Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng > Bài đăng > BẠN BIẾT GÌ VỀ NGHỆ THUẬT HÁT XẨM !
BẠN BIẾT GÌ VỀ NGHỆ THUẬT HÁT XẨM !

Nói đến hát Xẩm, ai đã từng nghe Xẩm một lần đều giữ lại ấn tượng sâu sắc, những lời ca, giai điệu Xẩm đi vào lòng người nghe rất xúc động. Hát Xẩm là loại hình nghệ thuật của những người mù lòa trước đây được nhân dân ta ưa thích. Sân khấu của họ không phải là rạp hát, khán phòng, sân đình mà là ở những nơi đông người qua lại như đầu chợ, gốc đa, bến đò.

Là môn nghệ thuật của những người khiếm thị nên mỗi một nhóm Xẩm gồm vài ba người và phải có ít nhất một người mù vừa đàn vừa hát chính. Trong điều kiện xã hội khi ấy, Xẩm là loại ca nhạc phổ biến lan truyền tốt nhất những tục ngữ dân gian qua những truyện cổ, truyện nôm hay cổ tích, thần thoại.

Xẩm hành nghề theo sinh hoạt thời vụ của đồng bào ở xã hội nông nghiệp. Ở một số tỉnh phía bắc, nghệ nhân tập hợp tổ chức nhau thành làng xẩm, hội Xẩm theo đơn vị tỉnh, thành. Đứng đầu các hội, làng có các Bô. Trực tiếp điều hành công việc của làng, hội là Trưởng nhất trông coi mọi việc chung. Làng Xẩm thường có khu đất riêng làm trụ sở, lấy chỗ họp thường kỳ: Như hội Xẩm ở Hà Nội có trụ sở tại bãi thuốc lá Yên Phụ; Hội Xẩm Hải Phòng ở đầu xóm Cầu Đá; làng Xẩm Bắc Giang ở Thùng Đấu;…

Về nguồn gốc, nghệ nhân Xẩm ở các làng hội đều truyền tụng cho nhau sự tích về vị Thánh sư họ Trần, Tổ nghề. Hàng năm xuân thu 2 lần, bà con làng Xẩm, hội Xẩm lại tập trung làm lễ giỗ Tổ vào hạ tuần tháng hai và hạ tuần tháng tám âm lịch. Theo các tài liệu nghiên cứu, hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Sau chiến tranh, các làn điệu Xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 Về nhạc cụ, trước nhất là cây đàn bầu. Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. Chồng bà Hà Thị Cầu- nghệ nhân Xẩm Nguyễn Văn Mậu là một "trùm phường” Xẩm chơi đàn bầu nổi tiếng thời trước ở vùng Ninh Bình. Theo thời gian, về cơ bản, một nhóm Xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Nhưng tùy vào hoàn cảnh, nhiều khi chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách đơn hay cặp sênh là đủ tiếng tơ đồng phụ họa. Khi trình diễn, bao giờ cũng có một người hát chính, những người còn lại chơi nhạc cụ đệm hoặc hát đỡ giọng khi cần..

Về loại hình, nghệ nhân tự đặt nghề hát Xẩm vào hạng trung ca cùng dạng với hát Chèo, và phân biệt hát Tuồng thuộc hạng võ ca, Ca trù thuộc hạng văn ca.

Về nội dung, các bài hát câu chuyện của xẩm khá phong phú tuy không được nhìn thấy cuộc sống trước mắt nhưng Xẩm tỏ ra rất thông cảm. Ngót 400 bài và truyện Xẩm thu thập được hầu hết là những sáng tác truyền miệng, biểu lộ phần nào tâm tư ước vọng của tầng lớp lao động, nông dân và thị dân, nói lên khá rõ ý thức của đa số người nghèo trước những biến thiên của xã hội đương thời. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời

Về cơ cấu nghệ thuật, hát Xẩm có một số nét đặc biệt. Bên cạnh sự độc đáo là do những người mù lòa thực hành sáng tạo, hát Xẩm nằm trong loại hình hát nói kể chuyện, giai điệu hình thành chủ yếu dựa theo ngữ điệu lời văn, nhiều tính tự sự. Đồng thời hát Xẩm đã mang ít nhiều yếu tố diễn xuất khi thể hiện. Hát Xẩm thường vận dụng tám điệu đó là: Xẩm chợ, Chênh bong, Riềng huê, Ba bực, Phồn huê, Hò bốn mùa, Hát ai và Thật ân. Nghệ nhân xẩm còn vận dụng những hát ví, trống quân, cò lả, quan họ, chèo, hoặc ngâm thơ cách điệu bồng mạc, sa mạc.

Lời ca hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng..., mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Tuy nhiên, những năm 70 của thế kỷ trước, do quan niệm sai lầm khi đánh đồng nghệ thuật hát Xẩm với những người hành khất nên hát Xẩm không được tôn vinh đúng như giá trị nghệ thuật của nó. Ngày nay, các nghệ sỹ đang có tâm huyết bảo tồn, phục dựng nghệ thuật hát Xẩm, trong đó có những người trẻ tuổi góp phần nhân rộng và mang lại sức sống cho loại hình nghệ thuật này. Ngày 26 tháng 11 năm 2011, Nhà hát chèo Ninh Bình ở xã Yên Phong (Yên Mô) - quê hương của  cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, đã tổ chức lễ khai trương công trình khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm nhằm sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền, dàn dựng chương trình hát Xẩm, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát Xẩm. Vào những ngày đầu năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc phối hợp với CLB Xẩm Hà Thành tổ chức đêm biểu diễn “Xẩm và Đời” với mong muốn sẽ tổ chức định kỳ hằng năm để Xẩm khẳng định lại vị trí tiêu biểu của mình trong dòng âm nhạc dân gian. Sự xuất hiện của Xẩm lần này mang dáng dấp “phố thị”, giúp công chúng thấy được sự phát triển của Xẩm trong đời sống hôm nay như thế nào.

 

 

 

Yên Yên

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.