Bỏ qua nội dung chính

gtsachchuyende

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > gtsachchuyende > Danh mục
Thép đã tôi thế đấy - Tác phẩm nổi tiếng dành cho thanh niên

Thép đã tôi thế đấy là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Nga Xô Viết. Suốt tám mươi lăm năm kể từ lần xuất bản đầu tiên (1932) đến nay, dù trải qua nhiều biến cố, nhưng cuốn tiểu thuyết về người thanh niên Pavel Korsaghin với lí tưởng sống cao đẹp và uớc mơ hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, quê hương vẫn được bạn đọc mến mộ và trân quý.

Nội dung tác phẩm Thép đã tôi thế đấy được gói gọn trong 424 trang, được hai hai nhà văn Việt Nam Thép Mới và Huy Vân dịch từ bản tiếng Nga, do Nhà Xuất bản Kim Đồng chịu trách nhiệm phát hành năm 2015.

Có thể nói đây là một tác phẩm đặc biệt được viết bởi một con người đặc biệt, ra đời cũng trong một hoàn cảnh đặc biệt - nhà văn Nikolai A. Ostrovsky – một thương binh bị bệnh nặng, bị hỏng mắt và nằm liệt gường. Không chịu khuất phục số phận, ông đã miệt mài viết những dòng nhiệt huyết của trái tim tuổi trẻ cho đến hơi thở cuối cùng. Nhân vật trung tâm Pavel Korsaghin chính của tác phẩm cũng chính là tác giả - một chiến sĩ của Cách mạng Tháng Mười Nga thời bấy giờ.

Sinh ra trong một gia đình lao động tại tỉnh Volhynia của Ukraine, thời ấu thơ Nikolai Ostrovsky là cậu bé nghịch ngợm nhưng ham đọc sách. Ông thích tiểu thuyết lãng mạn và phiêu lưu. Ông thường đọc to lên những đoạn trích mà ông hứng thú, kể lại cho mẹ nghe những cuốn sách mình vừa đọc nhưng với những tình tiết đã bị thay đổi theo trí tưởng tượng của ông… Cũng vì thích đọc sách mà trong tâm hồn niên thiếu của N. Ostrovsky, bóng dáng những người anh hùng cách mạng như Garibaldi và Gladfy “Ruồi trâu” luôn hiển hiện đẹp đẽ và cao thượng.

Tuổi thiếu niên của N. Ostrovsky là những năm tháng gắn với những sự kiện lớn trong lịch sử nước Nga: Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười và cuộc nội chiến ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, thái độ và nhận thức xã hội của ông.

Ngay từ khi còn ít tuổi, tác giả đã biết bí mật giúp Ủy ban Cách mạng chống lại quân xâm lược và những kẻ xảo trá phản bội mở đường cho quân Đức. Khi thành phố Shepetovka được giải phóng, N. Ostrovsky tích cực tham gia vào công tác chính quyền mới và chiến đấu chống bọn phản cách mạng. Ông là một trong năm đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên ở Shepetovka. Năm 15 tuổi, ông gia nhập sư đoàn kị binh Kotovsky (một vị tướng tài của Liên Xô cũ) và chiến đấu vô cùng dũng cảm, ông bị thương, trở về quê nhà của mình.

Sau đó, N. Ostrovsky tình nguyện trở lại quân đội. Trong cuộc chiến đấu tại Lvov, ông bị thương nặng và bị hỏng mắt phải. Sau khi điều trị, N. Ostrovsky được xuất ngũ và trở về quê hương. Năm 17 tuổi, ông trở thành người đứng đầu một tổ chức Thanh niên Cộng sản địa phương, làm công việc thợ điện tại xưởng đường sắt. Do điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, gian khổ, bệnh tật ông bị tái phát nặng thêm.

Năm 1924, Nikolai Ostrovsky trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đến thời điểm này sức khỏe của ông xấu đi nghiêm trọng. Để quên nỗi đau thân xác và những ám ảnh bệnh tật, Nikolai A. Ostrovsky nghiên cứu và đọc hàng trăm cuốn sách, ngoài những tác phẩm văn học ông còn đọc sách lí luận và các tác phẩm của Gorky.

Ở tuổi hai mươi ba, ông gần như không thể tự mình bước đi được nữa. Các tin tức buồn phiền về bệnh tật đã khiến ông tuyệt vọng nhưng rồi ông nhận ra tâm trạng bi quan không phù hợp với con người và hoàn cảnh của ông.

