ hội và tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế quân,Thư viện tỉnh ĐN trân trọng giới thiệu ấn phẩm sách mới “Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Chùa Ông Biên Hoà”. Sách do UBND thành phố Biên Hoà phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai và Ban trị sự Thất phủ Cổ miếu Biên Hoà thực hiện, với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Xuân Thanh (chủ biên), Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Việt Sơn, Huỳnh Hữu Nghĩa, Trần Minh Trí, Nguyễn Anh Đức.
Được NXB Đồng Nai ấn hành vào đầu năm 2024, có dung lượng hơn 260 trang, in trên khổ giấy 15 x 21cm, nội dung ấn phẩm sách bao gồm 3 phần:
Phần đầu tiên: Hồ sơ di sản.
Lễ hội truyền thống Chùa Ông thành phố Biên Hòa được Bảo tàng ĐN lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL. Hồ sơ bao gồm: Chủ thể văn hóa của lễ hội; quá trình hình thành Chùa Ông; đối tượng thờ cúng; thực hành lễ hội, quy trình thực hiện, chuẩn bị tổ chức lễ hội, các nghi lễ được thực hiện trong lễ hội Chùa Ông… Bên cạnh đó, là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa nhân văn, khoa học và giá trị kinh tế, hiện trạng và các biện pháp bảo vệ của lễ hội Chùa Ông Biên Hòa cũng được các tác giả đã trình bày chi tiết ở phần này. Đây được xem là cẩm nang những điều cần biết về lễ hội, giúp các nhà nghiên cứu vàquý bạn đọc có thêm nhiều thông tin quan trọng, cần thiết khi nghiên cứu, tìm hiểu cũng như tham gia, dâng hương một lễ hội truyền thống lớn của địa phương Đồng Nai.
Từ góc nhìn toạ đàm khoa học là chủ đề phần thứ hai chiếm ½ dung lượng của ấn phẩm sách. Có đến 12 đề tài đặc sắc của các PGS. TS, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội Chùa Ông TP. Biên Hòa được chọn lọc trong ấn phẩm này. Đại diện như: Đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa (trường hợp Chùa Ông ở Biên Hòa)” của PGS.TS Huỳnh Văn Tới – Chi hội VNDG Đồng Nai và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Khoa Văn hóa đọc, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM; PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng với đề tài “Phát huy lễ hội văn hóa Chùa Ông trong hoạt động du lịch của thành phố Biên Hòa-ĐN”; Đề tài “Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Ông (Thất phủ cổ Miếu) Cù lao Phố Biên Hòa” của ThS. Trần Quang Toại – Hội KHLS Đồng Nai. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt – Chi hội VNDG ĐN có đề tài “Phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Ông (BH-ĐN) trong đời sống đương đại”; Đề tài song ngữ Hoa - Việt “Đôi nét về tín ngưỡng và văn hóa Quan Công tại Thất phủ cổ Miếu ở BH (Việt Nam)” của tác giả Tôn Lỗ Hoa – Trung tâm xúc tiến văn hóa Quan Công Malaysia… Mỗi đề tài là một góc nhìn, cách tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu về giá trị Lễ hội Chùa Ông Biên Hòa, từ lý luận đến thực tiễn, từ thực trạng đến giải pháp,… tất cả đều góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia này.
Phần cuối của ấn phẩm sách là: Kế hoạch lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hoà năm 2024. Nội dung này trình bày khá chi tiết từ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội Chùa Ông năm 2024; chương trình phần Lễ và phần Hội từ ngày 18/2 đến hết ngày 21/2 năm Giáp Thìn 2024. Cùng đó, là các Quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức Lễ hội Chùa Ông năm 2024; sơ đồ đường sông, đường bộ - Lộ trình đoàn cung nghinh Đức Ông Quan Thánh Đế Quân – nghinh thần năm 2024.
Ngoài 3 phần chính, ấn phẩm sách còn trình bày một số hình ảnh với nhiều sắc màu sinh động về Lễ hội Chùa Ông qua các năm để bạn đọc tiện chiêm ngưỡng và hình dung ra một lễ hội lớn trên quê hương Biên Hoà - Đồng Nai.
Sách hiện được lưu trữ và phục vụ tại thư viện tỉnh ĐN. Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!
Đinh Nhài
03/02/2024
“Năm 2023 đánh dấu sự kiện 325 năm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược vùng đất phương Nam. Với cột mốc quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng này, vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai đã trở thành một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam”.
