Bỏ qua nội dung chính

gtsachchuyende

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > gtsachchuyende > Danh mục
Giới thiệu sách: 20 Người phụ nữ phi thường làm thay đổi thế giới

Quý bạn đọc và các em thiếu nhi thân mến!

Bất cứ ở lĩnh vực nào - từ chính trị đến văn học, từ âm nhạc đến khoa học, phụ nữ đều tạo dấu ấn cho riêng mình. Những đóng góp dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít của họ cũng đã biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Chính nhờ những cống hiến thầm lặng của các bà, các mẹ, các chị em trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chúng ta mới có được một cuộc sống như ngày hôm nay.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cùng các em thiếu nhi tác phẩm: “20 Người phụ nữ phi thường làm thay đổi thế giới”. Đó là những gương mặt tiêu biểu có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới ở tất cả các lĩnh vực, và họ đã trở thành biểu tượng nữ quyền.

Được trình bày qua 89 trang sách, khổ giấy 26 x 23 cm,  tập sách “20 Người phụ nữ phi thường làm thay đổi thế giới” do tác giả Rosalba Troiano biên soạn, đã kể lại câu chuyện về cuộc đời của 20 cô gái không có xuất phát điểm xuất sắc nhưng đã tự trau dồi và rèn luyện để trở thành những người phụ nữ phi thường. Đó là:

Emmeline Pankhurst

Emmeline Pankhurstkhông phải là người phụ nữ đầu tiên đấu tranh đòi quyền bầu cử cho giới mình, càng không phải là người một người tạo lập sự công bằng trong chính sách bầu cử của một quốc gia, nhưng bà đã dành gần như trọn đời mình cho quyền bầu cử của phụ nữ thì chỉ có bà là duy nhất.Bà Emmeline Pankhurstcũng nổi tiếng với những chiến lược đấu tranh dành quyền được hưởng quyền lợi ngang nhau trong bầu cử cho phụ nữ ở nước Anh.

Marie Curie

Nhà vật lý học, nhà hóa học Pháp gốc Ba Lan, nổi tiếng trên thế giới về việc nghiên cứu chất phóng xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Năm 1922, bà được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp. Cùng năm này, Ủy ban Quốc tế hợp tác tri thức của Hội Quốc liên tại Geneve bầu bà làm Phó chủ tịch của tổ chức. Bà đã cống hiến cả sinh mạng cho khoa học.

Malala Yousafzai

Sinh ra ở Pakistan, Yousafzai đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục từ bố cô ấy, một giáo viên tại trường học dành cho nữ sinh. Khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát tại khu phố cô sống vào năm 2008, họ cấm trẻ em gái tới trường học tập. Yousafzai đã công khai lên tiếng chống lại điều đó và cô đã bị bắn vào phía bên trái đầu vì đứng lên bảo vệ cho lý tưởng của mình. Sau vài tháng phục hồi và di chuyển tới Anh với gia đình, thay vì sống trong sự sợ hãi, cô đã dám đứng lên và thành lập Quỹ Malala, một quỹ từ thiện nhằm bảo đảm cho mọi cô gái đều có cơ hội được đi học. Cô trở thành người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hòa bình danh giá vào tuổi 17.

Amelia Earhart

Năm 1923, Amelia Earhart trở thành một trong số 16 phụ nữ đầu tiên được cấp bằng phi công. Đây quả là một thành tích đáng nể của bà, vì thời đó hầu hết phụ nữ đều làm công việc nội trợ.

Amelia Earhart trở thành một nữ phi công huyền thoại khi vào năm 1932, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên - và là người thứ 2 - một mình bay qua Đại Tây Dương. Bà đã viết sách truyền đạt kinh nghiệm trong lĩnh vực nữ phi công được bán chạy thời bấy giờ và cũng là người đấu tranh vì quyền bình đẳng giới.Năm 1937, bà đã mất tích trong chuyến bay vòng quanh thế giới, sự biến mất của bà vẫn là điều bí ẩn chưa được giải mã, nhưng với nhiều người và nhiều thế hệ cho đến bây giờ bà vẫn là cái tên đi vào huyền thoại về lòng can đảm, nhiệt huyết cống hiến đã làm nên những kỳ tích đáng nể.