Năm 1930, tình yêu và hi vọng đã hồi sinh cho ông. Ông quyết tâm quay trở lại đội ngũ chiến đấu với thứ vũ khí mới là chữ viết. Ông viết bằng kí ức, bằng nỗi nhớ không nguôi về những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi cùng số phận, sự hi sinh quả cảm của những người anh em, đồng chí đoàn viên Thanh niên của ông. Ông luôn tin rằng những người Bolshevik sẽ đưa đất nước của ông tiến lên thịnh vượng và công bằng.

Trên gường bệnh, một mình can đảm đối mặt với cuộc chiến giành sự sống và tiếp tục sáng tác. Ông đã nghĩ ra một bộ dụng cụ bằng bìa cứng cho phép một người mù lòa và khó khăn cử động có thể dùng để viết cuốn sách của mình. N. Ostrovsky bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tiên như thế. Cuối năm 1930, N. Ostrovsky viết lại bằng trí nhớ những trang bản thảo đã mất, hoàn thiện và đặt tên cho tác phẩm của mình là Thép đã tôi thế đấy

Thép ở đây là Pa-ven, là Xê-ri-ô-gia, là Va-li-a, là Giác-ki, cả một lớp thanh niên lao động, vừa lớn lên thì gặp ngay cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. Lò ngàn độ nóng tôi rèn họ là cuộc đấu tranh thật trường kỳ gian khổ, thật là tự lực cánh sinh của Cách mạng Tháng Mười. Người thợ vĩ đại tôi rèn thép ấy là Đảng Cộng sản, ngọn cờ và bộ tham mưu của cách mạng. Đảng lần lượt lãnh đạo chiến tranh, đảm bảo cung cấp, tổ chức vận tải, xây dựng đường sắt, trấn áp tàn dư phản cách mạng, tổ chức lực lượng nhân dân rộng lớn và thiết lập chính quyền cách mạng vững mạnh, lãnh đạo phục hồi sản xuất và kiến thiết, dắt dẫn nhân dân đi vào một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa - chưa từng có bao giờ. Trong đấu tranh vũ trang cũng như công tác xây dựng, Đảng tập dần thói quen cho Pa-ven chiến thắng. Pa-ven từng bước một trưởng thành, trở nên một chiến sĩ cách mạng già dặn. Bệnh tật mười chết một sống là trận thử thách cuối cùng. Pa-ven là thép đã tôi rồi nên đã thắng, toàn thắng.

Trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Thép đã tôi thế đấy là một trong những tác phẩm mà những chiến sĩ Hồng quân mang theo trong hành trang của mình qua các chiến trường khốc liệt.

Ở Việt Nam, tác phẩm Thép đã tôi thế đấy được dịch sang tiếng Việt lần đầu tiên vào 1954. Trong các chiến hào Điện Biên Phủ mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm dưới tên gọi Luyện thành gang thép. Ít năm sau đó, tác phẩm Thép đã tôi thế đấy được hai dịch giả Thép Mới - Huy Vân chuyển ngữ, Thép đã tôi thế đấy đã trở thành tác phẩm gối đầu của nhiều thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, những thế hệ như người thương binh Phạm Hồng Sơn, nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.., và rất nhiều, rất nhiều những thanh niên khác nữa đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, quê hương.

Thép đã tôi thế đấy là một ca khúc tươi đẹp của đời sống thực tế. Đọc mỗi chương sách như tiếp thêm máu chảy, nhiệt huyết cách mạng như được sục sôi, thúc giục tinh thần chiến đấu, lao động, học tập trong người đọc... Tác phẩm giải quyết cho chúng ta nhiều vấn đề về nhân sinh quan mới, dạy chúng ta biết yêu, biết ghét một cách chính xác và sâu mnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho con người một quan niệm về tình yêu trong sáng. Không những vậy, nó còn là một kho báu kinh nghiệm trong công tác cách mạng để người người có thể nhìn nhận ra ánh sáng của chân lý, tiếp thêm sức mạnh thực hiện thành công công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2018), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm nổi tiếng này. Tin tưởng rằng, từ tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, lý tưởng cao đẹp cũng như nghị lực phi thường của người thanh niên Pavel Korchaghin sẽ còn sống mãi trong tâm thức, suy nghĩ, khát vọng và hành động của không chỉ những người trẻ tuổi hôm nay.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM  ''DẤU ẤN LỊCH SỬ CUỘC TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968''

Mùa xuân đang về trên từng góc phố, ngõ quê . Nào là cờ đỏ sao vàng bay phấp phới - len lỏi vào từng góc ngõ, nào là những  hàng mai, hàng đào đã lốm đốm được bày biện bên lề đường. Trẻ nhỏ háo hức nhận lì xì, người lớn tất bật  hoàn thành công việc cuối năm, người già thì mong đến ngày gia đình đoàn tụ...Tết đang về, những ngày đầu 2018 đang tới...