Nhằm thiết thực kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Báo Đồng Nai phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Biên Hòa thực hiện tuyển tập các bài báo đăng trên Báo Đồng Nai cuối tuần và Báo Đồng Nai năm 2023 viết về Biên Hòa - Đồng Nai với tựa đề: 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian, sách được Nhà xuất bản Đồng Nai in và nộp lưu chiểu quý 1/2024 với 414 trang, khổ 16x24cm. Nội dung được chia thành 7 phần:
Phần 1: Rạng rỡ hào khí Đồng Nai
Phần 2: Theo dòng lịch sử 325 năm
Phần 3: Dấu xưa tìm về
Phần 4: Người Đồng Nai
Phần 5: Đồng Nai chốn đi về
Phần 6: Hương vị quê nhà
Phần 7: Định hình các đô thị Đồng Nai trong tương lai
Cuốn sách 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian gồm 104 bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc với người dân Đồng Nai như: Huỳnh Văn Tới, Nguyễn An, Trần Anh Huy, Nguyễn Hồng Ân, Trần Châu Phi, Lâm Cón, Trần Hữu Cường, Phan Đình Dũng, Nguyễn Thái Hải, Trần Thu Hằng, Bùi Quang Huy, Hà Lê, Nguyễn Thị Nguyệt, Lê Quyên, Đào Sĩ Quang, Bùi Công Thuấn, Hà Thị Thanh Thúy, Đàm Chu Văn… cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích, nhiều tư liệu quý về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, từ đó thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Với mong muốn mỗi người dân Đồng Nai đều hiểu rõ lịch sử mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình đang sinh sống, làm việc và học tập, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc cuốn sách 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian. Đặc biệt giới thiệu toàn văn bài viết “Biên Hòa – Đồng Nai: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử” của Thành ủy Biên Hòa.
“Nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi đất phương Nam
Theo sử sách xưa, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, vùng đất Biên Hòa và miền Đông Nam bộ thuộc vương quốc Phù Nam; từ thế kỷ thứ VII thuộc về vương quốc Chân Lạp (nguyên là một thuộc quốc của Phù Nam, sau phân hành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạc). Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI đây là vùng tranh chấp giữa Chân Lạp và Champa.
Năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả Hoàng nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II, mở đầu cho giai đoạn người Việt vào vùng đất mới.
Tại vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa vẫn còn những di tích cho thấy sự hiện hữu của người Việt ở nơi đây. Đó là chùa Long Thiền ven sông Đồng Nai (nay thuộc phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa) do nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử dựng lên (năm 1664); chùa Bửu Phong (phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa) do nhà sư Thành Trí cùng một số phật tử dựng lên (năm 1679); chùa Đại Giác (Cù lao Phố, nay thuộc phường Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa) do nhà sư Thành Đẳng cùng cư dân Việt từ ngũ Quảng vào xây dựng (năm 1665). Cả ba nhà sư này đều là đệ tử nhà sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, người xây dựng chùa Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) trước đó khoảng năm 1616. Thất phủ cổ miếu của người Hoa xây dựng năm 1684 thờ Quan Công và các vị thánh thần theo truyền thống của cộng đồng người Hoa khi vào định cư ở Biên Hòa, một thiết chế cho thấy sự giao lưu văn hóa Hoa - Việt ở địa phương…
Lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là lịch sử của cộng đồng các dân tộc sống và khai phá vùng đất này. Nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên với khoảng 3 ngàn người vào năm 1679 cùng với người dân tại chỗ, người Việt vào từ sau năm 1620… cộng với những người Việt từ ngũ Quảng tránh chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn đã có công khai phá vùng đất mới.
Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào kinh lược vùng đất phương Nam, xây dựng thiết chế hành chính lập phủ Gia Định với hai huyện Tân Bình (nay là Tp. Hồ Chí Minh) và Phước Long (nay là Biên Hòa - Đồng Nai), mở đầu và định hình vùng đất mới vào lãnh thổ của Đại Việt. Những người Việt ở ngũ Quảng tiếp tục được Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ với những chính sách thông thoáng đã cùng cộng đồng các dân tộc, bản địa, người Hoa góp công lớn trong việc khai phá dựng xây Cù lao Phố thành thương cảng sầm uất trong thế kỷ XVIII không chỉ giao lưu thương mại trong nước mà cả quốc tế.