Quý bạn đọc và các em thân mến!

Đó chỉ là 4 trong số 20 nhân vật được giới thiệu trong tập sách. Những câu chuyện được kể của mỗi gương mặt phụ nữ ấy như một thước phim ngắn về cuộc đời của họ. Bí mật của họ là lắng nghe trái tim nói gì và không ngại ngần theo đuổi ước mơ. Họ nỗ lực và dành thời gian để đạt được mục tiêu đặt ra ngay cả khi không ai tin họ sẽ thành công.

Thông điệp từ 20 câu chuyện về những cô gái với ước mơ lớn, tài năng thiên phú và tính kiên trì tuyệt vời đã trở thành những người phụ nữ phi thườngmang đến cho người đọc nhất là các bạn thanh thiếu niên nhiều suy ngẫm để từ đó tự rút ra những bài học cho riêng mình, học hỏi điều hay ý đẹp và phát huy những ý tưởng của họ làm hành trang trong cuộc sống góp phần hoàn thiệnbản thân.

Sách do nhà xuất bản Mỹ thuật in ấn và phát hành. Thư viện tỉnh Đồng Nai hân hạnh giới thiệu đến quý bạn đọc và các em thiếu nhi!

 

 

 

 

 

GTS: Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Chùa Ông Biên Hoà

Chùa Ông hay còn gọi là Thất Phủ cổ miếu hoặc Quan Thánh Đế quân Thạnh hội, là ngôi chùa người Hoa tọa lạc tại Cù lao Phố thuộc phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu cột mốc lịch sử của cộng đồng người Việt - Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp và bảo vệ vùng đất phương Nam.

Chùa Ông - Cù lao Phố, thành phố Biên Hoà, được kiến tạo năm 1684, có giá trị về lịch sử, mỹ thuật và văn hoá đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ ngày 19/01/2001.

Chùa Ông thành phố Biên Hoà là cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Hoa và người Việt, được người dân địa phương thực hành lễ hội thường niên, liên tục suốt nhiều năm qua, gắn với lịch sử hình thành, phát triển Biên Hoà – Đồng Nai, vượt qua gian khó và chiến tranh, luôn được bảo tồn bản sắc, vun đắp giá trị cho đến nay và muôn đời sau.

Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hoà là dịp để cộng đồng Hoa – Việt gặp gỡ, giao lưu, cố kết tình cảm cộng đồng dân tộc. Đây là minh chứng sống động trong việc bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc Hoa – Việt, thể hiện ý thức bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc của cộng đồng và góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hoá dân tộc Việt Nam đa dạng trong thống nhất; cũng là biểu hiện của bản sắc văn hoá Việt Nam: Tích hợp đa nguồn, chung sống an lành trong tín ngưỡng đa hệ.

Năm 2024, Chùa Ông thành phố Biên Hoà tròn 340 năm tuổi. Lễ hội truyền thống Chùa Ông đã được Bộ VH-TTDL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (QĐ số 3440/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023).

Nhằm cung cấp những thông tin cơ bản, hệ thống hoá tài liệu đến đông đảo quý bạn đọc gần xa quan tâm tìm hiểu tổng quan và cụ thể về lễ hội truyền thống Chùa Ông ở thành phố Biên Hoà – một Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đồng thời cũng là để chia sẻ chung trong hệ thống tư liệu về lễ hội và tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế quân,Thư viện tỉnh ĐN trân trọng giới thiệu ấn phẩm sách mới “Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Chùa Ông Biên Hoà”. Sách do UBND thành phố Biên Hoà phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai và Ban trị sự Thất phủ Cổ miếu Biên Hoà thực hiện, với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Xuân Thanh (chủ biên), Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Việt Sơn, Huỳnh Hữu Nghĩa, Trần Minh Trí, Nguyễn Anh Đức.

Được NXB Đồng Nai ấn hành vào đầu năm 2024, có dung lượng hơn 260 trang, in trên khổ giấy 15 x 21cm, nội dung ấn phẩm sách bao gồm 3 phần:

Phần đầu tiên: Hồ sơ di sản.

