Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự
Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự
Đây là di tích lịch sử danh nhân có giá trị ở Đồng Nai, gồm hai phần: mộ và đền thờ. Phần mộ là nơi an táng Đoàn Văn Cự, thủ lĩnh hội kín Thiên Địa hội ở Biên Hoà và 16 nghĩa binh tử vong trong trận tấn công của Pháp vào bưng Kiệu năm 1905. Đây cũng là nơi mà lúc sinh tiền Đoàn Văn Cự xây dựng căn cứ kháng chiến. Mộ tọa lạc trên khu bình địa tổng kho Long Bình, phường Long Bình, cách trung tâm thành phố Biên Hoà 8km đường chim bay. Nguyên thủy chỉ là nấm mồ chôn cất đơn sơ, năm 1956 và 1990 được nhân dân trùng tu lại theo lối xây cất mới. Mộ hình chữ nhật, dài 16,5m; rộng 2m; cao 0,5-0,75m. Phía sau là ngôi miếu nhỏ thờ hương hồn Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, bài trí đơn giản. Khu mộ được bảo vệ bởi hai vòng rào bằng gạch, có cổng ra vào. Gần như bao quanh khu mộ là dòng Linh Tuyền, tiếng nước róc rách suốt ngày đêm đưa hồn các tử sĩ vào cõi vĩnh hằng.

Tại phường Tam Hiệp, trên Quốc lộ 15, một ngôi đình cũng được xây cất từ năm 1956 làm chỗ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, cách phần mộ khoảng 1km về hướng đông bắc 64 độ. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng 3.000m2, kiến trúc theo kiểu chữ tam (三), gồm hai phần chính: nhà võ ca và chánh điện.
Nhà võ ca chiếm diện tích 303,75m2, đối diện với đền thờ chính. Bên trong có sân khấu nhỏ dùng để hát bội trong những dịp lễ đền. Mặt sân khấu đối diện với chánh điện.
Trước khi vào chánh điện phải qua nhà bái. Đây là nơi khách thập phương ra vào hành lễ, diện tích 75,465m2, mái lợp ngói móc, nền cao 0,5m xây bằng đá ong lót gạch bông, được chia làm ba gian, mỗi gian đều có bàn hương án. Trước đền có cặp lý ngư hoá long chầu mặt trời, biểu tượng cuốn thư cây giáo, hai bên là hai con rồng bằng gốm men xanh.
Nối tiếp nhà bái là chánh điện, diện tích 129,87m2 gồm bốn mái lợp ngói móc, trên nóc có cặp rồng chầu pháp lam, chia thành ba gian bởi những hàng cột gỗ sao, trên cột đều có liễn đối. Gian chính giữa thờ thần, bàn hương án bằng gỗ khắc chạm rồng chầu mặt trời, chim muông... được sơn son thếp vàng, hai bên là hàng bát bửu. Hai gian bên thờ tả hữu ban liệt vị. Dọc mặt tường tả hữu thờ Tiền hiền, Bạch mã, Tiên sư, Thổ công.
Phía sau chánh điện là nhà khách và nhà bếp. Nơi đây dùng để tiếp khách và nấu ăn trong những ngày lễ trọng.
Đáo lệ hàng năm, đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, nhân dân địa phương thiết lễ giỗ bằng một độ tế rất long trọng, tưởng nhớ hùng khí của Đoàn Văn Cự và 16 tử sĩ vì đại cuộc xả thân.
Đoàn Văn Cự lãnh đạo hội kín Thiên Địa hội ở Biên Hoà, một tổ chức yêu nước chống ách thống trị của thực dân Pháp. Ông đã quy tụ được đông đảo lực lượng nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến thời kỳ trước khi Đảng Cộng Sản ra đời. Tuy bị thực dân Pháp nhanh chóng dập tắt nhưng hoạt động của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng miền Đông Nam bộ trong những thập niên đầu thế kỷ XX.
Thiên Địa hội vốn là một tổ chức vừa có tính chất tương tế, vừa có tính chất chính trị của nông dân Trung Quốc, được hình thành từ sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ, khẩu hiệu chính trị là “Bài Mãn phục Minh”.
