|
30/08/2016
“Vững chí bền gan ai hỡi ai,
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài.
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ,
Con đường cách mạng vẫn chông gai.”
Đó là những vần thơ được viết bằng máu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong những ngày chị bị giam cầm và bị tra tấn ở Khám Lớn, Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 1/11/1910 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là trong công cuộc xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở Sài Gòn – Chợ Lớn năm1937 - 1939. Đồng chí luôn tích cực tuyên truyền chị em phụ nữ gia nhập vào “Hội Phụ nữ” và khẳng định “phụ nữ đã tham gia đáng kể vào công cuộc đấu tranh cách mạng, họ tham dự các cuộc biểu tình và lãnh dạo một số các cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít- tinh. Cần phải nhấn mạnh thêm là nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi đầu trong các cuộc biểu tình và buộc binh lính phải thoái lui, phải đồng tình…”. Hơn thế, đồng chí đã truyền nhiệt huyết, ý chí cách mạng cho đồng đội vững tin trên con đường giải phóng dân tộc. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng ngời về tình yêu quê hương đất nước, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử để thế hệ trẻ đời đời noi theo.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày mất của nữ chiến sĩ cách mạng anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai (28/8/1941 – 28/8/2016), Thư viện Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách: “Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất”. Nội dung tài liệu bao gồm những bài viết, bài nghiên cứu chọn lọc về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai như: “Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với Cách mạng Việt Nam” của GS.TS Tạ Ngọc Tấn ; “Nguyễn Thị Minh Khai người con ưu tú của quê hương Nghệ An” của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ ; “Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai qua các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của PGS.TS. Phạm Hồng Chương ; “Những hoạt động và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với Đảng và cách mạng Việt Nam giai đoạn 1935 - 1940” của PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc ; “Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất” của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ và ThS. Lê Thùy Linh ; “Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của Nguyễn Thị Minh Khai” của PGS.TS. Bùi Đình Phong ; “Hoạt động và đóng góp của Nguyễn Thị Minh Khai với Quốc tế Cộng sản” của PGS.TS. Lê Văn Tích ; “Ngôi trường mang tên nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai với tất cả niềm tự hào” của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai ; …v.v.
Trong rất nhiều bài viết, bài nghiên cứu hay trong cuốn sách, tôi tâm đắc nhất đó là bài viết của Tiến sĩ Lý Việt Quang - “Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong – Một gia đình cách mạng tiêu biểu”. Bài viết ca ngợi những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ca ngợi tình yêu lớn lao, cao đẹp, bền chặt của Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Ca ngợi tình vợ chồng sâu nặng, tình mẫu tử thiêng liêng, đồng chí dành cho chồng và con gái thương yêu của mình. Trọn cuộc đời, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tình yêu của hai người cũng nảy nở, nhân lên và ngày thêm bền chặt trong quá trình phấn đấu vì sự nghiệp chung của cách mạng. Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong đã nêu lên tấm gương sáng mãi về một gia đình cách mạng tiêu biểu, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và Đảng lên trên hết.
Với những thông tin bổ ích mà các bài viết, bài nghiên cứu của các học giả danh tiếng chia sẻ; hy vọng tài liệu sẽ giúp bạn đọc giải đáp phần nào những thắc mắc của mình về cuộc đời, sự nghiệp, những hi sinh cao cả của nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Chợ Lớn đầu tiên và duy nhất - Nguyễn Thị Minh Khai.
Đào Thanh
12/08/2016
Đã 55 năm sau khi cuộc chiến đầy tội ác mà đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam kết thúc, song 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 366 kg dioxin quân đội Mỹ trong 3.735 ngày (từ năm 1961 - 1971), đã phun rải xuống gần 26.000 thôn, bản, làng, xã Việt Nam, làm cho khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam. Cùng với đó nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu của những người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Đó chính là tội ác tày trời mà Mỹ gây ra ở Việt Nam, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
Âm mưu của Mỹ khi sử dụng chất độc màu da cam/dioxin là biến nhiều vùng núi rậm rạp ở miền Nam Việt Nam thành đồi núi trọc, biến nhiều vùng rừng ngập mặn thành bãi hoang trống; đánh vào tiềm lực chiến tranh của quân và dân miền Nam bằng cách phá hoại hoa màu, giết chết gia súc, triệt hạ nguồn lương thực, thực phẩm của nhân dân, làm cho nhân dân gặp nhiều khó khăn, phải chạy theo và chịu sự kìm kẹp của chúng trong các trại tập trung, phá hoại những hoạt động quân sự và đè bẹp ý chí đấu tranh của quân và dân ta. Đồng thời, chúng thường xuyên sử dụng chất độc hóa học với quy mô lớn nhằm phát hiện và tiêu diệt các căn cứ địa của mặt trận Dân tộc giải phóng; các trục đường giao thông thủy, bộ quan trọng để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, tiếp tế cho các lực lượng vũ trang miền Nam. Đặc biệt hơn nữa là Mỹ đã sử dụng chất độc, hơi độc trực tiếp chi viện trong quá trình tác chiến kết hợp với các hỏa lực khác làm tiêu hao và gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang miền Nam. Và đế quốc Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam trở thành nơi thí nghiệm sử dụng các chất độc, hơi độc, phương tiện, phương pháp sử dụng các chất độc, hơi độc của Mỹ đã có, để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tương lai và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác trên thế giới.