Các bạn thân mến, hẳn mỗi chúng ta đều đang mang trong mình những dự định, những kế hoạch và cả những niềm vui cho năm mới. Nhưng có biết chăng cũng vào thời điểm này 50 năm về trước, cha ông ta lại đón tết một cách thật đặc biệt – họ chọn đón tết trong bom rơi lửa đạn , trong chiến tranh và đổ máu…để rồi giờ đây, lớp lớp con em Việt Nam được sống trong trong những mùa xuân hòa bình . Nhân dịp tết đến , xuân về , chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại 50 năm về trước , để cùng nhau tưởng nhớ và tri ân công lao của ông cha trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua quốn sách: “ Dấu ấn lịch sử cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968”khổ 19cm x 27cm , Do nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2017 của tác giả : Vũ Thiên Bình sưu tầm và tuyển chọn những nghị quyết, chỉ thị cùng những bài viết xem lẫn những hình ảnhliên quan đến cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.

Tập sách gồm năm phần được trình bày trọn vẹn trong 400 trang sách. Mở những trang sách đầu tiên ở phần một  của cuốn sách, khóe mắt tôi bất chợt cay cay  trước những hình ảnh tại “Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa năm 1968”. Thế rồi đôi mắt đã ngấn nước, những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi  rơi xuống trang sách chứa đựng hình ảnh của “ nghi thức hạ nắp ngôi mộ tập thể an táng hài cốt các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đồng Nai”.

phần hai là phần tôi cảm nhận được sâu sắc nhấtvề dấu ấn lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.  Ở Phần  này, thông qua các nghị quyết, các điện mật,  các chỉ thị … từ cuối năm 1965 đến tháng 5 năm 1968 được tác giả trình bày về tình hình và bối cảnh lịch sử dẫn đến cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, quân ta đã tìm hiểu chỗ mạnh, chỗ yếu của kẻ địch. Còn phương châm chiến lược chung của chúng ta là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn của đảng ta, nhân dân đã sáng tạo nên những lực lượng to lớn về mọi mặt và đang ở thế thuận lợi. Chính vì lẽ đó, vào đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân),cuộc tổng tiến công đã nổ ra và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam. Quân và dân ta đã đánh mạnh vào hầu khắp những nơi trọng điểm của địch gồm đô thị, sân bay, căn cứ quân sự …, gây cho địch nhiều thiệt hại, dồn chúng vào thế bị động hơn nữa, giúp cho phong trào nhân dân ở các đô thị nổi dậy mạnh mẽ. Đó là một thắng lợi to lớn của quân ta. Đây là một sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết mậu thân 1968 là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được trình bày ở phần ba của tập sách. tác giả đã sưu tầm và tuyển chọn những bài viết về chiến lược, về nghệ thuật chiến tranh, về những nét đặc sắc trong cuộc tổng tiến công. Thông qua phần bốn của tập sách, chúng ta rút ra được những bài học và ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Đến vớiphần cuối của tập  sách,thông qua nhữngbài báo của Mỹ và các nước khác nói về sự kiện này, có thể nhận thấy, dù ở góc độ nào, dưới con mắt của các các nhà khoa học quân sự, nhà chính trị hay nhà báo, từ người dân bình thường đến các tướng lĩnh cao cấp đều phải thừa nhận vai trò vô cùng quan trọng của chiến dịch tết Mậu Thân 1968 đối với toàn bộ cuộc chiến tranh chống xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.Bởi lẽ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước tột cùng.

Thân mời quý độc giả cùng đến với cuốn sách “Dấu ấn lịch sử cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968”, chúng tahãy  cùng  ngược dòng lịch sử  tới  sự kiện tết Mậu Thân năm ấy, để tìm hiểu sâu hơn về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của  cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

                                                                                      Yên Yên