Những điều trên cho thấy Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất hội tụ, vùng đất mở không chỉ về kinh tế, mà cả về văn hóa tâm linh. Những di tích tồn tại là minh chứng cho sự hòa đồng, một nét đẹp văn hóa, tôn trọng những giá trị truyền thống kính nhớ tổ tiên, ngưỡng vọng những giá trị mang tính chất truyền thống của dân tộc: Trung - Hiếu, Nhân - Nghĩa… của người Biên Hòa - Đồng Nai.
Thể hiện phẩm chất, truyền thống năng động, kiên cường
325 năm (1698 - 2023) hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là một quá trình lịch sử vùng đất có nhiều biến động, nhiều sự kiện thể hiện được phẩm chất và truyền thống năng động, đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc và không ngừng sáng tạo trong xây dựng của nhân dân và Đảng bộ Tp. Biên Hòa, đô thị loại I.
Khi đất nước còn chìm trong nô lệ thực dân Pháp, năm 1905, Biên Hòa đã có cuộc nổi dậy của Đoàn Văn Cự và nghĩa binh (nay được công nhận di tích lịch sử quốc gia khu lăng mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 17 nghĩa binh). Đó là cuộc nổi dậy của nhóm Trại Lâm Trung kháng Pháp (nơi thờ 9 nghĩa binh hy sinh là Bửu Hưng Tự được xếp hạng di tích cấp tỉnh).
Khi có Đảng lãnh đạo, tổ chức Đảng ở Biên Hòa ra đời khá sớm, đặc biệt trong đó có Chi bộ Đảng sở Trường tiền, Chi bộ Đảng nhà máy BIF làm nòng cốt để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Trong kháng chiến chống Pháp, Biên Hòa là nơi đầu tiên nổ tiếng súng tấn công các đồn binh, doanh trại của Pháp trong thị xã Biên Hòa (ngày 1 rạng sáng 2-1-1946) thể hiện tinh thần khát khao độc lập dân tộc. Những cơ sở bí mật trong thành phố đóng góp lớn vào chiến thắng La Ngà vào tháng 3-1948. Trong kháng chiến chống Mỹ, Biên Hòa là địa phương diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng thể hiện lòng yêu nước, ý chí tiến công, bất khuất của Đảng bộ và quân dân địa phương. Đó là cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp vào ngày 2-12-1956, cuộc phá khám do Đảng ủy nhà tù lãnh đạo có quy mô lớn nhất trong lịch sử, với 426 đảng viên, cán bộ, người yêu nước thoát tù, là nguồn lực cung ứng cho kháng chiến. Đó là cuộc tập kích vào phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) ở Tân Mai (thường gọi Nhà Xanh) vào đêm 7-7-1959, lời tố cáo đánh thép về chế độ tay sai của chính quyền Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Đó là trận tập kích bằng pháo binh đầu tiên vào sân bay quân sự Biên Hòa vào ngày 31-10-1964 được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.
Cùng với các đơn vị vũ trang, đặc công, Đảng bộ và quân dân Biên Hòa đã lập nên những chiến công lớn đánh vào sân bay quân sự Biên Hòa, Tổng kho hậu cần lớn của Mỹ ở miền Nam, phá hủy nhiều phương tiện thiết bị chiến tranh của Mỹ, phối hợp cùng toàn miền đánh thắng chiến tranh xâm lược, giải phóng miền Nam.
Nhiều đơn vị vũ trang từng chiến đấu ở Biên Hòa; nhiều đơn vị cấp phường, xã, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang tiêu biểu như: Trần Công An, Lê Bá Ước, Huỳnh Tấn Minh…; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và các bà mẹ Việt Nam được tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng là minh chứng cho truyền thống yêu nước cách mạng của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa.
Không chỉ là anh hùng trong chiến tranh giành độc lập dân tộc với nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử ghi dấu trong lịch sử chung của cả nước; Biên Hòa còn là vùng đất sản sinh nhiều nhà văn hóa danh nhân trong lịch sử. Đó là danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức, làm quan thanh liêm trải ba đời vua triều Nguyễn, một trong Gia Định Tam gia với tác phẩm nổi tiếng Gia Định thành thông chí. Thời hiện đại những nhà văn lớn như: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… có nhiều đóng góp với nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội.