Ngay từ năm 1970, tại Tòa án Bertrand Russel cũng như tại Hội nghị Pari thế giới tỏ ra kinh sợ trước sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ gây ra cho người dân Việt Nam. Mọi người dân trên thế giới đã đồng cảm, bênh vực, giúp đỡ chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến dành lại độc lập, hòa bình cho dân tộc.
Chất độc da cam/dioxin đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun, rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là chất độc hóa học có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình là nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Những em bé được sinh ra, có em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn, có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói, có đôi tay nhưng không thể nâng niu, có đôi chân nhưng không thể bước, có trái tim nhưng chẳng biết buồn vui…, đó là hình ảnh của những nạn nhân chất độc da cam mang theo nỗi đau quằn quại về thể xác và sự trống rỗng trong tâm hồn.
Bằng những hành động cụ thể, những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm sóc đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam như: động viên, thăm hỏi, tặng quà đến những gia đình có người nhiễm chất độc da cam; tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân đồng cảm, chung tay, góp sức giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam; xây dựng chế độ chính sách được hưởng hàng tháng cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; biểu dương những gia đình, người nhiễm chất độc da cam vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng;…
Nhân dịp kỉ niệm 55 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016), Thư viện Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Nỗi đau da cam” của nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Nội dung tài liệu gồm 2 phần, tập hợp các bài viết, bài nghiên cứu chọn lọc của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước về những vấn đề liên quan đến thảm họa da cam mà quân đội Mỹ đã phun rải xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam.
Phần I – Cuộc chiến tranh mang tên Da Cam ở Việt Nam: Tập hợp các bài viết phản ánh về âm mưu của đế quốc Mỹ khi sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam; Phản ánh thực tế Mỹ đã rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam như thế nào; Những chất độc, vũ khí, phương tiện sử dụng chất độc, trang bị của các đơn vị và cơ sở nghiên cứu, sản xuất, tàng trữ chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam; Phân tích những đặc điểm liên quan tới việc sử dụng chất độc hóa học của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam; Việc sử dụng chất độc hóa học của Mỹ và những ảnh hưởng của nó đối với chiến trường Khu V, đối với tỉnh Quảng Ngãi, đối với dân tộc Tây Nguyên,… trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1961 - 1971); Và nhiều bài viết đã chia sẽ những tác hại của chất độc da cam/dioxin – Nỗi đau của nhiều cộng đồng, nhiều gia đình và nhiều thế hệ.
Phần II – Công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam: Giới thiệu các bài viết về cuộc đấu tranh trên trận địa dư luận quốc tế về việc đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam những năm 1961 – 1971; Thái độ của chính quyền Mỹ với nỗi đau chất độc da cam Việt Nam; Nước Mỹ với vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam; Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; và nhiều bài viết kêu gọi đồng bào cả nước cảm thông, chung tay, góp sức giúp đỡ những người bị chất độc da cam sớm hòa nhập cùng cộng đồng.
“Nỗi đau da cam” như những bằng chứng lịch sử sinh động nhằm tái hiện lại tội ác chiến tranh kinh hoàng mà đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Qua những bài viết ngắn gọn, súc tích, truyền cảm, sâu lắng đã góp phần chia sẽ, xoa dịu những nỗi đau mà nhiều thế hệ nạn nhân chất độc da cam đã phải gánh chịu. Đồng thời, tài liệu như là một tiếng nói bênh vực, đấu tranh dành lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Đào Thanh
Chất độc da cam là một loại thuốc khai hoang diệt cỏ sử dụng nhằm mục đích để làm trụi lá cây, đây là hỗn hợp chất lỏng màu nâu đỏ, đựng trong những thùng phuy sọc da cam. Loại chất độc này bao gồm 4 hóa chất: 2,4,5-T (2,4,5-Trichlorophenoxyacetic acid), 2,4-d (2,4-dichlorophennoxyacetic acid), cacodylic acid và phicloram. Chất 2,4,5-T có chứa độc chất Dioxin - một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, đây là tên gọi chung cho một nhóm hóa chất siêu độc hại, có thể nói dioxin là loại hóa chất độc nhất, bẩn nhất mà con người từng sản sinh ra. Trong chiến tranh, chất độc da cam/dioxin được đế quốc Mỹ sử dụng tại Việt Nam trên những diện tích rộng lớn, nhằm biến Việt Nam thành đồi hoang, nhà trống, tiến tới thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam.
