Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Đình Tân Lân
Đình Tân Lân
Đình Tân Lân, xưa kia thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đình toạ lạc giữa vùng dân cư trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền hướng ra dòng sông Đồng Nai lộng gió, cách trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh 500m về hướng tây bắc.

Từ khi xây dựng, nhân dân đã lấy tên gọi của thôn là Tân Lân (Xóm Mới) để đặt cho đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên địa phương nhiều lần thay đổi nhưng tên đình vẫn tồn tại cùng tháng năm. Tương truyền, nguyên thủy đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng (1820 -1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (vào năm 1861 và 1906), ngôi đình ở vị trí hiện nay.
Toạ lạc trên khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, đình Tân Lân bề thế, uy nghiêm với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Hoa. Khách đến tham quan sẽ nhận thấy sự trang nghiêm, đầy hưng thịnh của ngôi đình.
Mặt đình hướng về phía tây nam, được kiến trúc theo kiểu chữ tam (三) gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và hậu cung nối tiếp nhau. Hai bên tả hữu là miếu thờ Bà và thờ Ông. Mái đình lợp ngói âm dương. Nền cao 60cm bằng đá xanh, lót gạch bông (20cm X 20cm). Bên trong đình, mỗi gian được bài trí điện thờ, hoành phi, câu đối, bao lam bằng gỗ do các nghệ nhân dân gian chạm trổ tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao. Các đề tài đều tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc, công hầu... theo thông tục của người phương Đông.
Phần tiền đình có diện tích 75,5m2, bộ khung vì bằng gỗ, trên các xà ngang chạm khắc đề tài dơi, đào, hoa, lá... biểu tượng cho sự phước thọ, trường tồn. Trên nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu nhật”, “Lý ngư hoá long”... biểu tượng cho sự thịnh vượng, như ý. Mặt tiền mái đình là cả một công trình nghệ thuật đặc sắc tô điểm cho nền trời xanh thoáng đãng. Hằng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động, tài hoa. Khó có ai ngờ rằng, gần một trăm năm qua, những “Bát tiên quá hải”, “Quan Công phò nhị tẩu”, những chuyện tích thời chiến quốc, nhật nguyệt, lân phụng... sống động trên mái ngói, thi gan với nắng mưa mà vẫn nguyên vẹn sắc màu và đường nét.
Phần chánh điện chiếm diện tích 487,5m2. Tôn nghiêm nhất là gian giữa với những hàng cột gỗ lim to dị thường, với tượng thần uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng, với những cặp chim trĩ, loan, phượng... bằng đồng đứng chầu trong tư thế duyên dáng và trang nghiêm. Trước bàn thờ thần là bàn La liệt, tiếp đến là bàn hội đồng nội. Song song với bàn La liệt và bàn hội đồng nội là hai bộ bát bửu bằng đồng. Hai gian bên thờ tả và hữu ban. Dọc tường tả hữu có các bệ thờ Thái Giám, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền. Toàn bộ khung vì được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn dầu rái đảm bảo độ bền vững cao.
Hậu cung có diện tích 120m2 được chia thành ba gian, chính giữa thờ Tiên sư, hai bên thờ Tiền thứ Việt Nam và Tiền thứ Trung Hoa, được đặt trên bệ thờ bằng xi măng lót gạch men xanh.
Ngoài ra, sau đình còn có khu nhà bếp nối liền với hậu cung, kiến trúc đơn giản, là nơi nấu ăn của đình.
Những ai quan tâm đến mỹ thuật không thể không khâm phục bàn tay tài hoa của các nghệ nhân sáng tạo ngôi đình qua các tác phẩm điêu khắc đá, chạm khắc gỗ, phù điêu ghép sành, cẩn xà cừ, tượng sành kiểu Hoa Nam... trong đó ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Toàn bộ những mảng trang trí trên là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn với yếu tố kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Đây cũng là sản phẩm gần như cuối cùng của lớp nghệ nhân tài hoa bản địa.
Đình Tân Lân đã thể hiện được sự tôn nghiêm mà trữ tình, hoành tráng mà tinh xảo, xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với “Đức Ông” Trần Thượng Xuyên.
Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720 (ngày 23 - 10 Âm lịch)([3]) người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là Tổng binh ba châu Cao-Lôi-Liêm dưới triều Minh.
Năm 1649, vương triều Minh sụp đổ. Năm 1679, sau khi phất cờ “Bài Mãn phục Minh” thất bại, ông đem hơn 3.000 quân thân tín cùng gia quyến trên 50 thuyền đến Đại Việt xin thuần phục. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố đang còn hoang sơ.
Ông đưa lực lượng của mình đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố (địa phận Bàn Lân). Cùng nhóm lưu dân người Việt đến trước, ông và lực lượng của mình tiến hành khai khẩn quy mô lớn vùng đất màu mỡ phương Nam. Mặt khác, ông chiêu tập thương nhân người Hoa kiến thiết phố xá, tạo lập các cơ sở thương mại. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất, kinh tế phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (còn gọi là Cù Lao Phố) trở thành thương cảng phồn thịnh, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế vào bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.
Ông được lịch sử xác định như người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Công đức to lớn của ông được nhân dân ghi tạc, tôn thờ, xem như vị thần đã khai sáng vùng đất này.
Về hoạt động quân sự, Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng thao lược của chúa Nguyễn. Ông đã nhiều lần cầm binh đánh dẹp Cao Miên, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt.
Khoảng đầu những năm 1690, ông cùng Mai Vạn Long đánh bắt được Nặc Ông Thu, chiếm ba lũy Cầu Nam, Nam Vang, Gò Bích. Năm 1700, ông cùng Nguyễn Hữu Cảnh tiến đánh vua Chân Lạp lần hai. Sau trận tiến công này, vùng đất Biên Trấn, Phiên Trấn, Định Tường, Long Hồ, An Giang đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1715, ông lại cùng với Nguyễn Cửu Phú đi đánh dẹp bọn Nặc Ông Thâm, hạ được thành La Bích.
Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch khoảng năm Canh Tý (1720) an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Ghi nhớ công đức của Trần Thượng Xuyên, chúa Nguyễn đã ban danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong ông làm “Thượng đẳng thần”. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai - Gia Định, nhân dân hai nơi này đều lập đền thờ ông, khói hương không dứt.
Đình Tân Lân đã được Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ, ngày 25 - 3 - 1991.
Hàng năm, nhân dân lấy ngày ông mất làm ngày giỗ trọng. Ngày ấy, đình Tân Lân nghi ngút khói hương, dập dìu khách thập phương trong nghi lễ cổ truyền.
Nguyễn Tuyết Hồng

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.