Ngày nay Biên Hòa là đô thị loại I với những khu công nghiệp lớn thu hút hàng trăm ngàn lao động từ mọi miền đất nước về dựng xây, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đầu tư, có nhiều đóng góp cho GRDP của tỉnh. Trong đó đặc biệt là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (trước năm 1975 là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) - khu công nghiệp được xây dựng sớm nhất ở miền Nam (năm 1963), một chứng nhân lịch sử cho sự phát triển công nghiệp ở địa phương và phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân Biên Hòa trong đấu tranh và xây dựng. Tương lai, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ di dời và chuyển đổi công năng theo quy hoạch của tỉnh, chắc hẳn nơi đây sẽ hình thành nhà trưng bày hoặc Bảo tàng Công nghiệp và công nhân của tỉnh, nơi sinh hoạt giáo dục truyền thống về đội ngũ công nhân anh hùng ở địa phương.
Toàn thành phố có 27 di tích các loại như: lịch sử, mỹ thuật kiến trúc, văn hóa…được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh là những dấu ấn của lịch sử 325 năm hình thành và phát triển của Biên Hòa - Đồng Nai sẽ là những địa chỉ đỏ và liên kết thành sản phẩm du lịch văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh ở địa phương. Trong đó có những di tích ghi đậm dấu ấn thời cha ông mở cõi như các chùa Bửu Phong, Long Thiền, Đại Giác, đình Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Lân, chùa Ông…
Đồng Nai là một tỉnh có quy mô lớn, văn hóa đa dạng, có vị thế kinh tế - chính trị - văn hóa vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những giá trị riêng biệt về vùng đất, con người Đồng Nai; phong phú về sinh học, đa nguồn văn hóa, đa loại hình phát triển kinh tế và tổ chức xã hội; có nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị con người. Việc phát huy truyền thống yêu nước, không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị những di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn, Đảng bộ, quân dân thành phố không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, những công trình phục vụ kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hóa, đô thị văn minh nhằm xây dựng Tp. Biên Hòa thành đô thị xứng tầm theo hướng đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa một cách vững bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững”; xuất phát từ quan điểm “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Nai trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội…”, Đảng bộ và nhân dân TP. Biên Hòa lấy phát triển kinh tế bền vững làm trung tâm, xây dựng Đảng bộ vững mạnh làm nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa bền vững làm mục tiêu động lực tinh thần phát triển kinh tế; lấy an ninh quốc phòng làm nhiệm vụ quan trọng.
Xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Biên Hòa nhân ái, nghĩa tình, sáng tạo
Để phát huy truyền thống anh hùng, vùng đất địa linh nhân kiệt, Thành ủy – HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Biên Hòa sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, tư tưởng Trung ương, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về lĩnh vực văn hóa, tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục triển khai - cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững” phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Biên Hòa.
Xây dựng hình thức tuyên truyền sinh động, đa dạng trên các phương tiện, đặc biệt ứng dụng thành tựu khoa học, nhất là khoa học - công nghệ trong giáo dục, trong trưng bày. Gắn trường học với hoạt động thực tiễn tham quan giáo dục ở di tích, nhà bảo tàng. Xây dựng giáo án, giáo trình lịch sử, văn hóa địa phương để giảng dạy trong nhà trường; đưa nghệ thuật dân gian truyền thống vào nhà trường để các em học sinh hiểu và yêu di sản văn hóa truyền thống dân tộc; tổ chức những cuộc thi tìm hiểu một cách thực chất về giá trị di sản địa phương giúp cho người dân hiểu được chân giá trị di sản văn hóa; tăng cường và tạo điều kiện (cả kinh phí, phương tiện) để nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn (cả văn hóa, nghệ thuật, tri thức khoa học, xã hội) và phổ biến những ấn phẩm này rộng rãi…
Có chiến lược và quy hoạch trùng tu tôn tạo các di tích có giá trị, gắn kết giữa ngân sách nhà nước với thực hiện “xã hội hóa” huy động các nguồn lực trong xã hội. Liên kết những di tích, di sản lịch sử, văn hóa, những lễ hội để hình thành sản phẩm du lịch có sức thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, chú trọng công tác đào tạo nguồn lực trong nghiên cứu, quản lý hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và di sản… từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng.
Phát triển kinh tế đi đối với an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa là một trong những mục tiêu phát triển bền vững. Gắn nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo thực hiện việc phát triển văn hóa, nghệ thuật với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chú trọng quản lý, phát huy giá trị nhân văn tích cực của các lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, các thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát triển các ngành, nghề truyền thống, nhất là các ngành đặc trưng của Biên Hòa (gốm, chế tác đá,…); khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, địa phương”.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai (bản giấy và tài liệu số), rất mong được phục vụ quý bạn đọc.
Trần Thủy
|
|
|
|
|