Từ ngày 10/8/1961, không lực Hoa Kỳ đã mang cái nhãn mác “Việt Nam Cộng Hòa” thực hiện chuyến bay phun thuốc đầu tiên ở trên bầu trời KonTum đã gieo xuống Việt Nam này một khối lượng lớn – điều chưa từng thấy trong lịch sử loài người – loại thuốc diệt cỏ mang nhiều độc tính (thời gian Mỹ rải chất độc kéo dài 10 năm). Trong chiến tranh, loại thuốc này không chỉ hủy diệt cây rừng để cho bộ đội ta mất nơi ẩn nấp, hủy diệt ruộng vườn để cho bộ đội ta mất nguồn thức ăn, không những vậy kéo dài đến thời bình, chất độc dioxin còn khiến hàng triệu người Việt Nam mắc các chứng bệnh nan y, hàng triệu con trẻ bị những dị tật, dị hình,... Dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng từ chất độc ấy vẫn còn tiếp tục hiện diện quanh ta dưới nhiều cảnh trạng vô cùng bi thảm mà loài người nói chung, người Việt Nam nói riêng không khỏi đau đớn xót xa.
Nhân kỷ niệm ngày Việt Nam tưởng niệm 55 năm thảm họa da cam, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tác phẩm “Chất độc da cam: Thảm kịch và di họa”, đây là tài liệu vô cùng giá trị và ý nghĩa đối với đông đảo bạn đọc gần xa, nhất là những bạn đọc quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chất độc này cũng như tìm hiểu về những hệ quả mà nó gây ra cho con người đặc biệt là người Việt Nam.
Cách đây tròn 55 năm, để đạt được khát vọng chiếm lấy Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dùng âm mưu, thủ đoạn đê hèn bằng cách rải chất độc hóa học lên một dân tộc nhỏ bé, yêu hòa bình, yêu tự do như Việt Nam. Qua tác phẩm này, chúng ta sẽ có những nhận định rõ hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thương cảm với những con người của dân tộc đang gánh chịu những hệ lụy đó, biết xót thương đến đồng loại, sẵn sàng góp một tiếng nói vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ, chung tay xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân bằng những việc làm thiết thực nhất.
“Chất độc da cam: Thảm kịch và di họa” là tác phẩm bao gồm 173 trang với 4 chương và 2 phụ lục hình ảnh do Nhà Xuất bản Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh in và phát hành, tác phẩm được trình bày với những nội dung sau:
Chương I: Chất độc da cam – một cái nhìn, nội dung chương này giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về loại chất độc này, những phương thức gây hại của chất độc dioxin, những thông tin về nhà sản xuất, những điều cần biết khi xác định phơi nhiễm chất độc, những căn bệnh do chất độc gây ra đối với con người, những tiết lộ về nạn nhân da cam ở New Zealand, thành phần, năm sử dụng cũng như các thống kê về việc sử dụng các chất khai hoang này…
Chương II: Câu chuyện da cam, đây là chương nói về những câu chuyện của giới chuyên gia của Mỹ trong quá trình nghiên cứu, điều tra, thử nghiệm về loại chất độc này, họ đã biết tác hại kịch độc của loại thuốc hóa học này nhưng họ lại lạnh lùng khi sử dụng chúng trên mảnh đất của Việt Nam…
Chương III: Nỗi đau hậu chiến: Nội dung thể hiện những nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, sự thông cảm xót thương của người thân, của con người đối với đồng loại, nỗi trăn trở trước di họa chiến tranh của giới nghiên cứu,…
Vượt lên nỗi đau và “hành trình đi tìm công lý” là nội dung chính của chương IV. Ở chương này, bao quát quá trình hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam; cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài; báo chí quốc tế nói về nạn nhân chất độc da cam, những bằng chứng pháp lý buộc Mỹ phải nhận và có trách nhiệm đối với hậu quả mà chính Mỹ đã gây ra cho những nạn nhân chất độc da cam; những suy nghĩ, bình luận bên đấu trường pháp lý này…
Hai phụ lục cuối cùng dành riêng để trình bày một số hình ảnh rải chất độc da cam của Mỹ trên bầu trời Việt Nam và những di họa, hậu quả của chất độc da cam đối với con người Việt Nam.
Hy vọng, với những trang sách trong tác phẩm do những con người hữu trách và nhiều cây bút có đủ thẩm quyền thực tế cùng sự tham khảo công phu của các tác giả sẽ giúp cho bạn đọc có được cái nhìn cụ thể về một thảm họa – da cam mà dân tộc Việt Nam ta đã phải gánh chịu từ ngày hôm qua, nhưng tồn đọng đến hôm nay và cả ngày mai.
