Bỏ qua nội dung chính

Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam > Bài đăng > THẦY TRẦN TRỌNG KIM (1887 - 1953)
THẦY TRẦN TRỌNG KIM (1887 - 1953)

 

 

Nhắc đến Trần Trọng Kim, người ta nhớ ngay đến việc ông ra làm thủ tướng cho chính phủ Nam triều, dưới sự bảo trợ của Nhật. Vào thời kỳ này, Nhật thua rõ ràng, ở nhiều nước thuộc châu Á, kể cả Trung Quốc, nhiều chính phủ bù nhìn được dựng nên, đều bị dư luận chê trách, ở nước ta cũng vậy. Nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật, thì tất nhiên là một chính phủ bù nhìn thân Nhật không được ai ưa. Lật đổ Pháp rồi, Nhật phải lập một chính phủ tay sai. Bảo Đại đã tìm đến cả Huỳnh Thúc Kháng, cả Ngô Đình Diệm, đều không ai nhận lời, sau phải tìm đến Trần Trọng Kim. Nếu ông từ chối thì cũng không khó gì. Nhưng ông nhận lời để ra làm chính trị. Ông đã chọn lầm đường để chịu búa rìu dư luận.

Thật ra lúc đó, nước Nam vẫn bắt buộc phải có chính phủ Nhật không thể trắng trợn nắm quyền, cũng như Pháp suốt 80 năm vẫn phải duy trì bộ máy Nam triều. Phải có một chính phủ không là tay sai thì cũng phải phục tùng quan Nhật. Không phải Trần Trọng Kim thì cũng sẽ có một con người khác. Nhưng Trần Trọng Kim vốn là một học giả lại chạy lên vũ đài chính trị thì quả là không hay. Ông không thể nào tránh được lời chê trách đó.

Tuy nhiên, trong cái sai lầm to lớn này, có được đôi điều vớt vát. Thật ra, trong đà chung của phong trào, trong bước tiến của lịch sử, hồi đó ta phải lên án chính phủ Trần Trọng Kim, song thực tế thì chính phủ này không ký kết với Nhật một điều khoản nào, cũng không có một chủ trương nào có hại cho đất nước, mà lại gián tiếp làm lợi cho cách mạng một đôi phần. Chính phủ này đã thả các tù chính trị phạm (lúc đó ông Trịnh Đình Thảo làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Bao nhiêu con chim bị Tây Nhật giam giữ, đã sổ lồng để tiếp tục tung hoành như ta đã biết. Chính phủ này cũng ra lệnh hoãn nợ, để đỡ phần cho nông dân nghèo (không biết việc thực thi có chu đáo không). Chính phủ cũng có một chương trình giáo dục mới, sau này thành kinh nghiệm tốt (ông Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục). Có phong trào ngay lúc đó, được gọi là thanh niên Phan Anh, thực tế ở nhiều nơi đã thành tổ chức do Việt Minh lãnh đạo. Nếu là một chính phủ thân Nhật khác, dễ gì đã có được những hành động tạo điều kiện thuận lợi như vậy.

Có một điều khá trớ trêu, mà cũng thú vị, chính phủ Trần Trọng Kim bị công kích, nhưng các thành viên chính phủ hầu hết đều là người trong sạch, là tiêu biểu cho trí thức Việt Nam. Ngoài Trần Văn Chương, sau làm đại sứ giúp Ngô Đình Diệm, Vũ Ngọc Anh bị máy bay Mỹ bắn, còn lại đều đứng về phía Việt Minh hoặc có cảm tình với Việt Minh. Trần Đình Nam, Hồ Tá Khánh tích cực thúc giục Bảo Đại thoái vị. Lưu Văn Lang chỉ có tên mà không đến Huế hôm nào. Phan Anh sẽ ở trong chính phủ cụ Hồ, Hoàng Xuân Hãn là thành viên trong phái đoàn hội nghị Đà Lạt. Trịnh Đình Thảo sẽ ở trong Mặt trận Giải phóng miền Nam. Tất cả đều là trí thức tiêu biểu của đất nước. Trần Trọng Kim tập hợp được họ, là một vinh dự của ông, nhưng họ cũng đã chịu mang tiếng với ông. Phải thông cảm đó là một điều bi kịch.

Song như đã nói trên, trước sau Trần Trọng Kim chỉ là một nhà học giả. về lĩnh vực này, cho đến nay, những thành tích của ông còn có ít người theo kịp.

*

Vào những năm thập kỷ 20, và mấy năm đầu thập kỷ 30, việc nghiên cứu học thuật ở nước ta, chưa có kết quả bao nhiêu. Những bài viết trên các tạp chí Đông Dương, Nam phong có được chú ý, song những sách vở, những công trình dài hơi thì chưa có mấy. Trần Trọng Kim đã là người đi đầu trong hầu hết những chuyên ngành khoa học. Về sử học, ông viết cuốn Việt Nam sử lược (1928) một cách khá nghiêm túc, gọn gàng mà phong phú. Cách phân chia thời kỳ lịch sử của ông, dù sau này, tuỳ theo quan điểm nhiều nhà sử học mà có cách chia khác nhau, nhưng cách của Trần Trọng Kim vẫn là dễ nhận hơn cho những trình độ phổ thông. Đặc biệt, ông đã có những đánh giá rất thoả đáng về phong trào Tây Sơn, về người anh hùng Nguyễn Huệ.