Lễ hội truyền thống Chùa Ông thành phố Biên Hòa được Bảo tàng ĐN lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL. Hồ sơ bao gồm: Chủ thể văn hóa của lễ hội; quá trình hình thành Chùa Ông; đối tượng thờ cúng; thực hành lễ hội, quy trình thực hiện, chuẩn bị tổ chức lễ hội, các nghi lễ được thực hiện trong lễ hội Chùa Ông… Bên cạnh đó, là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa nhân văn, khoa học và giá trị kinh tế, hiện trạng và các biện pháp bảo vệ của lễ hội Chùa Ông Biên Hòa cũng được các tác giả đã trình bày chi tiết ở phần này. Đây được xem là cẩm nang những điều cần biết về lễ hội, giúp các nhà nghiên cứu vàquý bạn đọc có thêm nhiều thông tin quan trọng, cần thiết khi nghiên cứu, tìm hiểu cũng như tham gia, dâng hương một lễ hội truyền thống lớn của địa phương Đồng Nai.

Từ góc nhìn toạ đàm khoa học là chủ đề phần thứ hai chiếm ½ dung lượng của ấn phẩm sách. Có đến 12 đề tài đặc sắc của các PGS. TS, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội Chùa Ông TP. Biên Hòa được chọn lọc trong ấn phẩm này. Đại diện như: Đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa (trường hợp Chùa Ông ở Biên Hòa)” của PGS.TS Huỳnh Văn Tới – Chi hội VNDG Đồng Nai và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Khoa Văn hóa đọc, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM; PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng với đề tài “Phát huy lễ hội văn hóa Chùa Ông trong hoạt động du lịch của thành phố Biên Hòa-ĐN”; Đề tài “Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Ông (Thất phủ cổ Miếu) Cù lao Phố Biên Hòa” của ThS. Trần Quang Toại – Hội KHLS Đồng Nai. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt – Chi hội VNDG ĐN có đề tài “Phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Ông (BH-ĐN) trong đời sống đương đại”; Đề tài song ngữ Hoa - Việt “Đôi nét về tín ngưỡng và văn hóa Quan Công tại Thất phủ cổ Miếu ở BH (Việt Nam)” của tác giả Tôn Lỗ Hoa – Trung tâm xúc tiến văn hóa Quan Công Malaysia… Mỗi đề tài là một góc nhìn, cách tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu về giá trị Lễ hội Chùa Ông Biên Hòa, từ lý luận đến thực tiễn, từ thực trạng đến giải pháp,… tất cả đều góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia này.

Phần cuối của ấn phẩm sách là: Kế hoạch lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hoà năm 2024. Nội dung này trình bày khá chi tiết từ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội Chùa Ông năm 2024; chương trình phần Lễ và phần Hội từ ngày 18/2 đến hết ngày 21/2 năm Giáp Thìn 2024. Cùng đó, là các Quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức Lễ hội Chùa Ông năm 2024; sơ đồ đường sông, đường bộ - Lộ trình đoàn cung nghinh Đức Ông Quan Thánh Đế Quân – nghinh thần năm 2024.

Ngoài 3 phần chính, ấn phẩm sách còn trình bày một số hình ảnh với nhiều sắc màu sinh động về Lễ hội Chùa Ông qua các năm để bạn đọc tiện chiêm ngưỡng và hình dung ra một lễ hội lớn trên quê hương Biên Hoà - Đồng Nai.

Sách hiện được lưu trữ và phục vụ tại thư viện tỉnh ĐN. Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu sách: 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian

“Năm 2023 đánh dấu sự kiện 325 năm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược vùng đất phương Nam. Với cột mốc quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng này, vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai đã trở thành một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam”.

          Nhằm thiết thực kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Báo Đồng Nai phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Biên Hòa thực hiện tuyển tập các bài báo đăng trên Báo Đồng Nai cuối tuần và Báo Đồng Nai năm 2023 viết về Biên Hòa - Đồng Nai với tựa đề: 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian, sách được Nhà xuất bản Đồng Nai in và nộp lưu chiểu quý 1/2024 với 414 trang, khổ 16x24cm. Nội dung được chia thành 7 phần:

          Phần 1: Rạng rỡ hào khí Đồng Nai

          Phần 2: Theo dòng lịch sử 325 năm

          Phần 3: Dấu xưa tìm về

          Phần 4: Người Đồng Nai

          Phần 5: Đồng Nai chốn đi về

          Phần 6: Hương vị quê nhà

          Phần 7: Định hình các đô thị Đồng Nai trong tương lai

          Cuốn sách 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian gồm 104 bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc với người dân Đồng Nai như: Huỳnh Văn Tới, Nguyễn An, Trần Anh Huy, Nguyễn Hồng Ân, Trần Châu Phi, Lâm Cón, Trần Hữu Cường, Phan Đình Dũng, Nguyễn Thái Hải, Trần Thu Hằng, Bùi Quang Huy, Hà Lê, Nguyễn Thị Nguyệt, Lê Quyên, Đào Sĩ Quang, Bùi Công Thuấn, Hà Thị Thanh Thúy, Đàm Chu Văn… cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích, nhiều tư liệu quý về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, từ đó thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

          Với mong muốn mỗi người dân Đồng Nai đều hiểu rõ lịch sử mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình đang sinh sống, làm việc và học tập, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc cuốn sách 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai: Theo dòng chảy thời gian. Đặc biệt giới thiệu toàn văn bài viết “Biên Hòa – Đồng Nai: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử” của Thành ủy Biên Hòa.

Nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi đất phương Nam

          Theo sử sách xưa, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, vùng đất Biên Hòa và miền Đông Nam bộ thuộc vương quốc Phù Nam; từ thế kỷ thứ VII thuộc về vương quốc Chân Lạp (nguyên là một thuộc quốc của Phù Nam, sau phân hành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạc). Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI đây là vùng tranh chấp giữa Chân Lạp và Champa.

          Năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả Hoàng nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II, mở đầu cho giai đoạn người Việt vào vùng đất mới.

          Tại vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa vẫn còn những di tích cho thấy sự hiện hữu của người Việt ở nơi đây. Đó là chùa Long Thiền ven sông Đồng Nai (nay thuộc phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa) do nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử dựng lên (năm 1664); chùa Bửu Phong (phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa) do nhà sư Thành Trí cùng một số phật tử dựng lên (năm 1679); chùa Đại Giác (Cù lao Phố, nay thuộc phường Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa) do nhà sư Thành Đẳng cùng cư dân Việt từ ngũ Quảng vào xây dựng (năm 1665). Cả ba nhà sư này đều là đệ tử nhà sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, người xây dựng chùa Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) trước đó khoảng năm 1616. Thất phủ cổ miếu của người Hoa xây dựng năm 1684 thờ Quan Công và các vị thánh thần theo truyền thống của cộng đồng người Hoa khi vào định cư ở Biên Hòa, một thiết chế cho thấy sự giao lưu văn hóa Hoa - Việt ở địa phương…

Lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là lịch sử của cộng đồng các dân tộc sống và khai phá vùng đất này. Nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên với khoảng 3 ngàn người vào năm 1679 cùng với người dân tại chỗ, người Việt vào từ sau năm 1620… cộng với những người Việt từ ngũ Quảng tránh chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn đã có công khai phá vùng đất mới.

          Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào kinh lược vùng đất phương Nam, xây dựng thiết chế hành chính lập phủ Gia Định với hai huyện Tân Bình (nay là Tp. Hồ Chí Minh) và Phước Long (nay là Biên Hòa -  Đồng Nai), mở đầu và định hình vùng đất mới vào lãnh thổ của Đại Việt. Những người Việt ở ngũ Quảng tiếp tục được Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ với những chính sách thông thoáng đã cùng cộng đồng các dân tộc, bản địa, người Hoa góp công lớn trong việc khai phá dựng xây Cù lao Phố thành thương cảng sầm uất trong thế kỷ XVIII không chỉ giao lưu thương mại trong nước mà cả quốc tế.

          Những điều trên cho thấy Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất hội tụ, vùng đất mở không chỉ về kinh tế, mà cả về văn hóa tâm linh. Những di tích tồn tại là minh chứng cho sự hòa đồng, một nét đẹp văn hóa, tôn trọng những giá trị truyền thống kính nhớ tổ tiên, ngưỡng vọng những giá trị mang tính chất truyền thống của dân tộc: Trung - Hiếu, Nhân - Nghĩa… của người Biên Hòa - Đồng Nai.