Cuối thế kỷ XX, tổ chức Thiên Địa hội hoạt động khá mạnh ở thành thị và nông thôn Nam kỳ lục tỉnh, nhờ vào việc phát triển thương mại. Bấy giờ Nam kỳ có nhiều hội yêu nước của nhân dân rất bí mật, báo chí gọi là “hội kín”, về sau gọi là Thiên Địa hội. Thật ra, các hội đó không mang một tên thống nhất nào, mà có nhiều tên gọi khác nhau. Hội hoạt động riêng lẻ, liên lạc ngang với nhau, khi có điều kiện thì kết hợp thành hệ thống dọc như một lực lượng yêu nước mạnh mẽ. Mục đích là đánh đuổi ngoại bang, giành độc lập, thiết lập chế độ quân chủ, khẩu hiệu đấu tranh là “Bài Pháp phục Nam”. Hình thức đấu tranh là bạo động. Các tổ chức này còn chịu ảnh hưởng sâu của hệ tư tưởng và đạo đức phong kiến pha màu thần bí.
Vốn giàu lòng yêu nước, nhân dân Nam kỳ lục tỉnh đã nhanh chóng biến hội kín thành hình thức hoạt động khá phổ biến để đấu tranh quyết liệt với giặc vào cuối thế kỷ XIX đầu những thập niên thế kỷ XX.
Trong tình hình chung của phong trào Nam bộ lúc bấy giờ, nhân dân Biên Hoà hưởng ứng nhiệt thành phong trào chống Pháp của Thiên Địa hội, mở đầu là tổ chức hội kín của Đoàn Văn Cự tại vùng bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu.
Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hoà (nay là quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trong gia đình nho học yêu nước. Bị Pháp và bọn tay chân theo dõi, ông lánh giặc đến tá ngụ ở bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu (nay là phường Long Bình, thành phố Biên Hoà) mưu đồ đại sự. Ngụy trang dưới nghề dạy học, cắt thuốc kiêm coi bói, ông ngấm ngầm tập hợp lực lượng, tích trữ vũ khí, lương thảo. Đội ngũ chống Pháp của ông rải khắp cả miền Đông Nam kỳ, đông nhất là Chợ Đồn, Chợ Chiếu (Cù Lao Phố), Bình Đa, Vĩnh Cửu đến núi Nứa (Bà Rịa). Lực lượng ngày càng hùng hậu, hoạt động của ông dần đến chỗ công khai nơi bưng rừng khuất tịch. Tất nhiên không tránh khỏi sự dòm ngó, theo dõi của chính quyền thực dân.
Để ngăn chặn ảnh hưởng và dập tắt phong trào ngay từ trong trứng nước, sáng ngày 12 - 4 -1905 (dương lịch), một tiểu đội lính mã tà do tên sen đầm chỉ huy kéo xuống bao vây căn cứ bưng Kiệu. Đoàn Văn Cự bố trí nghĩa quân do các tướng Hoàng Mè, Hoàng Giáp chỉ huy chuẩn bị đón đánh giặc. Phục binh cả ngày mà không thấy giặc động tĩnh, đến chiều tối, ông ra lệnh cho nghĩa quân về ăn cơm. Đúng lúc không còn quân canh phòng, giặc Pháp rầm rộ kéo đến, một toán quân khá đông bao vây nhà ông. Tên quan ba cùng tốp lính vượt suối Linh tiến vào. Đến ngưỡng cửa, chúng gặp ông trong bộ chiến phục oai nghi: đầu chít khăn lụa điều, mình buộc thắt lưng màu hồng, giắt đoản đao đầu hổ. Thấy địch, ông vung đao chém tên quan ba Pháp bị thương. Hắn rút súng bắn lại, Đoàn Văn Cự trúng đạn hy sinh trước bàn thờ Tổ. Lúc bấy giờ, đã bảy mươi tuổi mà tướng mạo ông hãy còn phương phi, nằm chết trên vũng máu với vẻ hiên ngang của một trang võ tướng.
Pháp xả súng vào căn cứ nghĩa quân, đốt phá lương thực. Thêm 16 người bị trúng đạn chết trong cơn tán loạn. Hôm sau, dân làng an táng 17 liệt sĩ vào ngôi mộ chung.
Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 722/QĐ - BVHTT, ngày 25 - 4 - 1998.
Dẫu thời gian đã trôi qua, tấm gương can liệt của Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa sĩ vẫn sáng mãi với khí thiêng sông núi, góp phần làm rạng rỡ “hào khí Đồng Nai”. Họ mất đi mà anh linh vẫn còn phảng phất trong tâm trí của người dân Biên Hoà nặng lòng hoài cổ.
Nguyễn Tuyết Hồng

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.