Về triết học, Trần Trọng Kim đã viết bộ sách Nho giáo, ba quyển (1932). Dù ngày nay, ta đã có những công trình đi sâu hơn, có quan điểm mới hơn, nhưng vẫn phải công nhận bộ sách này là đầy đủ và có hệ thống hơn. Toàn bộ giáo lý của Khổng Tử được trình bày cặn kẽ, các lý thuyết Hán nho, Tống nho và sau này (Minh Thanh) đều được đề cập đến. Sách ra đời đã được hoan nghênh, những người am hiểu Nho giáo như Phan Khôi, Ngô Tất Tố - dù có ý kiến dị đồng - đều phải công nhận sách của Trần Trọng Kim rất có giá trị. Ưu điểm của Trần Trọng Kim là khi được phê bình chính xác, ông đã lặng lẽ tiếp thu, sửa chữa lại ở các bản in lần sau. Người ta đều phục tư cách học giả đúng đắn của ông. Có thể nói, ngay bây giờ, chúng ta muốn có những hiểu biết về Nho giáo thì nên đọc các tác phẩm của Trần Trọng Kim trước đã.

Cùng với Nho giáo, ông cũng đã viết về Phật giáo, Lão giáo và cũng đều là những công trình nghiêm túc, trình bày đầy đủ rõ ràng, theo khuynh hướng tôn vinh của ông, và như vậy cũng tiện cho chúng ta tham khảo.

Về văn học, Trần Trọng Kim đã cùng với Bùi Kỷ công bố Truyện Thuý Kiều phiên âm, chú giải công phu. Các bản Kiều quốc ngữ, cả về sau này, vẫn phải khai thác, học tập ở bản Kiều này. Ngoài ra, từ sau 1945, ông còn công bố, phiên âm bản Hạnh thục ca, và dịch một số bài thơ Đường. Thơ dịch của ông không đạt bằng nhiều dịch giả có tiếng, nhưng rất đúng nghĩa. Ông vẫn có công lớn trong sự nghiệp nghiên cứu văn học.

                                                      *

Trong phạm vi giáo dục, phải công nhận là Trần Trọng Kim có công đầu. Từ năm 1914, ông cho xuất bản cuốn Sơ học luân lý, rất được hoan nghênh trong các trường Pháp - Việt. Hai năm sau, ông lại có cuốn Sư phạm khoa yếu lược (1916). Báo Đông Dương tạp chí hồi đó đánh giá rất cao, cho là Trần Trọng Kim rất có công với học giới: đã viết sách: “Dạy cho trẻ biết đường ăn ở”, “Khuyên cho người lớn biết đường dạy trẻ”. Ông là người sáng lập tờ Học báo, làm tài liệu cho các giáo viên sơ học, tiểu học trong cả nước. Ông còn là chủ biên một loạt sách “giáo khoa thư” cho các lớp Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng gồm cả: Luân lý, Cách trí, Quốc văn, sử ký v.v... [1] Phải công nhận rằng đây là những cuốn giáo khoa viết rất hay, rất hợp với sinh lý lứa tuổi. Các sách cấp I và cấp II của chúng ta ngày nay rất cần rút kinh nghiệm cách soạn bài của những sách này. Rất nhiều nhà trí thức sau này đều phải công nhận những bài học đầu tiên trong các sách này có tác dụng lớn, gây ấn tượng rất sâu. Nhất là tập Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng có nhiều bài mà nghệ thuật soạn bài đạt đến mức điêu luyện. Những đầu đề như: “Ai bảo chăn trâu là khổ...” đã thâm nhập vào những khối óc trẻ thơ, còn vang vọng đến bây giờ. Những bài luân lý bày vẽ các bổn phận đối với ông bà, cha mẹ. Những mẩu chuyện về gia đình (chuyện ông Trương Công Nghệ), chuyện thầy trò (ông Các-nô), chuyện tu thân (ông Trương Cán)v.v... đều được chọn lọc, khai thác rất khéo. Sách Sử ký giáo khoa thư cung cấp những tri thức lịch sử rất vừa phải mà lại được trình bày một cách sinh động với lời văn trôi chảy đến mức rất dễ thuộc lòng. Kinh nghiệm chỉ đạo viết sách giáo khoa của Trần Trọng Kim rất đáng được học tập. Trần Trọng Kim cũng lại là người đầu tiên, cùng với Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, cho in cuốn Việt Nam văn phạm (1941). Sách Mẹo tiếng Việt, lúc bấy giờ cũng đã có vài cuốn (của Nguyễn Hiệt Chi, Trần cảnh Hảo v.v...), nhưng sách này bề thế hơn. Cách soạn còn chịu ảnh hưởng ngữ pháp nước ngoài, nhưng vẫn có giá trị riêng của nó.

Rất tiếc là hiện nay, không thể tìm được những bài giảng của Trần Trọng Kim ở trên lớp học - không rõ ông có trực tiếp lên lớp nhiều giờ không - nên không thể biết thêm phương pháp của ông. Song những thông tin trên đây cũng đủ cho ta thấy ông là một người có nhiều ưu điểm. Có thể đồng ý với Vũ Ngọc Phan rằng: “Ông là một nhà giáo dục”. Vũ Ngọc Phan còn nói thêm: “…Những sách của ông toàn là sách học…Văn của ông là một thứ văn rất hay, tuy rất giản dị mà không bao giờ xuống cái mức tầm thường, lời lẽ sáng suốt, giọng laị thiết tha như người đang giảng dạy... Ông lại là một nhà văn dùng chữ rất xác đáng và viết quốc ngữ rất đúng nữa”.

                                                                                                                                                                    Vũ Ngọc Khánh


 


[1]. Sách này có ghi là do 4 người soạn: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thân soạn, rất thông dụng trong các nhà trường - đều do Nha học chính Đông Dương xuất bản.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


[1]. Sách này có ghi là do 4 người soạn: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thân soạn, rất thông dụng trong các nhà trường - đều do Nha học chính Đông Dương xuất bản.

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.