          Thể hiện phẩm chất, truyền thống năng động, kiên cường

          325 năm (1698 - 2023) hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là một quá trình lịch sử vùng đất có nhiều biến động, nhiều sự kiện thể hiện được phẩm chất và truyền thống năng động, đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc và không ngừng sáng tạo trong xây dựng của nhân dân và Đảng bộ Tp. Biên Hòa, đô thị loại I.

Khi đất nước còn chìm trong nô lệ thực dân Pháp, năm 1905, Biên Hòa đã có cuộc nổi dậy của Đoàn Văn Cự và nghĩa binh (nay được công nhận di tích lịch sử quốc gia khu lăng mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 17 nghĩa binh). Đó là cuộc nổi dậy của nhóm Trại Lâm Trung kháng Pháp (nơi thờ 9 nghĩa binh hy sinh là Bửu Hưng Tự được xếp hạng di tích cấp tỉnh).

Khi có Đảng lãnh đạo, tổ chức Đảng ở Biên Hòa ra đời khá sớm, đặc biệt trong đó có Chi bộ Đảng sở Trường tiền, Chi bộ Đảng nhà máy BIF làm nòng cốt để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Trong kháng chiến chống Pháp, Biên Hòa là nơi đầu tiên nổ tiếng súng tấn công các đồn binh, doanh trại của Pháp trong thị xã Biên Hòa (ngày 1 rạng sáng 2-1-1946) thể hiện tinh thần khát khao độc lập dân tộc. Những cơ sở bí mật trong thành phố đóng góp lớn vào chiến thắng La Ngà vào tháng 3-1948. Trong kháng chiến chống Mỹ, Biên Hòa là địa phương diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng thể hiện lòng yêu nước, ý chí tiến công, bất khuất của Đảng bộ và quân dân địa phương. Đó là cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp vào ngày 2-12-1956, cuộc phá khám do Đảng ủy nhà tù lãnh đạo có quy mô lớn nhất trong lịch sử, với 426 đảng viên, cán bộ, người yêu nước thoát tù, là nguồn lực cung ứng cho kháng chiến. Đó là cuộc tập kích vào phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) ở Tân Mai (thường gọi Nhà Xanh) vào đêm 7-7-1959, lời tố cáo đánh thép về chế độ tay sai của chính quyền Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Đó là trận tập kích bằng pháo binh đầu tiên vào sân bay quân sự Biên Hòa vào ngày 31-10-1964 được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.

          Cùng với các đơn vị vũ trang, đặc công, Đảng bộ và quân dân Biên Hòa đã lập nên những chiến công lớn đánh vào sân bay quân sự Biên Hòa, Tổng kho hậu cần lớn của Mỹ ở miền Nam, phá hủy nhiều phương tiện thiết bị chiến tranh của Mỹ, phối hợp cùng toàn miền đánh thắng chiến tranh xâm lược, giải phóng miền Nam.

Nhiều đơn vị vũ trang từng chiến đấu ở Biên Hòa; nhiều đơn vị cấp phường, xã, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang tiêu biểu như: Trần Công An, Lê Bá Ước, Huỳnh Tấn Minh…; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và các bà mẹ Việt Nam được tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng là minh chứng cho truyền thống yêu nước cách mạng của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa.

Không chỉ là anh hùng trong chiến tranh giành độc lập dân tộc với nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử ghi dấu trong lịch sử chung của cả nước; Biên Hòa còn là vùng đất sản sinh nhiều nhà văn hóa danh nhân trong lịch sử. Đó là danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức, làm quan thanh liêm trải ba đời vua triều Nguyễn, một trong Gia Định Tam gia với tác phẩm nổi tiếng Gia Định thành thông chí. Thời hiện đại những nhà văn lớn như: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… có nhiều đóng góp với nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội.

Ngày nay Biên Hòa là đô thị loại I với những khu công nghiệp lớn thu hút hàng trăm ngàn lao động từ mọi miền đất nước về dựng xây, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đầu tư, có nhiều đóng góp cho GRDP của tỉnh. Trong đó đặc biệt là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (trước năm 1975 là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) - khu công nghiệp được xây dựng sớm nhất ở miền Nam (năm 1963), một chứng nhân lịch sử cho sự phát triển công nghiệp ở địa phương và phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân Biên Hòa trong đấu tranh và xây dựng. Tương lai, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ di dời và chuyển đổi công năng theo quy hoạch của tỉnh, chắc hẳn nơi đây sẽ hình thành nhà trưng bày hoặc Bảo tàng Công nghiệp và công nhân của tỉnh, nơi sinh hoạt giáo dục truyền thống về đội ngũ công nhân anh hùng ở địa phương.