Tài liệu hiện đang sẵn có tại Phòng Địa chí - Thư viện tỉnh Đồng Nai. Trân trọng kính mời bạn đọc đến tham quan và tìm đọc tác phẩm.
Đinh Nhài
17/06/2016
Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, trên thế giới người ta đã và đang bàn nhiều về các lý thuyết phát triển xã hội theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp, tùy theo cách tiếp cận. Trong đó, ưu thế ngày càng nghiêng về lý thuyết phát triển bền vững dựa trên các trụ cột là kinh tế phồn vinh, xã hội hài hòa, văn hóa lành mạnh, chính trị dân chủ, môi trường trong sạch. Mỗi trụ cột đó đều có vai trò quan trọng riêng, đồng thời giữa chúng lại có mối quan hệ tác động qua lại mật thiết với nhau.
Điều đó giải thích tại sao, trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt lõi sau 25 năm đổi mới, Đại hội XI của Đảng đã xác định: Mục tiêu chiến lược của phát triển xã hội (theo nghĩa rộng) trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn theo nghĩa hẹp, thì đó là: Xây dựng một cộng đồng xã hội hài hòa, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi; thực hiện tiến bộ và công bằng ngay trong từng bước và từng chính sách; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ tạo động lực để phát triển. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội...
Là người từng được giao làm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm của chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước về "Đổi mới chính sách xã hội" (1991-1995), "Quản lý phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng" (1996-2000), rồi sau đó tiếp tục được mời tham gia một số chương trình đề tài cùng hướng, tác giả đã dành công sức điều tra, nghiên cứu và viết nhiều chuyên đề hoặc luận văn liên quan đến phát triển xã hội ở nước ta mười mấy năm qua.
Đến nay, nhờ sự giúp đỡ quý báu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tác giả lựa chọn một số chuyên đề và luận văn chủ yếu của mình để bổ sung, hoàn thiện và tập hợp lại thành một cuốn sách nhỏ với nhan đề: Một số vấn đề phát triển xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới - Luận cứ và giải pháp.
Nội dung tài liệu gồm những luận cứ và giải pháp về vấn đề xã hội mà tác giả đã dày công nghiên cứu từ nhiều năm qua. Trong tác phẩm, tác giả làm rõ khái niệm xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong đó đề cập đến cơ cấu xã hội – giai tầng ở nước ta qua gần 30 năm đổi mới, đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ cấu xã hội – giai tầng ở nước ta, những nhân tố tác động đến sự phát triển cơ cấu xã hội – giai tầng trong tiến trình đổi mới, thực trạng của từng giai cấp, tầng lớp hợp thành cơ cấu xã hội qua mấy thập niên đổi mới, những vấn đề đặt ra của dự báo xu hướng phát triển, biến đổi cơ cấu xã hội – giai tầng ở nước ta đến năm 2020.
Bên cạnh đó tác phẩm cũng trình bày nhiều vấn đề về kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong mô hình phát triển của Việt Nam ở thời kỳ đổi mới mà nổi bật là chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới kinh tế - xã hội, vấn đề thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta gần 30 năm qua, những kiến nghị cụ thể hóa hệ quan điểm và một số giải pháp nhằm kết hợp tốt hơn giữa kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội từ giai đoạn 2016 đến 2020.
Ngoài ra, tác phẩm cũng đưa ra những vấn đề về thực hiện an sinh xã hội ở nước ta trong tiến trình đổi mới, nổi bật là nguồn gốc lịch sử và những quan niệm đầu tiên về an sinh xã hội trên thế giới, quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công tác an sinh xã hội và kiến nghị một số quan điểm và hướng giải pháp cho thời gian tới.
Qua những vấn đề mà tác giả đã đề cập, càng khẳng định quyết tâm kiến thiết một xã hội phát triển theo định hướng trên đây là sự phản ánh nguyện vọng sâu xa của quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam và là sự tiếp nối lôgíc của lịch sử gần một thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người theo triết lý phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó còn là kết quả của quá trình Đảng và Nhà nước ta mở rộng tầm nhìn, nghiên cứu, tham khảo và tiếp thu có lựa chọn những kinh nghiệm hay của các mô hình phát triển xã hội trên thế giới, qua đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước nhà.
Để hiểu rõ hơn về những vấn đề đã nêu, chúng tôi mời các bạn đón đọc tác phẩm hiện đang có tại Thư viện tỉnh. Hy vọng rằng cuốn sách có thể cung cấp một số căn cứ lý luận và thực tiễn, góp phần phục vụ cho việc hoạch định và tổ chức thực hiện tốt hơn những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội ở nước ta trong thời gian tới.
Phan Hương
|
|
|
|
|