
Từ 1 nhân viên bán xăng ở Cây Xăng Sáu Sử, sau đó đi làm phu cạo mũ cao su cho Đốc phủ Thanh vào khoảng năm 1958. Trong một lần cùng anh em công nhân cạo mũ, tham gia đấu tranh đòi chủ tăng lương, bị giới chủ cấu kết cùng bọn lính đàn áp và làm nhục. Chú bỏ nghề cạo mũ và tìm đến cách mạng, thoát ly tham gia vào lực lượng du kích Thiện Tân, sau chuyển về lực lượng vũ trang Thị xã Biên Hòa.
Vốn là người địa phương nên chú rất thông thuộc địa hình tại đây, vì thế khi được đơn vị phân công trực tiếp điều nghiên địa hình hàng tháng trời, bất kể ngày đêm, cùng những hiểm nguy gian khổ, chú cùng anh em đã thâm nhập vào tận sân bay Biên Hòa để vẽ sơ đồ. Những sơ đồ địa hình sân bay Biên Hòa được thể hiện khá tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ như các cây to, từng lớp hàng rào kẽm gai, nhất là vị trí các kho bom đạn và các ụ chứa máy bay địch. Cũng với nhiệm vụ quan trọng đó, ngay trong đêm 30 rạng 31/10/1964, tổ giao liên của chú đã hướng dẫn lực lượng pháo binh miền tiến sát vào gần sân bay Biên Hòa để chọn vị trí thích hợp bố trí trận địa đặt pháo. Nhờ công việc cẩn trọng trên, lực lượng pháo binh xác định chính xác cự ly tọa độ để dội pháo vào, góp phần lập nên một chiến công vang dội.
Ngay sau trận đánh vào sân bay Biên Hòa tạo được tiếng vang, phấn khởi trước chiến công oanh liệt đó, chú đã làm bài thơ và in thành tờ bướm đem rãi trong nội ô Biên Hòa để kêu gọi bà con Biên Hòa tham gia đấu tranh với giặc, trong đó có đoạn :
....... Phi trường địch gọi là nơi an toàn
Châu vi quân sự bao tròn
Pháo vào rất dữ tan thây quân thù
Hai mươi mốt phản lực chổng đầu
Thi nhau bốc cháy Mỹ rầu thúi gan
Thanh niên mau quyết lên đường
Tòng quân giết giặc còn chi vinh bằng........
Dẫu 45 năm đã trôi qua đi, nhưng mỗi khi nhắc đến trận kỳ tập chiến thắng sân bay Biên Hoà, nhân dân cả nước nói chung, người dân Biên Hòa nói riêng không thể nào quên bởi truyền thống lịch sử đó luôn mang đậm dấu ấn của tình quân dân Biên Hòa. Sự tham gia phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của quân dân Biên Hòa với đoàn pháo binh miền đã làm nên một chiến công vang dội, trong đó phải kể đến phần đóng góp không nhỏ của người dẫn đường Nguyễn Hữu Nghĩa, người con của quê hương Biên Hòa.
Huỳnh Hiệp - Đài TT Biên Hòa
Nguồn http://www.bienhoa.gov.vn. Ngày 21 tháng 10 năm 2009.