Toàn thành phố có 27 di tích các loại như: lịch sử, mỹ thuật kiến trúc, văn hóa…được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh là những dấu ấn của lịch sử 325 năm hình thành và phát triển của Biên Hòa - Đồng Nai sẽ là những địa chỉ đỏ và liên kết thành sản phẩm du lịch văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh ở địa phương. Trong đó có những di tích ghi đậm dấu ấn thời cha ông mở cõi như các chùa Bửu Phong, Long Thiền, Đại Giác, đình Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Lân, chùa Ông…

Đồng Nai là một tỉnh có quy mô lớn, văn hóa đa dạng, có vị thế kinh tế - chính trị - văn hóa vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những giá trị riêng biệt về vùng đất, con người Đồng Nai; phong phú về sinh học, đa nguồn văn hóa, đa loại hình phát triển kinh tế và tổ chức xã hội; có nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị con người. Việc phát huy truyền thống yêu nước, không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị những di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn, Đảng bộ, quân dân thành phố không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, những công trình phục vụ kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hóa, đô thị văn minh nhằm xây dựng Tp. Biên Hòa thành đô thị xứng tầm theo hướng đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa một cách vững bền vững.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững”; xuất phát từ quan điểm “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Nai trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội…”, Đảng bộ và nhân dân TP. Biên Hòa lấy phát triển kinh tế bền vững làm trung tâm, xây dựng Đảng bộ vững mạnh làm nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa bền vững làm mục tiêu động lực tinh thần phát triển kinh tế; lấy an ninh quốc phòng làm nhiệm vụ quan trọng.

Xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Biên Hòa nhân ái, nghĩa tình, sáng tạo

Để phát huy truyền thống anh hùng, vùng đất địa linh nhân kiệt, Thành ủy – HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Biên Hòa sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, tư tưởng Trung ương, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về lĩnh vực văn hóa, tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục triển khai - cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững” phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Biên Hòa.

Xây dựng hình thức tuyên truyền sinh động, đa dạng trên các phương tiện, đặc biệt ứng dụng thành tựu khoa học, nhất là khoa học - công nghệ trong giáo dục, trong trưng bày. Gắn trường học với hoạt động thực tiễn tham quan giáo dục ở di tích, nhà bảo tàng. Xây dựng giáo án, giáo trình lịch sử, văn hóa địa phương để giảng dạy trong nhà trường; đưa nghệ thuật dân gian truyền thống vào nhà trường để các em học sinh hiểu và yêu di sản văn hóa truyền thống dân tộc; tổ chức những cuộc thi tìm hiểu một cách thực chất về giá trị di sản địa phương giúp cho người dân hiểu được chân giá trị di sản văn hóa; tăng cường và tạo điều kiện (cả kinh phí, phương tiện) để nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn (cả văn hóa, nghệ thuật, tri thức khoa học, xã hội) và phổ biến những ấn phẩm này rộng rãi…

Có chiến lược và quy hoạch trùng tu tôn tạo các di tích có giá trị, gắn kết giữa ngân sách nhà nước với thực hiện “xã hội hóa” huy động các nguồn lực trong xã hội. Liên kết những di tích, di sản lịch sử, văn hóa, những lễ hội để hình thành sản phẩm du lịch có sức thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, chú trọng công tác đào tạo nguồn lực trong nghiên cứu, quản lý hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và di sản… từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng.

Phát triển kinh tế đi đối với an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa là một trong những mục tiêu phát triển bền vững. Gắn nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo thực hiện việc phát triển văn hóa, nghệ thuật với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chú trọng quản lý, phát huy giá trị nhân văn tích cực của các lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, các thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát triển các ngành, nghề truyền thống, nhất là các ngành đặc trưng của Biên Hòa (gốm, chế tác đá,…);  khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, địa phương”.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai (bản giấy và tài liệu số), rất mong được phục vụ quý bạn đọc.

 

Trần Thủy